Cơ bản là cơ bản

Dù đã được quan tâm hơn nhưng sách dành cho thiếu nhi vẫn chưa thực sự xứng tầm với nhu cầu đọc cũng như giúp phát triển hoàn thiện nhân cách cho trẻ. Ngoài những sách kinh điển hay viết về các vấn đề cơ bản của cuộc sống vẫn thiếu những sách “thời sự” của lứa tuổi học trò.
bia-1-1651164658.jpg
Sách "Cơ bản là cơ bản" của Huy Thông.

 

Chính vì thế, khi cầm trên tay một tập sách nhỏ nói về những trải nghiệm trong đại dịch dưới con mắt trẻ thơ, hẳnsẽ là một điều khiến không ít bạn đọc nhỏ tuổi cũng như nhiều phụ huynh chú tâm. Cơ bản là cơ bản, truyện dài của tác giả Huy Thông, một nhà báo ở Hà Nội được ấn hành bởi NXB Kim Đồng giữa tháng 3/2022 này là một tập sách như thế. Sách lấy đề tài ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 đối với cuộc sống của trẻ em thành thị, về ước mơ, sự tham gia của trẻ thơ vào các vấn đề cuộc sống khó khăn ở những vùng miền khác nhau.

Trần Cơ Bản 13 tuổi. Cậu sống cùng cha mẹ ở một khu chung cư tại Hà Nội. Dịch bệnh bùng phát và dãn cách xã hội đã nhốt cậu trong căn hộ chật chội. Ban đầu cậu thích thú vì không phải đến lớp và tiếp xúc với những bạn cậu không hề ưa, vì “bẩn” tính. Nhưng rồi, chuỗi ngày không thể ra khỏi nhà khiến cậu bức bối và tìm cách trốn học trực tuyến bằng chiêu trò chẳng ai ngờ đến. Câu đổi tên nick name khiến cô giáo luôn lầm tưởng là mạng internet có vấn đề và không kết nối được. Cậu mệt mỏi vì khu phố loạn như cái chợ khi trẻ con phải ở nhà cách ly.

huy-thong-1651164772.jpg
Huy Thông.

Thế nhưng,cũng nhờ những ngày ngồi nhà mà Bản phát hiện ra người cha của mình thực sự là một tài năng và rất tháo vát trong công việc nội trợ chứ không chỉ là con mọt sách như bấy lâu nay bản vẫn nghĩ. Những ngày học online cũng giúp Bản “xích lại” với người bạn luôn bắt nạt cậu trên lớp.

Câu chuyện được mở rộng ra một không gian khác khi Trần Cơ Bản bất đắc dĩ bị gửi về quê với ông bà nội. Một cậu bé mới chập chững trong tuổi mới lớn biết nhiều hơn những người tài ở quê nhà. Cô em họ đầu trần chân đất của cậu thực chất là một tài năng âm nhạc. Người suýt đánh đòn cậu lại là bạn thân thuở cơ hàn của bộ cậu. Ở đó, cậu được biết đến tình làng nghĩa xóm, những đỡ đần chân thật của người nhà quê đã giúp cậu có cái nhìn khác hơn về cuộc sống.

Và trong một chuyến lên biên giới, cậu bé đã được một dịp hiếm hoi được tương tác với những người bạn cùng lứa nhưng khác xa nhau về hoàn cảnh sống. Tất cả có một điểm chung là đều theo đuổi ước mơ của riêng mình. Kiên, cậu bạn hay bặt nạt Bản ước mơ trở thành nhà làm phim. Cô em họ là Huyền thì lặng lẽ theo đuổi những sáng tác âm nhạc với khát vọng trở thành rapper. Còn những người bạn nơi sơn cước mới quen lại chỉ mong được một bộ quần áo tươm tất và một con đường đẹp đến lớp.

Những giá trị văn hóa dân gian tốt đẹp cùng những mặt trái của nó cũng được người viết đề cập đến dưới góc nhìn trẻ thơ. Người đọc như lạc trong không gian của những những buồi hát chèo ma của người Mường khi đưa tiễn linh hồn người quá cố về trời hay trò múa rối làng Chuộc trong lễ hội. Những mặt trái và mê tín dị đoan cũng được đề cập khéo lóe qua góc nhìn chập chững của cậu bé người Hà Nội có gốc gác tỉnh lẻ.

Hơn hết, cuốn sách vẫn là những thông điệp ý nghĩa mà tác giả, một người đã lớn tuổi gửi đến độc giả thiếu niên. Bạn đọc nhỏ tuổi có thể tìm thấy ở cuốn sách bài học về lòng nhân ái, sự hi sinh và tình người được thể hiện qua những chi tiết khá sinh động, những nhân vật cụ thể. Đó là chú Tôn, một người cha bất hạnh nhưng rất bao dung một mình sống cảnh gà trống nuôi con và luôn tìm những gì tốt đẹp nhất cho cô con gái bé nhỏ. Hay như chuyện đi học của một cậu bé tật nguyền nơi biên giới. Câu chuyện như một ví dụ về những người biết vượt qua ngịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống.

Huy Thông chia sẻ: Nhiều khi ngôn ngữ báo chí khiến anh bất lực trước các vấn đề của trẻ thơ nên chọn cách viết truyện cho các em để gửi gắm nỗi lòng của mình. Với anh,cuốn sách như một món quà nhỏ gửi đến các cháu của mình cũng là những học trò đang từng ngày vượt qua những khó khăn thường nhật”.