Con đòi là con ai?

“Chúa gái là chúa ăn tham/ Đồng quà tấm bánh đút ngang trong buồng/ Ăn rồi chết nứt, chết trương/ Chẳng nhớ thằng ở, chẳng thương con đòi...
con-doi-1641570217.jpg
Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Các em thấy không? Mụ địa chủ ngày xưa thật tham lam, tàn nhẫn. Có quà cáp bánh trái mụ giấu ăn một mình. Không cho thằng ở thì còn được. Đằng này, đến con của mụ khóc đòi ăn mà mụ còn phớt tỉnh...”. Một cô giáo đã giảng giải cho các em học sinh trong giờ văn như vậy.

Vậy, có phải “con đòi” ở đây nghĩa là “con đòi ăn (như đòi bú, đòi quà, đòi đồ chơi...) hay không? Nhiều người chúng ta đã nhầm khi gán động từ “đòi” vào đây để biến thành mệnh đề “con đòi (ăn)”. Nhưng đối chiếu với từ ở vị trí tương đương ở trên của vế câu thơ (thằng ở) thì ta thấy, con đòi là một tổ hợp định danh chỉ người.

Con đòi là một từ cũ, chỉ “người con gái đi ở để làm người hầu cho nhà giàu sang quyền quý thời trước [hàm ý coi khinh]” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng 2020).

Cùng với “thằng ở” (đầy tớ trai) là “con đòi” (đầy tớ gái). Đây là những người làm thuê, ở đợ rất phổ biến ngày xưa. Bởi có nhiều nhà nghèo vay nợ, đến kì không trả được, cùng đường phải đem con cái ra “cầm cố”.

Chủ nợ bèn đem lũ trẻ về và biến thành đầy tớ cho nhà họ. Họ nuôi giữ, bắt làm lụng cho đến khi nào cảm thấy có thể trừ đủ số nợ thì thôi (Truyện thiếu nợ phải gán chó, gán con chắc các em đã từng biết khi đọc Tắt đèn của Ngô Tất Tố).

Thằng ở, chính là bé trai phải đi ở để trừ nợ. Con đòi là “bé gái đi ở từ việc đòi nợ không thành” mà ra. Trong kho từ cổ, với chức danh này, ta còn thấy các từ tương tự, như con đỏ (phương ngữ), cũng có nghĩa là “con ở, con đòi”; a hoàn, hoa nô, hoa tì, nữ tì, nô tì, thị nữ, thị tì (Những từ này dùng để chỉ đầy tớ gái trong xã hội phong kiến Trung Quốc). Thật là:

Con này đâu phải con ta

Nợ chưa kịp trả hoá ra… con đòi

(ca dao)