Cứ ngỡ tiếng mưa giật mình tỉnh dậy

Phạm Văn Tình

21/08/2021 11:39

Theo dõi trên

Mưa làm mát cho bầu trời. Mưa làm mát cho cây. Hiển nhiên rồi. Nhưng với cây cảnh, cây rau, cả cây thân mộc, thì mưa to mưa nhiều quá sẽ ảnh hưởng.

tieng-mua-1629509425.jpg
Mưa. Ảnh internet

Đang thiu thiu ngủ trong nắng gió Lào

Bỗng một giọt nước rơi vào cổ anh

Cứ ngỡ tiếng mưa giật mình thức dậy

Hoá ra là giọng hò em đấy.

(Phạm Tiến Duật)

Giọng hát của cô em thanh niên xung phong mà lại ngỡ là giọt mưa rơi vào trong cổ áo thì quả là lãng mạn thật. Mà không chỉ lãng mạn, nhà thơ của “lính Trường Sơn” này còn đa tình nữa. Bởi chỉ một lát sau, anh quên phắt “giọt mưa” đặc biệt kia mà chuyển hướng 180 độ: Có lẽ vì khuôn mặt em xinh/ Nên tiếng hát nhoè đi không nhớ nữa.

Nhưng tôi thì không lãng mạn và mơ hồ đến thế. Tiếng mưa là có thật chứ chẳng ngỡ ngàng gì cả. Mấy hôm vừa rồi, cứ khoảng chiều tối là mưa trời kéo đến. Trời đang xanh bỗng mây vần vũ. Rồi sấm ầm ì một chút. Rồi gió nổi lên. Không mạnh lắm nhưng cũng đủ nghe mái tôn nhà ai rung phần phật. Và mưa đến ngay trong chốc lát. Vừa xới cơm ra là tôi (và bà xã) vội buông bát buông đũa tức tốc chạy lên mái. Trước tiên là đóng ngay các cửa sổ kẻo mưa “xiên chéo” vào sàn nhà ngay. Sau đó lên sân thượng để che cây. Ngày xưa lo chống nước ngập tầng một. Bây giờ là chống mưa tầng cao.

Mưa làm mát cho bầu trời. Mưa làm mát cho cây. Hiển nhiên rồi. Nhưng với cây cảnh, cây rau, cả cây thân mộc, thì mưa to mưa nhiều quá sẽ ảnh hưởng. Lên phía trên (gần 15m so với mặt đất) thì gió sẽ to hơn, mưa quất sẽ “đau” hơn. Ai là dân nhà quê thì biết. Mưa rào sẽ “san bằng” những luống hạt giống mới gieo. Làm nát các cây non hay cây lá mềm (như xà lách, cải xanh, rau diếp, mùng tơi, rau đay, cà chua, dưa chuột…) và nếu mưa to mưa lâu thì ngay cả những cây cứng cáp hơn cũng ngả cành, rũ lá. Đấy là chưa nói mưa dai ngập nước vài ngày thì các cây rau “tiêu” luôn.

Ai đã từng đọc truyện “Không gia đình” của nhà văn Pháp H. Malot hẳn không quên thảm hoạ của nhà bác Acanh. Bác làm nghề trồng hoa ở ngoại ô Paris rất phát đạt. Trong một buổi chiều nọ, cả gia đình bác hăm hở đi dự một bữa tiệc tối ở nhà ông bạn. Gần tan tiệc, bác nhận ra mây đen kịt đầy trời đang kéo đến, kèm âm thanh bất thường như “tiếng reo của ngàn con ngựa đang rùng mình giậm vó”. “Mưa đá rồi các con ơi” - bác thốt lên như vậy. Và mưa đá đến thật, đến nhanh hơn bước chân chạy hết tầm của mấy bố con. Về đến nhà, tình cảnh thật tang thương. Toàn bộ các ô kính che cây hoa bị vỡ vụn, các cây hoa dĩ nhiên là nát tươm thành rác. Tan nát đời hoa chết nửa con người. Hậu quả là bác Acanh bị phá sản, phải vào tù và các con bác (trong đó có cậu con nuôi Remie yêu quý) tan đàn xẻ nghé, phải đi sống tứ tán với những người thân (riêng cậu bé Remie lại thui thủi một mình với gánh hát rong trên đường thiên lí).

Mấy cây trên mái nhà tôi không đến nỗi thế. Mà nếu có bị mưa đá tàn phá thì cũng chả nên thảm hoạ (như nhà bác Acanh). Cùng lắm thì nhổ gốc thay cây mới. Đáng bao nhiêu đâu. Toàn những cây rẻ tiền chứ không phải loại cây thời thượng, sang trọng (nhất là lan đột biến gien, tiền tỉ). Vài triệu đồng ra chợ cây Kim Ngưu là sau một hai tiếng cửu vạn shipper đến tận nhà. Nhưng cực chẳng đã mới làm thế chứ nếu có thể “cứu” được thì cứ cứu. Với nhà nông, chống mưa chống nắng cho các cây trong ruộng vườn là rất bình thường.

“Tôi sinh ra ở nông thôn, bố mẹ tôi là nông dân.” (Nguyễn Huy Thiệp)

Việc đầu tiên là kiểm tra “hệ thống chống bão”. Cây nào chống, cây nào chằng níu, cây nào phải cột chặt vào rào sắt. Chủ yếu là mấy anh vối, khế, chanh và hoa giấy. Còn mấy anh hoa nhài, mai tứ quý, dạ hương, mồng tơi, húng chó, xạ đen, lá lốt, hành lá… thì che sao cho kín là được. Tất nhiên, phải để cho cây đón nước mưa chừng 15-20 phút, đủ cho nước mát thấm sâu vào đất và lan toả, đọng đều trên lá. Thường sau giai đoạn mưa to cấp tập, cường độ mưa giảm dần. Khi “tiếng mưa như tiếng tằm ăn” thì có thể mở bạt, mở hộp xốp che “giải phóng” cho cây đón mưa hít thở không khí trong lành.

Trong ánh nắng mùa thu, chúng đang cùng tôi hoà nhịp theo bài hát “Em đi trong tươi xanh/ Chim hoà bình tung cánh/ Mênh mông một bầu trời/ Ánh cờ sao lấp lánh”.

Ngày Quốc khánh 2-9 đang đến gần.

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Cứ ngỡ tiếng mưa giật mình tỉnh dậy" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn