Sau đó, có lẽ bà nhớ con nên bà xin lại chỉ được Mẹ tôi, còn người dì thứ sáu thì người ta đã đem cho Dì trên Nhà thờ Cù lao Giêng trên Chợ Mới nên không tìm được.
Nhà Ngoại ngay góc chợ Cái Vồn (Quận Bình Minh - Vĩnh long) chung con đường nhỏ với quán hủ tíu của chú Sáu Xồi (ngay dốc cầu qua Khóm 3 lò heo) Mẹ tôi lớn lên ở đó, Bà ngoại có nghề tráng bánh làm hủ tíu bán .
Đến năm 17 tuổi, Mẹ tôi được Bà Ngoại gả cho một ông "Ba tàu" chánh hiệu từ Trung Quốc qua. Ông chồng Ba tàu của mẹ làm Tài phú (Như kế toán bây giờ) cho một sòng bạc của mấy ông người Hoa ở chợ Cái Vồn, vì ông lúc qua Việt Nam một thân một mình nên Hội Hoa kiều muốn tìm vợ cho ông và người ta làm mối cho Mẹ tôi.
Ông Ba tàu đó lớn hơn Mẹ tôi 4 tuổi, là con trai cả của gia trang họ Trần ở Huyện Triều Dương, tỉnh Phúc kiến. Từ nhỏ ông đã được gia đình rước thầy về dạy văn lẫn võ nên khi 20 tuổi qua Việt Nam, ông thuộc dạng "Văn võ song toàn". khi Mẹ tôi gặp ông "Ba tàu" tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng bà thấy ông trắng trẻo đẹp trai, hiền hậu nên bà không dám cãi lời Bà ngoại. Năm Mẹ có chồng là năm 1939.
Một năm sau (1940) thì Mẹ sinh con trai đầu lòng (Anh hai tên Búng trong giấy là Trần Hớn Văn) thì ông Ba tàu đã nói được tiếng Việt. Ổng hay lắm, nói tiếng Việt rõ ràng như người Việt chứ không phải nói giọng lơ lớ kiểu như chú Thòn.
Ba năm sau (1943) thì Mẹ sinh anh trai thứ ba (Anh Ba Mến tên trong giấy là Trần Hớn Minh) đến năm 1945 thì Mẹ sinh thêm một anh trai nữa tên Tỷ ( trong giấy là Trần Hớn Kiên) khi đó thì ông Ba Tàu đã viết và đọc luôn chữ tiếng Việt trong khi mấy ông Hoa kiều trong chợ thì không ai đọc và viết được tiếng Việt. Ai cũng khen gia đình Bà Bảy ( thứ của Ngoại) có thằng rể vừa đẹp trai lại quá tài giỏi.
Một hôm, Bà Ngoại phát hiện thằng con rể mình trong tiệm thuốc phiện (Ngày xưa Cái Vồn có tiệm hút) thế là Bà Ngoại vốn là một người đàn bà nổi tiếng dữ dằn, bà la làng lên và chửi cho ông con rể bằng những ngôn từ thậm tệ bằng tiếng Việt Nam, nhưng bà không ngờ là con rể bà đã rành tiếng Việt Nam nên khi bà chửi câu:
- Mày ra khỏi nhà tao ngay đồ cái thằng "trôi sông lạc chợ."
Ông rể "ba tàu"mắc cỡ với bà con lối xóm, mắc cỡ với hội Hoa Kiều nên ông cắm đầu bỏ đi luôn, bỏ luôn người vợ trẻ và ba đứa con trai, trước khi đi ông nói với Mẹ :
- Bà ráng nuôi con khi nào tôi có tiền, có nhà tôi sẽ trở lại... tôi không muốn làm kẻ trôi sông lạc chợ.
Thế là ông "Ba tàu" đi mất luôn, cả mấy ông ở hội Hoa Kiều cũng không ai biết tin. Mẹ tôi một mình vất vả nuôi ba người con trai, bà học được nghề chiên bánh cam, mỗi sáng đội ra ngồi bán trước quán cà phê của ông Tiên Xường, một người Hoa bạn của ông "Ba tàu"... chỉ với xề bánh cam nuôi đám con trai tới tuổi ăn tuổi học một cách nhọc nhằn như vậy đó.
Tuy Mẹ tôi có ba đứa con nhưng vẫn còn "duyên" lắm. Hôm nào cũng có một người đàn ông cao ráo ghé tiệm uống cà phê và mua bánh ủng hộ cho bà, lớp ăn lớp mua đem về. Nhà của ông ở vàm Phù Ly cách chợ Cái Vồn ba cây số (Ông ấy sau này là Ba tôi). Ông cũng thú thiệt là ông lớn hơn Mẹ hai tuổi là con trai út của một gia đình họ Bùi ở Phù Ly chưa có vợ và sẵn sàng nhảy vô hốt ổ !
Mưa dầm thấm lâu. Ngày qua ngày Mẹ tôi và ông ấy phải lòng nhau ...
Ông xin cưới Mẹ, tất nhiên là gia đình ông chẳng ai đồng ý vì ông là con trai Út nheo nhẽo nghĩ sao mà nhảy vô hốt ổ một người đàn bà có ba đứa con? Còn Bà Ngoại thì cũng không đồng ý vì bà cũng có vẻ hối hận và nhận ra mình có những lời nói có phần quá đáng làm cho thằng rể mình bỏ đi và làm dở dang chuyện tình yêu của con gái mình và bầy cháu nheo nhóc.
Vì vậy, bà cũng mong thằng rể bà nó trở về, vì sau đó bà biết rằng hút á phiện đối với người Việt Nam là chuyện long trời lở đất nhưng với người Trung Quốc chỉ là chuyện bình thường của những gia đình khá giả.
Vậy là Mẹ tôi cùng người đàn ông sẵn sàng bỏ gia đình đi xây hạnh phúc cùng với ba đứa con người ta, hai ông bà lên Sa Đéc để tránh thị phi, tuy nghèo nhưng vẫn cho ba đứa con đi học đàng hoàng. Ông có chút chữ nghĩa nên gia nhập lực lượng của ông Năm Lửa... Mẹ tôi thì hạnh phúc với ông chồng mới, bà ở nhà lo cơm nước cho ba đứa con đi học nhưng tiền lương cũng chỉ lo cơm gạo và trả tiền thuê nhà, tiền cho mấy đứa con đi học vì vậy phải thiếu trước hụt sau.
Anh Hai lúc đó chỉ hơn 10 tuổi nhưng ảnh rất khôn lanh, thấy mấy đứa nhỏ nhà nghèo lãnh cà rem bán lời rất nhiều tiền nên anh hai xin Mẹ cho anh xuống hãng cà rem ở chợ Nha Mân lãnh về bán. Muốn lãnh được cà rem phải chịu khó đón xe Sa Đéc đi Sài Gòn lúc 4 giờ sáng. Anh hai lãnh một lần 3 thùng cho mình và hai đứa em. Để lãnh được một thùng cà rem tiền xe đò đi về 4 cắc mà mấy đứa nhỏ ở chợ Sa Đéc thức khuya lãnh cà rem riết nên tụi nó ngủ quên hoài. Anh Hai ảnh khôn nên ảnh bàn với tụi nhỏ:
- Tao tính như vầy, tụi bây thức khuya không quen nên hay dậy trễ. Mà ngủ quên là không có cà rem bán. Tao thì thức sớm quen rồi, vậy tụi bay cứ ở nhà tao sẽ đi lãnh giùm tụi bay, tao chỉ ăn 3 cắc thôi cứ ở nhà thẳng cẳng ngủ 8 giờ lại bến xe lấy cà rem bán.
Tất nhiên là mấy đứa con nít kia ok liền vì ở nhà ngủ mà còn lời được một cắc bạc. Anh hai thì lãnh một chục thùng cà rem trả tiền xe 1 cắc 1 thùng, vậy là 10 thùng lãnh giùm anh đã lời 2 đồng bạc, khi thấy Anh hai còn nhỏ mà đã biết cách kiếm ra tiền Mẹ tôi cười và khen:
- Giống y thằng cha nó. Mới có chút xíu đã biết cách kiếm ra tiền.
(còn tiếp)
Theo Chuyện Làng Que