Những ông bầu miền Tây: Bầu Nhi - Đoàn cải lương Bông Hồng

Bầu Nhi là cháu kêu Bầu Rổ bằng cậu, kêu Bầu Chí Tâm bằng anh. Tuy là con nhà nòi nhưng anh không biết hát, là con trai trưởng tuy không có hơi ca nhưng bù lại anh có hai người em trai đều hát kép chánh.
255003268-2930895427173079-5183382036729026783-n-1636537139.jpg

Người em tên Thanh nghệ danh là Tiến Vương, em út là kép trẻ Thanh Liêm. Khoảng đầu thập niên 80 anh lập đoàn cải lương Tri Tôn An Giang, sau đó anh về Kiên Giang đăng ký bảng hiệu đoàn Cải lương Bông Hồng. Dáng người hị hợm to con, nước da đen nhẻm, tính tình hơi cục cằn nhưng có máu lãnh đạo, tuy làm bầu nhưng bản tính bình dân mỗi lần quạu lên là chửi thề bốp trời, khi hết giận lại hể hả cười như chẳng có gì xảy ra vậy.

Đào kép trong đoàn 70% là người nhà nên đào kép ngoài gia tộc cũng không nhiều. Tuồng tích thì toàn là dạng hương xa đánh kiếm đu bay đấu chưởng, pháo nổ tưng bừng nên bà con vùng nông thôn sâu rất thích. Khi kẹt đào anh hợp đồng với cô đào Tuyết Nhi là con nuôi của Bầu Năm Nhánh về hát, vậy là hai người cùng tên Nhi đã phải lòng nhau và sau đó Tuyết Nhi trở thành Bà Bầu gánh hát. Ở Đoàn Bầu Nhi thì em trai của mình và cô em dâu (Tiến Vương - Kim Hồng) thủ vai nam nữ chính, Thanh Liêm hát kép nhì đào thì có Tuyết Nhi, kép độc thì có Trường An có nét diễn và ngoại hình giống Trường Xuân, gốc gác của Trường An ở làng làm chiếu bên Định Yên nhưng hắn thì ở xóm làm thớt me ngoại hình thấp, hắn hát độc rất sang, từng hát kép độc cho đoàn Quốc Hương Chợ Mới, cũng có nhiều người mến mộ. Vì vậy trong đoàn giàn bao chỉ hợp đồng vài người là đủ hát rồi. Được vài năm ở vùng An Giang nhắm cạnh tranh không nổi với các đoàn Huyện khác nên Bầu Nhi quyết định kéo gánh về Kiên Giang vì dẫu sau gánh hát tầm trung của anh lòn lách vô kinh rạch hẻo lánh dễ có khán giả đến xem hơn.

Tuồng chủ lực của Bầu Nhi là kịch bản: Mùa thu trên Bạch Mã Sơn của soạn giả Yên lang, tuồng ruột nên đêm đầu phải treo dây bay tuốt lên nóc rạp đấu kiếm đấu chưởng nổ chan chát nên khán giả thích, thế là các đêm sau khán giả đến xem đầy rạp. Khổ nổi là Tiến Thanh tuy hát kép chánh nhưng thân hình quá khổ của anh mỗi lần kéo bay lên nóc rạp cả là một vấn đề. Một lần, hát ở Cà Mau lúc Bách kiếm Vương Hồ Vũ từ trên lầu rạp hát bay xuống sân khấu dây bay trẹo cái rỏ rẻ, thế là Vương Hồ Vũ bị mắc kẹt treo tòn ten trên đầu khán giả tiến tới cũng không xong mà lui cũng không được không biết rớt xuống lúc nào nên bà con hoảng loạn chạy ra khỏi rạp. Khi thả Vương hồ Vũ xuống thì phải chở vô bệnh viện cấp cứu. Từ đó đoàn bỏ luôn cái chuyện bay từ giàn cửa bay vô.

Kép độc Trường An cũng không vui sướng gì khi đêm nào cũng phải bay, mà kép độc chánh thì phải đấu với kép chánh để bị giết cho bà con vui, kép chánh bay thì kép độc cũng phải bay. Khổ nổi Trường An bị đau ruột thừa phải mổ vết thương mới lành chưa dám làm nặng lại phải móc dây bay lên trời nên anh ta sợ lắm nhưng đã là độc chánh biết làm sao? Một lần ở bến Mong Thọ khi đấu kiếm bay xong vài chục vòng Trường An cúm tay chân nên khi hạ cánh rớt cái bịch như bao gạo nằm mất thở trên sân khấu. Sau khi cải lương hết thời Bầu Nhi cũng chưa chịu dẹp tiệm vẫn hát lây lất ở các vùng nông thôn xa và chờ hát theo các đám cúng Đình. Qua thời điểm năm 2000 thì anh mất vì bệnh, thế là đoàn hát Bông Hồng giải tán, gia đình anh cũng còn đậu ghe hát đâu đó ở một nơi nào của xứ Kiên Giang./.

 

Theo Chuyện Làng quê