Chuyện xưa: Cọp ở Nam Bộ 

Ở Gia Định có lưu truyền câu tục ngữ “Dữ như cọp Vườn Trầu” vì nơi đây cây cối um tùm, cọp hay về bắt người rồi tha vào rừng rậm ăn thịt.
cop-rung-1631515850.jpg
 

Nam Bộ đươc thiên nhiên ưu đãi đồng ruộng phù sa màu mỡ.Với sự lao động  cần cù của người nông dân đã tạo ra những sản vật nối tiếng như những trái cây miệt vườn  thơm ngọt chôm chôm, xoài, sầu riêng... các loại mắm cá ngon như  mắm cá lóc, cá linh, ba khía. Tui mê bánh tráng sữa và kẹo dừa Bến tre. Biết tui thích thằng cháu nó kêu má nó gửi ra cho mấy trăm tấm bánh tráng sữa. Tui vừa ăn vừa. làm quà cho mọi người, ai cũng khen ngon. Sẽ sơ suất nếu kg nhắc tới bánh pía Sóc Trăng. Đây là món bánh ngon đậm đà nhân đậu xanh, trứng muối, sầu riêng...ăn một lần là nhớ mãi!

Nam Bộ thời xa xưa Nguyễn Hoàng dẫn quân và dân từ Đàng Ngoài vào sinh sống, khai phá những vùng đất hoang sơ.  Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lich sử, dân cư mọi miền đất nước về đây lập nghiệp, Nam Bộ không hổ danh là nơi "đất lành chim đậu".

Chúng ta không thể hình dung Nam Bộ buổi đầu còn sơ khai, các tiền nhân đã đổ bao mồ hôi công sức để khai phá thiên nhiên, thậm chí mất mạng bởi thú dữ như cá sấu và hổ...

Qua truyền thuyết, giai thoại, các địa danh, câu ca, hò vè còn lưu giữ tại dân gian hoặc các tài liệu còn ghi lại được, ta có thể hình dung bối cảnh Nam Bộ thế kỷ 17, 18 như vầy....

Cư dân buổi ban đầu ấy là người Việt từ Đàng ngoài cùng với một số ít người dân tộc. Họ khai khẩn đất hoang rừng rậm để lập ấp. Công cụ thô sơ, không có nhiều, họ chế ngự những vùng đất hoang rậm, sông sâu, thú dữ đói khát lập làng, lập ấp sinh con đẻ cái.  Vậy mới có câu:

         Đồng Nai xứ sở lạ lùng,

Dưới sông cá lội, trên rừng cọp um

Hoặc là:

        Cà Mau lúc trước thấy mà ghê

         Ai muốn làm ăn đến phải về

         Dưới nước đỉa lềnh, sấu lểnh nghểnh

        Trên bờ cọp rống, muỗi vo ve...

Ở Gia Định có lưu truyền câu tục ngữ “Dữ như cọp Vườn Trầu” vì nơi đây cây cối um tùm, cọp hay về bắt người rồi tha vào rừng rậm ăn thịt.

Năm 1909, tuần báo Nam kỳ đăng tải những tin tức về cọp như chuyện thời sự hằng ngày.  Xin trích đăng: *... cọp, sấu còn hoành hành ở vùng quê Bến Tre,Gò Công, An Hóa vào khoảng1900- 1910, nào riêng gì vùng sình lầy phía Cà Mau...*. Như vậy cuối thế kỷ 19 cọp sát hại người vẫn là vấn đề quá lo sợ.

Sau năm 1930  ở vùng Rạch Giá, Cà Mau, Bảy Núi  cọp vẫn còn lảng vảng.

Các tỉnh Nam Bộ như Tây Ninh,Vũng Tàu,Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau...đâu đâu cũng có cọp. Chúng ăn thịt gia súc, gia cầm và bắt người mang vào rừng xé xác.

. Năm 1898, một quan chức của Pháp có báo cáo về thị xã Cà Mau: “...Sau mấy rặng bần, rặng cau quanh chợ là vùng đất thấp, về đêm nghe rõ từng bầy nai gọi nhau và cọp rống vang dội..."

Trong dân gian  lưu truyền những câu chuyện về cọp.  Những câu chuyện này phản ánh hai thái cực khác nhau trong tâm lý tình cảm của con người đối với loài này. Đó là lòng tôn kính và sự sợ hãi dành cho cọp. Người  dân đi khai khẩn đất hoang lập làng ấp, với họ,  cọp là một  loại thú ăn thịt nguy hiểm đáng sợ. Họ muốn sinh sống yên ổn  trên mảnh đất khai khẩn để trồng trọt, chăn nuôi được  thì họ phải đối đầu với cọp,  đánh bại và chinh phục  được nó.  Mặc dù vậy họ lại  sợ hãi và tôn kính cọp. Chính vì vậy mà có những chuyện dân gian về cọp phản ánh xu hướng hiện thực hoặc thần thánh hóa, nhân cách hóa cọp. Những câu chuyện đó thật thú vị.

Bến Tre có  nhiều truyền thuyết dân gian  về việc  con người diệt cọp nhất so với các địa phương khác ở Nam bộ.

