Cụ già trong bão tuyết

Tại một nước Châu Âu mùa tuyết rơi băng giá...
anh-minh-h-1646963693.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

  Có một cụ già vô gia cư ngồi co ro trong bão tuyết. Cụ không mặc áo ấm. Tuyết che phủ kín hết cả mặt mũi. Thật ngạc nhiên khi cụ chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt này.

  Một quý ông đi qua, nhìn thấy cụ, quan tâm nên hỏi: "Ông không mặc áo ấm sao?". Cụ trả lời: "Tôi không có áo ấm, nếu có tôi đã mặc rồi, thưa ông". Quý ông có vẻ thương xót, bảo ông cụ: "Ông chờ nhé, để tôi về lấy áo ấm cho ông mặc".

  Quý ông về nhà, lu bu công việc nên mệt mỏi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau tỉnh dậy, nhớ tới ông cụ nên vội vã cầm áo ấm ra tìm, thì hỡi ơi, ông cụ đã chết cóng...

  Lúc chưa gặp quý ông, cụ vốn đã quen chịu đựng thời tiết băng giá này. Ngày qua ngày, cụ vẫn sống và tồn tại, dù nhiệt độ xuống 30 độ âm. Bởi vì cụ biết, bản thân phải cố gắng hết sức mới tồn tại, bằng đủ mọi cách, tự mình cứu lấy mình.

  Lúc nào lạnh quá, cụ nhìn chăm chăm vào ánh đèn to nhất, ấm áp nhất, tưởng tượng ra nó đang ở trong người mình. Cụ nhìn chăm chăm vào  ngôi nhà trước mặt, rồi lại tưởng tượng ra mình đang ngồi bên lò sưởi đang bùng cháy, nồi súp nóng hổi đang sôi sùng sục. Cứ thế, cụ bám víu vào những thứ mong manh xa xôi rồi huyễn hoặc mình, lừa dối mình bằng những hình ảnh ấm áp đi mượn.

  Ấy thế nhưng cụ tồn tại được qua bao mùa đông rồi, cho tới lúc gặp quý ông. Lời hứa giúp đỡ của quý ông như con dao hai lưỡi. Khi biết mình được giúp đỡ, có áo ấm, cụ không cần nhìn bóng đèn kia nữa, không cần nghĩ tới lò sưởi trong ngôi nhà kia nữa. Cụ nghĩ tới cái gần và thực tế hơn, là mình sắp có áo ấm. Để rồi, thời gian chờ đợi sau đó, khi áo ấm không có, nhiệt độ cơ thể cụ mau chóng giảm sâu, rồi chết cóng.

  Quý ông có lòng tốt,  nhưng chỉ lơ đãng một chút mà mất đi một mạng người. Nếu không gặp ông cụ, đừng hứa với ông cụ, thì có lẽ ông cụ còn sống, dù trời lạnh 30 độ âm, nhờ ánh đèn và lò sưởi tưởng tượng kia. Cái tâm lý ỷ lại, trông chờ vào người khác, phụ thuộc vào may rủi, đã cướp đi mạng sống của cụ. Buồn thay...

Chuyện Làng Quê