Có một đêm trăng

Khi tôi mới về làm dâu làng Mỹ Khê, anh thường đưa tôi đi dạo dọc theo bờ biến của làng vào những đêm trăng. Anh nói: Những đêm sáng trăng, biển không chỉ bớt đi vẻ âm u, tĩnh mịch, mà còn  sáng long lanh, tuyệt  đẹp...
dem-trang-1670980256.jpg
 

 

Thật vậy, bao nhiêu nét đẹp hoang sơ của một thời xưa cũ cứ ngời lên dưới ánh sáng của vầng trăng, Từ đám rau muống biển, cho đến những chiếc thuyền thúng chai, thuyền máy, hay những chiếc thuyền có hình dáng dài, thon thon như những chiếc lá, nằm rải rác trên bãi cát trắng phau, cứ nổi bật lên một nét đẹp lạ lùng. Nhất là trên mặt nước biển.  ánh sáng từ  vầng trăng tỏa xuống mặt biển xuyên qua màng sương mỏng, tạo  nên không   biết  bao nhiêu là sợi tơ vàng óng ánh, lung linh. Những sợi tơ vàng óng ấy như đang nhún nhảy theo từng làn sóng nhấp nhô từ ngoài khơi xa, và như hòa mình theo   giai điệu hòa tấu trầm bỗng của tiếng sóng vỗ bờ cùng với  tiếng vi vu, vi vu từ rừng phi lao đưa lại.  Đôi khi tôi có cảm tưởng là mình đang an nhiên trong một thế giới vô cùng huyền ảo...

Lúc bấy giờ tôi đã thích thú nghĩ : Đêm trăng nào trên bãi biển Mỹ Khê đây, cũng mang theo bao nét đẹp   riêng tây như vậy.  Thật thú vị !

Nhưng...không phải vậy.

Có một đêm trăng...

Cái đêm trăng ấy, nó không lu mờ dần, không lần lượt lịm tắt đi như nhiêu kỷ niệm đã phải mờ theo sóng nước thời gian. Nó vẫn ở đó, như thể là chờ đợi một giây phút nào đó sẽ được hồn tôi gợi khơi, mở lối, hầu mang theo hương mùa cũ về chốn  đây, lãng đãng đôi giây, trong cơn mộng nhớ...Để rồi, vẫn thấy trào dâng trong lòng mình một nỗi ngậm ngùi.

Đêm trăng ấy, khi hai chúng tôi vừa bước qua đám rau muống biển. Tôi đã chửng người lại. Khi ánh nhìn của tôi vừa chạm phải những đốm sáng lập lòe nằm sát mặt cát dọc theo bờ biển. Khi đến gần, tôi mới nhận ra những đốm sáng lập lòe kia là những bó hương đã được ai đó cắm trên cát,  mỗi bó hương được cắm cách khoảng nhau hơn một mét, cứ thế nối dọc theo chiều dài của bờ biển.  Xa hơn một chút, gần rừng phi lao, còn có những làn ánh sáng nhỏ chập chờn đang di động lúc cao, lúc thấp. Tôi chưa kịp nhận ra những đốm sáng đó là gì, thì cũng vừa lúc tôi thoáng nghe nhiều thanh âm chen lẫn trong tiếng sóng ầm ào vỗ bờ, chen trong tiếng vi vút của rừng phi lao, có tiếng người kêu gọi, lại có  tiếng  như  than, như khóc, chừng như  là  tiếng kể lễ của ai đó. Lạ nữa là, thi thoảng chợt vang lên tiếng  phèng phèng, lốc cốc, tạo nên một tạp âm nghe rất kỳ quái...Thật là quá đổi lạ lùng! 

Tôi vô cùng kinh ngạc,  thoáng rùng mình, níu tay anh lại. Anh chợt thở dài, nói:  Chắc là sáng nay có người chết đuối mà chưa vớt được xác, người nhà nạn nhân đang lập đàn cúng, gọi hồn, mong sao oan hồn của nạn nhân về chỉ cho cái xác đang trôi dạt nơi nao...Mình đến xem đi!

Vừa dứt câu, anh nắm tay tôi rảo nhanh bước chân hướng về phía rừng phi lao. Qua hết đám rau muống biển, rồi đi len qua những chiếc thuyền thúng chai, thuyền máy, thuyền câu, nằm rải rác trên bãi biển.

Tôi đã từng  nghe có người chết đuối, và cũng đã từng chứng kiến cảnh người chết đuối được người ta tìm thấy xác và đem vào bờ. Tôi không thế cầm được nước mắt.  Giờ đây nhớ lại, tôi vẫn như thấy được hình ảnh đau khổ tột cùng của người mẹ nạn nhân tối hôm đó,  Một  hình ảnh mà bất cứ  người mẹ nào bị mất con giữa biển khơi, nhưng chưa tìm thấy xác...cũng có thể trở nên đau đớn tột cùng như vậy.

Tôi không thể nào diễn tả  hết cảm xúc của tôi,  khi bỗng nhiên rơi vào cảnh tượng trước mắt như vậy, bởi nó  nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Để rồi, bao nhiều hình ảnh, bao nhiều âm thanh cùng lời thơ gọi hồn đó cứ sống mãi trong tôi cho tới bây giờ. Ngẫm lại, ngày nay, thật khó có thể được nhìn thấy một cảnh gọi hồn người chết đuối trên bờ bãi sống động và ấn tượng như ngày xa xưa ấy.

Trước mắt tôi lúc bấy giờ là một đàn tràng nghi ngút khói hương, bày biện đủ các loại lễ vật  như  hoa quả, giấy tiền vàng, còn có cả những hình nộm các vị thổ thần của biển khơi. Trước đàn tràng là thầy cúng. Ông đang cúng bái, vái lạy tứ phương. Quỳ  cạnh chân ông, là một người đàn bà, đầu tóc rối bù, rũ rượi. Hai tay chấp vào nhau, vái lạy liên hồi, cùng với tiếng khóc nức nở nghẹn ngào...

Sau khi đã lâm râm cầu khẩn, vái lạy... tôi chợt nghe tiếng của thầy cúng vang lên - một bài thơ gọi hồn :

Khi nào mẹ mẹ, cha cha

Bao lời thủ thỉ thật là đáng yêu

Khi nào đứng đứng ngồi ngồi

Giờ đây đã thác ra ngoài biển khơi

Hồn ơi, ơi hỡi hồn ơi!

Hãy nương theo sóng về nơi bến bờ.

Hoặc  mau tìm lối quay về

Chỉ cho thân xác dạt trôi chốn nào.

Người đời có biễt chăng ơi

Con người tuy có, có rồi dường không!

....

Một cảnh tượng thật là ảo não!

Sau đó, đám người đứng quanh đấy, bước ra khỏi rừng phi lao, như thể từ một thế giới này bước sang một thế giới khác. Người thì tay cầm đuốc, người thì hai tay cầm  hai nắp xoong gõ vào nhau, có người lại gõ vào bất cứ vật dụng gì, để tạo ra âm thanh...

Những âm thanh của thiên nhiên là lời van vỉ theo người, còn  âm thanh của con người tạo ra là khát vọng trong tâm can. Những âm thanh ấy không quyện vào nhau, mà như rượt đuổi nhau, tạo nên một bản hòa tấu ai oán kỳ lạ vang lên giữa biển cả mênh mông.

Muốn tìm cho ra xác người nạn nhân đang nằm giữa muôn trùng sóng nước, những người thân đã khóc than và khấn thầm mãi các thần linh của biển khơi, cầu  mong các thần phù hộ và mong sao  hồn của người chết đuối, có thế nghe thấy lời kêu gọi của họ mà chỉ xác của mình đang nằm ở chốn nao giữa biển khơi mênh mông kia.

 Người ta gọi với bao kỳ vọng! Xác người con gái ấy đang ở đâu? Hồn người ở đâu? Giữa biển khơi rộng sâu hun hút ấy, nơi dàn trải biết bao cạm bẫy vô cùng bí mật! Trong khi đó, ánh lửa từ mấy ngọn đuốc cứ chao qua, chao lại, chập chờn theo làn gió đẩy đưa..

Biển như càng lúc càng mênh mông thêm ra. Trên bầu trời xa trăng vẫn tỏa sáng...một ánh sáng xanh...lạnh! khiến cho những người đi theo ngấm ngầm ghê sợ, nhưng lại cảm động tận tim gan. Cảm động này  diễn biến theo  từng tiếng gọi hồn nạn nhân của những người thân...Đó là thời khắc không dài lâu, sẽ bị nuốt chửng vào đêm đen, nhưng đã để lại trong lòng người biết bao thương tổn.

Hai chúng tôi chỉ đi theo đoàn người kia một đoạn. Rồi quay về... thì những âm thanh đó vẫn còn  lanh lảnh mãi hoài trong không gian qua từng cơn gió thoảng. Trong tôi lên tiếng thì thầm :  Hỡi trăng, ánh sáng huyền diệu. Hỡi biển cả mênh  mông sâu thẳm! Có nghe chăng, có thấu chăng trái tim người mẹ đang rạn vỡ, nỗi khổ đau chất ngất trong tiếng nức nở lặng căm, bà đã gập người ngã xuống mặt cát trong nỗi niềm chất ngất, cùng với bao tiếng thở dài chua xót.

Ôi, biển khơi ơi!  Người đã mang đi đâu người con gái ấy, dưới đáy sâu thinh lặng? Ngời dưới ánh trăng đêm nay, trong muôn vẻ đẹp lung linh đầy quyến rũ dường  kia,  lại   luôn dàn trải những  cạm bẩy không ngờ! khiến bao người đã vì  mải mê theo, mà không tìm được nơi đâu là lối quay về!

Từ đó đến nay, người và cả cảnh vật trong đêm trăng thuở nọ đã lạ hoá dần theo không thời chuyển lay...

Nay, tôi chợt nhớ ra và lần theo mùi hương kỷ niệm dậy khơi mà ghi lại đôi dòng...

 

Minhnghitonnu