Cô gái thứ năm (Tặng đồng đội thân yêu của tôi T.V.T)

Tôi chơi với nó từ năm 1974, khi tôi vào Đại học Kỹ Thuật Quân Sự ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Nó học trước tôi một năm nhưng lại ít hơn tôi vài tuổi vì tôi là lính 1972, từ Hải Quân cử đi học. Nó là học sinh phổ thông, giỏi khét tiếng của lớp chuyên toán Hà Bắc.( bây giờ tách ra thành 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang)

Nhưng câu chuyện để làm nên tình bạn của chúng tôi cho đến bây giờ là tôi và nó cùng ở "Tổ quân kỳ " trong cuộc duyệt binh lịch sử mừng đất nước thống nhất, non sông liền một giải, vào ngày 2 tháng 9 năm 1975 tại quảng trường Ba Đình Thủ đô Hà Nội.

b1thq1-1683941685.jpg

Vợ chồng bạn tôi trước ngày cưới.

 

Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự có khối đi 205 người. Đi đầu là 2 sỹ quan gọi là khối trưởng. Tiếp theo là tổ Quân kỳ gồm 1 sỹ quan đi giữa vác cờ. Hai chiến sỹ bồng AK đi hai bên gọi là bảo vệ Quân kỳ. Chẳng biết tiêu chuẩn xét tuyển thế nào nhưng đồng đội bảo:

- Chúng mày đẹp trai, đi nghiêm, chân thẳng nên được chọn bảo vệ quân kỳ.

Kệ! Họ nói gì thì nói, hai thằng tôi thấy vui và tự hào vì được đi hàng đầu. Nó bên phải, tôi bên trái Quân Kỳ. Thầy Nguyễn Đình Vinh đi giữa vác cờ.

Khi ra trường mỗi đứa một ngả, một cuộc đời mới. Nó về Vục kỹ thuật Quân khu 2 tham gia chiến tranh biên giới phía bắc 1979. Tôi về xưởng sửa chữa thông tin A30 Phòng Không ở Bình Đà Hà Tây cũ.

Sau thời gian ở biên giới nó về làm giáo viên trường Đại học KTQS. Hình như nó còn về công tác ở BTL Đặc Công nữa.

b2thq2-1683941518.jpg

Gia đình cô thứ 5 trong ngày cưới.

 

Dạo nó đóng quân ở Quân khu 2, nó thường qua nhà tôi chơi. Mẹ tôi và mấy đứa em quý nó lắm. Nấu cơm, nấu món ngon mời nó ăn. Ngày xưa thích thật. Chả cần báo trước, chẳng cần biết mặt, chẳng cần xem CMND. Chỉ cần biết khách là bộ đội, chỉ cần giới thiệu là đồng đội của con là cả nhà quýnh lên, vui vẻ, thân thiết, gần gũi như chính con mình về.

Khi về hưu nó hai vạch bốn sao nâng lương lần 2. Tôi một vạch bốn sao từ năm 1986 rồi chuyển ngành ra dân sự năm 1991

Nó yêu cô giáo làng cùng quê, đẹp dịu hiền như cô Tấm ngày xưa. Nó khoe biết nàng từ lúc nàng học cấp 2, cấp 3. Khi cô vào Đại học sư phạm Hà Nội thì nó đang ở biên giới. Một hôm về trường thăm cô, ngồi bên gốc cây hoa gạo nhìn ra cánh đồng lúa đang trổ bông ngát hương, trong ánh trăng đổ vàng trên sóng lúa. nó nho nhỏ bảo cô:

- Nếu chẳng may anh hy sinh... Cô bịt miệng nó bằng cái hôn ngọt ngào" Đừng nói chuyện gở"!

Ngày ấy tình yêu của người lính và cô giáo là một hình mẫu lý tưởng. Cô giáo làng xinh như mộng làm tan chảy trái tim chàng thiếu úy biên cương. Họ yêu nhau, rồi làm đám cưới vào tháng 7 năm 1981.

Thời bao cấp lại thêm chiến tranh biên giới nên đời sống nhân dân nghèo khó vô cùng. Không sách bút nào tả hết, nhất là những gia đình có chồng là lính biên cương.

Đồng lương trung úy 75đ, và đồng lương giáo viên 45đ của đôi vợ chồng trẻ gộp lại không đủ nuôi con. Quần áo bộ đội của bố, được đôi bàn tay khéo léo của cô giáo may thành áo, thành quần cho các con. Đứa lớn mặc chật thì để đứa sau. Sách giáo khoa của chị để lại cho đứa em học tiếp. Được trời thương, các con lại mang gen bố gen mẹ nên đều ngoan, học rất giỏi.

Hết giờ lên lớp cô giáo lại tất tả đạp xe 10km, ngược gió trên đê, từ trường về nhà cơm nước cho con. Cô nuôi gà nuôi lợn, cấy sào lúa để thêm gạo, thêm quả trứng, mớ rau nuôi con. Cô tần tảo, vất vả ngày đêm nhưng không một lời kêu ca phàn nàn gì với chồng. Có người hỏi vui:

- Sao nhà em lắm vịt thế? Cô giáo nở nụ cười tỏa nắng:

- Vịt đâu? Toàn thiên nga đấy chứ!

Có người dè bỉu:

- không sợ chồng gửi con trai ở biên giới à?

- Nếu anh ấy có con, đưa về, em nuôi cho chúng có chị có em. Cô biết rằng anh yêu cô tha thiết và cô tin tưởng tuyệt đối con người anh, tình yêu của anh dành cho cô.

Dạo đó vì đói khổ nên các cặp vợ chồng đành " đổi vật chất lấy tình cảm". Các cụ thì bảo đói không ngủ được phải làm " việc kia " cho ngủ ngon, quên đói! Và thế là đông con. Đông con thì lại càng đói vì lấy gì cho chúng ăn, lấy gì cho chúng mặc. Chính quyền phải sinh ra phong trào " Sinh đẻ có kế hoạch" Mỗi gia đình chỉ có một đến hai con. Khi đó bạn tôi đã có 3 cô. Cuộc vận động này gắt gao, cương quyết đến đau lòng. Có người thai 6 tháng vẫn phải cho ra vì sức ép, vì thành tích của đơn vị, chính quyền.

Tưởng chỉ dân sự mới gắt gao, thế mà bên quân đội cũng rất căng. Lẽ ra phải khuyến khích gia đình bộ đội sinh nhiều con để có người mà đánh giặc chứ? Con bộ đội thường là rất khỏe, rất thông minh. Có lẽ vì " ba năm du kích nằm vùng, không bằng chủ lực nó về một đêm".

Những lần nó ở biên giới đưa xe về xưởng để sửa chữa, chúng chất đầy mọi thứ kiếm được trên rừng như: Ngô, gạo, khoai, sắn, măng, chè, gỗ ... thậm chí cả củi nứa, củi gỗ lên thùng xe chở về nhà. Để lại cho vợ dùng một phần, còn bán đi lấy tiền trang trải cuộc sống.

Còn nhớ, ngày ấy thành phố mới có bếp dầu, nông thôn toàn đun bếp củi. Mỗi chiều về, khói lam tỏa ra từ những bếp củi bay quện vào hoàng hôn tím vùng Trung du Hà Bắc thành những dải mây chiều tuyệt đẹp.

Xe quân đội hầu như không bị chặn kiểm tra. Nhờ vậy nó mới mang được mọi thứ về nuôi ba đứa con gái.

Thời đó họ chỉ cần no cái bụng, đủ quần đủ áo mặc là được. Chẳng mấy ai nghĩ con trai con gái.

Về đến nhà đôi vợ chồng lính tranh thủ đổi sự thiếu vật chất thành tình cảm. Gian phòng tập thể giáo viên của vợ nó như có động đất. Giường rung lên bần bật. Vợ nó bảo:

- Khéo lại có em bé mất.

Nó hung hăng nói trong hơi thở dồn dập:

- Em không lo! Có thai, lại đẻ tiếp. Em phải tranh thủ đẻ kẻo hết trứng!

Vợ nó ghì đầu nó xuống:

- Em sẽ đẻ cho anh 5 con vịt giời.

Tháng sau, vợ nó báo:

- Em lại có thai rồi anh ơi! Đó là năm 1994, cô con gái thứ tư ra đời.

Cứ thế...đến năm 1999, đỉnh cao của Kế hoạch hóa gia đình, vợ nó lại có mang cô thứ năm. Nếu lộ ra, vợ nó bị thôi việc, không được đứng bục dạy học. Còn nó bị chậm quân hàm, thậm chí bị kỷ luật. Thế rồi với sự tài giỏi, lanh lợi của thằng chuyên toán, thằng cựu học viên ĐH.KTQS , vợ chồng nó đã vượt qua hết.

Cô con gái thứ năm sinh vào năm rồng 2000. Cháu mang nét đẹp của cả bố cả mẹ, cháu xinh nhất nhà.

Hôm nay, cô con gái thứ 5 lên xe hoa. Cháu tốt nghiệp khoa Luật kinh tế Đại học Quốc Gia Hà Nội. Cháu đang học văn bằng 2, Luật sư kinh tế.

Tôi đến chung vui cùng gia đình nó. Nhìn nụ cười mãn nguyện trên môi của vợ chồng nó. Tôi tự hỏi:

- Sức mạnh nào, động cơ nào làm cho vợ chồng nó được như ngày nay,

nhỉ? Họ khỏe mạnh, hạnh phúc với 5 cô con gái và bầy cháu ngoại. Các cô con gái đều có công việc tốt, nhà cửa đàng hoàng, chồng yêu thương vợ con, nhà cháu nào cũng có ô tô để tiện về thăm bố mẹ ở khu biệt thự Từ Sơn Bắc Ninh.

Tôi lại tự trả lời:

- Chỉ có thể là

tình yêu của người lính.

Hà Nội, tháng 3 năm 2023.

T.H.Q

Trái tim người lính