Giống như một số đơn vị quản lý văn hoá khác, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã và đang chuyển đổi số, nhằm đạt hiệu quả cao và tinh gọn, trong công tác quản lý.
Thực hiện Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành du lịch giai đoạn 2021 - 2025; Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án chuyển đổi số tại Trung tâm BTDTCĐ Huế giai đoạn 2021 - 2025 với phát triển nền tảng cho chuyển đổi số nhằm chuyển đổi nhận thức trong thực thi công vụ; phát triển hạ tầng số; xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu, Data Center; đảm bảo an toàn, an ninh mạng; ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch, dịch vụ với các nội dung cơ bản như: Thiết lập Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại đáp ứng cho việc quản lý điều hành, nghiên cứu khoa học, trùng tu di tích, khai thác và sử dụng dịch vụ.. (mạng Loral, 4G, 5G). Xây dựng Trung tâm dữ liệu với nền tảng là Hệ thống cơ sở dữ liệu di sản đầy đủ, đồng bộ, khoa học… nhằm lưu trữ và phát huy giá trị. Nâng cấp hệ thống bán và kiểm soát vé tự động.
Đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến (qua ví, thẻ ngân hàng trực tuyến, QR Code...) ở tất cả các điểm di tích. Xây dựng các ứng dụng hỗ trợ khách du lịch, ứng dụng công nghệ thực tế ảo, công nghệ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới khác nhằm đưa đến những dịch vụ tốt nhất về trải nghiệm, tiện dụng, tăng giá trị và sức hấp dẫn đối với khách du lịch cũng như các điểm đến du lịch. Xây dựng các hệ thống giám sát an ninh, trung tâm thông tin và điều hành du lịch tại tất cả các điểm di tích phục vụ công tác quản lý, điều hành, an ninh, hỗ trợ du khách…
Trung tâm BTDT Cố đô Huế với trọng trách quản lý, bảo tồn, phát huy kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia với các hình thức đa dạng; Vì vậy việc ứng dụng Công nghệ số và triển khai Đề án Chuyển đổi số được Trung tâm BTDT Cố đô Huế xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện một cách toàn diện, xem đây là công cụ, giải pháp tối ưu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản văn hóa của tiền nhân ngang tầm khu vực và Quốc tế.
Ngày 01 tháng 6 năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký ban hành Quyết định số 1310/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Chuyển đổi số Trung tâm BTDT Cố đô Huế giai đoạn 2022 – 2025, ngay những ngày đầu tháng 6/2022, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức nghiên cứu, tư vấn, xây dựng Hệ thống vé điện tử, đây là một trong những dự án trọng điểm thuộc Đề án chuyển đổi số và là dự án đảm bảo cho hạ tầng hệ thống thông tin, dữ liệu và đa dịch vụ tích hợp trên nền tảng số của Trung tâm BTDT Cố đô Huế.
Trong năm 2022, Trung tâm đã và đang triển khai một số công việc cụ thể như: Nâng cấp, trang bị hệ thống máy tính, thiết bị công nghệ thông tin đầu cuối phục vụ ứng dụng CNTT trong nội bộ. Xây dựng Ứng dụng di động Di tích Huế phục vụ du khách. Khai trương Hệ thống vé điện tử triển khai tại Đại Nội và 03 Lăng: Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định. Tiến hành vận hành từ 01/12/2022. Tiến tới triển khai 6 điểm di tích trong năm 2023. Triển khai hệ thống camera an ninh tại các điểm di tích hướng đến việc xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Tiếp tục đầu tư hệ thống Camera tại Kỳ Đài và các cổng của Đại Nội. Xây dựng hệ thống phòng lưu trữ tư liệu và tiến tới thực hiện lưu trữ tài liệu và số hóa toàn bộ dữ liệu, tài liệu từ hồ sơ giấy, vật thể và tạo lập các cơ sở dữ liệu về di sản, cổ vật, hiện vật, âm nhạc, cây xanh, hồ sơ di sản/hồ sơ phục vụ công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích….
Thực hiện xin chủ trương và thực hiện dự án “Nâng cấp hệ thống Wifi phục vụ công tác điều hành, quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ du khách tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế”. Song song với việc triển khai các ứng dụng trên nền tảng số, Dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR cũng là mô hình mới mà Trung tâm phối hợp với Công ty CP IV COM hợp tác thực hiện. Đây là dịch vụ được phát triển trên nền tảng thực tế ảo VR với tên gọi “Đi tìm Hoàng cung đã mất”. Đối với hệ thống thực tế ảo XR, du khách có thể trải nghiệm việc nhận biết các vật thể ảo tại các vị trí cụ thể trong quá trình tham quan Đại Nội Huế thông qua kính đeo và âm thanh được nghe tại địa điểm tham quan có tính trực quan sinh động, dịch vụ “trải nghiệm thực tế ảo XR” hứa hẹn sẽ là những hấp lực mới đối với du khách đến với di sản Huế. Tổ chức tập huấn các lớp kĩ năng vận hành Cổng thông tin điện tử, hệ thống văn bản điều hành, hệ thống vé điện tử.
Với kỳ vọng phát triển Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là trung tâm nghiên cứu, thu thập dữ liệu, tập hợp được các tư liệu cổ, hệ thống hóa các cơ sở dữ liệu toàn văn với ứng dụng Công nghệ số hiện đại, để làm tăng trải nghiệm cho du khách và tạo tương tác đa chiều cho các em học sinh trong chương trình giáo dục di sản.
Trong các năm tiếp theo, Trung tâm sẽ từng bước hệ thống hóa các cơ sở dữ liệu, trình diễn và mở dữ liệu phục vụ cho các nhà nghiên cứu, du khách và giáo dục văn hóa địa phương, thực hiện việc chuyển đổi số với chủ đề năm 2023 là “Năm dữ liệu số Quốc gia”, đây thực sự là nền tảng quan trọng, không những cho việc triển khai một cách hiệu quả Đề án chuyển đổi số mà còn làm tốt công tác phát huy giá trị di sản dựa vào dữ liệu hiện có mà Trung tâm đang quản lý.