Công lý và lòng trắc ẩn

Chúng ta nói về một sự việc xảy ra liên quan đến pháp luật, hay dùng từ: Lý và Tình là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cái tính nhân văn mà pháp luật mang lại.
minh-hoa-1659798790.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Có câu chuyện một người phụ nữ nghèo đói sống ở New York vào 1935, thời kì đó nước Mỹ đang còn nghèo. Bà bị xử tại phiên tòa vì ăn cắp một ổ bánh mì khi con gái đang bị bệnh, con rể bỏ nhà đi, hai đứa cháu nhỏ đang sắp chết đói. Theo luật, bà bị phạt 10 đô la hoặc 10 ngày giam giữ. Nếu tha cho bà thì không còn tính nghiêm minh của pháp luật. Sau thời gian cân nhắc, vị quan tòa quyết định bỏ ra 10 đô la đóng phạt cho bà, đồng thời phạt mỗi người trong khán phòng 50 cent vì đã thờ ơ để người cùng khu phố mình phải đi ăn trộm bánh mì về cứu cháu.

Hôm sau, báo đưa tin có 47,5 đô la được gom cho bà tại khán phòng xử án gồm của: cảnh sát, chủ cửa hàng bánh mỳ, các bị cáo đang chờ xét xử... cùng tiếng reo hò cảm động và tán thưởng. Họ gọi đó là "Công lý và Lòng trắc ẩn"

Ở nước ta, năm 1841, Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên (to hơn vị giám thị để học sinh ngủ cho đẫy giấc ở Cà Mau nhiều). Khi ông chấm bài, nhận thấy một số bài văn hay bị phạm trường quy, không muốn lỗi nhỏ mà trượt mất nhân tài, ông đã cùng viên quan sơ khảo khác là Phan Thời Nhạ, lấy muội đen làm mực sửa chữa 24 bài thi, trong số này nhiều người đỗ đạt. Ông lôi kéo cả Nguyễn Văn Siêu vào scandal chấm thi này, may mà cả ba được tha tội chết nhưng công danh có người gần như mất hết. Đây là việc làm không ai ủng hộ nhưng nói lên cái tâm của người làm giám thị, muốn đất nước có thêm hiền tài mà họ phải liều mạng làm vậy.

Nhìn qua sự việc học sinh ngủ quên khi thi môn Anh cuối cùng do áp lực quá tải của học hành thời giáo dục kiểu mới, trong khi hai vị giám thị thực hiện đúng qui trình thi cử mà mấy ngày này nóng sốt dư luận nhiều chiều, để thấy:

Con người thời nay chẳng khác gì robot lập trình tới đâu thì chạy tới đó. Không được nhắc nhở riêng từng học sinh thì không nói, không đứng gần... vô cảm nhìn cho dù thí sinh có đột quỵ méo miệng, gục chết trên bàn cũng hết giờ thi mới xử lý. Giám thị đã làm đúng qui trình sẽ là an toàn nhất cho bản thân nên không sợ bị kỉ luật, mất việc... coi như thành công cho chính mình rồi. Nhưng xin thưa hai vị chưa hoàn thành trách nhiệm đúng nghĩa đâu vì giám thị phải quan sát điều bất thường khi thi cử để can thiệp kịp thời. Để thí sinh ngủ gục cả giờ mà không thấy thì đúng là vô lý, có khi lo... chơi facebook hoặc ngủ gật thôi. Chưa mong chờ lòng trắc ẩn từ các vị đâu vì cái đó quá xa xỉ ở xã hội thời nay.

Một đại úy Công an đứng bên mà làm lơ để cướp xử tài xế taxi máu me đầm đìa thì mong gì lòng trắc ẩn nữa.

Xã hội ta bây giờ ai cũng bảo là vô cảm, đi đường gặp chuyện bất bình chẳng ai ra tay, gặp nạn không ai giúp... Thực ra không nên đòi hỏi điều này làm gì, chỉ mong những những người mặc áo công vụ hưởng lương, hãy làm tròn nhiệm vụ mình được giao là đã thấy xã hội tốt lên nhiều rồi, đừng nên kêu gọi lòng trắc ẩn làm gì, cái đó tính sau.

Một xe hàng bị lật đổ xuống đường, hàng trăm người vào hôi của trong khi lực lượng chấp pháp chậm trễ để tài xế khóc méo mặt. Nhưng khi kêu gọi ủng hộ thì hàng ngàn lòng hảo tâm nơi khác giúp có khi còn dư số tài xế thiệt hại. Nhưng lòng trắc ẩn kiểu này càng nhiều chứng tỏ càng bất ổn xã hội chứ chẳng mong làm gì.

Chuyện Làng Quê