Cỗ quê

Từ Thức

10/10/2022 10:05

Theo dõi trên

Cỗ quê tôi từ ma chay hiếu hỉ cứ là phải ba ngày. Nhiều anh xây những trung tâm sự kiện đều phải chuyển công năng vì không phù hợp, chả có đám xá nào thuê. 

co-que-1665371034.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Đất lề, quê thói. Quê tôi là thế, đám xá cứ là phải ăn uống dầm dề vài ngày. Ai cho là lạc hậu cũng mặc. Cái hay của phong tục này là con cháu anh em nội ngoại có cơ hội mà biết mặt nhau, để mà biết họ biết hàng. 
Tất nhiên ăn uống ba hôm thì cũng chỉ có một hôm cỗ chính. Ngày đầu gọi là dậm dạp bắc rạp xoong nồi ( một số nơi gọi là cỗ thôi phiên), ngày sau cỗ chính, ngày sau nữa gọi là tái môi hay tráng chảo cũng thế. Cỗ này là để cảm ơn anh em họ mạc đã làm công tác hậu cần phục vụ. Qua mấy ngày rượu thịt ê hề, gia chủ thường mua cá trắm loại to về rán, nấu riêu ăn kèm với rau sống cho mát ruột.
Cỗ chính thì như nhau thôi, đủ cả giò nem ninh mọc ba ba ốc ếch. Nhưng cỗ ngày đầu quê tôi có món chuối nấu thật là đặc sắc. 
Nhiều người ở nơi khác đến chưa ăn món này bao giờ nên họ khá ngạc nhiên. Họ bảo cỗ ai đời lại đi ăn chuối nấu khác gì ăn độn, có người còn bảo " trông như cám lợn "! Nhưng khi ăn thử một đũa thì...nghiện luôn.
Nấu một nồi chuối cả trăm bát không phải ai cũng nấu được, mà phải là người có tay nghề chuyên môn mới nấu nổi. Món chuối nấu thoạt nhìn thì đơn giản nhưng rất cầu kì đấy. 
Chuối được gọt sạch vỏ ngâm nước muối nhạt, mà phải là chuối ngô bánh tẻ. Non quá thì chuối không nhừ, già quá thì chuối sẽ bị chua ăn không ngon. Mùa hè nấu chuối sẽ rền hơn chuối mùa đông ken, bởi mùa đông chuối ít nước nhựa đặc hơn.
Mỗi nồi chuối sẽ nấu với một hai bộ sườn lợn hoặc xương ống. Cái đặc biệt của món này là càng nhiều mỡ lợn càng ngon, không bị ngấy. Chuối sẽ hút mỡ lợn, không còn vị chát mà chỉ thấy bùi béo, ngậy. Thế lạ. 
Chuối đã gọt vỏ đập dập cùng với xương lợn sẽ được ướp với mẻ và mắm tôm đặc biệt nhiều tỏi giã nhỏ . Để chừng nửa tiếng cho ngấm gia vị rồi nấu.
Tiếp đến là đem xào với mỡ nước ( càng nhiều mỡ càng tốt), xào lâu cho ngấm kĩ gia vị.
Khi nấu đổ nước vừa phải, đun nhỏ lửa cho đến khi chuối chín nhừ. Đặc biệt không được thò mui hay đũa khuấy đảo, nếu khuấy đảo nồi chuối sẽ bị khê.
Khi chuối đã nhừ thì cho thêm dừa non thái hạt lựu ăn sẽ bùi và và có cảm giác giòn lúc cúc rất ngon miệng. Lúc đó không đun nữa mà dùng mui hay đũa cả loại lớn đánh cho chuối nhừ ra, gia vị chỉ chần rau dút, tía tô thái nhỏ là hợp nhất. 
Múc chuối ra bát để độ mươi phút là chuối đặc sếnh như bánh đúc. Khi ăn ta xắn từng miếng. Bùi béo ngọt, giòn thơm... 
Có những toán khách người thành thị, lần đầu tiên được ăn món chuối nấu quê tôi đều trầm trồ khen mãi. Có người còn xin thêm một vài bát đem về phố ăn chơi, giới thiệu với bạn bè. 
Không ngẫu nhiên gì mà cỗ ngày đầu bắc rạp quê tôi có món chuối nấu. Người xưa tinh thông lắm đấy! Chuối có vị chát sẽ rất tốt cho bụng dạ khi ăn mấy ngày cỗ mỡ màng thịt thựa. Mà món chuối lại ngon, dễ kiếm không cầu kì. 

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Cỗ quê" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn