Chuyện tâm linh: Ma trâu trở lại

Vào khoảng những năm 196... của thế kỷ trước, không hiểu vì sao mà dân làng tôi lại tập trung ra dỡ phá chùa làng, một quần thể tâm linh cổ kính mà bây giờ có thật nhiều tiền cũng không làm lại được. Hồi ấy nghe nói là thực hiện cuộc Cách mạng văn hóa gì đó, lúc ấy tôi còn nhỏ, loáng thoáng nhớ lại một số sự việc diễn ra trong suốt thời gian thực hiện phá Chùa làng.
244353588-2936177283310390-897733337933264037-n-1633947284.jpg
Ảnh sưu tầm

Gọi là Chùa làng nhưng thực tế có 3 ngôi gồm: Phủ, Miếu và Chùa, tất cả đều quay hướng Nam và nằm so le trên một khu đất rộng, một bên có vườn trồng hoa cây cảnh được gọi là Vườn Chùa. Ngôi Phủ nằm trên cùng quay ra cánh đồng Phú Chử, rộng mênh mông đến tận đê sông Hồng, có hai cột trụ hình vuông và đặc biệt cột trụ bên phải được xây rỗng, phía dưới để ô trống dùng để thiêu hóa tiền vàng, khói được thoát ra qua miệng một con "Nghê" ở trên, mỗi dịp tuần rằm gặp khi đốt tờ tiền thì lũ Dơi bay ra loạn xạ từ miệng con Nghê đó. Trong Phủ chỉ có một bàn thờ được che tấm mành. Ngôi Miếu nằm sau cao hơn, có 3 bậc chạy dài, phía trong có một bàn thờ khá to, nhiều bức Đại tự, Hoành phi, Câu đối và nhiều loại binh khí như: đao, kiếm, chùy và nhiều thứ khác tôi không nhớ hết (!). Ngôi Chùa: nằm cuối cùng, phía trước sân ở chính giữa là một con Rùa bằng đá xanh quay đầu chầu vào, bên cạnh có cây mít to cỡ phải gần 2 vòng tay ôm mới xuể, trong một bài thơ viết về Chùa làng, tôi nhớ có mấy câu thế này:

Về đây ta lại gặp mình

Có nhau trong buổi hội Đình xôn xao,

Đêm trăng tập vượt bờ rào

Nắng trưa đi bắt cào cào nuôi chim

Kiếm nhau bên rặng bìm bìm

Bìm thưa không thấy, biết tìm nơi đâu ?

Cạnh Chùa xanh rặng cây ngâu

Cuộn tròn lá mít làm trâu đi cày.

Hai bên giáp cửa Chùa là 2 con Sấu bằng đá trông như hai con Ngựa đứng chầu vào. Trong Chùa có rất nhiều tượng, cách sắp xếp như ở các Chùa mà tôi đã từng tham quan, thứ tự từ thấp và cao dần, trên cùng là những pho tượng đồng hai tai to, mắt nhắm nghiền. Đặc biệt là các pho tượng nhỏ được xếp vào một khu bao gồm thày trò Đường Tăng trông giống y hệt các nhân vật trong Tây Du Ký trong phim của Trung Quốc gần đây! Thích nhất là tượng Tôn Ngộ Không mà chúng tôi thường đem ra nền Chùa ngắm chơi rồi lại trả vào chỗ cũ... Chùa không có Sư cũng không có tiểu, chỉ có một người tên là cụ Ngạch (là thày cúng) hương nhang tuần rằm, thi thoảng thấy cụ quét phẩy trên các bệ thờ hoặc các pho tượng, còn lại thường bỏ xoài, ít người quan tâm, chỉ làm nơi nô nghịch của trẻ con trong làng, tôi đã chứng kiến có lần một người hơn tuổi tôi trèo hẳn lên cổ một pho Tượng phía ngoài cùng bên phải như kiệu người, sau đó anh ta còn dùng tay nhổ ria mép của Tượng và cười thích thú (!). (Sau này anh hy sinh ở chiến trường B, là Liệt sỹ).

Hôm rước Tượng chuyển lên chùa Nước (một ngôi chùa nhỏ ngoài làng, cách khoảng 1km) vào một buổi tối, dân làng đông lắm, lũ trẻ con chúng tôi chạy lăng xăng thích thú, đi đầu là đội trống ngũ lôi gõ nhịp theo kiểu đám tang, sau đó là thanh niên hoặc những người khỏe mạnh khiêng, vác các pho Tượng rồi đến nhân dân đi sau cùng, có nhiều bó đuốc được đốt lên ngang đường, khói và tàn tro mù mịt... Một thanh niên khi đang kiệu pho Tượng trên vai vừa đi vừa quay tròn nô đùa, chẳng may pho Tượng bị quăng xuống đất, tay Tượng bật văng ra ngoài, mọi người phải xúm lại lắp sửa (Sau này anh hy sinh ở chiến trường C, là Liệt sỹ). Hôm sau được biết: Người ta chỉ để lại một số Tượng, còn thì hỏa thiêu hết, gom tro vào một khu và xây quây thành những chiếc hình tháp có mái cong lưu lại đến giờ, hiện đang nằm trong khuôn viên chùa Ứng Linh mới xây dựng của làng. Thời gian phá đến bệ thờ tôi thường có mặt ở đó, nhớ một lần tôi trèo lên các bệ bị phủ dày bụi và vẩn rác, phát hiện rất nhiều tiền cổ, to nhỏ đủ cả nằm lẫn với bụi bặm, lúc bấy giờ tôi chỉ biết tên đồng Cộ, đồng Xinh Căng và đồng Xu Đồng có lỗ vuông và 4 chữ nho ở 4 góc, được một gói to rất nặng, sau đem cho cụ nhà bên làm nghề hàn xoong nồi mà quê tôi gọi là nghề "đồng nát", nhưng điều lạ nhất là khi san phá nền Chùa, mọi người phát hiện một chiếc hang tròn bằng quả bưởi, nhẵn thín, trong hang là một con ốc nhồi khá to, vỏ và miệng rất dày, còn sống, ngay chính giữa nền Chùa, có người đoán là do các cụ "yểm" ngày xưa, có ý kiến cho rằng: do trận vỡ đê năm 1945, nhưng dù gì chăng nữa thì với thời gian dài như vậy, con ốc đó ăn gì để duy trì sự sống trong một cái hang nho nhỏ, nhẵn nhụi lại nằm khô khan giữa nền Chùa như vậy, thắc mắc này đến nay chưa giải thích được.

Thời kỳ này, phong trào HTX nông nghiệp phát triển theo quy mô lớn, công việc làm chung theo điều hành của ông đội trưởng, hằng ngày dựa theo tiếng mõ hoặc tiếng trống là tín hiệu chính cho giờ đi làm, giờ đi họp hoặc giờ đến sân kho lấy thóc chia theo công điểm. Thế là một phần của đất Chùa biến thành chiếc sân kho rộng mênh mông, sân kho này là của cả làng, chủ yếu tụ tập vào các ngày như Tết Trung thu cho các cháu, các buổi biểu diễn văn nghệ "cây nhà lá vườn" , đội sản xuất của tôi do ở gần nên rất thuận lợi trong việc thu hoạch mùa màng và chia chách sản phẩm... Thế rồi, một chương trình mới diễn ra, đội sản xuất chúng tôi cùng với đội liền kề chung nhau dựng một dãy chuồng nuôi trâu chạy dài kề với sân kho, chuồng nuôi lợp rạ, đắp tường đất, có khoảng trên chục con trâu (không có bò). Việc chăn nuôi chia phen cho từng hộ, nay hộ này thì mai đến lượt hộ khác. Thời kỳ không trúng thời vụ thì phải chăn dắt ngoài đồng hoặc bờ đê, nếu rơi vào vụ cày bừa thì sáng sớm phải gánh cỏ cho trâu ăn, các ông canh điền nghe tiếng mõ báo giờ thì chỉ việc đến dắt trâu đi làm. Khu vực chuồng trâu gần sát sân kho, một ngày nhiều lượt dong đi dong về lại gặp mưa nắng thường xuyên nên ô nhiễm nặng, cha chung không ai khóc, phân trâu quyện lẫn nước đái trâu bốc mùi ra khắp khu vực, cửa chuồng chạy dài luôn đọng nước từng vũng hoặc sền sệt, cỏ dại đua nhau mọc lên, sợ nhất là đỉa, những con đỉa to như ngón tay ngo ngoe cái đầu nhọn cùng những con đỉa con lúc nhúc từng quầng trong vũng nước, mùi hôi thối nồng nặc. Ruồi nhặng sinh sôi nảy nở, bay lượn ào ào, thật kinh tởm... Và thời gian trôi đi...

Vào buổi sáng hôm ấy, có tin phải giết thịt 3 con trâu bị ốm, tôi chạy luôn ra hóng xem, có 2 con nằm nghiêng, chân sưng to, móng chân chảy mủ, ruồi nhặng bâu đầy, cả hai con mắt đỏ hoe, dử mắt đùn ra, hơi thở dồn dập. Riêng con thứ 3 nằm choãi hai chân phía trước, mõm kê lên một chân, mắt ráo hoảnh, miệng vẫn nhai nhưng nước dãi chảy thành đống ngay dưới miệng... Người ta buộc dây thừng vào cổ, vào sừng từng con, phía sau dùng đòn gánh và đòn càn, vừa kéo vừa đẩy lôi ra giữa sân kho, sau đó họ chặt chân từng con ném vào một chỗ, tiếp theo là cắt đầu và lột da phanh ra rồi mới tiến hành mổ xẻ, tôi còn nhớ hôm ấy người đến xem đông lắm, nghe kháo nhau là thịt sẽ chia theo khẩu, nhà tôi lúc bấy giờ có 7 khẩu chắc cũng được khá, nhưng tôi chẳng nhớ bữa thịt trâu nào mà tôi được ăn hồi ấy, có thể không gây ấn tượng với tôi chăng...

Đến con trâu thứ 3 được lôi ra, đúng giữa sân thì nó bỗng vùng dậy, bốn chân đứng thẳng, đầu chúi xuống, mắt đỏ sọng. Nó không kêu é ọ như các con khác mà nó phát ra tiếng gừ gừ trong họng nghe như tiếng chó. Mọi người chạy tán loạn, mấy người đang giết mổ cũng vứt dao bỏ chạy, tôi nhảy qua bờ dậu của một nhà gần đó (nhà này không có đất ở nên làm tạm nhờ đất chùa). Trời bắt đầu nắng nóng, mùi tanh hoi bốc lên, tiếng ruồi nhặng ầu ầu khắp khu vực, con trâu đứng thở một lúc rồi lăn kềnh ra, và rồi nó lại chung số phận như những con trước. Chúng tôi xúm lại chiếc đầu bị ném quăng ra gần đó: mắt nó vẫn mở vẫn chớp, thản nhiên ráo hoảnh, một đứa ghịch ngợm còn dùng que cố tình chọc vào mắt nó đến khi người lớn quát đuổi thì cả bọn mới ù té chạy về...

Năm 1982 tôi về phục viên, đến cuối năm đó đươc mời làm công tác Thông tin tuyên truyền ở thôn, công việc chủ yếu là thu sản phẩm cho HTX, hoặc tuyên truyền vận động sinh đẻ có kế hoạch, ngoài ra còn phục vụ các Hội nghị hoặn Tết Trung thu cho thiếu nhi. Được khoảng 2 năm sau do huyện hỗ trợ nâng cấp lên Đài truyền thanh cơ sở, phương tiện bấy giờ còn thô sơ lắm, một Amly, 1 đài và một cassec nội địa Nhật, vì chưa có điện nên chạy bằng ăc qui 24v, chỉ phát thanh khi cần thiết để tiết kiệm điện. Phòng Truyền thanh là một căn phòng nhỏ nằm ngay trên đất chùa, chỉ có một cửa duy nhất, trên lợp ngói xi măng, những buổi phải phát thanh tối thì dùng đèn dầu mà là dầu đỏ, nhiều sáng khi rửa mặt, hai lỗ mũi đen sì. Tôi ở gần nên kiêm luôn việc trông coi và ngủ luôn ở đó... Công việc diễn ra đều đều rồi một hôm, trời mưa rả rích. Đang ngủ ngon thì tỉnh giấc, nằm mãi không ngủ lại được, tôi trở dậy đi tiểu, ra đầu hiên gió thổi mạnh và mưa khá to, đang quay vào thì bỗng thấy xa xa phía đông có một khối hình tròn màu đỏ, trong lòng như chứa rất nhiều những đốm đỏ li ti đang bay về cây bồ kết nhà cụ Ngạch (thày cúng mà tôi đã kể ở trên), nó bay lượn vài vòng rồi dừng lại lơ lửng trên một cành bồ kết, sau đó tắt ngấm. Tôi đứng xem nhưng không thấy sợ, cho rằng do thời tiết nên xuất hiện lân tinh mà thôi, một hiện tượng bình thường... Vào nhà, lại thao thức không ngủ được, đến khoảng 2, 3 giớ sáng, tôi bỗng thấy bức tường phía sau rung lên, rồi có tiếng phì phì cùng tiếng gặm cỏ soàn soạt của trâu, nghe rất rõ. Tôi cho rằng trâu nhà ai bị sổng chuồng nên ra đây phá phách ban đêm nên mặc kệ và thực tình cũng ngại dậy. Nhưng lúc sau bức tường lại rung mạnh hơn, vẫn tiếng gặm cỏ sột soạt, tiếng thở phì phì và cả tiếng bươc chân nữa, bỗng tôi nhớ ra là phía sau tôi có trồng một hàng chuối cách đó mấy ngày để tận dụng đất bỏ hoang, sợ con trâu phá hỏng chuối, tôi trở dậy môt tay cầm đèn pin, tay kia kéo vội chiếc áo mưa, định rằng bắt con trâu nhà ai đó, sẽ buộc vào một gốc cây gần đó, chờ sáng sẽ bắt đền. Nhưng lạ thay, không thấy trâu đâu, hàng chuối vẫn nguyên vẹn, phía gốc chuối không có cỏ vì vợ chồng tôi đã dọn sạch khi trồng chuối. Quét đèn pin nhìn khắp nơi, bốn bề yên ắng, mưa vẫn rì rào trong đêm đen tĩnh lặng. Chẳng lẽ là... Thế rồi tôi đi vội vào nhà, khoác áo mưa, ôm theo chiếc Cassec và chuồn thẳng. Những đêm sau tôi phải nghi binh, chỉ lờ vờ lúc chập tối, còn ngủ ở nhà... Và cũng may, sau đó Đài truyền thanh được chuyển lên Hội trường có người thường trực và trông coi riêng.

244685819-2936177343310384-5003421032449649870-n-1633947284.jpg

Căn phòng xảy ra sự việc trên nay vẫn còn, nó nằm sát một bên là nhà kho lúc bấy giờ, qua thời gian đã xuống cấp, hiện đang bỏ không, hình ảnh tôi mới chụp lại cách đây vài ngày. Và tôi thầm nghĩ: Con vật cũng có cái hồn của nó, khi chết đi thì hồn nó có thể vẫn tồn tại và nếu gặp điều kiện phù hợp thì nó thể hiện bằng cách mà tôi đã gặp, nhất là ngay trên đất Chùa này, phải không các bạn!...

 

Theo Chuyện Làng quê