Cái giá của sự chọn lựa
Câu chuyện được mở đầu bằng một dòng ngày tháng như đang đọc nhật ký, ngày mà nhân vật tôi đến dự đám tang của chính mình. Điều thú vị ở đây là cái xác lạnh lẽo kia không phải xác giả và gương mặt đến dự đám tang cũng chưa chỉnh sửa bao giờ. Vậy thì, họ là ai? Họ là hai thể xác khác nhau, hai cuộc đời khác nhau nhưng lại chung một linh hồn. Nghe có vẻ điên rồ nhưng lại rất hay ho! Như kiểu chúng ta sử dụng nhiều mạng xã hội cùng một lúc, mà ở mỗi nơi chúng ta lại phô bày một con người khác với thế giới bên ngoài. Nhưng đặc biệt ở chỗ, mạng xã hội không thể nào tự vận hành nếu chúng ta không đăng nhập và thao tác. Còn con người, vốn được chia tách thành phần con và phần người. Nếu phần người không hoạt động ở một trong hai cơ thể ấy thì vẫn còn phần con trú ngụ và hành động theo bản năng. Các nhân vật gọi khái niệm này là "siêu ngã" và "bản ngã thứ cấp".
Vũ và Kiên, hai sinh thể sử dụng cùng một siêu ngã, Vũ xét về mọi mặt đều kém cỏi hơn Kiên, chỉ trừ giọng hát và sức mạnh cơ bắp. Có lẽ vì điều ấy nên siêu ngã đã chọn Kiên và bỏ mặc Vũ với bản ngã thứ cấp để rồi Kiên cảm thấy dằn vặt nội tâm trước cái chết của chính anh. Một phần anh thấy có lỗi vì đã bỏ mặc thân xác Vũ, để nó tự sống, tự trôi theo dòng đời riêng để bây giờ hậu quả gia đình Vũ phải gánh chịu những nợ nần, mất mát do Vũ để lại. Một phần, anh lại thấy thoả mãn bởi từ nay anh không còn phải lo lắng cho một sinh thể khác của mình, anh được sống trọn vẹn cuộc đời riêng. Nhưng Kiên chưa đến nỗi vị kỷ tới mức thờ ơ trước những khó khăn của gia đình Vũ, cũng là nơi đã nuôi dưỡng ký ức tuổi thơ anh suốt quãng ấu thơ. Và Kiên đã bị cuốn theo câu chuyện cái chết "bí ẩn" của Vũ để rồi nhận ra nhiều điều không ngờ đến đằng sau vụ giết người ấy.
Tét, một cô gái đẹp từ dáng vẻ đến tên thật, nhưng cô ấy lại chối bỏ cái tên kia chỉ vì nó mang đậm sắc thái Trung Quốc. Cô đã chọn cho mình một cái tên mới rất Việt và cá tính. Tét sắc xảo, tinh tường dù cách nói chuyện phảng phất chút gì đanh đá. Tét là hình mẫu đáng mơ ước, tôi nghĩ vậy. Một người phụ nữ độc lập, có kinh tế lẫn tri thức, vừa như thơ mộng lại vô cùng tỉnh táo. Khi yêu, cô rơi vào đam mê rất bản năng đàn bà và khi mất đi tình yêu cũng khổ đau yếu đuối, hận thù và tan vỡ. Vì trong câu chuyện này không có nữ chính, nên tôi nghĩ Tét là nhân vật nữ sáng nhất.
Tét đã trở thành một người hướng dẫn rất tốt cho Kiên. Nhờ cô, anh biết đến thế giới ngầm của những “nhân sinh kép" và cảm thấy mình không đơn độc. Tét cùng một số nhân sinh kép khác đã đồng hành cùng anh trong hành trình tìm ra những sự thật được cất giấu một cách tinh vi. Qua đó, Kiên nhận ra mình thật sự là ai. Kiên sụp đổ và lại phấn chấn, tiếp tục phần trách nhiệm cũng như mong ước của Vũ đối với những người thân yêu.
Ngọc, một thành viên trong câu lạc bộ nhân sinh kép có tên VKTB. Anh là giáo viên dạy Văn, sống một cuộc đời bình thường và nhàm chán cho đến khi được sống cuộc đời của sinh thể khác. Và khi sinh thể ấy mất đi, anh mới nhận ra cuộc đời nhàm chán này đã cứu rỗi anh, cho anh được sống thêm một lần. Và việc dịch tác phẩm "Thần Khúc" của Dante đã ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của Ngọc như một nét chấm phá đầy thi vị và thử thách. Tôi tưởng Ngọc chỉ là nhân vật phụ thoáng qua, nhưng tôi đã sai lầm. Ngọc như một mắc xích trong chuỗi dài các dữ kiện, nếu thiếu anh chắc chắn toà tháp sẽ lung lay.
Ông Cảnh, kẻ đã giết Vũ bằng bản năng tự vệ cũng là một nhân sinh kép. Ông ấy sống tệ bạc như một vũng lầy tăm tối. Nên có lẽ ông ấy muốn bắt đầu lại trong sinh thể khác đẹp đẽ hơn, tươi sáng hơn. Nhưng tiếc rằng ông đã tính sai nước cờ đời mình. Trong phút hối tiếc ông đã ước cái chết tìm đến mình bằng căn bệnh nan y thay vì một kế hoạch tinh vi lừa lọc.
Đây là những nhân vật chính yếu với phần siêu ngã đang ngụ trong bản thể họ, còn phần bản thể kia tôi sẽ không nhắc đến. Nhưng, đó là sự đối lập thú vị giữa thiện và ác, giữa cái đẹp đẽ và thành công bên ngoài với sự xấu xí bên trong, giữa sự chưa hoàn hảo và tuyệt mỹ. Bản thể này khao khát bản thể kia. Cái ác giết chết cái thiện. Đôi khi, những "bản thể bị siêu ngã bỏ đói" và tự hình thành nên siêu ngã mới.
Phép ẩn dụ về đời sống
Thể loại điều tra vụ án luôn thu hút người xem cũng như người đọc nếu tác giả đưa ra những mắc xích tình tiết đủ lôi cuốn. Nhà văn Đức Anh đã làm điều đó rất tốt và logic với những chi tiết không hề thừa chút nào trong "Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời". Cách dùng thời gian đan xen giữa quá khứ và hiện tại cũng là một điểm thú vị, dù không mới. Nó khiến người đọc tập trung hơn vào câu chuyện vì chỉ cần một phút xao lãng đã đủ quên đang ở thời điểm nào.
Một điểm nhân văn đáng chú ý trong tiểu thuyết, ấy là chi tiết gói bảo hiểm dành riêng cho nhân sinh kép. Trong khi mọi người đang ác cảm về bảo hiểm thì tác giả lại chọn viết về chủ đề này dưới góc nhìn mới lạ. Siêu ngã mua gói bảo hiểm và người thụ hưởng sẽ là một trong hai bản thể nếu bản thể kia qua đời. Nhưng để được thụ hưởng số tiền khổng lồ ấy thì bản thể phải trải qua một cuộc kiểm tra không dễ chút nào. Bài kiểm tra nêu ra những câu hỏi xoay quanh vấn đề "Bạn có đúng là bạn?" Theo tôi, đây là một câu hỏi đầy tính triết học, nhìn lại nội tại và thấu hiểu bản thân, vì hiện tại rất nhiều người vẫn đang loay hoay với câu hỏi "Mình là ai và muốn được là ai?"
Ai cũng muốn được sống một cuộc đời họ mơ ước và khao khát. Chỉ là, cách họ thực hiện như thế nào mà thôi. Trong "Nhân sinh kép", những con người ấy có hai lựa chọn, đó có thể là may mắn hoặc khổ đau, chọn đúng hoặc chọn sai. Tôi thích cái cách mà siêu ngã dịch chuyển từ bản thể này sang bản thể nọ, để trốn tránh những áp lực cuộc sống hay được làm những điều ở bản thể còn lại chẳng dám làm. Và họ cũng sẽ được chết hai lần, để cảm nhận những thay đổi về thế giới quan. Từ bỏ con người cũ và học cách chấp nhận sống bằng con người mới nhưng vẫn không quên trách nhiệm với cuộc đời cũ, điển hình là hai nhân vật Kiên và Ngọc.
Sâu xa hơn, có độc giả còn cho rằng Nhân Sinh Kép có thể là ẩn dụ của một nền kinh tế Việt Nam chuyển mình vào thời hiện đại. Nếu như Vũ đại diện cho nền sản xuất cũ, thì Kiên là hình ảnh của kinh tế thị trường năng động. Vũ đã phải hy sinh để dồn toàn bộ tài nguyên đời sống cho sinh thể kia.
Nhưng chúng ta chỉ có một bản thể độc lập với linh hồn duy nhất. Và cái chết cũng chỉ đến một lần.Liệu bản thân nhân vật Kiên sẽ cố gắng trân trọng cuộc sống này như Kiên đã khai ngộ? Hay vẫn sẽ tiếp tục chối bỏ nó để tìm đến sự giải thoát mỗi khi chìm vào tuyệt vọng? Đây sẽ là những câu hỏi mà độc giả giữ lại cho mình khi gấp cuốn sách lại.