Chuyện sắn

Tết nhất dịch giã chả dám đi đâu, suốt ngày khổ vì cỗ bàn, ăn uống . Nhân lúc trà dư tửu hậu, có người hỏi : ở Học viện PK ông nhớ nhất chuyện gì? Tự nhiên mọc ngay ra chuyện: Sắn!!!

Ấy là vào những năm 79, 80 chưa chia tách, vẫn gọi là "Trường sỹ quan PK". Mọi thứ thiếu thốn, cơm chẳng đủ ăn, đói khủng khiếp.

  Tất cả các quả đồi Cầy, Cáo, chỗ nào đất hở ra là trồng sắn chống đói. Trên là trời dưới là sắn. Bộ đội sáng sắn luộc, trưa cơm độn sắn, canh sắn, lá sắn xào. Ngày này qua ngày khác toàn sắn.

 Hồi đó cụ Dương Hán lại còn cho triển khai hệ thống " Bếp cơ khí" ăn tập trung. Các khoa giáo viên đến giờ ăn cơm phải sắp hàng đi đều, hát bài " Tiến bước dưới Quân kỳ", câu được câu mất bập bà bập bõm, đi đều như kiểu " chân buộc lạt, chân không buộc lạt".  Bữa trưa hè trời nắng như đổ lửa cũng " vừng đông đã hửng sáng", chiều đông mưa dầm gió bấc tối om om cũng " vừng đông đã hửng sáng ". Cơm độn sắn cũng " hửng sáng", canh lá sắn cũng" hửng sáng". Tất tật " hửng sáng"!!!

chuyen-san-1644018835.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

 

Cánh nghiện ngập mới khổ, thuốc lá cuốn có đến 1/3 là lá sắn khô, hút như chưa hút. Mình đi dậy cho bọn Plestin, giờ giải lao thầy vê thuốc lá sắn, bọn học viên toàn 3 số dẹt. Mẹ cái quân rậm râu, chả biết " bán tự vi sư " là gì!!!

  Trường còn có hẳn một trại tăng gia trong xóm Chóng, cách khoảng 7,8 km, nỗi kinh hoàng của cán bộ, giáo viên, học viên.

  Trên đồi trồng sắn, dưới thung lũng cấy lúa, một trại lợn, một trại trâu bò. Hàng năm mỗi đơn vị có số ngày lao động bắt buộc tham gia sản xuất.

  Một lần vào đầu năm đến phiên bộ môn " Máy chỉ huy" đi lao động, đại uý Vũ Viết Vi trường môn dẫn đầu. Đoàn giáo viên gặp chủ trại là thiếu tá Đen. Ông Đen nheo mắt khinh khi như nhìn lũ cải tạo, lững thững dẫn đoàn ra hiện trường giao việc. Ông chỉ xuống ruộng lúa phán: làm cỏ , xong cắp đít về.

 Trường môn Vi gương mẫu xắn quần lội xuống. Phọp, bùn lút ngang lưng. Ối ối, hai tay chới với cầu cứu.

  Lôi được ông Vi run lập cập vì rét, cả bộ môn ngao ngán, vào gặp sếp Đen đổi việc.

  Ông thiếu tá dẫn ra khu trồng sắn, chỉ vạt đồi ra lệnh: các anh đi nhặt đá trên mặt ruộng gom lại. Ôi trời, nhìn những cục đá to nhỏ rải rác trên sườn đồi mênh mông thế kia nhặt đến bao giờ mới hết! Cả đội lại xin đổi việc khác. Ông Đen lườm lườm dẫn bộ môn đến trại bò, chỉ vào chuồng nói: các anh dọn sạch phân cho xuống hố. Chuồng nuôi độ 30 con cả bò lẫn trâu, phân và cỏ rác ngập ngụa ngang bắp chân, hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng hàng đàn. Khủng khiếp quá, cả bọn nhìn nhau lắc đầu, sếp Đen nhếch mép cười, nụ cười rất đểu.

  Bất ngờ ông Đen nhớ ra rồi à lên một tiếng: Các anh có biết sửa máy phát điện không? Tuần trước mưa dột hỏng mẹ nó cái máy, mất điện cả tuần bí quá.

  Ông Vi nhìn mình cầu cứu, mình đã sửa máy phát điện bao giờ đâu.  Cả bộ môn ngó mình như vị cứu tinh. Mình liều ừ bừa giải nguy, theo ông Đen đi khám bệnh cho máy.

  Về khoa mình phóng lên thư viện mượn tài liệu. Lạy giời phù hộ, có sách nghiên cứu, sau 5 ngày bộ điều chỉnh điện áp được khắc phục, cái AD 5 lại phành phạch phát ra điện, thoát một trận dọn phân cho cả bộ môn, cũng là dịp làm thân với sếp Đen, phòng sau này phải đi lao động.

   Ông Đen chuyển về làm trưởng trạm T28, nhà khách của trường. Quen thói tăng gia sản xuất , lão tếu táo gọi đây là "trạm giống", rất chi " phồn thực".

  Một hôm ra thăm đồng chí Ngật có vợ quê Thanh Hoá lên chơi. Sếp Đen cười cười vẫy mình vào phòng chỉ huy uống trà. Mình tò mò hỏi chuyện " trạm giống". Ông  Đen đảo mắt thì thào, chú biết không, suốt đêm từ các phòng phát ra đủ thứ âm thanh, chỗ thì hừ hừ, ư ử, chỗ thì i a, i a, có chỗ như tiếng chày giã gạo. Kinh nhất là phòng của các cặp đôi trẻ, rú rít như máy bay phản lực, khiếp lắm !!!

   Mình: Thế ở nhà ông không kêu à? Ông Đen: Có nhưng chỉ è è thôi.

 Hi hi, ông là dân hậu cần thì máy bay "bà già"" nhà ông chỉ kêu được thế thôi. Đây là trường sỹ quan Phòng không, toàn bắn cường kích, tiêm kích. Khi máy bay rít lên thảm thiết là lấy độ cao chuẩn bị bổ nhào ném bom, lúc này đường bay ổn định nhất. Các Sếp đại đội hô " Bắng, bắng". Ông Đen chen ngang: "bắn" chứ sao "bắng"! Cái ông này, thời cơ có mấy giây, bom nó sắp ụp vào đầu, "tầu bay" rít như thế sao chả cuống cuồng, hô "bắng"còn là may chứ có đ/c chỉ há hốc mồm, ú ú ớ ớ rồi rũ xuống như tầu lá héo!!!

 Bỗng sếp Đen làm mặt quan trọng, tôi kể chuyện này, trần đời có một.

 Ông bắn bi thuốc lào, nhấp ngụm chè bồm, nhổ bã phì phì  khề khà kể: Đêm hôm ấy mưa, sau khi tắt máy phát điện, trời sáng lờ mờ, tôi đi kiểm tra một lượt các dãy nhà khách. Đến dãy nhà ngang, tự nhiên nghe tiếng cười khúc khích, một giọng nữ nũng nịu : ứ, anh bế em cơ. Cửa một phòng bật mở, từ trong nhà bước ra một ông cởi trần, mặc quần đùi "bà bô" bưng khệ nệ trên tay một bà gần như nuy. Ra mép hiên cạnh gốc mít, đồng chí nam bế " bà nuy" ngồi xuống. Lại khúc khích, õng ẹo: xi em đi... Xì...xì..ì..ì. Lại khúc khích , xì....xì....tè đi .... Một dòng nước áp suất lớn phóng thẳng vào chùm quả mít phát ra tiếng rột..rột.. rồ rồ như tháo cống. Ông Đen nép sát tường môi mím chặt, cố kìm nén tiếng cười mà suýt tắc thở. Đợi màn xi đái kết thúc, đôi uyên ương vào phòng. Ông Đen lắc đầu quay về, ông sợ đi kiểm tra tiếp lại gặp những " vụ" tương tự thì tim ông vỡ mất.

Chuyện đói kéo dài đến khi tách trường. Về bên nhà Bằng rồi mà cái đói vẫn lẵng nhẵng bám theo.

  Ở trường Pháo, sắn mọc tràn lan. Cái giống sắn sao dễ trồng trên đất Sơn Tây. Đến mùa chỉ cần bó hom khô quắt, cài lên luống, chả chăm bón gì mà cứ lớn như thổi. Cả một vạt đồi sau khoa Thể thao kéo dài xuống Bệnh xá sắn mọc như rừng. Đến mùa thu hoạch bẻ ngọn là có thể bảo quản tại ruộng mấy tháng .

  Bộ đội vẫn phải ăn cơm độn sắn. Vẫn canh sắn, lá sắn muối chua nhưng may đi xuống bếp không còn phải dậm chân và gân cổ gào " vừng đông đã hửng sáng" nữa.

                           *  *  *

   Những năm vất vả rồi cũng qua. Sau mấy chục năm vật đồi sao dời, những vạt đồi trồng sắn năm xưa nhà cao tầng mọc lên san sát.

Học viện Hậu cần, trường Chó ( Trinh sát) như khu đô thị. Xóm Chóng đã thành điểm du lịch sinh thái với các Homstay và các nhà hàng hút khách thập phương. Các món chế biến từ sắn lại là đặc sản.

  Về thăm Sơn Tây, qua Tùng Thiện tìm lại nhà Bằng, xới tìm kỉ niệm. Không còn chút vết tích của những năm đói cơm thừa sắn. Nhà hàng, Resort, các trung tâm thương mại, cửa hàng dịch vụ mọc như nấm. Con đường đất đỏ năm xưa giờ trải nhựa thênh thang mang tên DT416. Cây cầu Rù huyền thoại đã đổi thành cầu Kim Sơn ( núi vàng) từ lâu. Cái nhà Bằng khổng lồ bị khuỵu mấy chân do du kích chất rơm đốt phá thời tiêu thổ kháng chiến chống Pháp nay bị những quán phở, quán lẩu, bia hơi, thịt trâu che khuất. Giống tình trạng hầm Đờ Cát-xtơ-ri Điện Biên bị lọt thỏm trong lớp lớp nhà ở và hàng quán! Những chứng tích chiến tranh dần lui vào dĩ vãng.

  Tuy vậy, ven đường, xen giữa phồn thịnh vẫn thấp thoáng vài vạt sắn xanh mướt, những cành lá như bàn tay xoè vẫy gọi, gợi nhớ một thời "  hửng sáng vừng đông".

Ghi nhớ những năm sắn là cứu cánh trong lúc đất nước gian nan sau chiến tranh chống Mỹ rồi lại chống quân bành trướng Trung Quốc. Giầu có từ khó khăn, thịnh vượng từ gian khó. Đủ đầy từ nghèo đói, xin ghi nhớ một điều " được mùa chớ phụ ngô khoai".

   Với con người, dù có làm tướng, làm tá. Dù có lên ông này bà nọ, dù đã nghỉ hưu chân chậm, mắt mờ cũng đừng quên những lúc "chia củ sắn lùi ", đồng cam cộng     khổ.

 Đầu xuân, năm mới xin chúc anh chị em trường Pháo, sức khoẻ dồi dào, ấm tình đồng đội và- mãi mãi yêu thương .

Theo Chuyện làng quê