Cô giáo tôi - Hoàng Minh Trâm; Đi tìm chồng (Kỳ 4 - Hết)

Từ năm 1973 đến 30/4/1975 cách mạng miền Nam giữ thế da báo. Vùng giải phóng đan xen vùng địch. Ta đánh để mở rộng vùng giải phóng. Quân VNCH mở các cuộc hành quân, càn quyét đánh chiếm lại đất với mục tiêu " Tràn ngập lãnh thổ ". Mỹ đã rút quân khỏi Việt Nam theo Hiệp định Pari, không còn bom B52 trải thảm, nhưng chiến tranh vẫn ác liệt.

Cô Trâm ở trong khu giải phóng ở R, vẫn dạy học cho công nhân nhà in báo Giải Phóng. Thầy Hùng là phóng viên của báo, hàng ngày đi cơ sở lấy tin, có ngày ở nhà viết bài và trông con. Cuộc sống hạnh phúc trôi êm đềm trong vùng tự do.

dt1aqf-1706107184.jpg

Trong R cô nuôi gà lấy trứng nấu bột, cháo cho con. Ảnh do cô giáo Hoàng Minh Trâm cung cấp.

Người miền Bắc vốn chăm làm. Cô thày cũng trồng rau, nuôi vài con gà, con vịt, chuồng chim bồ câu cải thiện đời sống. Nhìn thằng nhỏ hơn một tuổi lon ton chạy đi chạy lại trong sân, đùa chơi, chạy đuổi đôi chim bồ câu đang cần mẫn kiếm mồi, hai vợ chồng vẫn tưởng như trong mơ. Cô kể về một kỷ niệm.

dt2aabn-1706107512.jpg

Chiếc mũ cối bị đạn xuyên qua trong trận Mỏ Công của nhà báo Đậu Hùng. Ảnh do cô Hoàng Minh Trâm cung cấp.

 

- Vào một ngày nghỉ sau tết năm 1974. Hai vợ chồng bế con bơi thuyền sang bờ bên kia sông Vàm Cỏ định vui chơi kết hợp kiếm ít rau về cải thiện. Sang đến nơi, đi sâu vào bờ một chút. Một cảnh như thiên đường hiện ra: Hoa mai vàng nở rực rỡ, tươi rói trên cành. Ong vo ve, bay lên bay xuống hút mật. Bên hàng mai một vài cây chuối rừng hoa đỏ chói như điểm xuyết lên thảm vàng. Tiếng chim khiếu, chim chào mào, chim ri rúi rít. Máu nghệ sỹ nổi lên, anh đạo diễn cho cô bế con đứng, ngồi các kiểu chụp với hoa mai vàng. Hướng dẫn cho hai mẹ con nằm dài trên thảm cỏ xanh. Không gì đẹp và hạnh phúc bằng. Muốn có ảnh đẹp, anh bảo cô đặt thằng nhỏ lên võng rồi chụp ảnh cho cô. Hết kiểu này đến kiểu khác. Tiếng cười ròn tan, tươi trẻ của họ hòa vào giàn hợp xướng của chim muông trong rừng mai... Giật mình nghe thấy con khóc, hai vợ chồng chạy vội lại. Cô trào nước mắt vì con bị muỗi đốt đầy mặt, đầy tay... Thương con, cuộc vui trở thành cuộc trách cứ lẫn nhau.

dt3ah1-1706107615.jpg

Tác giả và cô giáo Hoàng Minh Tâm tại quê nhà TP Ninh Bình tháng 3/2023

 

Ngày 22/3/1975, Phóng viên Đậu Hùng nhận nhiệm vụ đi lấy tin ở trận đánh đồn và giải phóng xã Mỏ Công thuộc huyện Tân Biên - Tây Ninh. Nơi đây là thành trì cuối cùng của bọn Ngụy tại tỉnh Tây Ninh. Là phóng viên chiến trường của báo Giải Phóng, anh luôn muốn có tin tức và hình ảnh chính xác nhất, nhanh nhất. Theo đoàn chiến sỹ giải phóng xung trận. Anh bò vào sát đồn Mỏ Công, quần áo rách bươm vì dây thép gai. Khi đồn vừa thất thủ, cũng là lúc anh vướng phải mìn Claymore (mìn định hướng ) của địch gài sẵn. Một đám lửa vàng lòe lên, anh và hai chiến sỹ đi cùng ngã gục. Chiếc mũ đã đỡ cho người phóng viên. Máu thấm đỏ cả mái tóc đen. Anh bất tỉnh bên hàng rào thép gai dưới chân đồn Mỏ Công. Đến sáng, thương binh được đưa đi cấp cứu. Họ mang theo chiếc mũ cối lỗ chỗ vết đạn và máy ảnh bên người phóng viên mang về bệnh viện.

Người lính cứu thương nói với các bác sỹ:

- Đồng chí này còn may vì chỉ ở rìa hướng nổ của quả mìn. Nếu ở trong dải sát thương của mìn thì chẳng ai còn sống sót!

Mọi ngày, dù đi lấy tin ở đâu, dù xa đến mấy phóng viên Đậu Hùng vẫn cưỡi con Hon Da cà tàng về nhà với vợ con. Đêm nay không thấy chồng về.

Lòng cô như lửa đốt. Chạy sang báo Giải Phóng hỏi, mọi người cho biết anh đi Mỏ Công. Cô biết Mỏ Công là vùng địch. Đồn Mỏ Công toàn lính con em dân di cư sau 1954 nên rất ngoan cố. Cô linh tính có điều chẳng lành. Về nằm ôm con chờ trời sáng. Báo Giải Phóng cho người cùng đi tìm. Bên nhà in cũng vội cử người đi. Gửi con cho hàng xóm, cô cùng Anh Thân, bạn của Phóng viên Đậu Hùng đi khắp vùng Mỏ Công hỏi tin tức anh. Vừa đi cô vừa khóc vì lo sợ. Mái tóc dài xõa tung bay lật phật sau xe, hòa vào đám bụi vàng bốc lên, trông như tóc của một bà tiên. Đến mỗi ngã ba, quán trà đá, quán cà fe, góc chợ, xe máy chưa dừng hẳn, cô đã nhẩy xuống hỏi người dân:

- Các má có thấy một anh cao to, dáng nhanh nhẹn, nói giọng Bắc đi qua đây không? Chợt nhớ, cô miêu tả:

- Ảnh đeo máy ảnh, như vầy nè. Trên đầu mang cái nón bộ đội giải phóng, không phải mũ tai bèo. Cô làm động tác, giảng giải. Lúc nói giọng Bắc, lúc nói giọng Nam lẫn lộn, hoảng hốt. Nhiều lúc anh Thân phải giải thích lại cho rõ. Rồi họ vào các trạm xá của vùng giải phóng, vào hết các bệnh viện của khu vực núi Bà Đen vẫn không thấy anh. Cô quặn đau trong lòng:

- Lẽ nào anh bị biệt kích bắt cóc, thủ tiêu? Trong vùng giải phóng thỉnh thoảng cũng có trường hợp như vậy. Cô khóc không ra tiếng:

- Anh Hùng ơi! Anh ở đâu, về với em, với con đi! Thằng Nam nó khóc đòi anh hoài nè! Cô khóc tu tu, khóc nức nở ngay giữa ngã ba. Một bà má xót xa hỏi:

- Con đã vào các bệnh viện chưa? Nếu tai nạn, bị sao người đi đường sẽ đưa vào trạm xá, bệnh viện. Còn đánh trận thì đã có bộ đội tải thương. Ở Tân Biên có một cái đấy!

Theo hướng tay bà má chỉ, cô vùng đứng dậy, hớt hải ra hiệu cho anh Thân chạy xe. Vừa chạy cô vừa hét:

- Đúng rồi! Bệnh viện Liên cơ ( là bệnh viện liên cơ quan của R ) mà trong lúc bối rối, hoảng loạn cô không nhớ ra.

Đến bệnh viện Liên cơ, cô xộc vào phòng cấp cứu, hàm răng cô đập cầm cập, câu hỏi dồn dập, đứt quãng. Túm người mặc áo blu:

- Bác sỹ! Cho tôi hỏi có anh Phóng viên tên Hùng bị thương cấp cứu ở đây không?

Cô y sỹ nhìn người phụ nữ tóc rối bù, phủ lớp bụi vàng, nói giọng Bắc không ra Bắc, Nam không ra Nam, rất khó nghe. Cô đưa mắt sang người đàn ông đi cùng dò hỏi?

Anh Thân vội nói:

- Đây là chị Trâm vợ Phóng viên Đậu Hùng của báo Giải Phóng. Anh đi lấy tin, viết bài cả ngày qua, đêm qua không về. Chúng tôi e là... Chưa hết câu, cô y tá ra hiệu cho hai người đi theo. Trong phòng cấp cứu, ngoài bác sỹ, và một y sỹ còn một người đàn ông lấm lem, đầu cuốn băng kín mặt, máu trên vòng băng đã khô đen, dây dợ lòng thòng đầy người đang nằm bất tỉnh trên giường cấp cứu. Nhìn chiếc mũ cối đặt góc phòng. Cô òa lên khóc:

- Đúng anh rồi, anh Hùng ơi! Sao lại ra nông nỗi này?

Cô chồm tới định ôm lấy anh. Bác sỹ nói:

- Bệnh nhân này bị thương vào đầu rất nặng. Chúng tôi đang chuẩn bị mổ. Người nhà ra ngoài chờ. Miệng nói, tay đẩy cô ra ngoài rồi đóng sập cửa phòng cấp cứu lại. Cô ngồi thụp xuống góc hành lang ôm đầu khóc:

- Cầu trời khấn phật cho anh qua khỏi. Bao nhiêu bom đạn trên đường Trường Sơn, bao nhiêu lần vượt qua bom B52 rải thảm, anh không chết thì bây giờ anh đừng chết nhé! Ta sắp thắng rồi, sắp giải phóng Sài Gòn rồi anh ơi!

Ca mổ sau đó diễn ra gần nửa ngày. Cô ngồi ngoài phòng mổ chờ đợi. Mỗi lần có y, bác sỹ ra ngoài, cô lại bám lấy hỏi han trong nước mắt:

- Bác sỹ ra hiệu cô im lặng, an ủi cô ngồi chờ tiếp. Khi anh được đưa đến phòng hậu phẫu thì trời cũng vừa tối sẫm. Bác sỹ thông báo tình hình bệnh nhân:

- Anh ấy bị thương rất nặng. Chúng tôi mổ đã tìm, gắp rất nhiều mảnh của quả mìn nhưng chưa hết vì nó lẩn trong phần mềm nhưng không thể kéo dài ca mổ, bệnh nhân có thể sẽ chết trên bàn mổ.

Cô được theo vào phòng hậu phẫu chăm sóc anh. Nhìn anh mặt trắng bệch vì mất máu. Mắt nhắm nghiền, miệng ngậm ống thở. Lồng ngực phập phồng lên xuống theo nhịp đập trái tim. Lòng cô thắt lại vì thương anh. Thức trắng cả đêm, cô ngồi bên anh, nắm bàn tay nhăn nheo, trắng bệnh của anh áp vào ngực mình như muốn truyền hơi ấm tình yêu của mình cho anh.

Hơn một tuần sau, anh mới tỉnh. Cô òa khóc nức nở, mừng rỡ. Cứ thế, sức mạnh của tình yêu, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ đã kéo anh khỏi tay tử thần. Anh dần hồi phục. Khi nói được, câu đầu tiên anh hỏi là thằng nhỏ Hoàng Nam. Hôm sau cô buộc ghế đèo con vào viện. Trên đường đi, một chiếc xe thồ hàng va vào cô làm hai mẹ con ngã vật xuống đường. Cô ngã sang vệ đường, thằng Nam bắn vào lòng đường, sợ hãi khóc thét. Mấy bà bán hàng ven đường ôm mặt rú lên. Chiếc xe cam nhông chở đầy bộ đội giải phóng phanh két, cháy đường. Suýt nữa thì đè lên cháu. Cô thét lên, nhoài ra mặt đường, vồ lấy thằng Nam ôm chặt con vào lòng, vừa khóc vừa lần khắp người xem con có làm sao không? Đoạn đường ùn tắc. Mọi người đỡ xe, dìu mẹ con cô vào lề đường. Cô lắp bắp trong nước mắt:

- Mẹ xin lỗi, mẹ thương con!

Chiếc xe bộ đội đánh lái, tránh hai mẹ con cô rồi đi tiếp. Các chiến sỹ giải phóng trên xe vẫy tay chào hai mẹ con.

Tháng sau anh ra viện. Bác sỹ bảo:

- Trong đầu anh vẫn còn vài mảnh đạn. Phải sống chung với nó thôi. Từ đó anh hay bị choáng, chóng mặt. Sức khỏe giảm sút hẳn.

Sáng ngày 30/4/1975, Quân giải phóng từ các hướng tiến vào Sài Gòn. Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Cán bộ chiến sỹ Trung ương cục miền Nam và Bà con vùng giải phóng tràn ra đường vẫy cờ hô Cách mạng muôn năm! Mấy chú bộ đội miền Bắc gục mặt vào mũ, gầm lên:

- Sống rồi mẹ ơi!

Tiếng súng, tiếng nổ vang khắp mọi nơi nhưng không phải tiếng súng càn của bọn ngụy, mà là súng mừng chiến thắng của bộ đội giải phóng bắn lên trời.

Đồng hồ chỉ 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.

(Hết)

T.H.Q