Chuyện làng quê

Ông Khả có tài sản ước chừng gần bốn tỷ ở rìa thành phố. Khi đến tuổi ngoài 60. Vào tuổi này ông nghĩ mình còn có thể phấn đấu làm được gì nữa? May mắn thì đã may rồi còn cuộc đời không may mình cũng phải cam phận.
minh-hoa-1664514758.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Mấy chục năm ông định cư trên phố. Ở phố phường hầu như không có cái gọi là hàng xóm láng giềng, có chăng cũng chỉ là hình thức. Nhà nào biết nhà nấy, hàng ngày ra vào gặp nhau cũng không vồ vập chào hỏi. Bạn cà-phê ngồi cùng bàn với nhau hàng năm trời mà cũng không biết nhà riêng của nhau ở đâu, thậm chí bạn của bố mẹ có công chuyện vào nhà, các con cũng không hề quan tâm chào hỏi, gương mặt lạnh tanh…

Ông quyết định về sống ở miền quê. Ở quê có tình làng nghĩa xóm, tối lừa tắt đèn có nhau…Các cụ chả dạy thế là gì?

Toàn bộ tài sản ông chia cho các con hết, chỉ để lại cho riêng mình một ít…Đủ cho ông mua một miếng đất và xây hai gian nhà nhỏ khép kín…Nghĩ rằng: Cuối cuộc đời dù ông có hẳn một biệt thự cũng chỉ sống trong một gian nhà như thế là đủ, cho dù ông đã có hàng chục ha đất thì cuối cuộc đời ông cũng chỉ cần một mảnh vườn nhỏ, mọi xa hoa phù phiếm thu lại tối giản…

Về miền quê sống với không gian thoáng rộng, nhưng để thích ứng cũng không hề đơn giản.

Sẵn có mảnh vườn nhỏ, ông mua ba con gà ta về nuôi và một con mèo. Riêng con mèo không biết hoàn cảnh của nó thế nào mà một buổi sáng ông thấy nó còn bé tý khò khè nằm trước của…Chắc lại con mèo mẹ vô trách nhiệm, đem quẳng con trông nhờ ” Nơi cửa Phật”. Đành phải nuôi thôi.

Nuôi gà cũng phải có gì cho nó ăn. Ông Khả ở một mình có hàng núi thời gian, ông phải vẽ ra việc để cho mình luôn bận rộn, cho vui nơi thôn dã. Ông đi mót lúa về nuôi gà.

Một góc thửa ruộng máy gặt không quanh vào được, thành ra còn sót lại rất nhiều bông lúa nghiêng ngả. Đang mải nhặt nhạnh những bông lúa cho vào chiếc bao dứa, bỗng ông thấy một người phụ nữ trung tuổi, có lẽ đây là ruộng lúa của cô ta vì ông thấy chị vừa đi cũng vừa nhặt những bông lúa vương vãi quanh bờ. Ông chợt nghĩ có thể mình đã xâm phạm vào ruộng lúa của cô mà lại còn cắt lúa nữa chứ, không ổn rồi! Nghĩ vậy ông chủ động lên tiếng:

- Ruộng của nhà cô đây hả? Người phụ nữ nhìn ông tò mò hơn là quan tâm đến câu hỏi. Khi cô ta chưa trả lời ông Khả nói tiếp để chữa:

- Tôi đi mót lúa nuôi mấy con gà, thấy chỗ này sót nhiều không lỡ bỏ phí- Thấy người phụ nữ vẫn không nói gì ông nói tiếp: - Tôi cũng nhặt được một ít trong bao cô đem về nhà một thể, không phí của giời!

Cô ta nhìn ông chăm chú. Chắc có lẽ cô thấy làm lạ: - Một người đàn ông khỏe mạnh ăn nói lịch sự mà lại đi mót. Chắc có lẽ qua cử chỉ của ông Khả đã làm cho cô tin:

- Bác cứ nhặt nữa đi: - Vừa nói cô ta vừa cầm nắm lúa đã nhặt ven bờ nhét vào chiếc bao dứa của ông. Một hành động thiện chí còn hơn mọi lời nói - Người làng quê mà…

Mấy tháng sau ba con gà cứ thế lớn lên, bao thóc vơi dần. Khi thấy gà đã to lắm rồi, ông tính phải đem bán chứ để ăn thịt sao hết. Đã mấy lần ông đánh tiếng cho mấy bà hàng xóm và nói: - Tối đến nhà ông bắt bán cho: - Người ta lại tưởng ông Khả đùa! Ở một mình ai người phụ nữ lại dám đến nhà ông?

Thế là ông đành bắt đem ra chợ bán, sau khi hỏi ướm giá người ta. Ông xách hai con gà đi vòng quanh chợ không hề có ai hỏi mua cả, có khi họ tưởng gà ông vừa mua hay sao, và rồi ông cũng ngồi xuống cuối chợ ngơ ngác với hai con gà. Bỗng có một bà sà xuống xách thốc đôi gà lên vành mồm, thổi đít, nắn diều…Rổi tặc lưỡi kết luận: - Gà rù! Ông cãi:

- Gà nhà tôi vừa ở nhà bắt ra đây, sao mà rù được chứ? Mụ buôn chẳng thèm nói câu gì đi mất hút. Cuối cùng ông Khả đành xách hai con gà ra về. Đi đến ngang đường gặp một người quen khuyên: - Ông đem ra nơi cạnh cây xăng người ta hay đón thu mua gà lẻ. Ông lại phóng xe lên cây xăng. Mụ buôn lõi đời xách đôi gà trả giá rẹc rẹc…Cầm hai trăm năm mươi năm ngàn đồng về nhà ông thấy nhẹ người như qua một kỳ thi sát hạch…

Chuyện làng quê còn chưa hết. Còn lại một con gà mái cô đơn, mấy hôm sau cũng mất tiêu. Ông phát hiện, thì ra nó theo đàn gà hàng xóm đàn đúm rồi không về nhà. Buộc lòng ông phải sang nhà kế bên thương lượng. Vừa lúc có cả hai vợ chồng chủ nhà ngồi ở hè, ông lên tiến:

- Ông bà xem hộ, tôi có con gà mái tơ nó theo lẫn với đàn gà nhà ông bà. Vừa nghe rõ đầu đuôi câu chuyện, người vợ nhổm lên: - Gà nào? Ông cũng nuôi gà cơ à, gà của nhà tôi nhiều lắm không đếm xuể. Ông Khả năn nỉ nói: - Đấy con gà có cái lông trắng ở đuôi kia kìa: Vừa nói ông Khả vừa chỉ tay và đưa mắt nhìn người chồng để hy vọng tranh thủ sự đồng tình đàn ông với nhau. Vừa dứt lời không ngờ ông ta lại nói: - Con gà của nhà tôi cũng thế: Rồi ông ta nói tiếp: - Giống gà nó khôn ngoan lắm, ông cứ về nhà đi đến tối gà của nhà ai nó sẽ lên chuồng người ấy thôi mà. Ông Khả đuối lý đành ra về…

Còn lại một mình ông với con mèo lười, thôi thế cũng còn hơn. Nuôi nó cho vui cửa vui nhà. Mỗi khi về con mèo ở đâu chạy lại cọ cái đầu mềm như nhung vào bàn chân ông nũng nịu. Nó lười lắm, phải nói giống mèo là loại vật lười nhất hành tinh. Ông để ý, vì nhà con một thức ăn không thiếu, suốt ngày có đến 80% thời gian chỉ để cho nó ngủ. Nó lười đến mức quên chức năng thiên bẩm là bắt chuột. Có bận một chú chuột vừa chập tối đói ăn đã vào trong nhà, ông Khả đóng cửa lại săn đuổi, con mèo cũng không thèm hợp tác với ông. Đến khi ông bắt sống được chuột ý chừng để cho nó diễn tập. Khi ông vất con chuột đã bị buộc chân đem ra trước mặt con mèo, nó cũng chỉ lấy tay khều khều rồi bỏ đi…Chắc là loạn!

Một thời gian sau con mèo cũng bỏ ông mà đi nốt. Khi đã trưởng thành con mèo cũng phải đi tìm bạn. Nghe nói mèo cái gào đực cách xa 5 cây số mèo đực cũng biết mà tìm đến. Những ngày đi vắng nhà của nó, ban đầu thì hai ngày, rồi ba ngày. Mỗi lần về nhà nhìn nó tiều tụy vì đói ăn. Và những ngày sau cứ dài dần ra rồi mất hẳn… Ông Khả còn trơ lại một mình.

Cuộc đời ông vẫn phải sống bình thường, chả lẽ lại cứ buồn vì những việc vặt. Chuyện ở làng quê là như vậy còn có biết bao những câu chuyện dưới lũy tre làng. Bây giờ ông Khả không chăn nuôi bất cứ con vật gì nữa. Cũng hay, không bận bịu và không làm phiền tới ai. Thành ra ông sống nửa tỉnh nửa quê .

Chuyện Làng Quê