Con mèo nhà tôi

Khu tập thể, nơi tôi ở, rất nhiều chuột. Chuột hoành hành không tài nào chịu được. Nó chạy sầm sầm trên mái. Nó sục sạo khắp mọi nơi. Nó chít chít rúc rích những tiếng kêu rất hữu tình mang tâm trạng rất riêng của họ hàng nhà chuột.

    

meo-va-chuot2-1698151682.jfifMinh họa: Bing
 

Nghe tiếng chuột kêu, tôi rất bực vì nó cắt đứt dòng suy tư. Không chỉ thế, nó còn cắn nát bất cứ cái gì có thể: dây điện thoại bàn, sách vở, ngay cả cái xô đựng gạo chúng cũng cắn nham nhở phần nắp để cố chui vào... Rồi có một hôm, khi tôi đang ngồi làm việc bên máy tính; đột nhiên nghe tiếng rè rè, rồi mấy giọt nước chẳng biết từ đâu rỏ ngay xuống bàn máy. Tôi tự hỏi: Không có mưa, sao lại có nước? Vả lại, tôi mới sửa mái; làm gì dột được. Lúc sau mùi khai bốc lên nồng nặc, tôi mới vỡ lẽ: Nước đái chuột! Cáu tiết, tôi dùng đủ mọi biện pháp trừ diệt chúng: làm bẫy, mua keo dính đặt khắp nhà, mua cả bột nở trộn thức ăn để khi bọn chuột ăn xong sẽ khát nước, khát đến cháy cổ họng – phải uống đến căng bụng mà chết. Khi chuột khát, khốn nỗi chúng cứ tìm trong bể và chết ngay trong đó khiến cho hàng xóm phải thau bể đến khổ; họ kêu ca tôi đành phải bỏ cách đánh hiệu quả lại đỡ tốn công này. Mua keo dính chuột, đặt vào nơi chúng thường đi qua; nhưng đặt keo dính, mới bắt được một vài con thì không hiệu nghiệm nữa còn người thì luôn bị dính chân, khiến vợ tôi càu nhàu mãi. Xem sách, thấy có cách đuổi chuột bằng cách lấy lá sen khô trộn với ớt bột đốt lên hun vào tổ của chuột sẽ đuổi được chúng; tôi cũng làm theo nhưng rồi lại thất bại.Tôi đành trở lại cách diệt chuột từ thời cha ông vẫn thường dùng hiệu quả: Nuôi mèo!

    Tôi về chợ quê, tìm mua mèo. Nhớ lời mẹ dặn: “Chọn mèo phải chọn thật kĩ, nhấc tai xách mèo lên, nếu nó co cả hai chân sau và cụp đuôi lại thì đó là con mèo chăm bắt chuột, không nên chọn mèo mõm đỏ - loại đó ăn vụng thành thần; con nào trôn lồi chỉ tội ỉa bậy”. Và tôi đã chọn được một con vừa ý. Đưa mèo về, đo đuôi cẩn thận rồi cho nó vào trong góc bếp; xích lại - mèo mới mua, ai chả làm thế! Với lại nó đã to, thả ngay thì lập tức các chú nghiện sẽ kiếm được một bữa ra trò – hơn trăm bạc chứ ít ỏi gì?! Tôi lại lấy cái chậu làm chỗ giấu phân cho nó, tuy bất tiện nhưng nào có hề chi; nó sẽ giúp tôi giảm stress.

    Nghe tiếng mèo ngoao ngoao rất oai vệ, tôi mừng lắm xoa tay: Có thế chứ! Cũng đáng đồng tiền bát gạo! Phen này lũ chuột chạy đâu cho thoát, cứ gọi là ba hồn bảy vía rồi chui vào bụng mèo!!!

    Từ hôm ấy, nhà tôi bớt hẳn tiếng chuột. Tôi vô cùng thoải mái, sáng tác đều tay hơn; các bản thảo gửi đi được các tòa soạn hoan nghênh nhiệt liệt.

Nhưng rồi, tôi lại nghe thấy tiếng chuột rúc rích như trêu ngươi. Mèo nhà tôi thì im lặng ngồi nghe và vuốt râu, như muốn nói: Ta thuộc hàng quý tộc mà thèm chấp lũ chuột xấu xa như chúng mày ư? Tôi nhấc nó đặt lên mái, nhưng mèo ta chỉ ngồi đó, rồi loáng sau đã nhảy tót xuống đất. Có đêm, trong lúc mê ngủ; tôi quờ tay sang bên, thấy vật gì mềm mềm âm ấm; giật mình tỉnh dậy: Hóa ra chú mèo quý của tôi đang say giấc nồng trên chiếc đệm. Quẳng xuống khỏi giường, chỉ lát sau đã lại thấy nó ngay bên cạnh. Bao nhiêu đêm như thế, tôi cảm thấy có mèo còn khổ hơn là có chuột! Sau nhiều ngày trầm ngâm; tôi đã đi đến quyết định: Bán béng cho nhà hàng bên Thái bình làm món tiểu hổ! Nhưng khi

về quê, kể với bố mẹ về nỗi bực dọc với mèo; mẹ tôi cười bảo: anh ở phố, dùng bếp ga, còn loài mèo thì cần ấm; nó chạy lên giường là phải. Nếu nó không bắt chuột, anh đưa nó về cho mẹ; đưa con của nhà lên xem sao!

    Được lời của mẹ, tôi thở phào; bởi cũng định gạ bố mẹ nhưng chưa dám. Giờ mẹ vẽ đường thì tốt quá còn gì! Ngay lập tức, tôi đem con mèo trên phố về đổi con mèo mà mẹ vẫn khen là hay bắt chuột. Đưa mèo lên, tôi tạt qua chợ mua cho nó ít cá và vài lạng gan lợn (giống mèo ăn gan lợn chóng lớn như thổi - như thế nó mới bắt được loại chuột trên phố chứ). Lại xích mèo vào chỗ cũ và nghe tiếng kêu của nó, tôi xoa tay: Giờ chắc là mình nhàn hạ đây!

    Tối đó tôi chẳng còn nghe tiếng chuột chít chít gọi bạn tình, cũng không thấy tiếng nó cọ cựa trên trần nhà nữa. Thế này thì ổn rồi ! Mình lại được những tháng ngày yên ả. Được khoảng một tuần, thấy mèo đã quen; tôi thả xích cho nó vẫy vùng. Mèo ta khoan khoái nhảy lên trên mặt bể, vươn vai rõ dài; rồi kêu thật to: ngoa.. o ... ngoa ...o.

   Nó chạy đi một lát, rồi về ngay. Rũ được nỗi bực dọc bấy lâu tôi khoái chí lắm. Tôi ngủ được nên càng viết khỏe. Khi đã thấy ổn, tôi thả mèo luôn luôn, tất nhiên mèo ta cũng không hề quên nhiệm vụ bắt chuột. Tôi cưng mèo lắm, có hôm uống bia nhắm cá mực cũng xé cho nó vài miếng. Hắn ta ăn mực ngon lành, vuốt râu ra vẻ thỏa mãn lắm.

   Một hôm, cậu ta đi suốt ngày không về ăn cơm; cứ lo nó bị bọn nghiện trộm mất. Đến sẩm tối mới thấy nó lần về, miệng ngậm một con mực khô thật to. Cu cậu ngoe nguẩy đuôi, cọ vào người tôi rồi đặt con mực xuống; như muốn khoe chiến công với chủ. Rất ngạc nhiên về việc nó mang con mực khô về; nhưng không biết làm thế nào... Tôi nướng mực rồi chia phần cho, mèo ta ăn ngon lành. Ngày hôm sau, mèo ta lại tha về con mực nữa. Cứ thế, được 3 hôm thì ông hàng xóm, cách nhà tôi một dãy phàn nàn về việc phơi cá mực nhưng bị mèo nhà ai tha trộm. Thế là tôi đành xích mèo lại, không dám thả nó ra nữa...

   Mấy đêm sau, khi đang ngồi viết; tôi lại nghe tiếng chuột rúc rích ở bếp. Quái! Mình xích mèo ở bếp, sao lại có tiếng chuột ở đó, hay là nó xổng xích ra rồi? Bật đèn, xuống bếp; tôi vẫn thấy mèo nằm đó; nhưng thật lạ: Trước mặt mèo là một khúc cá rán, một miếng trứng rán và vài cái râu mực...Tôi sửng sốt, bởi có ai trong nhà cho mèo ăn như thế này đâu? Tôi đưa tay ra định nhặt lấy những thức ăn đó, ngay lập tức mèo ta gầm gừ mắt long lên như muốn nhắc nhở chủ: “Thưa ông, đây là thức ăn của tôi; không phải những con cá mực tôi vẫn đem về để phục vụ ông đâu! Vả lại ông tham lắm, ăn toàn những miếng ngon còn tôi ông chỉ cho chút da mực chút mai còn sót lại; may mà người ta kêu ca, nếu không ông còn khuyến khích tôi đi tha tiếp về cho ông đấy!”

   Nhìn xuống nền đá hoa, những vết chân chuột lốm đốm như trêu ngươi. Có lẽ, chuột đã đem những thứ này cho mèo? Tôi không dám tin vào sự suy đoán của mình, nhưng mấy ngày sau đó mèo ta lại không thèm để ý gì đến lũ chuột. Nghe tiếng chuột kêu, nó lại ngồi vuốt râu mắt lim dim như đang ngủ....

   Bực mình, tôi về nhà phàn nàn với bố mẹ. Nghe tôi nói, bố tôi thủng thẳng:

   - Anh ở quê mà xem mèo nhà anh hư thế nào! Anh đưa mèo ở quê lên rồi làm hư nó, ở đây nó vẫn bắt chuột kia đấy!

   Đêm đó, tôi quyết định ngủ cùng bố mẹ. Khi đêm đã khuya, tôi nghe tiếng chuột rúc rích, rồi thấy bố huých khuỷu tay vào hông. Nhỏm dậy, nhìn ra sân dưới ánh trăng; tôi nhìn thấy con mèo của tôi đang oai vệ ngồi; đàn chuột nhảy quanh nó. Rồi tôi lại thấy con chuột đầu đàn tiến đến trước mặt con mèo và giơ hai chân trước lên rất trịnh trọng; còn mèo ta thì vểnh râu rồi uể oải giơ một chân đặt vào hai chân con chuột đang giơ sẵn. Tôi bàng hoàng thốt lên: Trời ơi! Mèo bắt tay với chuột!!!

    Trên đường trở lên phố, tôi tự bảo mình: Thôi, cứ kệ bọn chuột ấy để cho chúng tự do! Ở bên Ấn độ người ta còn để cho chuột vào làm tổ ở cả một ngôi đền rồi chăm sóc chúng như Thần kia, chúng có sợ ai đâu! Ở mình, nó còn biết sợ người! Hãy sống chung với chuột là tốt nhất, khỏi tốn công tốn của!!!