Đói thì đói chứ trẻ con 7-8-9-10 tuổi chưa biết chữ thì nhà nào cũng cố cho con đi học lớp vỡ lòng kiếm cái chữ làm vốn.
Cô giáo người làng, Nguyễn Thị Cơ sau khi cô được cấp chứng chỉ Bình dân học vụ lớp xoá mù chữ biết đọc biết viết, được gọi đi học lớp đào tạo cấp tốc ty giáo dục Hưng Yên mở, trở thành cô giáo dạy Vỡ Lòng của Làng, học trò trong lớp học đó có tôi và các bạn lộ cộ không bằng tuổi nhau học chung một lớp,được học tại Quán Bắc Chính trung tâm giữa làng.
Cô giáo đến rồi chúng mày ơi ! Cả lớp ùa vào ngồi trên chiếc ghế đóng ghép bằng 2 đoạn tre già có lỗ đục lắp chân bằng tre, trước mặt chiếc bàn bốn chỗ ngồi bằng gỗ xoan còn tươi mới,có vệt rãnh dọc bàn để bút chì bút mực, hàng lỗ tròn nhỏ để lọ mực tím tự pha đựng trong túi giấy rẻo kẹo ánh lên màu tím đậm mua của cô hàng xén chợ Lở, bàn ghế được tổ thợ mộc của làng ưu ái đóng không lấy công từ lớp gỗ xoan ven đường làng còn tre chặt dãy tre ngoài bãi sông Hồng chắn sóng, chọn cây già làm ghế ngồi,
Buổi tập đọc đã đến,sau khi cô giáo kiểm tra sỹ số và ổn định trật tự của lũ nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò chúng tôi,cô lấy phấn trắng viết mẫu từng chữ lên bảng đen,giọng cô ấm áp cất lên đây là chữ O nó tròn như quả trứng gà, còn đây Ô thì đội nón, Ơ thì có râu, học trò vỡ lòng lần đầu tiên được học chữ cái mắt sáng lên,háo hức lắm và mỗi lần cô nhịp thước kẻ vào cạnh bảng là cả lớp đồng thanh gân cổ lên đọc to nhất có thể, âm thanh vang vọng cả xóm,mấy bà mấy chị thấy lạ lẫm cũng thập thò xem cái chữ nó thế nào nhỉ?
Đến giờ tập viết, cô viết mẫu cho mỗi em vài chữ đầu dòng,trên tập giấy ngả màu vàng bẹ mo tre, rồi tất thảy cô đều cầm tay từng trò nắn nót viết cho thật đẹp,nét sổ thẳng,nét móc uốn cong cong,bằng bút chì đen sột xoạt trên giấy, có tiếng thút thít cô ơi !bút chì của em vấp vào cặn giấy bị gẫy rồi và bằng con dao nhỏ bổ cau cô vót đầu bút chì cho em để có bút viết kịp cùng các bạn,đến giờ ra chơi cô lại cặm cụi vót hàng chục chiếc bút chì cùn đầu rất khéo tay, một cách cần mẫn cẩn thận từng chiếc một cho các trò nhỏ tập trung bút để cô vót,
Vào giờ tập viết bút mực tím bằng ngòi bút lá tre, chưa được chữ nào lại có tiếng em thưa cô ! Tay áo em dài quá vướng không viết được, hoá ra là áo của anh cho em mặc ké không đúng độ tuổi,cắt may bằng vải diềm bâu nên cô phải cuộn mấy gấu tay áo lên mới được bàn tay em cầm bút không vướng.
Em thưa cô bạn này chấm trộm mực của em, thôi thì đủ các thể loại kiện tụng thưa cô và cô đều nhẹ nhàng hoà giải êm thấm.
Giờ ra chơi đã điểm một anh chàng lớn nhất lớp mặc bộ quần áo nhỡ cỡ bằng vải vuông nhuộm nâu già nhấn bùn non, đứng lên dõng rạc đọc to và hô khẩu hiệu, Mờ Nờ Mo Na... gà gáy O...O học cho mệt người,... i tờ muôn năm,...muôn năm, cả lớp được trận cười như phá mả, cô giáo cũng bật cười vui vẻ,
Rồi từ hàng gần cuối lớp chợt như ong vỡ tổ,em thưa cô bạn Tý ị đùn ra quần ạ, khổ cô rồi cô lại phải đưa trò ra cầu ao rửa ráy thay quần mượn tạm của bạn nhà cạnh lớp trong tiếng bêu bêu ầm ầm trong lớp, cô nghiêm giọng chấn chỉnh lớp trật tự không được bêu bạn xẽ bị kỷ luật úp mặt vào góc cuối lớp.
Nếu đã là thày cô thì gian lao vất vả nhất là cô giáo dạy vỡ lòng,vì thập cẩm các vấn đề không lường trước được,lũ học trò nhỏ quậy phá như giặc, cũng do một phần đâu có được học mẫu giáo để mà rèn đức tính tập thể khuôn khổ,
Cô giáo dạy vỡ lòng lớp i tờ của chúng tôi, các trò vì yêu mến cô giáo mà nghêu ngao hát, Em chăm em ngoan... chúng em là học sinh cô Cơ... mến yêu i tờ...sờ nặng sợ... cô Cơ,
Cô giáo ơi! Mấy giờ rồi sao lớp chưa tan? xin cô về chén bát cơm rang, cô mỉm cười lắc đầu nhân từ và hết lòng tận tụy với đám học trò lau nhau lớn bé,nghịch như quỷ sứ loanh quanh toàn con cháu nhà và trong làng trong xóm chứ đâu xa !
Từ cô Cơ dạy vỡ lòng rồi bà Cơ hiệu trưởng trường cấp 1 Ngọc Thanh, nay chúng tôi đã có cháu gọi bằng bà bằng ông thì đương nhiên gặp bà từ xa “Con chào Cụ Giáo ạ “ với một lòng thành kính biết ơn với Cụ giáo viên ưu tú,luôn trăn trở với việc lợi ích “Trăm năm trồng người”
Nay cụ giáo thượng thọ trên 90 tuổi nhưng vẫn minh mẫn văn thơ chữ nghĩa tổ trưởng tổ thơ của làng.
Vẫn giọng nói ấm áp ấy, ánh mắt hiền từ, tấm lòng yêu trẻ,qua bao thế hệ đưa đò qua sông, nhân ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam, tôi cầu chúc cho cô giáo luôn khỏe mạnh,bình an thượng thọ, đại thượng thọ,
Đã 58 năm đi qua,nhớ về lớp vỡ lòng i tờ ngày nào,chắc hẳn ai cũng nhớ về cô giáo của mình chẳng thể nào quên, dù đi đâu về đâu nhớ lắm mốc son bắt đầu “biết chữ”.
Chuyện Làng Quê