Cố họa sĩ Nguyễn Sáng và những kỷ niệm còn mãi với thời gian

Phụng Thiên

29/07/2023 21:50

Theo dõi trên

Ngày 29/7, nhân 100 năm ngày sinh cố họa sĩ Nguyễn Sáng (1/8/1923-1/8/2023), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình trò chuyện nghệ thuật “Những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng”.

Buổi trò chuyện đã hé lộ những câu chuyện về một họa sĩ lớn của mỹ thuật Việt Nam thuộc nhóm tứ kiệt nửa sau thế kỷ XX: "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái."

img-1690640025383-1690641786545-1690642159.jpg
Quang cảnh buổi trò chuyện

“Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” hay “Sáng, Liên, Nghiêm, Phái” là 4 họa sĩ nổi bật của mỹ thuật Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, tiếp nối thế hệ của  “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn).

“Nghiêm là” họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Ông có nhiều ảnh hưởng đến ngành mỹ thuật Việt Nam với những tác phẩm tranh sơn mài, sơn dầu và màu bột. “Liên” là họa sĩ Dương Bích Liên, người ghi dấu trong nền hội họa Việt Nam bởi những bức chân dung đầy sự trân trọng dành cho thiếu nữ. “Sáng” là họa sĩ Nguyễn Sáng, ông được xem là một trong những đại thụ của nền mỹ thuật bởi tư tưởng luôn hướng đến các vấn đề nổi bật xã hội. “Phái” là họa sĩ Bùi Xuân Phái với những bức tranh nổi tiếng vẽ về phố cổ Hà Nội, ông còn vẽ và đạt thành công ở các đề tài như chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân hay tĩnh vật.

img-1690640025379-1690641785612-1690642159.jpg
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn và họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ kỷ niệm về cố họa sĩ Nguyễn Sáng

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho biết ông rất vui khi được tham gia chương trình ý nghĩa này. Đây là cơ hội để công chúng yêu nghệ thuật, giới trong nghề tưởng nhớ danh họa Nguyễn Sáng, "là dịp để chúng ta cùng nhau trò chuyện, nhắc nhớ về danh họa lớn của mỹ thuật đương đại Việt Nam".

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, cả cuộc đời của mình, danh họa Nguyễn Sáng đã sống âm thầm để có những sáng tạo nghệ thuật vĩ đại. Đến nay, hầu như chưa có tác phẩm nào vượt được "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của danh họa Nguyễn Sáng.

Nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, hoạ sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ, từng có hơn 10 năm làm việc cùng họa sĩ Nguyễn Sáng, bà có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt là những câu chuyện xúc động liên quan đến triển lãm đầu tiên và duy nhất của cố họa sĩ vào năm 1984. "Họa sĩ Nguyễn Sáng đã đạt tới đỉnh cao của thời kỳ nghệ thuật hiện thực. Nghệ thuật của ông đã lưu dấu trong tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Ông đã có những cống hiến lớn cho nghệ thuật hội họa Việt Nam…", bà Khuê khẳng định.

Tại chương trình, nhiều khách mời từng là hàng xóm, người quen biết họa sĩ Nguyễn Sáng cũng chia sẻ những câu chuyện thú vị trong cuộc sống đời thường của danh họa, như chuyện về thói quen thích ngồi uống cà phê với bạn nghề; chuyện về một con người khắt khe trong công việc, trực tính, dễ nổi nóng, thậm chí cộc cằn.

Họa sĩ Nguyễn Sáng tên đầy đủ là Nguyễn Văn Sáng, sinh ngày 1.8.1923, tại làng Điều Hòa, Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Sinh ra trong một gia đình nhà giáo, nhưng Nguyễn Sáng lại sớm thể hiện năng khiếu vượt trội về hội họa. Ông từng học Trường Mỹ thuật Gia Định, sau đó học tiếp Trường Mỹ thuật Đông Dương Khóa XIV (1941 - 1945). Ông đã có nhiều năm sống và làm việc tại số nhà 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Sáng gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật của dân tộc. Ông là một trong những hoạ sĩ có tác phẩm sơn dầu, sơn mài đẹp nhất sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Giặc đốt làng tôi, Thiếu nữ bên hoa sen, Thiếu nữ trong vườn chuối,  Chọi trâu, Đấu vật…

Họa sĩ Nguyễn Sáng là người có 2 tác phẩm được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia, gồm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ và Thanh niên thành đồng, đều là tranh sơn mài.

Bạn đang đọc bài viết "Cố họa sĩ Nguyễn Sáng và những kỷ niệm còn mãi với thời gian" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn