Cú sốc “Nhật Bản”

Nguyen van Noi

20/04/2022 06:24

Theo dõi trên

Tháng 5 năm 1998; tôi được Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt cử đi Nhật Bản một tháng theo chương trình JICA (do chính phủ Nhật Bản tài trợ). JICA là Cơ quan hợp tác quốc tế của Nhật Bản dược thành lập năm 1977 với mục tiêu chính là quảng bá hình ảnh đất nước và con người Nhật Bản với cộng đồng quốc tế.

Nhờ các chương trình của JICA mà rất nhiều cán bộ công chức ở Việt Nam và nhiều nước khác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được đến nước Nhật để tham gia các lớp huấn luyện do JICA tổ chức; được đưa đi tham quan các khu công nghiệp, các Viện nghiên cứu, các trường ĐH, các nhà máy điện hạt nhân…; được mắt thấy tai nghe những sản phẩm công nghiệp nội địa Nhật Bản, được sử dụng những phương tiện giao thông hiện đại nhất. Đặc biệt là được giới thiệu về Văn hóa và con người Nhật Bản để rồi tự nhiên ngưỡng mộ, tự nhiên quảng bá nước Nhật một cách tự nguyện ra khắp thế giới.  Sau này Hàn Quốc cũng đã học Nhật Bản để tổ chức các chương trình tương tự do KOICA – Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc đảm nhận (năm 2002, tôi cũng đã được tham dự một chương trình như vậy của KOICA).

nhat-ban-cu-soc-1650410605.png
Ảnh do tác giả cung cấp

Đây mới là chuyến đi đầu tiên của tôi đến đất nước Nhật Bản; và là lần thứ hai tôi được đi công tác nước ngoài (lần đầu là năm 1996; tôi được Giáo sư Trần Hữu Phát giới thiệu và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cử đi TRIESE, Italia thời gian 1 tháng). Bất ngờ đầu tiên của tôi trong chuyến đi Nhật Bản ấy là tôi đã được đi bằng máy bay Jal trên khoang hạng nhất, ở tầng hai của của khoang hành khách. Một chiếc ghế bành to rộng (mỗi hàng chỉ có 4 ghế), có thể ngả ra để nằm thoải mái, thức ăn, đồ uống được phục vụ theo nhu cầu; trong mơ hồi ấy tôi cũng không thể tưởng tượng ra.

Chỉ tiếc là chuyến bay quá ngắn nên không thể tận hưởng sự êm ái, dễ chịu đó. Đến sân bay quốc tế Narita (Tokyo); tôi được các bạn Nhật đón từ sảnh sân bay và đưa về tòa nhà ITC ở TOKYO. ITC là một tòa nhà cao tầng, là Trung tâm huấn luyện quốc tế của JICA. Tầng 1; 2 của ITC là các phòng sinh hoạt cộng đồng, các phòng hoạt động thể thao như bóng rổ, bi-a và nhà ăn… những tầng trên là các phòng ở cho các học viên của rất nhiều nước khác nhau của các châu lục. Mỗi phòng ở chỉ dành cho một người với đầy đủ tiện nghi mà ở thời điểm 1998 là rất ngỡ ngàng với tôi. Thời điểm tôi ở ITC, Việt Nam luôn có khoảng 6-8 người thuộc nhiều lĩnh vực và tham gia các lớp khác nhau, thời gian tham gia cũng khác nhau (đa phần sang đó mới quen biết nhau). Chúng tôi được bố trí các phòng ở nhiều tầng nên cũng ít tụ tập tại phòng ở mà chỉ gặp nhau ở phòng ăn; phòng sinh hoạt cộng đồng vào chiều, tối hoặc cuối tuần cùng nhau đi dạo phố, đi chợ trời. Chương trình học; tham quan của mỗi lớp do JICA tổ chức thường khá chặt chẽ; thời gian cho đi lại khá nhiều nên buổi chiều khi các học viên trở về đến ITC là mệt nhoài. Tôi nhớ cứ mỗi buổi chiều khi về đến ITC tôi đều đưa tay vào máy đo huyết áp tự động được đặt trước cửa vào thang máy ở tầng 1; tôi thường nhận được kết quả huyết áp của tôi chỉ khoảng 100/60 mmHg (tôi luôn thấy đau đầu mỗi khi trở về phòng).

Ngoài cung cấp miễn phí chỗ ở cho học viên tham dự các chương trình huấn luyện của JICA; chính phủ Nhật Bản còn hỗ trợ mỗi học viên 5.000 Yên mỗi ngày (khoảng 1.000.000 đồng VN); cũng có những học viên của những lớp đặc biệt được hưởng chế độ hỗ trợ cao hơn. Những năm sau này tôi tham dự các lớp huấn luyện ngắn hạn ở Nhật Bản về lĩnh vực hạt nhân cũng thường được nhận sự hỗ trợ về tài chính tương tự của chính phủ Nhật Bản (5.000 yên/ngày). Với số tiền hỗ trợ khiêm tốn như vậy nên sau khi kết thúc lớp huấn luyện; số tiền còn lại của tôi cũng như các học viên khác chỉ đủ mua một số thiết bị điện tử và quà tặng mang về Việt Nam; nước Nhật thật giỏi hạch toán khi đã nhờ học viên làm giúp việc xuất khẩu hàng hóa và quảng bá các thành tựu của Nhật Bản ra toàn thế giới.

Bài học về văn hóa Nhật Bản đầu tiên chúng tôi được học là sự khiêm nhường. Chúng tôi đi thăm bất cứ nhà máy nào cũng được Giám đốc và đội ngũ lãnh đạo của nhà máy (thường mặc đồng phục giống nhau) ra tận cổng đón chào hoặc tiễn đưa bằng cách cúi gập người. Một giảng viên Nhật Bản giải thích cách vẫy tay mời (cùng lời come on) của người Nhật khác người Mỹ ở chỗ: người Nhật úp lòng bàn tay xuống đất để vẫy gọi còn người Mỹ thì ngửa lòng bàn tay lên trời để vẫy gọi; Người Mỹ thể hiện sự trịch thượng, đề phòng còn người Nhật thể hiện sự gần gũi, thân quen. Sự cần mẫn và luôn đúng giờ của người Nhật cũng là một phẩm cách đáng học tập.

Hầu như người Nhật nào cũng tự giác làm việc một cách say sưa và không có chuyện lãn công; họ luôn coi việc công ty như công việc của chính mình nên không có chuyện làm ẩu và ít xảy ra sai sót. Sự chính xác về thời gian còn được thể hiện ở các phương tiện giao thông; các chuyến tàu điện hoặc tàu cao tốc (Shinkansen) của Nhật luôn đến ga đúng giờ đáng ngạc nhiên (sai số chỉ tính bằng giây). Có một lần tôi cùng các học viên trong lớp chờ tàu cao tốc ở một nhà ga; thấy còn khoảng 20 phút nữa mới đến giờ lên tàu, tôi xin phép cán bộ dẫn đoàn (mỗi lớp học thường có 2 cán bộ người Nhật chăm sóc, dẫn đường) cho vào siêu thị trong nhà ga để ngó nghiêng và được đồng ý. Tôi lang thang trong siêu thị hơn 10 phút thì mất phương hướng để trở về vị trí của lớp đang chờ tàu; tôi bắt đầu hoảng thì thấy ông cán bộ người Nhật cũng hoảng hốt khi tìm thấy tôi, thật may tôi vẫn kịp lên chuyến tàu cao tốc ấy. Sau này tôi mới biết giá vé tàu cao tốc rất đắt; đắt với cả đồng lương của người Nhật; chỉ nhờ được tham gia chương trình của JICA thì tôi mới được đi Shinkansen. Có được đi tàu cao tốc của Nhật thì mới cảm nhận được trình độ công nghệ đáng nể của Nhật Bản. Tàu chạy 230km/giờ mà không thấy bất cứ sự rung lắc nào; nhìn ra cửa sổ tàu không cảm giác tàu đang chạy nhanh đến vậy. Nghe nói tàu cao tốc của Nhật hiện nay chạy với vận tốc 320km/giờ; nghĩ mà buồn cho các chuyến tàu của Việt Nam.

Tuy nhiên có một kỷ niệm không vui của tôi với cách ứng xử của người Nhật Bản tại thành phố Nakazaki; mặc dù là lỗi ban đầu là của anh hai lúa ra thành phố là tôi. Chúng tôi được di chuyển từ Tokyo đến tp Nakazaki để cho chuyến thăm và làm việc với Viện nghiên cứu Hóa phóng xạ Nakazaki. Sau khi nhận phòng ở tại một khách sạn tại tp; tôi lang thang dạo bộ trên phố và ghé vào một hàng bán bánh mỳ nhỏ bên đường.

Tôi cầm một chiếc bánh mỳ lên định mua thì một người phụ nữ bán hàng  đến trước mặt tôi và xả ra một tràng tiếng Nhật với vẻ mặt giận dữ; những người phụ nữ khác đứng trong quầy hàng cũng nhìn tôi với vẻ mặt không thiện cảm. Tôi sững người vì không biết mình đã gây ra chuyện gì nên bỏ chiếc bánh mỳ lại khay. Tôi hỏi bằng tiếng Anh là có chuyện gì nhưng không ai trả lời (chắc không ai biết tiếng Anh).

Lại một tràng tiếng Nhật từ miệng người phụ nữ ấy tuôn ra chứa đựng sự bực bội; tiếp đó người phụ nữ đó dùng tay gắp bằng kim loại gắp chiếc bánh mỳ tôi vừa bỏ xuống khay và mang ra thùng rác vứt bỏ chiếc bánh mỳ đó. Tôi chợt nhận ra lỗi của mình; tôi đã không dùng tay gắp (luôn có sẵn trên quầy) mà dùng tay không đeo găng cầm vào bánh mỳ, đó là điều không được phép ở nước Nhật khi đó. Tôi đã mang thói quen ở Việt Nam sang một nơi mà thói quen đó đã bị coi là không được phép. Tôi buồn vì sự vô ý của mình và khó chịu vì phản ứng thái quá của những người bán hàng; tôi lấy tiền đặt lên khay để trả cho cái bánh mỳ đã bị vứt vào thùng rác và quay người rời khỏi cửa hàng bỏ lại sau lưng là những bàn tán bằng tiếng Nhật của những người bán hàng – đó là cú sốc Nhật bản của tôi.

       Sau này tôi còn đến nước Nhật 7 – 8 lần nữa; mỗi lần khoảng hai tuần cho những lớp học ngắn hạn; tôi đã quen dần với văn hóa Nhật Bản và không phạm phải những sai lầm tương tự nữa. Tôi nhận thấy một điều thú vị khi làm việc với người Nhật là những chuyên gia, những nhà kinh doanh Nhật Bản không bao giờ lắc đầu trong giao tiếp. Đồng ý họ cũng gật đầu; không đồng ý họ cũng gật đầu.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Cú sốc “Nhật Bản”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn