Cửa hàng thú nhồi (tiêu bản) trên phố Hàng Bột

Hồ Công Thiết

28/08/2021 17:51

Theo dõi trên

Những con thú bày trong cửa hàng, con nào cũng sống động, như đang dạo chơi trong khuôn viên cửa hàng.

cua-hang-thu-nhoi-bong-1630122342.jpg
Cửa hàng thú nhồi bông (Nguồn: Internet)

Hồi xưa, những năm 50, 60 thế kỷ trước, bọn tôi chơi trốn tìm ở sân nhà thờ Hàng Bột, có lúc ra tận cửa hàng gạo ở 162 để chơi. Sợ bị phát hiện, tôi chui vào cửa hàng nhồi lông thú ở 166 Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng) để trốn.

 

Đứng sát con hổ nhồi bông, nhìn rõ mấy sợi lông mũi và cả mấy cái ria vểnh lên làm tôi sợ, lùi ngã mấy con khỉ, con vượn rơi lỏng chỏng.

Nghe tiếng động, ông chủ từ nhà trong dùng làm xưởng thuộc da chạy ra, dựng mấy con thú đứng lên rồi xoa đầu tôi an ủi. Người ông bốc mùi khăn khẳn khiến tôi phải lánh xa. Khi lớn lên tôi mới biết công đoạn thuộc da thú bao giờ cũng bốc mùi như vậy. Nó ám vào người. Ông hay xức nước hoa sau khi tắm rửa, nhưng cảm giác mùi da thuộc cứ bám lấy ông.

Ông lành lắm. Kệ bọn trẻ quẩn quanh bên mấy con thú, ông không bận tâm.

Hồi đấy xe ô tô hay chở thú rừng đến nhà ông.

Bây giờ có sách đỏ, cấm buôn bán động vật hoang dã. Nhưng hồi đấy, đồn công an ở ngay bên cạnh cũng không có ý kiến gì.

Ông làm nghề nhồi lông thú (bây giờ gọi là làm tiêu bản) từ hồi xửa hồi xưa, khi Pháp còn đô hộ Việt Nam.

Không biết có còn cửa hàng nào khác tại Hà Nội hay không, chúng tôi lớn lên chỉ biết mỗi hàng nhồi lông thú ở số nhà 166 cùng phố.

Ở xưởng của ông có chiếc bể đậy nắp kỹ càng. Ông nạo hết những phần bám dính vào da con thú rồi ngâm trong bể đến cả tháng trời. Ông bảo ngâm cùng với thuốc thì da sẽ mềm và chống rụng lông. Thuốc gì thì bọn trẻ chúng tôi làm sao biết được. Chỉ thấy khi thuộc da xong, ông đeo kính ngồi cặm cụi vá những phần da bị rách. Chỗ nào trơ da, ông lại kiếm những phần có lông cùng loại, cùng màu vá lại.

Khó nhất là tạo dáng cho thú. Ông nhẩn nha tiếp chuyện khách hàng, nắm ý khách muốn con thú thể hiện ra sao. Có con ông tạo dáng lành hiền, đầu cúi xuống và cái đuôi vẹo sang một bên. Có con ông lại để như đang chồm lên. Mắt trợn trừng, ria vểnh lên trông rất dữ. Những con thú bày trong cửa hàng, con nào cũng sống động, như đang dạo chơi trong khuôn viên cửa hàng.

Tại cửa hàng tiêu bản bây giờ không thấy bầy những con hổ con báo như ngày xưa, chỉ thấy mấy cái đầu hươu nai, bò rừng gắn trên vách. Nguyên con chỉ có mấy con mèo, con chó được chủ nuôi quyến luyến đến nhờ nhồi bông để nhớ con thú cưng đã từng gắn bó với mình.

Ông chủ bây giờ tên là Cường. Nghe khách kể, ông hình dung đặc tính, thói quen của con vật khi còn sống. Việc giữ da đã có thuốc. Có dây thép để làm khung. Có bông nhồi để nổi các cơ con thú. Ông chú tâm công đoạn khó nhất : Thổi hồn vào những con thú nhồi bông. Có những con nhồi xong, khách chấp nhận để mang về thì ông xin giữ lại. Hôm sau khách đến, ứa nước mắt vì nhận ra hình dáng quen thuộc của con thú cưng.

Người làm tiêu bản, nhồi bông thú cưng không chỉ là nghệ nhân. Họ là những nghệ sỹ tạo hình đầy sáng tạo.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Cửa hàng thú nhồi (tiêu bản) trên phố Hàng Bột" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn