Cổ tích thời @

Câu chuyện xúc động về vết xước xe và chiếc phong bì năm triệu
co-tich-at-1654283443.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Trên đường phố, dưới cái nắng bỏng rát của tháng 6 quện vào cái khó chịu của thứ không khí đầy khói bụi, dòng xe nhích từng chút một. Giờ tan tầm, kết thúc sự tất bật ở cơ quan, ai cũng muốn tranh thủ từng phút để sớm về nhà, ở đó có một sự tất bật khác đang chờ họ. Ông lão đạp xích lô cũng hòa mình trong dòng chảy ấy.

Cái mệt đã thấm sâu vào từng nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ của ông. Những giọt mồ hôi đã thấm đẫm tấm áo cũ sờn và chiếc khăn mặt vắt ngang nơi cổ. Ông lão đang gồng mình điều khiển chiếc xích lô  chở đầy những thanh sắt dài 3m, nặng trịch.

Ánh mắt của người đi đường đổ dồn về ông, ông thấy được sự trách cứ, cảm giác phiền toái mà họ thể hiện khi nhìn chiếc xe cũ kỹ, rỉ sắt. Ông hiểu rằng mình đang khiến nhiều người thấy phiền lụy. Nhưng ông không có lựa chọn nào khác. Ông còn bà lão ở nhà. Cuộc sống của bà phụ thuộc cả vào những chuyến xe nặng nề, chênh vênh như đánh xiếc này của ông. Nghĩ đến bà, nghĩ đến những bất tiện ông đang gây ra cho mọi người, ông chỉ biết cúi đầu, đạp chiếc xe với tất cả sự kiên nhẫn và cẩn trọng. Có lẽ đó là cách duy nhất ông có thể làm, để âm thầm nói lời xin lỗi với những người xung quanh.

Xoẹt… tiếng những thanh sắt va quệt vào bề mặt kim loại vang lên ken két chói tai, khiến người đi đường ai cũng giật mình. Những thanh sắt của ông lão quệt vào thành chiếc xe ô tô ngay phía trước, và làm xước lớp sơn đỏ láng bóng của chiếc xe sang trọng, đắt tiền.

“Trời ơi, tôi vừa làm gì thế này”, suy nghĩ ấy nhanh chóng khiến nỗi lo sợ bủa vây ông lão. Chủ nhân chiếc xe đỏ xi nhan, ra hiệu để ông tạt vào lề đường cùng giải quyết. Ông lão vẫn chưa thực sự bình tĩnh trở lại, chỉ biết vẫy tay để xin đường, chật vật đưa xích lô đến bên chiếc xe đỏ đang đỗ. Người trong xe khi ấy đã bước ra, đang khoanh tay đứng chờ ông. Dừng được xe, ông lão tới bên người chủ xe, đôi mắt không rời khỏi những vết xước dài, sâu hoắm trên thân xe.

“Thưa cậu, tôi thành thật xin lỗi vì đã gây ra điều đáng tiếc này. Xin phép để tôi đền bù cho cậu”, ông lão xin lỗi người chủ xe một cách chân thành. Trong lòng ông, sự hối lỗi và những lo lắng đang lớn dần lên…

“Là do ông lão không cẩn thận. Tôi nhận sự đền bù, nhưng hãy chờ tôi một lát”, người thanh niên, khuôn mặt không chút giận dữ nói.

Anh rút điện thoại ra, hỏi về chi phí cần thiết để sửa xe. Gọi điện xong, anh quay lại và bắt gặp hình ảnh ông lão nhỏ thó, lưng hơi còng, cứ lăm lăm nhìn vào vết xước trên chiếc xe mới cứng của mình, khuôn mặt đờ đẫn vì lo lắng. Anh tiến tới ông lão, thông báo.

“Vết xước này cũng không quá nặng, ông lão đưa tôi một triệu là được rồi”.

“Cậu chờ tôi một chút nhé”. Ông lão quay lưng lại phía người thanh niên, lần giở hết những túi áo, túi quần và chỉ tìm thấy ba trăm nghìn đồng – số tiền ông hôm nay mang đi đong gạo với mua thêm thuốc cho bà lão. Ông lão vuốt thẳng từng tờ tiền một xếp thành một xấp ngay ngắn, rồi cẩn trọng trao cho anh thanh niên.

“Cậu có thể cầm tạm được không, vì ở đây, tôi chỉ có từng này thôi. Nhà tôi cũng ở gần đây rồi, phiền cậu chờ tôi một lát, tôi sẽ về nhà lấy tiền”.

“Ông lão, tôi sẽ chờ ở đây, nhưng ông hãy đi nhanh lên. Và tôi nghĩ ông nên để chiếc xe này ở lại”.

Ông lão gật đầu rồi vội vã bước đi. Còn cậu thanh niên quay trở lại xe. Người ngồi trong xe lúc ấy mới lên tiếng:

“Ông lão ấy đi đâu vậy em, lại để cả xích lô lại nữa sao”.

“Ông ấy về lấy thêm tiền trả cho chúng ta chị hai ạ. Em lấy của ông lão đó một triệu, coi như để ông ấy nhớ lấy, lần sau đi cẩn thận hơn, hoặc cũng phải chằng buộc cẩn thận hơn những thanh sắt dài kia. May là va vào xe của mình, chứ va vào người khác có lẽ những thanh sắt của ông ấy đã lấy mạng người ta rồi”.

“Nhưng em có nghĩ, ông lão ấy có đủ tiền để trả không, chị thấy ông ấy hình như đã đưa hết tiền trong người cho em rồi”.

“Em không biết, cũng đành vậy thôi. Không có thì ông ấy sẽ đi vay. Em chỉ giúp được vậy thôi. Chị nghĩ một triệu của ông ấy mình có làm lại vết xước đó không?”.

“Nhưng chị vẫn thấy không yên tâm. Em hãy trông xích lô cho ông lão nhé, chị sẽ đi theo ông ấy”.

“Chị muốn làm gì?”.

“Chị muốn biết chắc, gia cảnh của ông lão ấy có thể trả nốt bảy trăm nghìn cho chúng ta không?”.

“Tùy chị đó”

Cô gái nói tới đó thì lái chiếc xe đỏ âm thầm theo sau ông lão. Ông cũng được một người cùng làng đi xe máy cho quá giang. Khi tới làng, cô đỗ xe ở khá xa cổng làng vì sợ ông lão sẽ nhận ra. Đợi ông lão khuất phía sau rặng tre, cô gái lặng lẽ theo sau ông. Cô muốn biết căn nhà ông đang ở. Ông cụ thất thểu bước trên đường, dáng vẻ liêu xiêu trong dải nắng chiều xiên ngang con đường. Ông cụ dừng chân trước một túp lều, sự liêu xiêu của ngôi nhà thật giống với dáng vẻ ban nãy của ông cụ, chênh vênh, mỏng manh như một chiếc lá đã ngả vàng.

Bên trong nhà, một bà cụ đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ, nét mặt như sáng hơn khi thấy ông trở về. Ông lão nói điều gì đó với bà cụ rồi lại vội vã chạy đi. Cô thấy ông tất tả qua nhà hàng xóm, một ngôi nhà cũng không chắc chắn hơn nhà ông là bao. Rồi lại thất thểu bước ra. Ông cụ cứ đi qua hết những ngôi nhà trong xóm…

Cô gái lặng lẽ quay trở lại con đường, cô nghĩ chắc hẳn ông đang đi vay tiền, để trả cho vết xước trên xe cô. Ra tới đầu làng, cô quyết định ngồi chờ ông cụ nơi quán nước.

Thấy cái vẻ mặt thất thần của cô, chị bán nước hồn hậu nhẹ nhàng hỏi:

“Em tìm ai trong làng hay sao, chị thấy em đi vào làng một lúc rồi?”.

Cô gái không biết vì sao nhưng đã kể đầu đuôi câu chuyện với chị bán nước, như thể chia sẻ bớt nỗi buồn mà cô bắt đầu cảm thấy từ lúc nhìn thấy túp lều của hai ông bà.

Chị bán nước nghe xong, mỉm cười:

“Hôm nay ông lão này gặp quý nhân rồi! Chị nghĩ nếu em làm phúc được thì tha cho ông ấy. Ông cụ nghèo lắm, cả hai vợ chồng già chỉ trông vào có mấy chuyến xích lô. Vợ ông ấy sắp phải đi mổ tim, sẽ tốn cả 20 chục triệu đấy, mà còn chưa biết xoay đằng nào. Ông ấy bảo về nhà lấy tiền đúng không? Không có đâu em ạ, ông ấy chắc đang chạy khắp xóm vay đấy. Mà cái xóm này cũng chả khá giả gì”.

Cô gái chủ chiếc xe đỏ nghe tới đây, bỗng thấy không kìm nén được những giọt nước mắt thêm nữa. Cô lấy điện thoại và gọi cho em trai. “Em đạp chiếc xe về đây đi, cứ đi thẳng, tới khi nào nhìn thấy xe của mình là tới. Chị sẽ giải thích sau”.

Nói đoạn cô hỏi chị bán nước mua một chiếc phong bì. Cô cẩn thận đặt năm triệu vào trong đó, dán kín lại và ghi chú “Chúc cụ bà mau bình phục”. Rồi cô ngồi đợi. Một lúc lâu sau, cô thấy ông lão tất tả đạp chiếc xe đạp lọc cọc, vội vã quay ra đường. Cũng vừa lúc ấy, em trai cô hổn hển đạp chiếc xích lô tới nơi. Nhìn thấy xe của mình, chiếc xe màu đỏ và hai người chủ xe, ông lão hết sức ngạc nhiên.

Ông tiến đến gần cô gái, dáng vẻ bối rối. Ông cam đoan với cô rằng mình không có ý định bỏ trốn hay lừa đảo gì cô và chàng thanh niên trẻ khi nãy. Chỉ là ông phải mất chút thời gian để đi vay thêm tiền. Giờ ông cũng đã vay đủ rồi và đang định mang tiền ra cho hai người.

Cô gái trẻ lặng lẽ, kiên nhẫn lắng nghe cho tới khi ông lão giải thích xong. Lúc đó cô mới lên tiếng, trấn an cụ:

“Cụ ơi, cháu tin cụ ạ”.

Đôi mắt ông cụ sáng lên, ánh trong đó là niềm vui, sự nhẹ lòng và có lẽ là cả chút bất ngờ. Cụ đưa cho cô gái xấp tiền nhăn nhúm đã được cố công vuốt thẳng, xếp gọn, buộc chun. Cụ muốn cô gái đếm lại số tiền, nhưng cô chỉ lắc đầu, cố gắng không để nước mắt rơi.

Cô gái đón nhận số tiền bằng cả hai tay. Cậu em trai cô định ngăn chị lại. Nhưng cô gái đã lên tiếng:

“Cụ ơi, chúng cháu đã nhận tiền của cụ rồi. Xin cụ hãy nhận lấy chiếc phong bì này ạ”.

Ông lão ngạc nhiên, không biết tại sao cô gái lại hành động như vậy. Khi biết rằng trong đó có một số tiền không nhỏ mà cô gái muốn biếu ông, ông nhất quyết từ chối. Vừa từ chối, vừa xin lỗi. Cô gái đến lúc này, có lẽ không còn cầm được nước mắt. Cô nghẹn ngào:

“Cháu xin ông hãy nhận lấy chiếc phong bì này. Đó là lời xin lỗi của chúng cháu”. Nói đến đây, em trai cô đỡ lời cho chị:

“Cụ ơi, là bọn cháu sai. Cháu đã đạp chiếc xích lô của cụ. Cháu đã hiểu cụ không cố tình, cũng không phải cụ không cẩn thận mà đó là một tai nạn. Chúng cháu đã không thông cảm, lại còn đòi tiền cụ. Là chúng cháu có lỗi. Xin cụ hãy tha lỗi mà nhận lấy món quà nhỏ này”.

Đôi mắt ông lão rưng rưng, không phải vì số tiền nơi chiếc phong bì, mà là vì cụ không nghĩ rằng những người lạ ấy, họ lại chân thành với mình tới vậy.

Cụ dùng hai tay đón nhận món quà, và cảm ơn hai người chủ xe.

Cho tới khi chiếc xe đỏ đi xa, còn ông lão cũng đã khuất sau bụi tre, trở về nhà, chị bán nước vẫn nhìn chiếc xích lô. Tay vẫn cầm nguyên chiếc khăn giấy nãy giờ dùng để lau nước mắt. Chị tự hỏi không biết trong cuộc đời xô bồ và hỗn độn này, câu chuyện chị vừa chứng kiến là thực hay chỉ là giấc mơ về cái đời sống đơn sơ nhưng giàu tình người, đầy sự thiện lương của một thời đã xa lắm rồi của chị.

Chuyện làng quê