Cốt cách của danh tướng

Đã từ lâu, trong quân đội ta có câu nói về tài đánh trận của các vị tướng: “Nhất Tấn, nhì An, tam Đan, tứ Chơn” (Đại tướng Lê Trọng Tấn, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Thiếu tướng Hoàng Đan, Thượng tướng Nguyễn Chơn). Tương truyền, câu đó là của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
hong-son-1635261192.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Một buổi sáng mùa thu năm 2006, tại nhà riêng của Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo ở đường Phùng Chí Kiên, bên cạnh Học viện Quốc phòng, nơi ông làm Giám đốc trong cuối cuộc đời quân ngũ của mình, tôi hỏi thượng tướng rằng, có phải câu “tổng kết” đó của ông không? Thượng tướng cười, nụ cười thật hiền làm dịu đi khuôn mặt có đôi lông mày lưỡi mác và đôi mắt sắc:

- Không, không phải của tôi, của “dân gian” thôi. Câu ấy thực ra nói về 4 sư đoàn trưởng đánh trận tiêu biểu của quân đội ta, những vị tướng ra chiến trường nhiều nhất.

- Sao không thấy nhắc đến Thượng tướng Hoàng Minh Thảo? Ông từng là Sư đoàn trưởng đầu tiên của Sư đoàn 304, rồi Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên suốt thời gian dài cho đến trận Buôn Ma Thuột năm 1975 nổi tiếng? Tôi hỏi.

- Tôi à? Ông cười - Đây, tôi được đồng đội vinh danh đây này.

Ông chỉ vào bức trướng “Trung thành với Tổ quốc, chân thành với đồng đội” của Học viện Quốc phòng mừng thọ ông 80 tuổi được treo trang trọng trong phòng khách. Ông bảo, đồng đội tặng thì ông nhận, chứ ông không dám nghĩ mình đã làm được thế. Sống chân thành, chung thủy với đồng chí, đồng đội là một trong những bản chất tốt đẹp của quân đội ta, kế thừa truyền thống của ông cha như Nguyễn Trãi viết: “ Thết quân, rượu hòa nước, dưới trên một dạ cha con”.

- “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”- Ông nói tiếp- Tướng lĩnh của chúng ta không phải từ trên trời rơi xuống, mà sinh ra trong các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, từ chiến trận mà đi lên. Có người thành tướng, nhưng biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống. Thế hệ chúng tôi tham gia quân đội không chỉ là những thanh niên ở vùng quê “nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá” đâu, mà còn có nhiều thành phần khác như công nhân, trí thức, tiểu thương…Nhưng được Đảng, Bác Hồ giáo dục, chúng tôi đều có chung chí hướng là giành độc lập cho Tổ quốc, vì thế cùng nhau san sẻ khó khăn gian khổ, ngọt bùi cay đắng, hầu như không phân biệt giai cấp. Suốt những năm qua, tôi không thể quên những đồng chí, đồng đội gần gũi, thân thiết của mình người còn người mất; những mảnh đất, những con người đã đùm bọc, nuôi dưỡng chúng tôi trong chiến đấu. Đó là tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

Ông ngồi im lặng, suy tư. Khi về già, con người ta hay nhớ về quá khứ của mình, về quãng đời thanh niên sôi nổi đẹp nhất, đầy khát khao cống hiến.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tên thật là Tạ Thái An, sinh năm Tân Dậu (1921) ở xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên trong gia đình bố là thợ may, mẹ buôn bán nhỏ. Tuổi thơ của ông trải qua nhiều biến cố của đất nước và gia đình: Vì có cảm tình với Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học nên sau khi nhà yêu nước này bị bắt, bố ông mang ông - người con duy nhất của gia đình- lên Tràng Định (Lạng Sơn) làm ăn và để tránh sự dòm ngó của mật thám Pháp. Năm 1935, khi ông 14 tuổi và đang học ở trường Thăng Long ( Hà Nội) thì người mẹ thân yêu của ông qua đời. Người bố, như người đời thường nói, ở vậy "gà trống nuôi con" cho đến năm 1947, lúc ông là Tư lệnh chiến khu 3, cũng lâm bệnh rồi mất.

Tuổi thơ và tuổi thanh xuân của Hoàng Minh Thảo đã khắc dấu vào tính cách sau này. Ông ảnh hưởng tính độc lập, tự chủ, quyết đoán trong công việc của người cha và tình yêu thương con người của người mẹ, một phụ nữ lam làm vùng quê Bắc bộ.

Học trường Thăng Long, được giáo dục lòng yêu nước của những thầy giáo nổi tiếng, trong đó có thầy giáo Võ Nguyên Giáp, ra trường ông về Tràng Định tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1940, Đảng bộ Lạng Sơn cử ông sang Trung Quốc hoạt động. Năm 1941, Bác Hồ cử ông cùng với các đồng chí Hoàng Văn Thái, Nam Long, Đàm Quang Trung, Vũ Lập, Thanh Phong đi học Trường quân sự ở đệ tứ chiến khu (Liễu Châu- Trung Quốc), một phân hiệu của Trường quân sự Hoàng Phố nổi tiếng. Học xong, ông cùng các đồng chí về nước tham gia Tổng khởi nghĩa năm 1945. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, ông lần lượt được Đảng và Bác Hồ cử giữ chức Tư lệnh Chiến khu 3, rồi Tư lệnh Liên khu 4, Tư lệnh Đại đoàn 304 (nay là Sư đoàn 304), Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Giám đốc Học viện Quân sự Cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng)... Cuộc đời binh nghiệp của ông kéo dài cho đến năm 1995, lúc ông rời Viện chiến lược-Bộ Quốc phòng về hưu.

- Thưa - Tôi hỏi, cắt ngang hồi ức của Thượng tướng- vừa là vị tướng từng tham gia những trận đánh lớn, vừa là nhà nghiên cứu quân sự, những chiến dịch nào của quân đội ta theo giáo sư là hay nhất và thành công nhất về phương diện nghệ thuật quân sự?

- Đó là các Chiến dịch Biên giới 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975- Thượng tướng Hoàng Minh Thảo khẳng định.

Trong chiến dịch Biên giới, ta đánh Đông Khê để nhằm tiêu diệt quân cứu viện của địch từ Lạng Sơn lên. Ta lại chặn con đường Cao Bằng đi Lạng Sơn, buộc địch ở Cao Bằng không bị đánh mà phải rút. Đó là nghệ thuật “đánh điểm diệt viện”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ giỏi nhất là thay đổi cách đánh, từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”. Sau đó là nghệ thuật sử dụng pháo binh: kéo phao lên cao rồi nã thẳng vào Mường Thanh, tạo nên uy lực lớn.

Chiến dịch Tây Nguyên giỏi về “mưu kế chiến lược”. Trước hết, ta đã tạo được hình trận chiến lược nhọn hai đầu và hở ở giữa, ghìm địch hai đầu Nam Bắc chiến tuyến. Ta đưa Quân đoàn 4 vào Đồng Nai, đưa Quân đoàn 2 vào tây Huế, còn Quân đoàn 1 ở Bắc sông Bến Hải. Địch sợ mất Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, nên tất cả lực lượng dự bị chiến lược của chúng như sư đoàn dù, sư đoàn lính thủy đánh bộ…phải giữ ở đó. Vì vậy, chúng hở ở giữa, tức là Tây Nguyên.

Đó là thế. Còn bây giờ là thời cơ phá vỡ. Khi đã chắc ghìm địch ở hai đầu, ta đột ngột tăng cường cho Tây Nguyên 2 sư đoàn 316 và 968, cùng với Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 tạo nên lực lượng rất mạnh để phá vỡ hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên nhanh chóng.

Khi mưu kế chiến lược đã thành, ta thực hiện mưu kế chiến dịch: ghìm địch đầu mạnh (Pleiku), phá đầu yếu (Buôn Ma Thuột). Muốn vậy, ta thực hiện nghi binh chiến dịch, đưa Sư đoàn 968 đánh thật mạnh ở Pleiku, đánh thật, nhưng mà giả thật! Địch tập trung đối phó với Sư đoàn 968, bỏ hở Buôn Ma Thuột. Thế là, 3 sư đoàn của ta đánh chiếm giải phóng Buôn Ma Thuột một cách nhanh chóng.

- Thưa giáo sư, cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sau này là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đã đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tới đỉnh cao. Vậy có thể nói, so với thế giới, đã hình thành một nghệ thuật quân sự Việt Nam?

- Tôi gọi là trường phái quân sự Việt Nam. Đó là chiến tranh nhân dân, toàn dân toàn diện, lấy ít địch nhiều. Đó là tư tưởng quân sự của Trần Hưng Đạo “ Dĩ đoản chế trường”; của Nguyễn Trãi “ Yếu đánh mạnh, hay đánh bất ngờ; ít địch nhiều, thường dùng mai phục”; của Hồ Chí Minh “ Thế thắng lực”.

Anh bạn trẻ ạ, từ các cuộc chiến tranh mới xảy ra vừa qua, xây dựng quân đội ta hiện nay phải lấy hiện đại là chính, kết hợp với nửa hiện đại và thô sơ. Nhất định phải có vũ khí công nghệ cao để phòng thủ đất nước. Bảo vệ Tổ quốc không chỉ bằng tinh thần, mà còn phải có công cụ. Trong sản xuất , nhà máy có máy móc tốt, hiện đại thì năng suất sẽ cao. Phương tiện sản xuất mới sinh ra phương pháp sản xuất mới. Quân sự cũng thế, muốn có phương pháp chiến đấu mới có hiệu suất cao cũng cần có phương tiện chiến đấu mới.

Nhưng dù sao, yếu tố tinh thần có giám đánh, quyết đánh, có đoàn kết được toàn dân để chống trả mọi lực lượng thù địch hay không mới là quyết định. Muốn đoàn kết được toàn dân thì mọi chính sách phải thiết thực với nhân dân. Mỗi khi đời sống nhân dân được cải thiện và đảm bảo, họ sẽ yêu mến chế độ, quyết tâm đi theo Đảng để bảo vệ chế độ, như Trần Hưng Đạo từng tâu với vua Trần: “Khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”.

Vị tướng lại im lặng. Ánh nắng mùa thu chiếu nghiêng qua cửa sổ, sắc vàng nhạt chếch qua khuôn mặt ông, làm nổi lên khuôn mặt vốn uy nghiêm lại càng uy nghiêm hơn. Tôi chợt nhớ một câu của người xưa: “ Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa am hiểu lòng người. Đó mới thực là danh tướng”.

Hai năm sau, ngày 8-9 mùa thu năm 2008, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo từ trần, để lại bao niềm tiếc thương cho gia đình và quân đội ta.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo sinh ngày 25-10-1921, mất ngày 8-9-2008 tại Hà Nội. Thượng tướng là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa IV, Ủy viên Trung ương Đảng khóa V. Do có nhiều công lao, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, Nhà nước, quân đội, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Theo Trái tim người lính