Chuyện tầm phào của đám trẻ phố Hàng Bột (Những năm 50 – 60 thế kỷ trước)

“Trò chơi dân gian không đơn thuần chỉ là một trò chơi trẻ con mà nó còn chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc”.
279750485-3181775832101537-1374118245081878299-n-1651807795.jpg
Ảnh sưu tầm

PHÁO ĐẤT

Ở đồng bằng Bắc Bộ, nhất là vùng Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương… hay tổ chức Hội thi pháo đất vào dịp đầu năm. Có nơi tổ chức trong một hai ngày nhưng có những nơi như ở Duyên Tục – Thái Bình lại tổ chức từ đầu Xuân tận tháng Ba. Thi trong làng xã rồi thi giữa các làng với nhau. Đội thắng cuộc sẽ được vinh danh kèm phần thưởng là trâu, bò, gà, lợn và cả gạo nếp đi kèm để tổ chức ăn khao.

Nơi có đất đào lên để làm pháo. Nơi không có thì phải đi mua như ở Phú Lương (Đông Hưng - Thái Bình). Đất thô được phơi khô rồi đập nhỏ, sàng kỹ rồi nhào với nước lá gáo để đất lên màu đẹp và hết mùi tanh. Đất nhào xong được bọc kỹ, xếp cạnh bờ ao hoặc trong vườn để giữ ẩm. Làng xã chọn chức sắc đứng ra thành lập đài pháo, khoảng mươi lăm người. Nuôi ăn rồi tập làm pháo, quăng pháo.

279420809-3181776008768186-9195145148442413872-n-1651807795.jpg
Ảnh sưu tầm

Pháo dự thi nặng tới 60kg. Bét nhất cũng phải 10kg một quả pháo. Pháo nhỏ thì một người nâng rồi quăng pháo. Loại 60kg phải 3 người cùng nâng, phối hợp nhịp nhàng rồi quăng pháo. Pháo tiếp xúc trọn vẹn cái vành pháo to bằng cái nong cái nia xuống sân gạch, nổ tung khi không khí trong lòng pháo bị ép đột ngột.

Có nơi căn cứ vào các mảnh vụn và độ văng xa, có nơi căn cứ vào tiếng nổ, có nơi lại căn cứ vào độ dài của cái đượn (là cái vành đai cũng bằng đất cuốn vòng đế pháo). Đượn pháo nào dài hơn thì đài pháo ấy thắng. Trước khi quăng, đài trưởng hô khẩu lệnh: Pháo nổ pháo nang, cả làng chịu chưa. Dân tình đứng xem nín thở chờ quăng pháo, nhưng các đài pháo đối thủ lại thường đáp trả là Chưa chịu. Mấy xã thi với nhau thì cụ Chánh Tổng làm chủ khảo còn thi trong xã lại do cụ Lý trưởng cầm cân nảy mực. Những ngày xưa ấy không có các thiết bị đo chính xác nhưng chưa nghe chuyện các cụ chấm sai. Những Hội thi pháo đất đều rộn tiếng cười, sôi động làng quê an bình trong những ngày nông nhàn sau Tết.

Ở Hà Nội những năm 50, 60 thế kỷ trước, lũ trẻ đường phố chúng tôi cũng hay chơi pháo đất, thường vào những ngày hè. Tôi ở phố Hàng Bột, nay đổi tên là Tôn Đức Thắng thuộc quận Đống Đa. Trước nhà là đường nhựa nên muốn lấy đất phải vào hồ Đỗ Lợi trong ngõ Văn Hương. Chỗ này ngày xưa là khu đất của ông Vạn Cẩm, người Tàu trên phố Hàng Buồm dành làm nơi nuôi ngựa và sản xuất gạch hoa, sau bán lại cho ông chủ người Việt tên là Đỗ Lợi xây thành trang trại. Khu Đỗ Lợi có hồ to sát với trại trẻ, có chiếc cầu gạch bị bọn trẻ chúng tôi moi đất ở hai bên nên chiếc cầu như nằm toài ra mặt hồ.

279305663-3181775232101597-3706875074693505301-n-1651807794.jpg
Ảnh sưu tầm

Lũ chúng tôi lấy dao ra cậy, gọt bỏ những chỗ đất mùn, đất đen, chỉ giữ tảng đất sét màu gan gà, dẻo quánh. Hồi đấy chúng tôi đứa nào cũng cất một tảng đất ở góc nhà để khi có dịp thì lôi ra làm pháo đất thi với nhau. Pháo chúng tôi làm vừa lòng bàn tay, được nhào kỹ rồi miết mịn màng trước khi ném xuống nền đường. Nếu ném không chuẩn hoặc nhào quá mềm, pháo sẽ bẹt dí và không nổ. Tuy vậy, chỉ những thằng mới chuyển nhà tới không biết chơi, còn bọn tôi đứa nào cũng thành thạo.

Chúng tôi còn rón rén đi sau các bà các cô để ném pháo đất. Tiếng nổ vang lên. Nhìn các bà các cô giật mình là lũ trẻ lại ré lên cười, khoái chí. Có khi vạt áo dài của các bà còn bị dính đất pháo bắn vào mà không biết, cứ thế đi, trông rất ngộ.

Chuyện Làng quê