Còn thương còn nhớ thì về...!

Ở quê tôi chẳng có người lạ, chỉ có người quen, chẳng thể ghét nhau, chỉ có thương yêu...! Người thương Người, vì nhau mà sống. Người ta thương mảnh đất này, người thương quê hiền lành dễ mến nên cắm trụ mà sống. Vì đã thương nhiều thứ lắm nên chọn nơi đây mà ở lại đây cho trọn một cuộc đời..!
271856182-1077868383068524-4092629250127711555-n-1642254272.jpg
Ảnh minh họa

Ngày xưa, bà Nội thường hay nói, xóm mình đủ các quê khắp xứ: Bắc Trung Nam lần rủ nhau về sống, về ở chung một con hẻm, chung một con đường làng, làm đủ mọi nghề để sinh tồn, để gầy dựng cuộc đời cho tương lai... Nhà tôi: Ông Nội là thợ máy, học trường Tây, làm việc cho Tây, đi bôn ba trong và nước trên con con tàu buôn của Tây có điều kiện rời quê xa xứ...

Bà ở vùng quê, con gái một hương chức trong làng, nhiều mối duyên quê ngỏ lời..., chẳng hiểu sao gặp Ông nên duyên giai ngẫu. Làng quê loạn lạc, chạy giặc rồi đến nơi này sinh cơ lập nghiệp... Ông Ngoại ở vùng sông nước gần cửa biển Tân Thành - Gò Công, cũng là thợ máy trưởng của tàu, học chung trường, chung lớp với Nội cùng là học viên trường Bá Nghệ ở Sài Gòn (L'école des Mécaniciens Asiatiques)... Vậy là Má cũng rời quê, xa nhà theo chồng về đây để sống để sinh con đẻ cháu cho đến ngày hôm nay...!

Đầu xóm có nhà bà Liên là dân gốc Bắc, kết nghĩa với ông xứ Tiều để rồi cả vùng đều biết món kẹo đậu phộng, món "thèo lèo cứt chuột" thật ngon...! Nơi ngã ba, gần chợ, một Chú đi lính tận miền Trung xa xôi và quê tôi lại có thêm một cô gái Huế về làm dâu trên vùng đất yên bình này...! Ngày còn nhỏ, tôi thường đến tiệm tạp hoá của Cô để mua bánh kẹo với mục đích được nghe giọng nói của người Huế, nghe rất khó nhưng chẳng hiểu sao tôi lại rất thích và cũng ước sao mình nói được giọng như Cô...!

Năm tôi học lớp đệ thất, nhớ mãi bài học đầu tiên trong tiết "kim văn", Thầy An đọc chính tả cho cả lớp nghe tựa bài: "Con hổ....". Vậy là cả lớp cùng viết: "Con hổ chầm chậm xuống hang..., Thầy cười xoà và cho viết lại..., sau này Thầy phải lòng cô giáo vùng đất Nha Mân và ở lại vùng quê tôi lập nghiệp... Chẳng biết quê tôi có phải là vùng "đất lành chim đậu" hay không..? Những người lính xưa ở khắp miền đất nước, từ miền Trung khô cằn nắng cháy da, khô rát mặt đến miền Tây sông nước như mắc cửi, quanh năm ngọn dừa nước ve vẫy, từng cụm lục bình trôi trên sông..., đều rũ áo quân phục để chọn cho mình một nửa cuộc đời còn lại và chọn nơi này làm quê hương.... Mảnh đất quê hương của tôi còn rất nhiều người Hoa lưu vong đến sinh cơ lập nghiệp từ rất lâu, người Quảng Tây, Quảng Đông, Sơn Đông, Triều Châu, nhưng nhiều nhất là người Tiều... Những bảng hiệu buôn bán của họ thường có chữ Kí và chữ Đường trên ấy. Đem thắc mắc hỏi Ba. Thì ra, "Kí" là bán đồ ăn, thức uống, còn "Đường" là tiệm thuốc Bắc....

Có lẽ, hình ảnh của Ông Rober người Pháp làm tôi nhớ mãi đến bây giờ..., ngày ấy cứ sáng sớm, Ông thường ở góc chợ, trong túi áo có rất nhiều mảnh giấy vụn, được xé ngay ngắn, lớn nhỏ. Trên vành tai, hai bên lúc nào cũng vắt khúc viết chì để viết. Tôi thường lê la gần ông để xem chữ viết, phong cách viết và con chữ thì chạy rất nhanh, gọn gàng, bay bướm. Đầu tờ giấy phải ghi ngày tháng... Lundi, date... mois ... 1971 hay J'ai une femme au Vietnam et j'ai deux enfants. Ma femme est morte, je suis triste ......

