Cô hàng cá

Truyện ngắn của Phạm Công Thắng

23/04/2024 09:54

Theo dõi trên

Căn nhà bốn tầng tôi đang ở được xây cất từ đầu thập niên 1990, nằm trên một dãy phố nhỏ chạy thẳng ra con hồ thoát nước lớn của thành phố. Mặt tiền nhà đối diện với dãy tường nhem nhuốc của Trạm biến thế điện chạy dài chừng vài chục mét.

Cách đây một thập kỷ, vỉa hè đoạn đường này còn rộng nên một cô trong ngõ đến đây mở quán bán bún riêu cua ăn sáng. Một ông tít dưới quận Hoàng Hà cũng ngồi bơm vá sửa chữa xe đạp, xe máy. Góc cuối con đường còn có một gã thanh niên chễm chệ ngồi sửa khóa... Sau này người ta cắt bỏ bớt vỉa hè cho đường rộng hơn, những lều bán hàng tạm bị đội cờ đỏ phường giải tỏa, trả lại sự thông thoáng cho con phố.

Gần đây, từ sáu giờ cho đến tám giờ sáng, cạnh cây cột điện trước cửa nhà tôi xuất hiện một cô nàng ngồi bán cá. Ban đầu tôi chẳng hơi đâu để ý bởi cô ta cũng mưu sinh kiếm sống như bao người khác thôi. Nhưng nhìn mãi hóa quen, tự nhiên hôm nào không thấy cô ngồi ở đó là tôi thấy như thiếu hụt thứ gì.

Sáng sáng tôi hay ra lan can trước nhà nhìn xuống chỗ cô hàng cá quan sát. Phải thừa nhận cô nàng đẹp thật.Người thon gọn, eo ót đạt chuẩn, đặc biệt là nụ cười quyến rũ của cô ta đã làm xiêu lòng bản năng thằng đàn ông trong tôi.

Nhiều khi tôi thầm ước giá như nụ cười đó nàng độc quyền dành riêng tôi thì tôi hạnh phúc biết nhường nào. Nhưng rồi tôi nhận ra nụ cười dễ thương đó không chỉ dành cho tôi mà còn dành cho tất cả khách hàng. Và tôi cũng tự mắng mình có vợ con đề huề rồi còn tơ tưởng linh tinh.

Khách mua cá của nàng đa phần là người quen từ  trong hai con ngõ đối diện và những bà nội trợ nhà bên kia hồ mua lâu ngày thành quen. Không hiểu cá của nàng ngon, rẻ hơn cá của mấy bà bán trong chợ hay do tiện đường mà người ta mua rất đông.

Thấy nàng đông khách, nhiều bà bán cá chẳng hiểu từđâu cũng mò đến ngồi bán cạnh tranh. Nhưng chỉ được vài hôm họ phải bỏ đi vì người ta chỉ mua cá của cô bán hàng quen.

Nhiều hôm tôi để ý thấy một ông đứng tuổi người gầy đét sáng nào cũng dựng xe đạp ngồi bên cô hàng cá tâm sự rất lâu, sau đó mới xách túi cá lên xe đi về. Tôi nghĩ chắc ông này hộ độc thân sống trong ngõ, mê cô hàng cá cũng nên. Lại thêm một anh chàng bán cam sành si tình, sáng nào cũng đẩy xe đến bán cạnh cô hàng cá. Bán cam chẳng thấy ma nào mua, chỉ thấy anh ta ngồi tán tỉnh cô nàng hàng tiếng đồng hồ. Một lần có đôi giày cũ thải ra còn đi tốt, tôi vẫy anh ta sang nhã ý cho, cũng là mượn cớ làm quen. Anh ta thích lắm, liền cởi bỏ đôi giày rách đang xài, xỏ ngay đôi giày tôi cho rồi rối rít cám ơn. Tôi hỏi:

- Hình như cậu mê cô nàng bán cá phải không?

Cậu ta nhìn tôi rồi nhe bộ răng vàng cáu bẩn, cười:

- Ôi! Cô nàng dễ thương thật anh ạ, nhưng em tán mãi có đổ đâu.

Nói rồi anh ta lẳng lặng bỏ sang đường, lên xe đi thẳng. Từ hôm đó biết chẳng xơ múi được gì nên chẳng bao giờ thấy anh ta đứng bán cam ở đó nữa.

Lại một lần có bà đến mua cá, không hiểu mua xong đã trả tiền chưa mà sau một hồi phân giải bà ta còn lên giọng chửi cô bán cá, làm cho những vị khách đi đường hiếu kỳ tò mò dừng lại xem chiếm cả đường đi, khiếnđoàn ô tô nối đuôi nhau phía sau bóp còi inh ỏi.

Thấy tôi hay nói chuyện về cô hàng cá, vợ tôi đùa:

- Anh có vẻ mê cô bán cá gớm nhỉ!

Có hôm, vợ tôi từ trên lầu ba nói vọng xuống:

- Anh ra đằng trước nói cô bán cá bán cho em một cân cá trắm, mai em trả tiền.

Thế là từ đó tôi thường xuyên xuống mua cá cho vợ để có cơ hội gặp nàng nhiều hơn. Thấy tôi trẻ trung, ăn nói lại có duyên nên cô hàng cá cứ xoắn lấy tôi bắt chuyện vui vẻ. Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho lòng tôi bâng khuâng khó tả.

Một lần tôi bàn với vợ cho cô hàng cá con mèo hay đivệ sinh bừa bãi vì nhà không có người dọn. Nhà nàng có sân vườn rộng, nó về đó chạy nhảy cũng đỡ cuồng chân. Được vợ đồng ý, tôi mang con mèo xuống tặng nàng, nàng thích lắm, nhận liền. Từ đó câu chuyện giữa tôi và nàng luôn có thêm nhân vật thứ ba là con mèo khoang.

Rồi chuyện chẳng có gì để nói thêm nếu như một lần nàng đang ngồi bán cá thì bất chợt một cơn mưa rào đổ xuống. Tôi vẫy tay gọi nàng sang nhà trú mưa. Nàng ngoan ngoãn chạy sang, khuôn mặt tái nhợt vì mưa  ướt, nước chảy xuống ướt sũng cả cánh áo phin mỏng để lộ bờ vai trắng ngần.

Tôi chạy lên trên gác vơ vội cái khăn mặt trong buồng tắm mang xuống, đưa tay lau khô những giọt nước mưa trên mặt và bờ vai nàng. Lạ kỳ thay, nàng không hề phản ứng mà còn nhìn tôi cảm động. Tôi nhận ra từ trong đôi mắt sâu thẳm của nàng, những giọt lệ buồn tủi chảy khô cằn trên mi. Rồi nàng thủ thỉ kể cho tôi nghe cuộc đời bất hạnh mà nàng đang nếm trải.

Hơn mười năm trước, nàng lấy chồng. Chồng nàng là con một vị trưởng thôn giàu có, si mê và theo đuổi nàng chỉ vì lý do đơn giản, nàng đẹp. Ban đầu nàng không có cảm tình với gã, bởi gã ỷ thế con nhà giàu suốt ngày rong chơi ve vãn đàn bà con gái. Thậm chí,nghe đâu cha gã còn bỏ tiền chạy để gã thoát khỏi nhiều đợt quân dịch. Được cái gã dẻo miệng, hót hay và khá lì lợm, nên ngày nào cũng đến trước cổng nhà nàng trồng cây si. Cuối cùng, duyên phận trớ trêu cũng như sức ép của người cha mà nàng phải lấy gã. Nghe đâu trước đó gã thường lấy lòng cha nàng lúc chai rượu, khi lạng chè tàu. Cao cấp hơn, gã còn biếu ông tiền uống rượu vì biết ông nghiện rượu nặng.

Sau ngày cưới, tưởng lấy được vợ hiền gã sẽ tu chí làm ăn. Nào ngờ bản chất quen ăn chơi, bao nhiêu tiền thầy mẹ cho gã nướng sạch vào cờ bạc, gái gú. Năm đó trong một trận hỏa hoạn nhà gã cháy sạch khiến thầy mẹ gã trắng tay. May mà vợ chồng gã còn căn nhà thầy mẹ mua cho hồi cưới để tá túc. Ai ngờ, thầy mẹ chết chưa xanh cỏ, gã đã đem bán căn nhà của hai vợ chồng lấy tiền cá độ bóng đá rồi thua cháy túi.

Những tháng ngày sau đó là khoảng thời gian nàng chịu biết bao cay đắng tủi nhục. Nàng phải về cầu lụy mẹ bán số tư trang mà bấy lâu nay bà cất giữ, lấy tiền trang trải nợ nần và thuê một căn nhà lá trong xóm để tá túc. Hàng ngày, nàng gửi hai con nhỏ cho mẹ trông giữ rồi sáng nào cũng như sáng nào nàng lại rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng chở cá lên thành phố bán lấy tiền nuôi chồng con.

Một lần phường lập lại trật tự vỉa hè, nàng phải nói khó với một cán bộ dân phòng, dúi cho ông ta ít tiềnnàng mới tiếp tục được ngồi bán. Nhưng rồi hôm đó số nàng đen đủi, lúc bán hàng xong vào ngõ lấy xe buộc đồ nghề để về thì chiếc xe đã không cánh mà bay. Mất xe là mất kế sinh nhai, nàng gào khóc như điên dại. Nhiều người đi qua thấy vậy thương tình, kẻ giúp vài chục ngàn, người ủng hộ vài trăm, riêng tôi gọi nàngvào nhà dúi vào tay ủng hộ hai triệu. Gom đủ tiền, nàng nhờ cậu em trai ra chợ xe Chùa Voi mua tạm chiếc xe máy cũ để tiếp tục bán cá mưu sinh.

Tháng ngày dần trôi, tôi cứ bận bịu với công việc của tôi, còn nàng cứ rong ruổi với cuộc mưu sinh của nàng.

Sáng nay tôi có việc lên phố sớm, vừa dắt xe ra cửa đã thấy nàng ngồi đó, mặt mày sưng húp. Tôi gặng hỏi mãi nàng mới nói:

- Hôm qua, em làm vệ sinh cho mấy nhà trong chung cư về chưa kịp nấu cơm, lão đã cầm gậy lùa đánh em.

Nàng nói, giọng nghẹn ngào và uất ức:

- Thấy mẹ bị đánh, hai đứa nhà em chạy ra van xin bố dừng tay thì lại bị lão xô ngã dúi dụi, rồi lão tiếp tục lao vào đánh em tới tấp. Đánh chán chê, lão móc túi em lấy sạch tiền rồi đi biến.

Tôi nghe kể, thấy phẫn nộ thay cho nàng:

- Sao em không bỏ quách thằng chồng khốn nạn đó đi. Sống làm thân trâu ngựa cho hắn mãi vậy sao?

- Không được đâu anh, lão sẽ giết em mất. Vả lại em còn hai con nhỏ, mặt mũi nào mà nhìn thấy bà con xóm làng. Kiếp đời em nó phải khổ vậy. Khổ nhục lắm nhưng em phải cắn răng chịu đựng thôi anh ạ!

Trời đã vào tháng Ba, nhưng cái rét xứ Bắc vẫn như cắt vào da thịt. Ngồi trong phòng, đóng kín cửa làm việc mà tôi vẫn thấy lạnh run cầm cập. Ngoài kia, cô hàng cá mặc chiếc áo mưa xanh mỏng trong mưa lạnh, vẫn cần mẫn ngồi chặt từng khúc cá tươi cười trao cho khách. Đâu ai biết rằng người phụ nữ có nụ cười xinh xắn ấy đang phải chịu bao nỗi hờn tủi. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn xuống, thấy nàng đang nặng nề đưa chiếc thùng sắt tây nặng hơn cả người nàng lên yên, chằng buộc sợi dây chun vào thành xe như trói buộc chính cuộc đời nàng. Nhìn bóng nàng nhạt nhòa khuất xa trong làn mưa bụi, lòng tôi nghe nhoi nhói.

---------------------

Trong tập truyện "Bão đời" của Phạm Công Thắng,  NXB Văn học, 2024.

Bạn đang đọc bài viết " Cô hàng cá" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn