Con liệt sĩ chăm sóc thương binh nặng

Đặng Sỹ Ngọc

17/10/2021 07:01

Theo dõi trên

Tính đến nay (2017), cô Tú Uyên phục vụ thương binh nặng ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An đã 35 năm. Cô hoạt động tích cực, đầy trách nhiệm với tình cảm “Lương y như từ mẫu”

 

con-liet-si-cham-soc-1634428530.jpg

Cô Tú Uyên (Áo dài vàng ngoài cùng bên trái) báo cáo thành tích tại hội trường Chính phủ năm 2017

Cụ Nguyễn Thị Bát, ở phường Hưng Dũng làm nghề Đông Y tại thành phố Vinh, có chồng là liệt sĩ Nguyễn Sông Công hi sinh đầu những năm chống Mỹ cứu nước. Cụ Bát ở vậy, tập trung chăm sóc 4 người con ăn học khôn lớn, trong đó con gái thứ 3 - Nguyễn Thị Tú Uyên học giỏi, thi đậu vào Trường Trung cấp Y dược của tỉnh. Tú Uyên ra trường, có bằng khá, đúng vào thời kỳ nhiều cơ quan doanh nghiệp rất cần dược sĩ để phục vụ kinh doanh, nhưng cụ Bát lại động viên con xin về phục vụ tại Khu Điều dưỡng Thương binh (KĐDTB) nặng nay là Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An.

KĐDTB được thành lập vào tháng 11/1974, đóng trên phần đất xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc phía Đông Bắc thành phố Vinh, gần biển Cửa Lò. Mới đầu trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các thương binh nặng mất sức 81% sức khỏe trở lên, từ khắp các chiến trường trở về. Mới đầu, khu tiếp nhận số thương binh của trại B8 (số thương binh này phần lớn được tập kết từ miền Nam theo hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954). Rồi tiếp nhận thương binh chống Mỹ có thương tật nặng từ các trạm, trại điều dưỡng trong quân đội ra quân. Đợt về đông nhất là số thương binh bị địch bắt bớ, tù đày được trao trả theo hiệp định Paris năm 1973. Đây là những thương binh bị thương trong những trận đánh mà đối phương bắt được, lại bị chúng tra tấn đến kiệt quệ ở các nhà tù đế quốc. Bởi vậy, các thương binh với vết thương đa dạng, đầy phức tạp, dồn dập về trại quá tải ở những năm 1976 - 1977. Trong khi đó, nhân viên biệt phái của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có chuyên môn về phục vụ còn ít. Chính vì vậy Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã quan tâm, liên tục bổ sung cán bộ chiến sĩ từ Đoàn an dưỡng 200 đã được đào tạo, rèn luyện kỹ năng về phục vụ ở Khu Điều dưỡng. Tuy nhiên dược sĩ chỉ có một là chị Huỳnh mà thương binh có trên 800 người.

Nhà cụ Bát cách Khu Điều dưỡng 3km, là người hoạt động trong ngành y dược lâu năm, cụ biết rõ sự khó khăn thiếu thốn cũng như sự đau đớn về mặt thể xác của thương binh nặng. Vào những dịp tết âm lịch hay ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, cụ thường đến Khu Điều dưỡng thăm các anh em thương binh nằm bất động. Mỗi lần như vậy,cụ đều không quên mang hàng chục chiếc bánh chưng hay những món quà khác đến chia sẻ với các thương binh khi còn thiếu thốn ở thời bao cấp.

Cụ từng nói với Tú Uyên: “Bố con là liệt sĩ, sự đau đớn của các chú, các bác không kém gì sự đau đớn của gia đình ta. Con hãy chăm sóc thương binh cho tốt...”.

Uyên đã nghe mẹ, vui vẻ về Khu Điều dưỡng từ năm 1983, đúng vào những năm Nhà nước ta còn bao cấp. Thời gian này, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi đối vói thương bệnh binh, nhưng do hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài, nền kinh tế cả nước bị kiệt quệ nên còn thiếu thốn nhiều về lương thực, thực phẩm và y dược.

Các vết thương của mỗi thương binh khác nhau, đầy phức tạp và đau đớn. Có thương binh bị thương ở sọ não, tâm thần, một số không làm chủ được bản thân trở nên khó tính... Nhìn các anh hàng ngày đau đớn như vậy, Tú Uyên không yên lòng, có lần Uyên thấy thương binh quằn quại đã khóc…

Cô đã mạnh dạn đề xuất lãnh đạo tăng cường tìm kiếm thêm thuốc thang cho thương binh. Ngoài các dược liệu cùng đơn vị có thể pha chế được, Uyên còn cố gắng ngày đêm như nấu rượu, nấu cao động vật và tìm kiếm các loại cây củ quả có dược liệu chữa bệnh khác. Không những vậy, cô còn cùng cán bộ Khu Điều dưỡng khẩn thiết liên hệ với các cơ quan ngành y dược để nhận được quan tâm, giúp đỡ nhất là các bệnh viện - địa phương và Trung ương. Ngày ấy, chỉ cần có thêm một số ống morphin hoặc vài lọ becberin hay một số sinh tố A-B-C là đã vô cùng quý giá.

Từ năm 1986, đất nước có sự đổi mới. Một số tỉnh ở miền Nam từ Quảng Tri trở vào đã có cơ sở tiếp nhận thương binh nặng về. Đồng thời Nhà nước còn vận động các địa phương và gia đình đón nhận thương binh về chăm sóc. Mỗi thương binh về quê với gia đình như vậy, được ưu tiên trợ cấp ban đầu, được cung cấp một số phương tiện đặc biệt như nhà ở… quan trọng nhất là sự thống nhất, hoan nghênh của các đoàn thể chính quyền và toàn dân... Một số thương binh vì tuổi già sức yếu, thương bệnh tật tái phát nên đã qua đời, họ được công nhận là liệt sĩ. Bởi vậy số thương bệnh binh ở Khu Điều dưỡng giảm dần.

Tính đến nay (2017), cô Tú Uyên phục vụ thương binh nặng ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nghệ An đã 35 năm. Cô hoạt động tích cực, đầy trách nhiệm với tình cảm Lương y như từ mẫu”. Cô đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cô luôn phát huy tinh thần yêu nước và lòng yêu nghề của người cha thân yêu. Cha cô cũng từng là y sĩ hi sinh khi đang cấp cứu bộ đội bị thương trong chiến đấu. Với những công việc bình thường thầm lặng, cô được anh em thương bệnh binh ở Khu Điều dưỡng yêu quý. Nhiều năm liền cô được bầu là chiến sĩ thi đua, được Sở và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng nhiều giấy khen, bằng khen.

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Con liệt sĩ chăm sóc thương binh nặng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn