Cổng trời A Roàng

Hoa Dang

27/06/2022 16:04

Theo dõi trên

Trong hành trình trở về  với đường Trường Sơn huyền thoại của anh em chúng tôi. Đoạn từ Thị Trấn  A Lưới (Thừa Thiên Huế)  đến Thạnh Mỹ (Quảng Nam) có một đia điểm không thể không nhắc đến. Đó là Cổng trời A Roàng.

 

a-roang-1656320602.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Từ trước đến nay cũng chưa có ai định nghĩa một cách chính xác “ Cổng trời “ là gì? Với tôi, hiểu một cách nôm na “ Cổng trời “ là vị trí nằm  trên những  đỉnh núi cao nhất, hiểm trở nhất trên tuyến đường. Ở đó nhìn Lên chỉ thấy trời và nhìn xuống dưới là rừng cây, mây, núi. Từ “ Cổng trời “ xuất hiện trong chiến tranh khi bộ đội ta vượt Trường Sơn sang Lào  theo đường 12 (Quảng Bình). Khi gần đến đồn biên phòng Cha Lo, ở gần đỉnh dốc có hai phiến đá tự nhiên rất to chụm vào nhau tạo thành một vòm nhìn như một cái cổng thành. Từ “ Cổng trời “ có lẽ ra đời từ đó.

A Roàng là tên một xã thuộc huyện A Lưới thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ thị trấn A Lưới đi khoảng 10 km qua xã A Đớt thì đến địa phận xã  A Roàng. Đây là một vùng rừng núi hiểm trở, nhiều núi cao, vực sâu, địa hình rất phức tạp. Đường 14 cũ do Pháp làm, khi đến đây phải vòng sang đất Lào theo cửa khẩu Đèo Ba Lệch rồi mới vòng lại Việt Nam. Nói vậy để thấy làm đường qua  khu vực A Roàng này khó thế nào. Khi làm đường Hồ Chí Minh nhà nước ta chủ chương toàn bộ tuyến đường phải nằm trên đất Việt Nam.

Vì thế Tuyến Cổng trời A Đớt – A Tép dài khoảng 40 km được mở mới hoàn toàn trên đất của các xã A Đớt – A Roàng – A Tép. Do núi cao nên phải đào hai hầm xuyên qua hai đỉnh núi và làm rất nhiều cầu cạn bắc qua các khe núi. Cổng trời A Roàng chính là hai đường hầm xuyên núi đó. Các đơn vị làm đường chủ yếu là các tổng công ty xây dựng của Bộ Quốc phòng. Những năm chiến tranh các anh đã mở đường Trường Sơn. Giờ đây lại chinh phục thành công đoạn đường núi cao hiểm trở mà người Pháp còn phải chịu này. Có thể nói đây là đoạn đường hiểm trở và kỳ vĩ nhất của tuyến đường HỒ CHÍ MINH huyền thoại.

  Đoàn chúng tôi dừng nghỉ ở Cổng trời A Roàng khá lâu. Cũng phải thôi, đến “ Cổng trời “ rồi còn gì. Đi đâu mà phải vội. Mấy khi có được những giây phút này. Khí hậu mát mẻ, không khí trong lành và cảnh đẹp của thiên nhiên nơi đây thực sự làm say đắm lòng người. “ …. Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước / Xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài / Vào rừng trúc mai véo von con sáo sậu / Ta muốn hỏi một câu / Bao giờ thôi tơ vương?...”. Không biết nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đến  Cổng trời này chưa? nếu đến và đứng ở đây, chắc sẽ không hỏi như vậy nữa.

Cách đây 50 năm, nói đến Trường Sơn có không ít người e ngại. Bởi lẽ đã đeo ba lô vượt Trường sơn thì cũng không xác định ngày về. Trường Sơn ngày đó hiện ra trong trí tưởng tượng của mọi người bằng miêu tả của văn, thơ, nhạc, hoạ. Đẹp thì có Đẹp, nhưng đâu phải ai cũng muốn vào.  Giờ đây với tuyến đường HCM hiện có, chưa bao giờ đến với Trường Sơn lại thuận lợi và dễ dàng như bây giờ. Mong rằng lại có dịp trở lại với Trường Sơn với Tây Nguyên, với những vùng đất đã in sâu trong ký ức của một thời trai trẻ.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Cổng trời A Roàng" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn