Có ai còn nhớ

Từ sức mạnh tinh thần của bài hát, ngành quân giới Liên Xô có sáng kiến lấy tên KACHIUSA đặt cho một loại vũ khí mới, đó là Dàn pháo phản lực phóng loạt BM13 do kỹ sư pháo binh Hồng quân Georgy Langemak sáng chế. Dàn pháo KACHIUSA ra đời đã làm kinh hồn bạt vía quân phát xít và thay đổi cục diện chiến tranh. Sau này biến thể nổi tiếng thế giới BM21 của dàn pháo KACHIUSA đã được xuất khẩu sang nhiều nước.

 

Giữa năm 1938, trong dịp đi công tác vùng viễn đông Nga, nhà thơ - nhà báo Hồng quân Isakovsky chứng kiến một câu chuyện có thật: Ekaterina Alexeeva Philipova là một cô gái thành phố Vladivostok, sau khi tốt nghiệp nhạc viện Leningrad (mang tên Rimsky Korsakov) cô kết hôn với một sĩ quan biên phòng của Hồng quân.

Lúc đó chiến tranh thế giới thứ 2 đã cận kề, chồng cô phải ra trực chiến ở miền biên giới, Ekaterina ở lại hậu phương tích cực tham gia chuẩn bị chiến đấu bảo vệ quê hương và chung thủy chờ chồng. Hình ảnh của Ekaterina đã trở thành biểu tượng kiên cường, bất khuất và chung thủy của tất cả phụ nữ Liên Xô thời chiến (năm 1939, tuy chưa tấn công Liên Xô nhưng phát xít Đức đã tấn công xâm lược 16 nước châu Âu).

Cảm xúc sâu sắc về câu chuyện của Ekaterina, nhà thơ Isakovsky đã đặt bút viết bài thơ về nội dung này, nhưng chưa viết hết thì có lệnh quay về Maskva. Làm việc xong với cơ quan, ông đến gặp người bạn thân là nhà soạn nhạc Blanter để tâm sự về câu chuyện cô gái vùng viễn đông. Blanter động viên Isakovsky viết cho xong bài thơ để phổ nhạc. Sau khi  Isakovsky hoàn thành bài thơ giao cho Blanter thì ngày 27/11/1938 bài hát KACHIUSA ra đời.

Đây là một bài hát kết hợp các yếu tố của giai điệu chiến đấu hào hùng lạc quan với giai điệu than vãn nhớ thương của người phụ nữ khi người yêu, người chồng phải ra mặt trận. Chủ đề của bài hát là những người lính sẽ bảo vệ tổ quốc và nhân dân mình, trong khi cô gái người yêu của anh ta sẽ mãi mãi giữ gìn tình yêu chung thủy của họ. Bài KACHIUSA đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng ở Liên Xô sau khi nữ ca sĩ Lidiya Ruslanova lần đầu biểu diễn thành công trên đài phát thanh Maskva, đồng thời lan truyền nổi tiếng khắp châu Âu và sau này là trên thế giới, đặc biệt phổ biến trong 4 năm chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô chống phát xít (22/6/1941 đến 9/5/1945). Trong giai đoạn này, bài KACHIUSA và nhiều bài hát cách mạng ca ngợi cuộc chiến tranh thần thánh đã trở thành nguồn cảm hứng, nguồn động lực và nguồn sức mạnh để các chiến sĩ Hồng quân giành chiến thắng.

Từ sức mạnh tinh thần của bài hát, ngành quân giới Liên Xô có sáng kiến lấy tên KACHIUSA đặt cho một loại vũ khí mới, đó là Dàn pháo phản lực phóng loạt BM13 do kỹ sư pháo binh Hồng quân Georgy Langemak sáng chế. Dàn pháo KACHIUSA ra đời đã làm kinh hồn bạt vía quân phát xít và thay đổi cục diện chiến tranh. Sau này biến thể nổi tiếng thế giới BM21 của dàn pháo KACHIUSA đã được xuất khẩu sang nhiều nước.

 

 

Bài hát KACHIUSA du nhập vào Việt Nam từ 1955 do anh Nguyễn Anh Cường (một thành viên trong Đoàn Việt Nam đi dự Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới) đem về. Ngồi trên tầu hỏa về nước, khi qua vùng Siberi của Nga, anh Cường đã phỏng dịch xong lời bài hát sang tiếng Việt, lấy tên bài là Katerina gửi người chiến sĩ biên thùy. Về Việt Nam, bài hát được đăng báo và phát trên Đài tiếng nói Việt Nam từ đó bài KACHIUSA trở nên rất quen thuộc với thanh niên, học sinh, sinh viên và bộ đội.

gui-nguoi-1691081321.jpg
 

 

Mấy năm sau, trong tập nhạc Liên Xô xuất bản ở Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng phỏng dịch 5 lời Việt cho bài KACHIUSA


 

loi-viet-kachius-1691119129.jpg
 

Việc dịch lời các bài hát nước ngoài sang lời Việt thường được biết có 3 cách:

1- Dịch nguyên văn

2- Dịch thành thơ

3- Dịch thành lời bài hát

Trong đó cách 1 là dễ nhất và chính xác nhất, còn cách 2 và 3 thường chỉ là phỏng dịch, bởi tiếng Việt có 5 dấu giọng: huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng và không dấu, rất khó tìm 1 từ hoặc 1 cụm từ hợp lý, hợp vần bài thơ (trừ những bài thơ không vần), đặc biệt khó là cách 3 còn phải theo giai điệu, nốt nhạc cao thấp nên việc dịch lời hoặc phổ nhạc cho thơ, phổ thơ cho nhạc đòi hỏi phải có trình độ văn học cao và năng khiếu tu từ tinh tế. Dịch lời bài hát Nga thành thơ Việt trước nay có lẽ hay nhất là tác giả Thái Bá Tân, nhưng không phải chỉ có giới trẻ, bài KACHIUSA còn được Đại lão thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh (1920-2020) vừa là thi sĩ từ thời phong trào thơ mới (1932-1945), thành viên nhóm văn nghệ Xuân Thu Nhã Tập (1939-1942), vừa là dịch giả nổi tiếng (ông đã dịch nhiều thơ, tiểu thuyết nước ngoài), do tình yêu nước Nga, tình yêu với KACHIUSA ông đã dịch từ lời Nga thành thơ Việt như sau:

KACHIUSA

Người dịch: Nguyễn Xuân Sanh

Vườn cây vào vụ nở hoa

Mù mưa theo gió đi xa chưa về

Bờ sông xanh cỏ sum suê

KACHIUSA đến đứng nghe một mình

Dốc cánh đồng chị bước nhanh

Bài ca chim trĩ lông xanh mượt mà

Bài ca chị yêu sâu xa

Của người trai viết thiết tha thư tình

Bay bay bài ca của mình

Đuổi theo trời lặng rập rình hoàng hôn

Trao cho anh lính biên cương

Chiếc hôn cô gái yêu thương ngóng chờ

Lắng nghe bài hát từng giờ

Mong anh nhớ lại dáng cô nhẹ nhàng

Diệt thù, chúc anh sẵn sàng

Yêu anh cô chẳng từ nan đáp lời

Vườn cây hoa nở xinh tươi

Mù mưa theo gió xa xôi chưa về

Bờ sông xanh cỏ sum suê
      
KACHIUSA đến đứng nghe, ân tình./.

 

Thế mới biết để có một bản dịch vừa chính xác vừa hay là một việc không dễ, nhất là những ca từ trong một bài hát, cho nên nếu vì nốt nhạc mà quả táo dịch thành quả đào hoặc bài có 5 lời nhưng chỉ dịch 2 lời thì cũng là chuyện thường miễn là người hát chấp nhận. Chắc chắn trong các câu lạc bộ cựu học sinh Việt Nam tại Liên Xô còn nhiều bản phổ bài KACHIUSA chưa được công bố.

Về bản nhạc KACHIUSA, để tránh việc tam sao thất bản, xin cung cấp bản gốc được in trong tuyển tập bài hát của Matvei Blanter được Nhà xuất bản Nhà soạn nhạc SOVIET - một trong những NXB âm nhạc uy tín nhất thế giới - xuất bản năm 1983 tại Maskva. Một bài hát đầy đủ cả phần giai điệu và phần hòa âm (phần đệm) piano, đây là cách viết của những nhạc sĩ chuyên nghiệp mà hầu hết các tạp chí âm nhạc và sách nhạc quốc tế thường dùng .

kachusa1-1691117022.jpg
 
kachusa2-1691117022.jpg
 
5-loi-bai-kachiusa-1691116293.jpg

Tại những buổi biểu diễn chuyên đề về bài hát Liên Xô và Nga thì bản nhạc này có thể được coi là mẫu mực.

Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà của nhân dân ta, KACHIUSA đã đi theo các đoàn quân ra trận, không chỉ có bài hát nồng cháy trong trái tim người lính mà còn có cả những dàn pháo phản lực phóng loạt KACHIUSA BM21 40 nòng đã công phá tan tành bao đồn bốt địch.

Những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội giải phóng đã được nhạc sĩ tài hoa Thanh Trúc (Lâm Quang Măng) của Đoàn Văn công giải phóng thể hiện thật dung dị và cảm động trong bài hát Ký ức về KACHIUSA:

 

 

 

   NHÀ THƠ - NHÀ VĂN - NHÀ BÁO

   MIKHAIL - VASILYEVICH ISAKOVSKY

19/01/1900 - 20/7/1973

 

    - Nhiều Huân, Huy chương

   - Giải thưởng Nhà nước Liên Xô về VHNT

   - Anh hùng Lao động XHCN

 

 

 

 

NHÀ SOẠN NHẠC

MATVEI ISAAKOVICH BLANTER

10/2/1903 - 27/9/1990

 

 

- Nhiều Huân, Huy chương

- Giải thưởng Sfalin về VHNT

- Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô

- Anh hùng lao động XHCN

 

Đã 85 năm, với giai điệu giản dị mà diệu kỳ, lời ca chân tình mà tha thiết, nghệ thuật và tinh thần của bài hát KACHIUSA vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống văn hóa phong phú đầy truyền thống của nhân dân và đất nước Nga.

68 năm lưu truyền ở Việt Nam, bản tình ca KACHIUSA đã lay động tâm hồn bao thế hệ thanh niên Việt Nam, đến nay vẫn đang được phổ biến rộng rãi và luôn đứng trong danh sách những bài ca đi cùng năm tháng .