Từ khác biệt đến đồng cảm
Lâu nay tại Việt Nam, thư pháp luôn được biết đến như một thú chơi tao nhã của giới có học thức, giỏi ngôn ngữ và đam mê văn chương. Trong khi đó, hình ảnh của những bức tường phủ đầy graffiti thường gợi lên trong tâm trí nhiều người hình ảnh một "đứa trẻ nổi loạn" thích “vẽ bậy”, khao khát được thể hiện và khẳng định mình.
Không thể phủ nhận những khác biệt lớn giữa thư pháp và graffiti, ngay từ nguồn gốc là văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Theo giám tuyển Nguyễn Quốc Hoàng Anh, vì hình thành và phát triển ở phương Tây nên graffiti chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa đô thị Âu Mỹ, với đặc trưng là cách thể hiện chi tiết, rõ ràng nhằm thể hiện quan điểm cá nhân với xã hội và mang tính phản biện nhất định. Còn thư pháp phương Đông lại "mơ hồ" hơn, thể hiện cái tâm, ý tứ và hành trình nội tâm của nghệ sĩ.
Không chỉ vậy, graffiti và thư pháp còn có sự khác biệt về đối tượng thực hành, khi một bên chủ yếu là giới trẻ, còn một bên gồm giới trí thức hay những bậc cao niên. Chất liệu sơn trên nền gạch của graffiti dường như đối lập với bút lông và giấy trong thư pháp Việt. Ngoài ra, khác biệt về quy chuẩn thẩm mỹ của 2 nền văn hóa cũng khiến graffiti chưa ghi nhận đầy đủ tại Việt Nam.
Dù vậy, ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho rằng graffiti đã có thời gian đủ dài tại Việt Nam để vươn lên và tìm kiếm sự công nhận rộng rãi, với rất nhiều hội nhóm hoạt động quy củ và các định hướng để phát triển hơn, không chỉ biểu đạt cái tôi mà còn là quảng bá bản sắc văn hóa ra thế giới. Dù rất khác biệt nhưng cả graffiti và thư pháp đều nhằm tạo ra các tác phẩm nghệ thuật, đều đòi hỏi sự hoàn thiện về kỹ thuật, tư tưởng của nghệ sĩ, của tác phẩm cũng như các quan sát và ý niệm của tác giả.
Có trên 10 năm gắn bó với graffiti, nghệ sĩ Đỗ Thế Thành – nhà sáng lập Công ty TNHH Mỹ thuật ứng dụng Xưởng Kiến cho biết cộng đồng graffiti Việt Nam hiện nay không chỉ gắn với văn hóa đường phố mà ngày càng tích cực tham gia hoạt động xã hội, cộng đồng; trong đó có việc giao lưu với các ngành nghệ thuật khác hay đối thoại với thư pháp như tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám sắp tới.
"Thực tế là phương Tây nơi sản sinh ra graffiti cũng có thư pháp hay nghệ thuật viết chữ đẹp, gọi là Calligraphy. Điểm chung của graffiti và thư pháp là sử dụng chữ viết để biểu đạt, trang trí hoặc thể hiện tinh thần của mình. Giống như graffiti, thư pháp Việt cũng có sự phá cách nhất định. Cả hai đều phản ánh cái tôi cá nhân của nghệ sĩ nên không có hình hài nhất định" - nghệ sĩ Đỗ Thế Thành cho biết.
Lấp đầy những khoảng cách
Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đang triển khai dự án đầy tham vọng, không chỉ đưa graffiti và thư pháp Việt đến gần nhau hơn mà để cả 2 có thể cùng tham gia phản ánh các giá trị văn hóa Việt Nam, trong đó có Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hướng tới phục vụ cộng đồng và khách du lịch.
Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết thư pháp là hình ảnh rất quen thuộc tại Văn Miếu, tuy nhiên ít người nghĩ về sự xuất hiện của graffiti tại không gian di tích này. Vào tháng 8 tới đây, một hoạt động sáng tác và triển lãm kết hợp graffiti với thư pháp sẽ được tổ chức tại Văn Miếu với nhiều hoạt động thú vị chưa từng có. Đây cũng chính là sự "chuyển mình" của Văn Miếu – Quốc Tử Giám với mục tiêu trở thành một không gian sáng tạo, trưng bày nghệ thuật và truyền cảm hứng cho công chúng.
Tham gia màn hợp tác đặc biệt với graffiti lần này, nhà hoạt động thư pháp Nguyễn Thanh Tùng cho biết chuỗi sự kiện tháng 8 sẽ giúp du khách thực sự cảm nhận mối đồng cảm giữa graffiti và thư pháp, với các hoạt động đi từ đối thoại, thử sử dụng chất liệu graffiti để vẽ thư pháp hoặc ngược lại; cho đến thử thách đan cài graffiti - thư pháp trên cùng một không gian và cuối cùng là các nghệ sĩ của 2 loại hình tự do sáng tác.
Hoạt động đầu tiên của dự án là tọa đàm "Graffiti và thư pháp: Từ khác biệt đến đồng cảm" vừa được tổ chức hôm 13/5. Tại đây, nghệ sĩ Đỗ Thế Thành có lần đầu tiên cầm bút lông để vẽ graffiti, còn nhà hoạt động thư pháp Nguyễn Thanh Tùng cũng cố gắng đặt nét chữ của mình bên cạnh những hình khối và bố cục lạ lẫm. Không chỉ đối thoại, 2 nghệ sĩ khẳng định sẽ đồng hành trên "con đường gập ghềnh" tìm đến nhau của 2 bộ môn.
Thực hành và giảng dạy thư pháp từ năm 2009, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết bản thân cũng quan sát graffiti và xem xét về bố cục, hình khối, đặc điểm của loại hình này. Không chỉ graffiti, thư pháp cũng cần học hỏi nhịp điệu từ âm nhạc, tạo thế từ nghệ thuật bonsai hoặc nghiên cứu cả hội họa… để ngày càng hoàn thiện hơn. Còn với nghệ sĩ Đỗ Thế Thành, việc được xuất hiện tại Văn Miếu là cơ hội rất lớn để graffiti tiếp cận với đa dạng đối tượng công chúng hơn, thay vì chỉ toàn là giới trẻ và "chăm chăm" thể hiện cái tôi cá nhân.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng Anh kỳ vọng với dự án đối thoại graffiti và thư pháp, Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ là đơn vị tiên phong giúp nâng cao nhận thức về nghệ thuật cho công chúng, nhất là chấp nhận cái mới, cái khác biệt bên cạnh bảo lưu những giá trị cũ. Đây cũng là con đường phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật trên thế giới.