Một đám cưới rất đông, hai đơn vị quân đội còn cử đại diện về dự và nhắc nhở chúng tôi mãi mãi sáng danh bộ đội cụ Hồ. Từ đó thứ tự các con tôi ra đời 1 trai 2 gái. Đến nay vợ chồng tôi chưa kể các cháu nội ngoại thì gia đình tôi có thêm 1 dâu 2 rể đều tốt nghiệp các trường đại học. Vợ tôi cũng có chương trình học hết cấp 3 và được đào tạo trung cấp y tế. Chỉ có tôi với trình độ lớp 7/10 rồi vào bộ đội đi chiến đấu ngay. Nay chuyên nghiệp là thương binh mất sức 81%. Con trai tôi nối nghiệp bố mẹ đang là sĩ quan tham gia bảo vệ hòa bình của Tổ Quốc.
Cả quá trình dài chống Mỹ và nuôi con ấy tôi có thói quen hay tranh thủ thời gian ghi nhật ký. Ghi để kỷ niệm cho đời, đồng thời lấy nhật ký làm người bạn trung thực, luôn nhắc nhủ mình rèn luyện phẩm chất đạo đức như lời thầy giáo dạy văn từ thuở học sinh. Nay không làm được việc gì nặng tôi nghĩ hãy tùy sức của mình làm việc gì phù hợp trên tinh thần vì mọi người.
Tôi đã nghe một số nhà văn hóa tư tưởng khuyên tôi dựa vào nhật ký kể lại những đồng bào, đồng chí đã anh dũng quên mình, phấn đấu hi sinh cho độc lập tự do và cống hiến xây dựng tổ quốc trong quá khứ vinh quang. Nhưng do trình độ văn hóa của tôi có hạn, không được tổ chức tập huấn đào tạo gì về nghề báo. Tôi phải tự tìm kiếm rồi đọc tài liệu nhất là những ý kiến trao đổi cách viết của bác Hồ với báo chí. Đọc nhiều nhất là báo Quân đội nhân dân để hiểu thêm cách viết của những tác giả có chủ đề phù hợp. Tôi cũng may mắn quen biết rồi nhờ các nhà báo hướng dẫn giúp đỡ.
Tôi rất muốn hướng cho các con học và làm nghề báo nhưng chúng nó lớn rồi chúng tự quyết chọn ngành nghề để lập nghiệp. Chỉ có đứa con gái thứ hai vợ chồng tôi đặt tên là Thương sinh ngày 21/06 ngày kỷ niệm báo chí Cách mạng. Thương đã có ý thức giúp tôi tập viết báo. Nhớ lại bài tập viết đầu tiên tôi kể về liệt sĩ Trần Huy Hiệu, quê Hà Nội của đơn vị tôi (C10D15E284) trong trận đánh đúng giao thừa ngày 01/01/1979 ở chiến trường nước bạn Lào. Anh đã bị trúng đạn của quân thù, trước lúc trút hơi thở cuối cùng anh còn hô rõ to “Hồ Chủ tịch muôn năm” để động viên cán bộ chiến sĩ chúng tôi tiếp tục bình tĩnh chiến đấu.
Ý nghĩa của sự hi sinh vô cùng to lớn nhưng chưa có nhà báo nào có mặt chứng kiến để viết bài nêu gương. Bài ấy tôi viết đi viết lại sửa chữa mãi. Khi tự đọc thấy suôn sẻ tôi đi đọc cho những người thân trong nhà nghe đồng thời xin ý kiến nhận xét. Con gái Thương lúc này đã tốt nghiệp Đại học Kinh Tế Quốc Dân nó nói câu làm tôi cũng bất ngờ: “Bố viết chú Hiệu hy sinh vì Tổ quốc làm con xúc động lắm…” Nhưng nghe qua bài, theo con bố nên bỏ bớt các từ “và”… “thì”… “là” cho gọn để người đọc khỏi chê. Sau khi sửa lại nó đã tự đánh máy giúp tôi trên mặt giấy khổ a4, tôi mới gửi đến cho biên tập.
Lần khác theo yêu cầu của hội CCB cơ sở động viên tôi tham gia viết bài kỷ niệm về tình quân dân đánh giặc. Tôi đã chọn cô du kích Đinh Thị Điệp của xã Gio An, Gio Linh, Quảng Trị. Cô gái này mới 16 tuổi đã phải gian khổ một thời không có áo trắng, đói rách vì giặc xâm lược. Cô đã căm thù chúng, dũng cảm, nhanh nhẹn dẫn bộ đội chúng tôi vào đồn Cồn Tiên, cùng tham gia giết giặc mà lứa bộ đội chúng tôi suốt đời không thể nào quên. Khi tôi đọc lại bài cô du kích này. Con gái tôi nói: “Bài này để con gửi cho”.
Chừng một tháng sau Tạp chí văn học nghệ thuật Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị đã in ấn phát hành gửi báo biếu đến tác giả là tôi. Con gái tôi chờ lúc cả gia đình sum họp đông đủ, nó cầm tờ báo reo to: “Bố ta đã thành nhà báo rồi! Đây này, tạp chí văn học nổi tiếng của miền Trung đã in có ảnh nữa, mọi người ơi!” Làm tôi cũng vui mừng, sau đó nó phô tô nhiều bản để tôi tặng đồng đội, những cựu chiến binh từng hoạt động trên quê hương xã Gio An anh hùng.
Đến nay do tôi viết thật, viết thẳng và những nội dung phù hợp chủ đề từng mắt thấy, tai nghe nên một số báo đã sử dụng cho tôi khá nhiều bài. Tuy nhiên tôi còn có nhuận bút và những lời động viên của biên tập các báo. Tôi đã (lấy ngắn, nuôi dài) dùng nhuận bút tích trữ với ý định sẽ thuê nhà xuất bản in lại những bài viết về quá khứ ấy thành sách để tặng đồng đội và quê hương. Con gái tôi biết được nó cũng dành dụm gửi thêm tiền về để giúp bố
Không rõ các CCB có con gái quan tâm đến việc làm của bố như con tôi không? Nhưng tôi thấy thế hệ trẻ không phải ai cũng quên công lao của bố mẹ , của các anh hùng liệt sỹ với tổ quốc Việt Nam ta.
Trái tim người lính