Tôi cũng chẳng giỏi giang gì, vì ở nhà cũng chỉ giúp mẹ nấu cơm bằng bếp rạ với loại nồi ba, nồi bảy là cùng. Bây giờ phải nấu bằng bếp than to đùng cho sáu mươi, bảy mươi người ăn. Quả là không phải dễ.
Ấy thế mà lần nấu cơm ấy, có một bữa tôi nấu được một nồi cơm chín thơm ngon, xung quanh lại có cháy vàng. Khi xới đến xoong cơm cuối cùng, anh nào cũng bảo anh nuôi “xin miếng cháy” và khen nức nở là ngon tuyệt vời nữa.
Người nấu cơm có cháy vàng thơm mà lại không khê thật là người nấu cơm khéo.
Thế là cái tài nấu cơm của tôi có tiếng từ ngày ấy. Và nghiễm nhiên tôi trở thành “anh nuôi” chính thức của đơn vị.
Nhưng trong bốn chiến sỹ nuôi quân thì anh Ảnh đã ba lăm, nguyên là kế toán hợp tác xã nông nghiệp ở quê – làm quản lý. Anh Đỗ văn Sổ cũng ngoài băm, người thấp đậm, cần cù, rất say mê việc nấu cơm. Anh Dy cũng ngoại băm có tài nấu các món ngon có tiếng. Chỉ còn chân tiếp phẩm cần người nhanh nhẹn tôi làm là hợp lý nhất. Vả lại nếu giao việc tiếp phẩm cho ba anh không biết đi xe đạp ấy thì các anh ấy sẽ không hoàn thành. Vì thế, cuối cùng tôi nhận chân tiếp phẩm cho bếp ăn của đơn vị.
Tôi làm tiếp phầm cũng có thuận lợi là: tôi đã được học đến năm thứ hai Đại học Thương nghiệp khoa Thương phẩm thực phẩm, vì thế tôi cũng có chút ít về kiến thức thương phẩm thực phẩm. Còn khó khăn là làm sao trong một vài tiếng đồng hồ trong ngày, phải nhanh chóng chọn mua được những loại thực phẩm vừa ý.
Phải bảo đảm cho bộ đội có những loại thực phẩm tươi ngon, an toàn thực phẩm và chất lượng nhất để bộ đội ta có đủ sức khỏe, đủ độ bền dẻo dai để chiến đấu và chiến thắng quân thù.
Vì thế, ngoài chợ cầu Thiều (là chợ gần nhất bếp ăn của đơn vị ra), tôi phải xây dựng một “vành đai thực phẩm” và những điểm cung cấp thực phẩm chủ yếu, trong đó những thực phẩm chính là rau, gà, cá, lợn.
Phải có một vành đai thực phẩm và những điểm chủ yếu như thế mới đảm bảo đủ lượng và chất về thức ăn cho bộ đội trong mọi tình huống.
Tôi còn đề nghị thủ trưởng cho phép bộ phận nuôi quân được sử dụng nước gạo và thức ăn thừa để chăn nuôi gà lợn (nhiều ít tùy điều kiện), động viên anh em trong đơn vị trồng thêm rau ở những nơi có thể - để tăng thêm nguồn thực phẩm cho bộ đội.
Hàng ngày, khi rời ghi đông xe đạp ra là tôi sà ngay vào bếp, cùng anh em làm tiếp những công việc cấp dưỡng. Dù không phải “bàn tay vàng” nhưng tôi cũng nấu được mấy món ngon đặc biệt đó là canh cua mồng tơi, chuối nấu ốc, chuối nấu lươn chạch – được anh em khen ngợi.
Về tài chính, tôi không bao giờ xà xẻo một đồng một cắc của đơn vị. Tôi toàn tâm toàn ý với khẩu phần ăn của chiến sỹ. Tôi nghĩ nếu mình không mua khéo tức là không biết chọn lựa thực phẩm sẽ mua đắt, mua phải thực phẩm kém chất lượng, như thế là làm tổn hại đến lợi ích của bộ đội, tổn hại đến sức khỏe bộ đội, ảnh hưởng xấu đến chiến công của quân đội ta.
Vì thế, với khả năng của mình, tôi đã có thể chọn mua được những mớ rau tươi non nhất, những con gà, con cá, con tôm, con lợn ngon nhất cho đơn vị.
Đã năm năm quân ngũ, trong đó bốn năm rưỡi làm anh nuôi, tôi luôn được thủ trưởng và anh em quý mến. Năm nào tôi cũng được bầu là chiến sỹ thi đua của đơn vị.
Ngày mai là ngày kỷ niệm chiến thắng trận đầu trên quê hương Xứ Thanh của đơn vị tôi. Bộ phận cấp dưỡng chúng tôi được lệnh chuẩn bị thật tốt thực phẩm cho bữa liên hoan chiều mai của đơn vị, có khách của sư đoàn và cả khách địa phương tới dự.
Ba giờ chiều hôm ấy, tôi về nhà Hằng lấy gà. Hằng con nhà nông nhưng có nước da trắng ngần, cái miệng cười tươi như hoa, đôi mắt lấp lánh sao trời, đặc biệt là giọng nói. Giọng nói của Hằng nhẹ và ấm lạ lùng... Nhà Hằng ở Đông Lĩnh. Bố Hằng công tác ở Ban chỉ huy quân sự huyện. Mẹ Hằng là Hội trưởng phụ nữ xã. Anh trai Hằng đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Vì thế, học hết lớp mười, Hằng ở nhà phụ giúp mẹ. Nhà Hằng là cơ sở thực phẩm đặc biệt của tôi.
Vừa tới nhà Hằng thì mây đen kéo đến đen đặc bầu trời. Rồi trời nổi giông gió, chớp giật đùng đoàng. Rồi mưa như trút, gió như gào. Thì ra cơn bão số ba đang đổ bộ vào đất liền Thanh Hóa. Các cụ bảo bão có sấm là bão to lắm.
Tôi và Hằng nhanh chóng đóng kín cửa bếp, cửa nhà kho chứa ngô, thóc của gia đình và chằng chống lại, rồi chạy mau vào nhà.
Một cơn gió giật đánh soạt một cái, cả hai ngã xoài ra sân.
Chúng tôi nhanh chóng vào nhà, cố gắng đóng cửa rồi mang những khúc luồng dựng ở góc nhà chắn ngang sau cánh cửa, lấy dây chão chằng lại thật kỹ mới giữ cho cánh cửa không bị bão giật tung ra.
Thế rồi bão rít lên từng cơn. Ngôi nhà rung lên bần bật.
Lúc bấy giờ tôi và Hằng ướt như chuột lột. Hằng vào buồng thay quần áo và mang ra cho tôi một bộ và bảo “Anh lấy quần áo của anh trai em mà thay kẻo cảm lạnh đấy”.
Thay quần áo xong, tôi vắt khô bộ quân phục rồi phơi lên dây phơi căng cạnh tường.
Ngoài trời mưa bão càng ngày càng dữ. Bão giật từng cơn. Cây ngoài vườn gãy đổ răng rắc.
Dẫu là chằng buộc cửa rả khá cẩn thận nhưng mỗi lần bão giật là ngôi nhà như là bị bốc tung lên.
Ban đầu Hằng tỏ ra cứng cỏi. Nhưng rồi có lẽ nước mưa ngấm vào người làm em rét run lên. Em cứ nép vào tôi nhất là những khi bão rít.
Tôi cũng thấy lạnh.
Mỗi lần bão rít lên, em lại ôm chặt lấy tôi. Tôi cũng ôm em thật chặt. Chúng tôi cứ đứng ở giữa nhà như thế...
Hết hướng bắc, bão chuyển sang hướng đông. Lần này mạnh hơn thì phải.
Đêm khuya dần.
Hình như Hằng sợ.
Tôi đưa Hằng lên giường, bảo em nằm và đắp chăn cho em. Còn tôi ngồi bên mép giường theo dõi cơn bão...
Hằng cứ nắm lấy tay tôi và bảo:
- Anh nằm xuống đây với em đi...
Thật lòng, cả ngày nay tôi chạy như cờ lông công từ năm giờ sáng, bây giờ cũng thấm mệt, và buồn ngủ nữa...
Nhưng mà không. Tôi không thể ngủ lúc này được.
Tôi xoa lên bờ vai tròn lẳn và mái tóc mềm như nhung của Hằng và bảo:
- Em ngủ đi, ngủ đi... Ngoan nào...
- Không. Em không ngủ...Hằng nói.
Bất thình lình, Hằng chồm dậy ôm choàng lấy tôi, đặt tôi xuống giường và hôn lên đôi môi đang cháy bỏng yêu thương của tôi...
Ôi... Một mùi thơm lạ lùng từ đôi môi em, từ đôi mắt em, từ đôi vai tròn và bầu ngực phập phồng trinh trắng thiếu nữ của em làm tôi ngây ngất...
Tôi ôm chặt lấy em và lịm đi trong nồng nàn ngất ngây ấy...
Đã hai mượi bốn mùa bánh chưng trong đó có năm mùa đời lính chiến, không thể nói dối lòng, tôi thèm khát một “bóng hồng” đến như thế nào...
Bàn tay tôi run run cởi từng chiếc cúc áo của em và chợt chạm vào đôi gò bồng đảo thiêng liêng ấy...
Bỗng bão giật đánh soạt một tiếng thật lớn... Tôi chợt tỉnh...
Không! Không! Tôi chưa được phép làm như thế. Tôi chưa xin phép bố mẹ em. Tôi chưa báo cáo đơn vị. Và, tôi là một người lính...Cuộc chiến này chưa kết thúc...Chúng tôi còn phải đi...
Tôi lại run run cài cúc áo em lại, rồi ôm lấy em, hôn lên má em, lên mái tóc em và nói:
- Chúng ta để giành, em nhé...
*
* *
Tôi cứ tưởng chỉ phải “để giành” một thời gian ngắn. Không ngờ, chúng tôi phải “để giành” niềm sung sướng ấy suốt sáu năm trời trong chiến tranh nhớ nhung xa cách.
Sáng hôm sau, bão tan, tôi và Hằng bắt được hai bu gà lớn. Vừa đạp xe gà về tới bếp ăn thì tôi nghe thấy tin đơn vị có lệnh hành quân khẩn cấp. Đơn vị tôi được điều động vào bổ sung cho một binh đoàn Quân Giải Phóng.
Tôi không làm anh nuôi nữa. Tôi được giao làm trợ lý trong Ban Hậu cần có nhiệm vụ lo lương thực, thực phẩm, xăng dầu, xe cộ, quân trang, quân dụng, thuốc men cho một trung đoàn. Trong một trận chiến đấu ác liệt ở miền Đông Nam bộ, tôi bị thương và mất bàn chân trái.
Cuối năm 1975, tôi được xuất ngũ. Các anh ở Ban chỉ huy sư đoàn đã liên hệ bố trí cho tôi được làm việc ở Sở Thương nghiệp Thành phố (vì tôi đã học Đại học Thương nghiệp), nhưng tôi xin được chối từ. Tôi đi nhờ xe của Ban Tham mưu có chuyến công tác ra Bắc, khoác ba lô về quê.
Tôi xuống thị xã Thanh Hóa, rồi lại nhờ được xe của Trạm Vệ sinh phòng dịch về đến cầu Thiều. Từ cầu Thiều, tôi chống nạng, khoác ba lô về Đông Lĩnh.
Qua cây cầu đá là đến làng em.
Tôi đi chầm chậm. Vừa đi vừa hít hà cái không khí thân thương yên bình của quê hương sau chiến tranh. Mùi khói bếp tỏa ra từ những mái rạ bên đường làm mắt tôi cứ cay cay...
Gần đến nhà em, tôi đi chậm lại.
Trống ngực tôi đập liên hồi.
Tôi lo quá.
Không biết Hằng của tôi bây giờ ở đâu? Hằng có ở nhà không? Gia đình của em bây giờ thế nào? Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập trong đầu tôi... Tôi phải dừng lại mấy lần để trấn tĩnh lại...
Đây. Ngôi nhà thân thương đây rồi.
Ngôi nhà rạ thân thương cứ rung lên bần bật trong cái đêm mưa bão cách đây sáu năm trời về trước đây rồi...
Tôi chống nạng vào ngõ.
Rồi vào sân.
Một người phụ nữ gầy gò mặc áo gụ đã cũ từ trong nhà bước ra. Tôi đang định chào bác. Thì gặp đôi mắt...Đôi mắt ngày nào...Đôi mắt của em...
Ôi, đôi mắt của Hằng vụt sáng rực lên...
Tôi vứt nạng, nhào tới ôm lấy Hằng.
Hằng cũng ôm lấy tôi.
Nhưng ơ kìa...Sao Hằng ôm tôi có một tay?
Bấy giờ tôi mới nhìn tay trái của em chỉ có ống tay áo bỏ thõng xuống...
Thì ra, sau ngày chúng tôi đi, giặc Mỹ lại điên cuồng đánh phá miền Bắc trong đó có Thanh Hóa quê em. Em đã tình nguyện tham gia đại đội nữ dân quân bắn máy bay giặc Mỹ. Trong trận chiến đấu bảo vệ cây cầu huyết mạch của quê hương, em đã cùng đồng đội chiến đấu dũng cảm, bắn rơi một máy bay F111 của Không lực Hoa Kỳ. Em bị thương mất cánh tay trái, được xếp hạng thương tật, là thương binh nặng. Anh trai em cũng hy sinh ở chiến trường miền Nam. Bố em cũng là thương binh trong một trận chiến đấu.
Vâng. Chiến tranh thật là tàn khốc.
Chiến tranh đã cướp đi của chúng ta nhiều thứ. Nhưng may mà, thứ mà tôi và em “để giành” vẫn không mất.
Ngày 10-12-2022
Trái tim người lính