Nghe nói Ông là kĩ sư, vì yêu vợ nên sống luôn ở đây, chẳng hiểu lí do do nào lại bị tâm thần nhẹ, thật thương cho Ông...! Thỉnh thoảng, tôi cho cây viết chì mới và cuốn vở. Ông mừng ra mặt, cười rất đẹp trong gương mặt phong trần hợp với mái tóc quăn bồng bềnh. Miệng lẩm nhẩm: Merci... merci beaucoup...! Sẽ rất thiếu sót khi không nhắc đến đến hai Tiền nhân mở cõi từ hơn hai trăm năm trước: Ông Bà Trùm Tiên... Mộ của Ông và Bà ngày nay vẫn còn. Mộ Ông may mắn nằm trong nhà của một người Hoa, giàu có nên nhang khói hàng ngày và có làm cả Giỗ trong gia đình. Còn mộ Bà chỉ là một núm nhỏ thật bùi ngùi, cách đó khoảng trăm mét...! Người ta ghé lại đây, chọn quê tôi làm quê hương thứ hai thì họ cũng mang theo biết bao cái tình gởi trong từng món ăn, nếp sống, cách ăn cách ở và bao điều lạ lẫm. Chừng như ai nấy đều khát khao lưu luyến giữ cái hồn riêng biệt giữa cộng đồng nơi đất khách từ lâu lắm....! Chọn miền đất nắng ấm phương Nam này làm nơi trú ngụ, dân tứ chiến đùm bọc nhau mà sống... Đôi lần ai đó xích mích vì hiểu lầm, cả xóm xúm lại can ngăn...! Hôm trước gây, hôm sau cười xòa....

Quê tôi lạ lắm, ghét đó rồi thương đó! Chẳng để bụng giận hờn lâu.. Ai cũng có quê, năm hết tết đến lại nôn nao ngày về nhưng nào phải muốn là được. Nhiều người biền biệt xa xứ hàng chục năm vẫn đau đáu ngày về..! Quê tôi là một thị trấn, Quốc lộ 1 chạy ngang qua nên có nhiều điều mới lạ hơn những nơi khác. Nổi bật là cái thủy bồn do chính lực lượng công binh Mỹ xây dựng năm 1965. Nó cao tầm 30 mét, đứng sừng sững giữa trời, ngạo ngễ nhìn khắp nơi, quan sát khắp hướng..., bọn trẻ chúng tôi thường tụ tập dưới các chân cột để chơi leo thang mỗi lúc chiều về...! Nhớ một buổi chiều ấy..., tôi bạo gan thử leo lên tới đỉnh để hi vọng gặp các chú lính Mẽo, để xin kẹo, xin bánh bằng thứ ngôn ngữ mình học được..., "S'il te plaît, donne-moi du chocolat" hay "Donnez-moi des conserves",...khi ấy tôi sẽ nói "Merci beaucoup les gars...!". Đến khoảng chừng 25 mét, trên ấy gió thổi lồng lộng, mây trắng bay có vẻ nhanh lắm, nhìn xuống đất: sao thấy những ngôi nhà thấp quá, mấy thằng bạn đang vỗ tay hoan hô sao chúng như người "tí hon"..., trời đất bỗng như tối lại..., gió lộng càng dữ hơn..., tôi kêu to để Anh Ba Nghiệp cứu..., anh leo lên thật nhanh, miệng vừa dặn tôi phải ôm chặc thang sắt, vừa động viên, vừa choàng qua tôi để dìu tôi từng bước xuống đất... Hoàn hồn, tôi nhìn lên bồn nước, hai ba chú lính Mỹ vẫy vẫy nói gì đó..., tôi chỉ nghe loáng thoáng Bye..bye. Kỉ niệm hãi hùng đó, làm sao tôi quên được trong cuộc đời...!

Cái thủy bồn ấy ngày nay vẫn còn tồn tại... hay thật, nó như thách thức với không gian và thời gian, nó là biểu tượng trường tồn của quê tôi, nó là người thân luôn vẫy gọi từ xa, là điểm đến của mọi người sau một ngày làm việc, mưu sinh ở đâu đó để trở về nhà..., nó là dấu ấn để cho biết những người từ phương xa cách nửa vòng trái đất để trở về quê hương sau mấy mươi năm trời xa cách...! Nhiều thứ khiến họ phải bám trụ quê người năm ba ngày Tết. Với người ly hương xa xứ ở tận trời Âu, đất Mỹ hay bất cứ nơi đâu cũng chỉ xem là nhà, chỉ có quê tôi mới gọi là quê hương. Tận cùng của nỗi nhớ hóa ra nỗi "thèm" và "khát vọng", để người ta mới tha thiết trở về, gắn trọn cuộc đời với nó mà bỏ qua những lo toan, tính toán, công việc mưu sinh...

Bởi chỉ có thương và nhớ, người ta mới hiểu, mới cảm nhận được cái tình, cái nghĩa, cái mùi nhang thơm trong ngày Giỗ, ngày Tết của gia đình của xóm giềng của làng quê của miền đất này còn thật nhiều tấm chân tình, lắm điều tình nghĩa....

Ai ơi...! Nếu còn thương, còn nhớ thì hãy ở lại và hãy trở về nhé...!

 

Theo Chuyện Làng quê