Chuyện kể về  hai anh em Bảy Giao, Chín Quỳ : Vùng Cồn Tàu hoang vu là giang sơn của một vị hung thần rất thiêng, có hai bộ hạ là hổ và lợn rừng trấn giữ, ai muốn khai phá phải nộp mạng người. Hai anh em Bảy Giao và Chín Quỳ nghe tin đó liền đến đây xin được phá rừng và hẹn ba năm sau sẽ nộp mạng, thần đồng ý. Đến kỳ hạn nộp mạng, hai anh em nhờ thợ rèn, rèn cho hai côn sắt to, rồi quyết tử với hai bộ hạ của hung thần. Hai anh em giao đấu khá vất vả, cuối cùng cũng hạ được đối thủ. Từ đó thần hết thiêng, không còn đòi nạp mạng và dân làng đã đổ xô tới lập nghiệp ở Cồn Tàu.

Chuyện hai thầy trò nhà sư Hồng Ân và Trí Năng:

Vào giữa ngày tết năm 1771, cọp từ rừng Sác, có lẽ từ phía Cần Giuộc kéo về chợ Tân Kiểng trên đường vào Chợ Lớn, bà con cấp báo cho quân sĩ ở đồn Dinh. Lúc bấy giờ có hai thầy trò nhà sư rất giỏi võ nghệ là sư Hồng Ân và Trí Năng xung phong dùng côn giết cọp. Mãnh thú bị hạ, nhưng sư Hồng Ân cũng bị thương rồi chết. Sách Đại nam nhất thống chí có ghi mùa xuân năm  Canh Dần 1770 đời Vua Duệ Tông ở phía nam chợ Tân Cảnh có con cọp mò vào nhà dân bị hai nhà sư Hồng Ân và Trí Năng võ nghệ cao cường đánh chết.

Những chuyện kể về người đánh cọp  là chuyện người thật việc thật. Họ là những bậc hiền nhân có công khai phá và bảo vệ thành quả lao động, bảo vệ cuộc sống cho mọi người dân. 

 Có những câu chuyện  dân gian gắn địa danh liên quan đến cọp. Xin nêu một vài địa danh như:

Tổng Ăn Thịt ở vùng Cần Giờ, nơi cọp hay ăn thịt người, nói gọn lại là An Thịt.

Đìa Cứt Cọp ở huyện Giồng Trôm  ngày xưa ở đây có nhiều cọp săn mồi,  phóng uế vậy nên  đìa này  có tên gọi là Đìa Cứt Cọp.

Đồn Cọp ở huyện Chợ Lách ( Bến Tre) vì nơi này cọp thường về phá hoại,  người dân   lấy thân cau làm rào vây cọp lại, rồi báo cho lính  tỉnh mang súng về bắn chết.

Bến Tre ngày xưa có rất nhiều cọp  khi đi làm người dân phải mang theo mõ. Khi có cọp họ  đánh mõ làm cho cọp sợ  bỏ trốn không dám hại người. Do vậy xứ này  có tên là Mỏ Cày (chữ Mõ biến thành Mỏ).

 Ở Bến Tre còn có những địa danh như Giồng Ông Hổ, Giồng Rọ (một loại bẫy cọp), bưng Hai Hổ, miếu Ông Hổ...

An Giang có cù lao Ông Hổ.Hà Tiên có đồi Ngũ Hổ...

Hầu hết các đình làng ở Nam bộ đều có miếu thờ, tượng thờ  cọp.

Ở Long An cọp được thờ ở đình làng như một vị thần. Đình làng Quới Sơn (Châu Thành, Bến Tre) có thờ cả  sọ cọp. Miễu thờ Cọp Bạch (ở trại ruộng Phước Điền - xã Thới Sơn - huyện Tịnh Biên - An Giang)  gắn với công đức của Phật Thầy Tây An và ông Tăng Chủ Bùi Thiền Sư .

Đình Ông Hổ ( xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc,  Kiên Giang), có mấy ông hổ thường bơi vượt biển qua đảo Phú Quốc để tìm mồi. Có một ông bơi qua biển, bị cá mập táp cụt mất một chân, nên ở luôn tại Phú Quốc, ông rất hiền lành, không bắt gia súc, gia cầm hay hại dân làng. Dân làng cho rằng cọp đã tu, nên lập đình để thờ.

Trong gia đình người Nam Bộ , người con trai đầu không được gọi là Cả mà phải gọi là Hai. Các người con kế tiếp là Ba, Tư, Năm...Có cách gọi này là họ tỏ ý tôn trọng và sợ ông cọp. Họ kjoong gọi cọp,  gọi hổ mà gọi tránh đi là ông Cả, ông Ba Mươi. Rất thú vị!

 Cọp  dữ dằn thật nhưng với người dân Nam Bộ xưa nó là con vật hiền lành  và gần gũi như mọi thú nuôi khác. Có câu đồng dao  như vầy:

“Cọp rừng Sác moi ốc bắt cua

Cọp rừng thưa săn rùa ví thỏ

Cọp đồng cỏ đuổi chó rình chim

Cọp rừng sim ăn ong hút mật”...

Với người dân Nam Bộ  cọp là hình tượng của thiên nhiên tuy có kinh khủng thật nhưng rất gần gũi trong đời sống lao động sản xuất của họ .Cọp  mang cả yếu tố tâm linh, được thần thánh hóa, vẽ thành tranh thờ  và được thờ cúng ở một số địa phương.