Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than

Đặng Vương Hưng

10/11/2021 15:50

Theo dõi trên

Đó là một quán bia hơi vỉa hè, rất bình dân, có từ mấy năm nay ở thị xã Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh. Nó nổi tiếng không phải vì bia ngon, chỗ ngồi thuận tiện, tiếp thị, quảng cáo giỏi... mà bởi vì chủ quán bia này là một phụ nữ người Nga chính gốc: Chị Anbina Trebontasova, (thường được gọi thân mật là Anna), đã từ vùng Xibir – xứ sở ở cách xa Việt Nam hàng vạn dặm – theo chồng về đây làm dâu.

chuy-q1-1636532712.jpg
Nhà văn Đặng Vương Hưng và chị Anbina Trebontasova tại Quảng Ninh, mùa đông 1999.

 

Thực ra, những chuyện người Việt lấy vợ Tây, chồng Tây ở ta đã có từ lâu và cũng không phải hiếm. Nhưng câu chuyện đầy éo le, ly kỳ giữa “Nàng dâu Nga” Anna với chàng trai đất mỏ Trần Trọng Hải có thể coi là một trong những thiên tình sử lãng mạn nhất cuối thế kỷ XX...

Tình yêu không biên giới

Chuyện bắt đầu từ năm 1982, khi Trần Trọng Hải đi xuất khẩu lao động sang làm việc tại thành phố Kixêlốpxcơ, thuộc vùng Xibia lạnh giá của Liên Xô (cũ). Đầu tiên, Hải làm thợ nề. Sau đó, anh xin đi học thêm ngoài giờ tại trường Trung học dạy nghề của thành phố và chuyển sang làm thợ hàn...

chuy-qu2b-1636532955.jpg
Gia đình Trần Trọng Hải - Anbina Trebontasova tại Quảng Ninh năm 1999.

 

Thông minh, hiếu học nên sau một năm, vốn tiếng Nga của Hải đã vượt trội nhiều đồng nghiệp. Hải được làm tổ trưởng và kiêm phiên dịch. Trong một cuộc picnic tình cờ anh quen Anna, như là duyên số đã sắp đặt sẵn. Năm ấy, Anna vừa đến tuổi trưởng thành, đang còn là học sinh phổ thông trung học, còn Hải thì ở tuổi 22. Vẻ xinh đẹp tuyệt vời của một thiếu nữ Nga đã làm chàng trai Việt ngẩn ngơ và bàng hoàng. Sau này hồi tưởng lại, Hải đã thú nhận rằng mình đã bị nàng hút hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bằng giọng phát âm tiếng Việt không có dấu, Anna đã nhớ lại và kể: "Hoi đo anh Khai đep trai, vui tinh va noi tieng Nga gioi lam!" (Hồi đó anh Hải đẹp trai, vui tính và nói tiếng Nga giỏi lắm).

Vậy là họ bắt đầu yêu nhau.

Nhà Anna ở cách chỗ Hải làm việc tới gần 10 cây số. Nhưng là hai kẻ đang yêu và đã quá si mê nhau, nên ngày nào họ cũng phải tìm cách gặp mặt ít nhất một lần. Có hôm Anna trốn nhà đến với Hải. Có hôm Hải trốn công trường tìm đến với Anna... Thời gian đầu, mối quan hệ và tình cảm của họ còn được giữ kín và rất ít người biết; nhưng nó đã không bí mật được mãi, nhất là từ khi Anna học xong phổ thông trung học, có thời gian tiếp xúc và gần gũi với Hải nhiều hơn...

chuyejn-q3s-1636533134.jpg
Vợ chồng Anbina Trebontasova - Trần Trọng Hải.

 

Bà Liđa, mẹ của Anna là người đầu tiên trong gia đình biết chuyện và đã phản đối quyết liệt. Bởi bà rất tự hào về bản sắc văn hóa và coi trọng phong tục tập quán của dân tộc mình. Với bà, việc con gái mình có quan hệ tình cảm sâu nặng với người nước ngoài là điều không thể chấp nhận được!

Cũng cần kể thêm điều này: Hồi đó, Anna đang sống với mẹ và người em trai khác bố. Ông Ghena, bố đẻ của Anna làm nghề thợ mỏ, đã chia tay với mẹ cô từ khi con gái họ mới bảy tuổi. Tất cả tình thương và trách nhiệm bà Liđa đều dồn cả cho Anna. Và ý kiến của bà là cực kỳ quan trọng. Bà Liđa đã triệu tập một cuộc họp gia đình để "phán xử" vấn đề này. Cuộc họp đã "quyết nghị": Anna phải từ bỏ mối tình với Hải! Họ phân tích: liệu Hải có đủ tiền để cưới Anna không? Cưới xong, Hải có chịu từ bỏ việc trở về Việt Nam để ở lại Nga mà nuôi vợ con không? Quả thật, cả hai điều kiện đó, Hải đều không đáp ứng được! Nhưng từ bỏ nhau thì cả Anna và Hải đều quyết không muốn. Và như người ta thường bảo: "Không thể ra lệnh được cho trái tim"! Bất chấp sự ngăn cản, Hải và Anna vẫn yêu nhau!

Cuối năm 1985, tròn 20 tuổi, Anna đã có thai. Nhận được tin đó, Hải mừng lắm, nhưng ngay sau đó là sự lo lắng vô cùng. Làm sao mà giấu mãi được chuyện này, Anna đành thưa thật với mẹ. Không ngờ, bà Liđa đã nổi giận đùng đùng và càng cấm đoán ngăn cản quyết liệt! Vào một buổi sáng, bà Liđa đã dùng "biện pháp mạnh" để "cưỡng chế" Anna đến bệnh viện phá thai... Khi Hải nhận được tin này, anh lập tức bỏ việc lao đến, nhưng đã quá muộn, đành chỉ biết kêu trời. Anna đau khổ khôn cùng, tình yêu với Hải lại càng mặn nồng hơn.

Vài tháng sau, Anna lại có thai! Họ quyết định phải giữ bí mật. Cho tới khi bà Liđa biết chuyện thì cái thai đã lớn, không thể phá được nữa. Lần này thì "giời đành chịu đất", bà Liđa đã miễn cưỡng chấp nhận.

Hạnh phúc thấm đẫm nước mắt

Ngày 8-2-1987, bé Trần Ella (tên Việt Nam là Trần Hải Yến) – hiện thân của tình yêu giữa Anna và Hải – chào đời, bắt đầu một trang mới trong "thiên tình sử" của hai người.

Có thể coi giai đoạn từ đầu năm 1987 đến cuối năm 1990 là thời gian hạnh phúc nhất của đôi uyên ương Trọng Hải và Anna. Họ được xí nghiệp nơi Hải làm việc bố trí cho một căn phòng riêng rộng chừng 30 mét vuông ở ký túc xá. Tổ ấm của họ tuy nhỏ, nhưng cũng có đầy đủ những tiện nghi cần thiết cho một gia đình: ti vi, tủ lạnh, lò sưởi...

Hàng ngày, bà Liđa thường đến chăm sóc đứa cháu ngoại bé bỏng dễ thương có khuôn mặt lai giữa Âu và Á. Bà không còn phản đối, ngăn cấm mối quan hệ giữa chàng trai người Việt và con gái mình nữa.

Có con rồi, Anna xin thi vào học trường Trung cấp Sư phạm của thành phố. Để có thêm thu nhập, cô nhận hợp đồng chuyển phát thư báo cho Bưu điện...

Cuối năm 1990, khi “lưng vốn” của đôi vợ chồng trẻ đã kha khá, Hải bàn với Anna quyết định lấy ngày 22-12 để đăng ký kết hôn.

Đôi uyên ương không hề hay biết rằng một định mệnh nghiệt ngã đang chờ họ: Sáng 21-12, nghĩa là chỉ trước ngày ấn định đăng ký kết hôn đúng một ngày, như thường lệ, Trần Trọng Hải xách một chiếc bình ôxi mới, được nén đầy khí với áp suất cao tới 250 átmốtfe ra hiện trường. Khi anh nối dây, mở van và vừa châm lửa thì một ánh sáng lóa mắt cùng tiếng nổ cực lớn đã vang lên, hất Hải bắn ra xa 5 mét... Tai nạn khủng khiếp vì vụ nổ của qủa bom khí nói trên đã khiến cho cả kíp thợ hàn đều bị nạn, 3 người đã chết ngay tại chỗ, 9 người khác bị trọng thương...

Tỉnh dậy, Hải đã thấy mình đang nằm trong bệnh viện, toàn thân đau nhức. Bác sĩ cho hay: Hải đã bị cưa chân phải đến ngang đùi, còn chân trái cũng bị nát bấy, đã mất hết cảm giác. Hải nhắm mắt lại bàng hoàng. Anh tuyệt vọng tới mức không muốn sống nữa.

Anna đã bỏ việc để vào bệnh viện chăm sóc cho Hải. Mỗi lần ôm con đến thăm chồng, mắt cô đều đỏ hoe. Chút tiền kiếm được định chuẩn bị cho ngày cưới đều dồn cho Hải mua thuốc và chạy chữa, hy vọng cứu sống chiếc chân còn lại. Có lần, thương Anna quá Hải đã khuyên: “Hay là em đi lấy người khác đi, sẽ đỡ khổ cho cả hai đứa”. Anna chỉ lắc đầu, rồi ôm chồng mà khóc. Hải cũng bật khóc theo...

Điều trị được mấy tháng, khi vết thương vừa ổn định thì đại diện chính quyền cùng cán bộ của Phòng đăng ký kết hôn thành phố mang giấy tờ đến bệnh viện tuyên bố công nhận Trần Trọng Hải và Anbina Trebontasova (tức Anna) là vợ chồng hợp pháp. Hạnh phúc đến không đúng lúc, trong hoàn cảnh đầy éo le, đã khiến cho hai người cùng “dở cười dở khóc”. Bạn bè mang hoa đến chúc mừng họ ngay trên giường bệnh...

Hơn hai năm nằm trong bệnh viện – những tháng ngày lê thê, dài nhất trong cuộc đời Hải – rồi cũng kết thúc. Khi các vết thương đã lành, Hải được lắp chiếc chân giả và hướng dẫn phục hồi chức năng đi cùng chiếc nạng gỗ. Chân trái của anh tuy giữ được, nhưng đã mất hết cảm giác, chỉ còn 20% khả năng bình thường.

Mùa đông ở Xibiari tuyết rơi trắng xóa. Nhiệt độ ngoài trời xuống tới 40 độ dưới không. Sức khỏe yếu, nên Hải chịu lạnh rất kém, đặc biệt là chiếc chân trái còn lại của anh không có cảm giác gì, lúc sưng tấy, lúc tóp lại, có nguy cơ phải cưa nốt... Điều đó đã khiến cho Hải càng bi quan mỗi khi vật vã nghĩ tới bệnh tật. Anh bỗng lầm lì ít nói và thường bẳn tính, cáu gắt với Anna rất vô cớ. Thời gian trôi đi với họ thật chậm chạp, nặng nề và ức chế kinh khủng.

"Hoi đo anh Khai khoc nhieu lam. Anh Khai chi muon ve Viet Nam thoi" – (Hồi đó anh Hải khóc nhiều lắm. Anh Hải chỉ muốn về Việt Nam thôi). Anna đã kể lại như thế. Và chính chị cũng đã khóc cạn nước mắt khi phải dằn vặt, đau khổ để cân nhắc giữa “bên tình” và “bên hiếu”.

"Thuyền theo lái, gái theo chồng"

Tháng 8-1993, theo nguyện vọng tha thiết của Hải, xí nghiệp nơi anh làm việc đã tài trợ cho anh một vé khứ hồi về thăm quê. Hải mừng lắm. Sau khi cân nhắc kỹ, anh quyết định cho Anna cùng về Việt Nam, với mục đích để cô hiểu rõ hơn hoàn cảnh gia đình và điều kiện sống ở quê hương. Tiền vé khứ hồi được chia ra để mua hai vé cho lượt đi, còn lượt về sẽ tính sau...

Thế là lần đầu tiên Anna có mặt ở Việt Nam. Vùng quê Cẩm Phả (Quảng Ninh) khác xa với những gì có trong tưởng tượng của cô. Hải dẫn vợ đi chào bà con họ hàng, thăm bạn bè cũ, đi chơi ở Hà Nội, Hải Phòng... Đến nơi nào Anna cũng được đón tiếp rất chân tình và nồng hậu, điều đó đã khiến cho cô rất cảm động. Và Anna đã có một quyết định quan trọng: Sẽ cùng chồng về Việt Nam sinh sống. Cho dù cô chưa hình dung nổi những gì đang chờ đợi mình ở phía trước!

Sau hai tháng ở thăm quê, vợ chồng Hải được gia đình, họ hàng góp tiền mua vé trở lại Nga để thu xếp công việc. Bé Trần Hải Yến hồi đó được gần bốn tuổi, còn chưa biết nói tiếng Việt đã được gửi lại Việt Nam ở với bà nội.

Tháng 5-1994, gia đình Trọng Hải - Anna chính thức trở về Việt Nam sinh sống. Những ngày đầu họ ở nhờ nhà người anh trai cả, trong một căn phòng rộng chừng 15 mét vuông. Tiền sinh hoạt, ăn uống, điện, nước... đều do ông anh và bà chị dâu tốt bụng "bao cấp".

Rõ ràng là không thể sống dựa vào người khác mãi được! Nhưng Hải đã nghĩ nát óc mà chưa biết cách làm gì để kiếm tiền? Một hôm, anh chống nạng cùng Anna ra chợ thăm cô cháu gái bán hàng cơm bình dân. Giữa không khí chợ búa ồn ào, người mua kẻ bán tấp nập, Hải chợt nảy ra "sáng kiến": Hay là thử mở quán bán giải khát? Anna hưởng ứng ngay.

Vậy là vài ngày sau, một quán giải khát nho nhỏ xuất hiện ở chợ Cẩm Đông, thị xã Cẩm Phả. Vẫn là bia hơi, nước ngọt, chè chén, thuốc lá... nhưng quán khá đông khách. Người ta đến uống bia, giải khát thì ít mà quan tâm đến cô chủ quán xinh đẹp mắt nâu, tóc hạt dẻ, nói tiếng Việt bập bẹ ngọng nghịu líu lo thì nhiều. Cũng không ít những kẻ hiếu kỳ, tò mò nghe đồn đại chỉ cốt kiếm cớ đến để... "xem mặt" nàng dâu Tây. Nhưng khi sự quan tâm, tò mò, hiếu kỳ ít đi thì quán của Anna cũng vắng khách dần.

Tháng 9-1995, được sự trợ giúp thêm của các anh chị trong nhà, Hải dốc hết số tiền ít ỏi tích luỹ được để xây một ngôi nhà nhỏ ở Tổ 80, phường Cẩm Trung, thị xã Cẩm Phả. Cuối năm đó, vợ chồng anh dọn về ở nhà mới, nghĩa là bắt đầu giai đoạn hoàn toàn tự lập, đối mặt với vô vàn những khó khăn của cuộc sống đời thường.

Mong có thêm tiền để cải thiện cho cuộc sống gia đình, Hải đã mày mò đi học nghề kim hoàn, nhưng chẳng bao lâu anh đành chịu thất bại và bỏ cuộc, vì không có khách. Mười đầu ngón tay anh đã bị axít ăn mòn, trông dễ sợ. Riêng Anna đã tìm được một địa điểm mới để mở quán bia hơi. Đó là một đoạn hè phố sát chân tường bao và cổng của Công ty Địa chất và Khai thác khoáng sản, phía bên kia đường là cổng chính của Bệnh viện thị xã Cẩm Phả.

Đoạn hè phố này hơi hẹp một chút, nhưng bù lại có bóng mát của mấy cây phượng vĩ, rất đông xe và người qua lại. Người đến uống bia nhiều hơn hẳn so với quán trong chợ. Họ là cán bộ của Công ty Địa chất và Khai thác khoáng sản; bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện Cẩm Phả; những chàng thợ mỏ tan ca và rất nhiều khách vãng lai, nghe kháo chuyện hư thực cũng tò mò tìm đến.

Hải nói, anh rất biết ơn Công ty Địa chất và Khai thác khoáng sản chẳng những đã tạo điều kiện cho vợ anh ngồi bán hàng, mà còn cho mượn bàn ghế, ô che nắng và không thu một đồng tiền dịch vụ nào.

Hàng ngày, Anna phải dậy rất sớm: Mùa hè, từ 5 giờ 30 phút; mùa đông thì trước 6 giờ sáng chị đã phải có mặt ở quán để nhận một bom bia, do xe của nhà máy bia Việt - Đức chạy qua giao cho... Sau đó là kê bàn, bê ghế, chuẩn bị chỗ ngồi cho khách.

Bữa sáng của Anna thường là chiếc bánh mỳ hoặc nắm xôi nhỏ, ăn vội ăn vàng. Khi mọi người bắt đầu đi làm cũng là lúc chị có khách. Anna ngồi vậy từ sáng đến trưa, rồi lại từ trưa đến tối. Những hôm ế hàng chị thường phải nán lại tới 8 - 9 giờ tối mới về.

Bán bia cả ngày như thế, nhưng mỗi lít chỉ được lãi 800 đồng. Nghĩa là nếu không bị hao hụt, ế hàng thì mỗi bom bia được lãi 24 nghìn đồng. Mùa hè, đông khách, hàng bia của Anna thường bán được khoảng 40 lít. Còn mùa đông thì chỉ được chừng một nửa thế đã là mừng lắm.

Từ nhà Anna đến nơi bán bia xa chừng hơn cây số. Phương tiện duy nhất của cả nhà là một chiếc xe đạp "cà tàng". Trước đây, chị thường đèo chồng mình trên chiếc xe đạp ấy đến nơi bán hàng, để anh giúp đỡ chị ít nhiều... (Hải bảo: là đàn ông, ngồi sau xe đạp cho vợ lai cũng ngượng lắm, nhưng anh còn biết làm sao với đôi chân đã tàn phế của mình. Giá như có tiền để mua chiếc xe gắn máy ba bánh thì hay biết bao?). Nhưng cách đây ba tháng, chiếc xe đạp cũ đã bị một kẻ bất nhân nào đó lấy trộm mất. Vậy là cả nhà Anna chỉ còn cách... đi bộ.

Bây giờ thì sáng sáng, hàng xóm vẫn thấy vợ chồng con cái họ hối hả thúc giục nhau: Bé Hải Yến đi bộ tới lớp học 7A1, trường trọng điểm Cẩm Trung. Anna thì dìu Hải tập tễnh cùng chiếc nạng gỗ đến nơi bán hàng... Nhiều người nhìn thấy cảnh đó không khỏi ái ngại, nhưng cũng chỉ biết lắc đầu và chép miệng.

Khó nhất vẫn là... học làm nàng dâu của Việt Nam

Hơn bốn năm qua, vợ chồng Anna đã sống như thế. Họ vẫn cùng gắng gỏi để vượt qua mặc cảm về sự lạc lõng, lẻ loi, những lời đàm tiếu; vượt qua sự tò mò, hiếu kỳ và cả sự thương hại của không ít người.

Hải cho biết: Anna rất thích tìm hiểu phong tục, tập quán của người Việt. Chị đã hỏi anh rất nhiều điều về cách làm dâu ở Việt Nam và hy vọng là mình sẽ cố gắng hòa nhập được với cuộc sống của cộng đồng, trở thành nàng dâu thảo với họ hàng. Một việc nhỏ thôi, nhưng Anna rất nhớ: Đó là mồng Một, ngày Rằm nào chị cũng mua hoa quả, sắm chút lễ nhỏ để thắp hương trên bàn thờ gia tiên. Rồi chị cùng bé Hải Yến chắp tay thành tâm khấn vái. Chị khấn bằng cả tiếng Việt và tiếng Nga. Anna bảo làm vậy để trời phật, thần linh và các cụ sẽ phù hộ cho gia đình chị khỏe mạnh, hạnh phúc, có công ăn việc làm ổn định, bé Hải Yến học giỏi...

Sống giữa cộng đồng người Việt, để Anna bớt đi cảm giác cô đơn, trong gia đình Hải có một quy định riêng: Khi nào không có khách, cả nhà chỉ nói tiếng Nga! Dù điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, nhưng năm nào Hải cũng cố gắng thu xếp để đưa Anna lên Thủ đô Hà Nội chơi ít nhất một lần. Chủ nhật, vợ chồng họ thường nghỉ bán bia để đi thăm bạn bè... Và hễ cứ nghe có đoàn khách Nga nào đó đến Quảng Ninh, là Hải lại tìm mọi cách để đưa Anna đến gặp bằng được...

Vài tuần trước, được tin có đoàn thương nhân người Ucraina đến Cẩm Phả để bán xe Benla, Hải mừng quá, vội giục Anna nghỉ bán hàng sớm hơn thường lệ. Anh mua một bọc thịt chó thật to, thêm chai rượu trắng, rồi giục vợ đi xe ôm đến khách sạn... Hôm ấy, Anna vui lắm, chị đã hát và khiêu vũ suốt đêm với những người đồng hương của mình...

Bây giờ Anna nói tiếng Việt vẫn còn rất khó khăn. Vốn từ ngữ của chị cũng chỉ vừa đủ để... một mình ngồi bán bia hơi. Và quán bia bình dân đó cũng chỉ giúp cho gia đình chị sống lần hồi qua ngày, trong khi có bao nhiêu chuyện phải lo toan và biết bao nhiêu nhu cầu cần chi tiêu.

Khoản trợ cấp tai nạn lao động ít ỏi của Trần Trọng Hải từ xí nghiệp cũ ở Liên bang Nga gửi về cứ thấp dần theo sự mất giá của đồng Rúp: Từ 46 USD/tháng năm 1996, đến giữa năm 1998 còn 25 USD/tháng; tới quý I-1999, anh chỉ còn được nhận 10 USD/tháng. Số tiền đó không đủ để Hải lo thuốc thang cho đỡ cơn đau nhức vết thương mỗi khi trái gió trở trời.

Để có thu nhập, vợ chồng Hải đã thử xoay xỏa đủ nghề, miễn là có thêm được chút tiền... Và Anna đã may mắn được một người giới thiệu tới lớp tiếng Nga hiếm hoi, còn sót lại của thị xã Cẩm Phả; họ đã chấp nhận cho chị dạy thêm mỗi tuần một buổi, với mức thù lao 160 nghìn đồng/tháng.

Thực ra, cũng đã có không ít những nghĩa cử cao đẹp, những tấm lòng bao dung đã ủng hộ, giúp đỡ cho vợ chồng Anna, nhất là từ khi Báo Lao động có bài viết về chị vào cuối năm 1997 và Chương trình Thời sự của VTV làm một phóng sự ngắn về vợ chồng Anna.

Cảm động nhất là vào tháng 3-1998, Xí nghiệp Phục vụ kỹ thuật - thương mại mặt đất sân bay Nội Bài (Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam) đã ủng hộ Anna một vé khứ hồi và tiền trợ cấp về thăm quê, tổng cộng tới gần 30 triệu đồng Việt Nam.

Trước chuyến đi kể trên, nhiều người tin rằng chắc chắn Anna sẽ không trở lại (vì ở Việt Nam chị sống khổ quá!). Thậm chí một số người còn dám đánh cuộc với nhau... Nhưng Trần Trọng Hải chỉ cười. Anh lưu luyến tiễn vợ ra tận sân bay... Và đúng ngày hẹn chị trở về, anh lại cùng bé Hải Yến mang hoa đi đón. Khi Anna bước ra, họ ôm hôn nhau và cùng bật khóc. Chính tình yêu của Anna đã cho Hải niềm tin sắt đá rằng nhất định chị sẽ quay lại!

Ông Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã trực tiếp đến thăm vợ chồng Anna và nhiều lần gửi quà cho chị. Hơn thế nữa, ông còn muốn sẽ thu xếp cho chị một công việc phù hợp trong biên chế viên chức Nhà nước, mà chưa thực hiện được.

Ông Đặng Văn Tín, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã từ Hà Nội trực tiếp tìm đến quán bia hơi vỉa hè của Anna, với sự quan tâm đặc biệt. Ông hứa là sẽ bàn với ông Giám đốc Công ty Du lịch Quảng Ninh tìm cho Anna một việc làm thích hợp với khả năng... Nhưng tất cả cũng mới chỉ dừng lại ở đó. Hy vọng có công ăn việc làm ổn định của vợ chồng Anna vẫn còn đang ở phía trước!

Để “tận mục sở thị” gia cảnh của Anna, người viết bài này đã tìm đến "tổ ấm" của chị. Đó là ngôi nhà nhỏ trống thênh và tồi tàn. Đồ đạc giá trị nhất có lẽ là một chiếc tivi Samsung được đặt trên chiếc tủ lệch, cánh bị vênh không đóng khít được. Một chiếc giường cũ chỉ đủ chỗ cho hai người, tối đến Hải thường nhường cho vợ con, còn anh thì trải nệm nằm ngủ dưới đất. Nhà có thiết kế buồng vệ sinh, nhưng lại không có bình nóng lạnh, chậu rửa mặt, không có cả vòi tắm sen; bồn vệ sinh không có nắp đậy và két nước!

Người Nga vốn có truyền thống nhân hậu và hiếu khách. Vợ chồng Anna đã vồn vã tiếp đón tôi chân tình như bạn cũ đi xa về. Hải đã tha thiết mời tôi nán lại dùng bữa tối với gia đình. Anna trực tiếp đi chợ rồi bận rộn nấu mấy món dân tộc để đãi khách. Tôi cứ nhớ mãi món Bột mỳ nhồi thịt béo ngậy, món Khoai tây xào và cả món Salát Nga... ăn với bánh mỳ. Anna bảo chỉ còn thiếu món Súp củ cải đỏ và món Cá muối nữa là giống hệt như một bữa ăn mà mẹ của chị vẫn từng làm ở bên Nga để mời khách quý.

Những ngày cuối năm, trời Quảng Ninh rét đậm, quán bia hơi của Anna đành tạm đóng cửa.

Khi một mình ngồi ở nhà, cũng giống như bao người đang tha hương khác, chị càng cồn cào nhớ tới nước Nga xa xôi của mình. Bây giờ ở Kixênốpxcơ và cả vùng Xibia chắc đang là mùa tuyết rơi... Anna bảo rằng thương mẹ lắm, nhưng chị cũng không thể xa được chồng và bé Ella.

Trước khi chia tay với gia đình Anna, tôi đã thay mặt Ban biên tập Báo An ninh thế giới chúc Tết gia đình chị và tặng một món quà nhỏ: 500 nghìn đồng, với lời đề nghị chị sẽ dùng số tiền này để mua một chiếc xe đạp thay thế chiếc xe đã mất. Anna cầm chặt tay tôi nói “Cam on, cam on nhieu lam” (Cảm ơn, cảm ơn nhiều lắm). Và đôi mắt chị rưng rưng như muốn khóc.

Bây giờ, nếu có dịp đến Cẩm Phả (Quảng Ninh), xin bạn đừng quên ở thị xã vùng than đầy bụi, khói và ồn ã này có một người phụ nữ Nga đôn hậu, thuỷ chung và đầy nghị lực, đã hơn 5 năm nay theo chồng về Việt Nam, vẫn đang hàng ngày ngồi bán bia hơi trên vỉa hè đường phố...

(Tác phẩm đoạt giải Báo chí toàn quốc năm 2000)

Đ-V-H

_______

(Bài rút từ "Nếu tôi là tỷ phú" - Sách cũ, nhưng ai chưa đọc thì coi như mới - Tập phóng sự và tư liệu dày 716 trang, bìa cứng của Đặng Vương Hưng, NXB Hội Nhà văn ấn hành lần đầu 2003, giá lẻ 200K/c (cả cước phí). Ai muốn đọc, xin kết nối với số điện thoại (Zalo): 0913210520 sách sẽ được gửi theo đường bưu điện đến nhà!

Bạn đang đọc bài viết "Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn