Hàng trăm nhân viên y tế tiếp tục lên đường hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh miền Nam chống dịch

Trong 2 ngày 19-20/8, các địa phương và nhiều bệnh viện tuyến Trung ương trên cả nước tiếp tục cử nhân viên y tế lên đường vào TP.HCM và các tỉnh miền Nam chống dịch Covid-19.

Theo phóng viên Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc, sáng 20/8, tỉnh Yên Bái tiếp tục cử 30 bác sỹ, điều dưỡng, y sỹ lên đường vào miền Nam hỗ trợ chống dịch bệnh Covid-19.

30 cán bộ y tế gồm: 7 bác sỹ, 21 điều dưỡng và 2 y sỹ vào làm nhiệm vụ tại tỉnh Đồng Nai - 1 trong 5 tỉnh, thành có số ca mắc Covid-19 tăng nhanh nhất cả nước hiện nay. Đoàn công tác này cũng đều là các cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng có kinh nghiệm, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống dịch Covid- 19.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh tiễn Đoàn công tác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh tiễn Đoàn công tác.

Trước đó, tỉnh Yên Bái đã 7 lần cử đoàn cán bộ y tế hỗ trợ các địa phương chống dịch gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và gần đây nhất là tỉnh Bình Dương và Bà Rịa -Vũng Tàu. 4 đoàn công tác hỗ trợ Bắc Ninh, Bắc Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 3 đoàn hiện đang thực hiện nhiệm vụ tại các tâm dịch là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn công tác trước lúc lên đường, bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, xung phong tình nguyện của đội ngũ y, bác sỹ tỉnh nhà sẵn sàng lên đường vào những nơi khó khăn, phức tạp nhất; xác định hỗ trợ tỉnh bạn cũng là trách nhiệm chung, là trọng trách với đất nước nhưng đồng thời cũng giúp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ra các tỉnh khác.

Cũng trong sáng 20/8, đoàn 40 cán bộ y tế của Lào Cai đã xuất quân lên đường hỗ trợ Đồng Nai để phòng, chống Covid-19. Nhiệm vụ của đoàn là hỗ trợ Đồng Nai trong công tác truy vết, xét nghiệm, điều trị...  liên quan đến Covid-19 kể từ ngày 20/8 cho đến khi địa phương này chủ động kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Trước đó, tỉnh Lào Cai đã  2 lần bố trí cán bộ y tế tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch giúp Bắc Giang và Bình Dương.

Phóng viên Minh Khánh, VOV.VN đưa tin, thực hiện “mệnh lệnh từ trái tim”, 30 y bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị tiếp tục lên đường hỗ trợ chống dịch tại Tiền Giang. Đây là lần thứ 4 Bệnh viện Hữu Nghị xuất quân hỗ trợ miền Nam chống dịch; trong đó, đợt này là đợt xuất quân thứ 2 của bệnh viện vào tỉnh Tiền Giang. Trước đó, đã có 44 điều dưỡng, bác sĩ tình nguyện đã vào làm nhiệm vụ tại TP.HCM và tỉnh Tiền Giang . 

30 y bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị tiếp tục lên đường hỗ trợ chống dịch tại Tiền Giang.
30 y bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị tiếp tục lên đường hỗ trợ chống dịch tại Tiền Giang.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng đoàn nhân viên y tế vào Tiền Giang chống dịch.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng đoàn nhân viên y tế vào Tiền Giang chống dịch.

Đoàn lên đường lần này là đội ngũ các bác sĩ hồi sức cấp cứu và các lĩnh vực khác để tăng cường cho Trung tâm Hồi sức tích cực của Tiền Giang và giúp Tiền Giang điều trị các bệnh nhân nặng có khả năng phải chuyển sang hồi sức tích cực. 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, đoàn cán bộ y tế của Bệnh viện vào Tiền Giang đợt trước đã thích nghi với công việc rất tốt, hỗ trợ đắc lực cho Tiền Giang cứu sống đươc nhiều bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực của tỉnh. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân nhiễm và diễn biến nặng tại Tiền Giang vẫn đang nhiều lên; vì vậy bệnh viện tiếp tục hỗ trợ cho Tiền Giang theo đúng nhu cầu của tỉnh lúc này.

 

Được biết, lần này đoàn công tác của Bệnh viện Hữu Nghị ngoài hỗ trợ chuyên môn cứu chữa người bệnh COVID-19, đoàn còn có nhiệm vụ đào tạo tại chỗ, chuyển giao kỹ thuật hồi sức cấp cứu cho các bác sĩ tại Tiền Giang.

"Cuộc chiến chống dịch vẫn còn dài, lực lượng tại chỗ mới là quan trọng, phải giúp địa phương để họ đảm đương được nhiệm vụ chống dịch. Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho đoàn phải tìm hiểu kỹ về những kỹ thuật, trang thiết bị, thậm chí những loại xét nghiệm mà địa phương cần hoặc chưa triển khai được, nhất là trong hồi sức cấp cứu để có thể sẵn sàng cử thêm “quân” vào theo đúng chuyên khoa, chuyên ngành địa phương đang cần. Chúng tôi tin tưởng, đoàn sẽ giúp Tiền Giang cứu chữa được nhiều bệnh nhân hơn, nhất là các bệnh nhân COVID-19 nặng”- PGS.TS Nguyễn Thanh Hà chia sẻ. 

Trong ngày 19/8, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có 2 đoàn cán bộ y tế xuất quân vào hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Nam. Trong đó có 80 thầy thuốc tăng cường cho bệnh viện Hồi sức cấp cứu dã chiến số 13 TP.HCM và 42 thầy thuốc vào hỗ trợ Bệnh viện Hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương. Đây cũng là lần ra quân thứ 2 của Bệnh viện hỗ trợ cho miền Nam.

Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có 2 đoàn cán bộ y tế xuất quân vào hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Nam
Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có 2 đoàn cán bộ y tế xuất quân vào hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Nam
Nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia tay đồng nghiệp để vào Nam chống dịch.
Nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia tay đồng nghiệp để vào Nam chống dịch.

Để chuẩn bị cho đợt tiếp sức lần 2 này, đội ngũ các y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có 2 tuần liên tục tập huấn các quy trình sàng lọc, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân an toàn đúng cách và cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở... và thực hành nhuần nhuyễn để có thể đáp ứng công việc nhanh nhất khi vào tâm dịch.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đề nghị đoàn công tác luôn sẵn sàng tinh thần và trách nhiệm cao nhất, tuân thủ các quy định, quy trình về phòng, chống dịch của Bộ y tế; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, giữ gìn sức khỏe, cống hiến hết mình, quyết tâm góp phần cùng TP.HCM và các tỉnh miền Nam đầy lùi dịch bệnh, sớm trở về trong chiến thắng.