Chuyện ngày xưa

Rồi nàng ca, nàng hát cho tôi nghe những bài hát nàng thích. Tôi say sưa đàn cho nàng hát, nhưng tay vẫn không quên đưa từng ly rượu lên môi (lúc này tôi biết đàn rồi ).
chuyen-ngay-xua-1654049073.jpg

30/4/1975, Miền Nam giải phóng.

Tụi học sinh như tụi tôi thời đó đang e dè với nền giáo dục thời Cách mạng, bởi vì đổi thay cả một chế độ. Nhưng sau đó học sinh vẫn được vô học bình thường vì chuyện chiến tranh là của người lớn, còn chuyện học hành của học sinh thì chẳng thay đổi gì lớn ngoài cái tên lớp, tên Trường. Mới vô học là lớp 1, rồi dần lên tới 12, khỏi phải thất lục ngũ tứ lu bu... được cái là học sinh nữ khỏi cần thiết phải mặc áo dài nên lúc đó thời của áo bà ba lên ngôi, chỉ có tụi nam sinh là vẫn áo trắng đóng thùng, được cái là thùng trắng thùng đen, gì cũng được.

Năm đó tôi học lớp 12A. Ban văn sử địa của Thầy Nguyễn Toàn làm chủ nhiệm lớp, một người thầy được chuyển về trường Trung học Bình Minh trước 1975, cùng thời với thầy Toản, thầy Toán... quê thầy ở Hội An, một nơi xa lắc lơ mà tôi chưa từng biết.

Hiệu trưởng trường Trung học Bình Minh năm đó, là thầy Tuấn, hiệu phó là cô Biên. Thầy và cô đều là người Bắc mới chuyển về trường. Còn thầy Thu giám thị, lúc nào cũng rình rập tụi học sinh, để cho ra trước sân trường phạt và phạt, từ cấm túc tới chép phạt, mỗi lần vài ngàn câu: "Tôi hứa sẽ không tái phạm." thì không gặp thầy nữa.

Tôi đi học, chỉ chơi thân với vài người bạn, nhưng về nhà thì chỉ thân với thằng Mừng con Dì Tư Thơ, cách nhà tôi đúng 5 căn nhà. Đi đâu làm gì hai đứa cũng đi chung với nhau. Một hôm, tôi và nó để ý thấy có cô bé người miền Trung, vóc dáng dễ thương, xinh xắn, ăn mặc model, lâu lâu mới về Bình Minh quê ngoại của cô ấy ở xóm sau nhà của cô Tư Ấu thợ may, gần cái trụ sở Khóm 3 Cái Vồn, cũng gần sát cái bến đò qua Mỹ Hòa trước nhà cô Mụ Phấn. Tôi và thằng Mừng thỉnh thoảng găp cô bé ấy khi thì tết, khi thì nghỉ hè về thăm quê ngoại mà chng biết cô ấy con cái nhà ai. Tôi và thằng Mừng nghe tụi trong xóm nói nàng "Tiểu thư" ấy là nhà ở tận Phan Rang xa lắc.

Gần ngày tựu trường năm đó, thằng Mừng hào hển từ chợ chạy về gặp tôi cho hay: “Cô bé Miền trung của mày dọn đồ về luôn kìa, xe hàng đang chở đồ về đậu trước cửa nhà ông Hai Ngoán bên chợ ngang nhà chú Sáu Cam. Hai đứa tôi len lén đến nhìn thì ra gia đình cô tiểu thư hồi hương, đồ đạc chất đầy hai chiếc xe tải, hỏi thăm thì người ta cho biết gia đình cô ấy từ Phan Rang về hồi hương theo quê ngoại.

Ngày tựu trường, một bất ngờ là cô ấy lại thướt tha trong áo bà ba ôm cặp đi học ngang nhà mình mỗi ngày hai lượt đi, về.

Cô ấy học ở khối lớp 10 sau tôi hai lớp, nhỏ hơn tôi một tuổi (bằng tuổi với thằng Mừng) nhưng cùng học chung buổi sáng. Cô bé dáng nhỏ nhắn xinh xinh, mỗi ngày hai lượt đi về ngang trước nhà tôi. Ôi! thật tình trong lòng thằng con trai mới lớn, ngập ngừng chẳng biết phải nói làm sao cho ai biết tôi thích nàng con gái ấy, chuyện đó có lẽ chỉ tôi và thằng Mừng biết. Nhưng tìm hiểu cô bé tên gì thì hai thằng tôi chẳng thằng nào biết, chỉ có điều là nàng ăn mặc rất khác bọn con gái trong xóm. Chẳng trách sau đó tụi trong xóm đặt cô bé biệt danh là "Nữ hoàng của khóm 3".

Một sáng chủ nhật, thằng Út Điệu là thằng bạn học chung lớp cùng vài thằng bạn khác ôm cây guitar ngang nhà khoe là tụi nó đi đám giỗ ở nhà chú Tư Hoe trong Rạch vồn, tôi can:

- Trời ơi mấy thằng bây khùng hả? nhà chú Tư theo đạo Hòa Hảo, đâu có thích đàn ca gì đâu, mà tụi bay mang đàn vô đó. Chú Tư ổng khó lắm, coi chừng ổng xách chổi rượt mấy thằng bây chạy không kịp.

Cả đám nghe vậy hốt hoảng, gởi cây đàn lại cho tôi giữ giùm. Tôi chỉ nói chơi vậy mà tụi nó tin là thiệt.

Tò mò vì không biết cây guitar nó đàn làm sao cho ra tiếng? Vừa cầm lên đàn đại vài chữ coi nó ra mần sao? Nhớ có lần lên Sài gòn gặp anh Bé con dì Năm Dành, anh thường hay đánh guitar, anh chỉ tôi cầm cây đàn lên phải ngồi kiểu vắt chân chữ ngũ mới giống phong cách của nhạc sĩ. Lúc đang tạo dáng ngồi, thì cô bé Nữ hoàng của tôi đi ngang nhà, cô khẽ liếc nhìn tôi hình như miệng cô nhoẻn nụ cười.

Một lúc sau, cô bé trở lại đứng trước cổng nhà nhìn tôi rồi cô gọi cho tôi với cái giọng hơi cứng của người miền Trung:

- Anh ơi! Cho em hỏi thăm tý.

Bất ngờ tôi hỏi:

- Chuyện gì vậy em?

Cô bé lí nhí:

- Em mới về học chung trường với anh. Em học lớp 10 D1, nhỏ hơn anh hai lớp, em thích hát lắm nhưng không quen biết ai đệm đàn cho em hát. Em tính ngày 20/11 em tập bài hát này anh có thể tập giùm em không?

Bất ngờ, khi cô bé là người mình đang thầm mơ có dịp nào được quen cô bé, ấy bây giờ cô ấy chủ động tìm mình đàn cho cô ấy hát trong khi tay mình đang cầm cây đàn guitar chẳng lẽ mình nói với nàng là:

- Em ơi! Tôi chẳng biết đàn.

Mà sao mà cô bé biết mình trên cô hai lớp nhỉ?

Tôi nhớ... À thì ra có lần làm lao động, đào cái mương phía sau trường lớp tôi và lớp cô ấy cùng chung tổ lao động.

Tôi hứa đại:

- Em cứ để bài hát ở đây hôm nào anh rảnh anh xem rồi sẽ đàn cho em hát.

Cô bé lí nhí nói cảm ơn và cho biết mình tên của một loài hoa của mùa xuân. Ngay chiều hôm đó, tôi và thằng Mừng cầm bài hát lại nhà anh Sáu Hòa gần xóm (anh Sáu Hòa lớn hơn tôi vài tuổi nhưng trong xóm chỉ có anh và anh Mười Công biết đàn guitar. Anh Mười Công còn là tay guitar bass của ban nhạc Tâm lý chiến của Quận Bình Minh ngày xưa). Anh Sáu Hòa nghe thằng Mừng nói tôi muốn xin anh học đàn, anh vừa nói vừa cười:

- Mày tối ngày đi đánh lộn, đi đá banh. Tánh tình hiếu động, đâu có thể cầm cây guitar được. Muốn chơi guitar phải có phong cách lãng mạn của người nghệ sỹ. Mày thì tánh tình lóc chóc học đàn sao được mà học.

Thằng Mừng nó cố bào chữa:

- Anh ráng giúp nó. Con nhỏ người nó để ý, tưởng nó biết đàn nên nhờ nó tập đàn cho con nhỏ nó hát. Anh không giúp nó thì nó sẽ ở giá giống anh luôn.

Khi biết chuyện tôi xin học đàn, vì lỡ hứa xạo với cô bé mới quen. Anh Sáu Hòa hứa sẽ dạy đàn cho tôi nhưng chỉ một bài duy nhất này thôi. Tất nhiên tôi đồng ý vì không còn cách nào khác.

Xem bài hát "Sư phụ" tôi nói:

- Bài này chơi tone rê thứ điệu Balade chỉ cần học vài hợp âm đơn giản như vầy là mày có thể đàn được bài này.

Từ đó rảnh là lại nhà "Sư phụ" tập (vì sư phụ có cây đàn) tập miệt mài hơn một tháng đã đàn được bài hát theo yêu cầu, tôi mới chủ động mời nàng lại nhà đàn cho nàng hát (dĩ nhiên là khi cô bé lại nhà, thằng Mừng có nhiệm vụ tới nhà sư phụ mượn cây guitar về cho tôi). Vừa hiên ngang rao lên mấy câu, nàng nhìn bản nhạc ngập ngừng rồi nói nhỏ:

- Anh ơi! Mấy đứa bạn em góp ý là bài này buồn quá không hợp với ngày 20/11 nên em muốn tập bài khác.

Trời ạ... tôi chỉ biết một bài duy nhất, bây giờ mà nàng đổi bài thì tôi chịu thua và định thú nhận với nàng là mình chẵng biết đàn gì ráo. Nhưng lúc đó Mẹ tôi trong nhà bước ra kêu:

- Con qua chợ ghé nhà thuốc Tam Hòa Đường mua giùm hộp thuốc Thái Điền (Thuốc đau bao tử mẹ thường uống).

Thế là Mẹ vô tình cứu tôi một bàn thua, tôi vội nói với nàng:

- Thôi em về đi, anh phải mua thuốc cho mẹ anh rồi.

Vậy là hôm đó lại nhà "Sư phụ" năn nỉ xin học tiếp một bài nữa nhưng "Sư phụ" không đồng ý. Tôi và thằng Mừng tìm đến người thầy thứ hai là anh Mười Công. Anh cũng nhận lời với một điều kiện: Tao chỉ dạy mày một bài thôi nhé... (Hai người sư phụ này chắc học chung một thầy).

Bài này đánh tone La thứ tiết tấu vui hơn, nên tập chừng một tháng là cũng xong, nhưng vị "Sư phụ" thứ hai thì thích nhậu lai rai, nên mỗi buổi học phải mang theo một lít rượu đế.

Lần gặp sau, nàng lại đổi bài khác, nàng vô tư thích ca bài này bài nọ, bài nào nàng cũng thích. Tôi thì chẳng biết bài nào ngoài hai bài mới học. Lúc đó mẹ tôi đau ngày càng nặng hơn, thuốc Thái Điền là thuốc duy nhất giúp cho bà giảm cơn đau bao tử. Mẹ thèm uống sữa, nhưng chợ Bình Minh làm gì có ai bán sữa, thời buổi đầu giải phóng. Mỗi lần ghé nhà, cô bé đều mua cho mẹ vài hộp sữa, vài hủ thuốc Thái Điền. Nàng cho biết phải qua tận Cần Thơ mua mới có (Nhà nàng có chiếc tàu đò chạy tuyến Bình Minh - Cần thơ) nhờ vậy cũng là lý do hợp lý để né tránh cô bé, vì Mẹ đau thì vui gì mà đàn với ca hát.

Hai đứa bắt đầu hẹn hò đi Cần Thơ xem phim. Đi đâu cũng chờ đi chung, mỗi sáng học cùng buổi, là nàng đứng trước cổng nhà chờ đi học chung, khi về dù đứa nào có về trước dù mấy tiết học cũng phải đợi chờ nhau. Nàng viết cuốn tập tựa đề "Nhật ký chúng mình", mỗi đứa giữ một ngày, làm chuyện gì, nghĩ gì phải ghi vào cho rõ ràng, hai đứa chúng tôi dần dần gần như là một. Một ngày không gặp nàng thì thấy nó sao đó...

Thằng Mừng nói:

- Mày biết yêu rồi. Mà tao thấy nó cũng có vẻ yêu mày.

Nghe nó nói vậy tôi hay vậy, chứ lúc đó có biết Yêu là cái gì đâu.

Nàng có hai người Anh cũng mang tên một loài hoa, người anh thứ hai lại là bạn thân của người anh thứ tư của tôi. Còn người Anh thứ ba của nàng thì lúc nào cũng chỉn chu áo đóng trong thùng. Anh có chiếc xe Suzuki, mà xe đó thì tôi làm sao biết chạy! Nàng có một cô em gái cũng là tên của một loài hoa tết miền Bắc. Cô bé thì ít nói, tánh tình thì kín đáo hơn chị mình. Nàng cũng có một thằng em trai nhỏ, hiền hậu dễ thương tên nó trùng với tên một ca sỹ nổi tiếng thời bây giờ (Buồn khi mới hay tin em nó đã mất) Hai bên gia đình đều biết chuyện của hai đứa tôi, tuy lúc đó so hai bên thì bên nàng hơn bên gia đình tôi đủ thứ..

Một hôm, vừa về đến nhà tôi bất ngờ khi thấy hai người mẹ gặp nhau. Mẹ của nàng nói với mẹ tôi:

- Hai đứa nhỏ thương nhau nên tôi đến tìm chị bàn chuyện cho hai đứa nhỏ. Tôi biết chị đang bệnh hoạn khó khăn nhưng chị đừng ngại, tôi thương con gái tôi, tôi sẽ lo hết, khi nghỉ hè gia đình chị cứ tới, khi tụi nhỏ làm đám cưới xong tôi sẽ cho tụi nó chiếc tàu đò, để hai đứa có điều kiện để báo hiếu cho chị.

Tôi núp trong buồng nghe hai người mẹ nói chuyện với nhau tôi cũng vui, vì mình sẽ đạt được ý nguyện của mình, có vợ là người con gái mình từng mơ ước.

Khi nghe tôi kể, thằng Mừng nó cũng mừng cho tôi, nó nói vui:

- Mai mốt tao có đi Cần thơ chơi, mày cho tao quá giang nghen.

Khi nàng biết hai người mẹ đã đồng ý bàn chuyện hôn nhân, nàng mừng lắm, một hôm người chị dâu thứ hai đến tìm tôi chị nói:

- Em nó nhờ chị giao cho em chiếc nhẫn này. Nó ngại nên nhờ chị mang cho em. Nhớ đeo thử vừa tay tay không thì cho nó hay.

Chiếc nhn 5 phân vàng 24, thay cho lời đính ước nàng tạo sẵn cho tôi và hôm sau gặp nàng trên tay nàng cũng có một chiếc.

Nhưng đời không như là mơ. Vừa học xong lớp 12 vài tháng sau mẹ tôi chết vì bệnh bao tử. Nàng là người vẫn theo sát bên tôi những ngày tang thương đó...

Sau đó hai đứa ít gặp nhau hơn, khi ông anh tôi bán luôn căn nhà kỷ niệm ở xóm Lò Heo, vợ chồng anh kéo nhau về quê vợ của anh tận An Giang sinh sống...

Chuyện cưới xin chẳng còn ai nhắc đến. Tôi bỗng nhiên trở thành một kẻ vô gia cư, ăn nhờ ở đậu ở nhà những người bạn, chỉ còn thằng Mừng nó nói như nó cố an ủi tôi:

- Mày bây giờ như vầy thì ai dám gả con cho mày.

Tôi nhảy vô đoàn văn công Thị trấn Cái Vồn. Chưa biết hát thì vô đội múa. Ai chỉ gì mần nấy, mỗi tháng được 13 ký gạo đổi rượu uống. Tắm rửa thay đồ về nhà thằng Mừng. Tối thì chen vô ngủ với mấy thằng làm heo ngoài đầu cầu, muỗi cắn riết rồi cũng quen. Chỉ khổ cái là tụi làm heo mền gối hôi rình.

Một lần đoàn Văn công về hát phục vụ trước sân nhà nàng, ngay trụ sở của khóm 3 Thị trấn Cái Vồn sát nhà cô Mụ Phấn. Trước sân nhà của nàng, muốn tránh cũng không tránh được, nàng ra xem tôi đàn, xem tôi hát. Xong buổi diễn, ban Khóm đãi nồi cháo khuya (nồi cháo do nhà nàng tài trợ) nàng ngồi kế bên tôi nàng khen:

- Em quen anh 4 năm rồi, tới hôm nay không ngờ anh lại đàn hay tới như vậy... lúc này cuộc sống anh ra sao rồi? anh ở đâu?

Nàng hỏi dồn dập làm tôi không kịp trả lời. Khi phát hiện trên tay tôi không còn đeo nhẩn nàng hỏi:

- Nó đâu rồi anh?

Tôi nghẹn họng không biết trả lời sao... chưa kịp tìm cách nào cho nàng hiểu, những tháng ngày qua tôi khó khăn biết chừng nào, đói khổ không cơm ăn thì làm sao giữ được kỷ vật tình yêu? (đó là điều tôi ray rứt mãi tới bây giờ).

Nàng nói nhỏ:

- Vậy cũng tốt mà anh...

Rồi nàng ca, nàng hát cho tôi nghe những bài hát nàng thích. Tôi say sưa đàn cho nàng hát, nhưng tay vẫn không quên đưa từng ly rượu lên môi (lúc này tôi biết đàn rồi ).Thằng Mừng làm thinh, vẫn im lìm rót rượu cho tôi. Chắc nó cũng linh cảm có một chuyện gì không may sẽ xảy ra cho cuộc đời tôi.

Xong buổi tiệc nàng nhỏ nhẹ nói:

- Còn 16 ngày nữa là ngày em lấy chồng. Mong ước của em là đêm xuất giá anh đến vui với em. Anh sẽ đàn cho em hát như hôm nay được không anh?

Tôi đứng dậy đi về, lấy cớ vì đã say không kịp trả lời nàng. Tôi khoác vai thằng Mừng đi tuốt. Lúc đó thằng Mừng nó mới buồn buồn nói:

- Mày đi hoài nên mày không hay chứ tại nghe nói má nó hứa gả cho người ta rồi. Gia đình bên chồng gia giáo giàu có, chứ ai như mày. Tao không cho mày hay vì sợ mày buồn thôi.

Sau hôm đó, tôi bỏ qua nhà người anh bà con ở Phong Điền một tháng, cho nàng yên tâm đi lấy chồng. Đám cưới nàng chắc là vui lắm. Ngày nàng xuất giá thằng Mừng đứng nhìn đám cưới chắc nó cũng buồn cho tôi. Đến năm 1981, gia đình nhỏ của nàng đi vượt biên, một năm sau tôi cũng ôm đàn bỏ xứ đi xa lắc...

(Có nhiều thứ tôi nhớ sai. Có nhiều thứ tôi không tiện viết. Nhưng "nàng" ơi! Cảm ơn "nàng" đã cho tôi một tình yêu không thể quên và cũng nhờ yêu nàng mà tôi biết yêu đàn. Một thứ duy nhất mà tôi biết kiếm ra tiền nuôi thân, nuôi gia đình, nuôi những đứa con khôn lớn...)

Chuyện làng quê