Tôi biết đến cái tên Hoàng A Sáng vào cuối những năm 2000 qua những tản văn đẹp, buồn, đầy đắm say về cảnh sắc và những phận người ỏn sót trên những rẻo núi cao huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đăng trên chuyên trang Viettimes của báo điện tử Vietnamnet. Những tản văn ấy được viết với lối văn giản dị, mộc mạc, đẹp, man mác buồn, đầy cảm xúc khiến tôi yêu thích. Và khi ấy, tôi nghĩ Hoàng A Sáng là một cây bút nữ.
Năm 2011, cơ duyên đưa đẩy tôi về làm việc cho báo Tuổi trẻ và đời sống – nơi Hoàng A Sáng phụ trách tổ chức nội dung. Lần đầu tiên gặp, tôi vô cùng bất ngờ vì Hoàng A Sáng không phải là… nữ. Càng bất ngờ hơn khi thấy A Sáng xù xì, bụi bặm, gai góc, ăn to nói lớn, bặm trợn, trái ngược hoàn toàn với hình dung của tôi về một tác giả của những tản văn nhỏ nhẹ, đong đầy cảm xúc, man mác buồn. Vì thế, tôi khá thất vọng và không thích gần A Sáng. Thỉnh thoảng, trong những hoàn cảnh bắt buộc, chúng tôi mới ngồi với nhau. Chủ yếu trao đổi về nội dung bài vở. Chẳng trò chuyện, tâm sự nhiều.
Những ngày làm việc cùng tòa soạn, quan sát Hoàng A Sáng, tôi thấy bên trong cái vẻ xù xì, gai góc ấy là một tâm hồn nhân ái, sống bộc trực, chân thành, biết quan tâm giúp đỡ người khác. Đặc biệt, anh không xu nịnh, không bon chen, không mưu cầu danh lợi. Khi nhận ra điều ấy ở A Sáng, tôi bắt đầu thấy quý mến anh hơn, tiếp xúc, trò chuyện với anh nhiều hơn.
Có một bước ngoặt về tâm thức của Hoàng A Sáng (Điều này ảnh hưởng rất lớn đến con người anh và cả phong cách tranh của anh sau này), đó là khi anh tham gia lớp học về thiền. Anh thực hành khá miên mật. Hàng ngày, buổi trưa, sau khi tổ chức bài vở xong, anh đóng cửa phòng, ngồi thiền. Buổi tối, sau khi vẽ tranh, ngồi thiền. Từ bấy, con người anh thay đổi rõ rệt. Điềm tĩnh hơn, nói năng từ tốn hơn, suy tư nhiều hơn và vì thế, mặt mũi trông cũng hiền hòa, tươi mát hơn. Và rồi, anh em tôi trở nên thân thiết với nhau. Tuần nào, trên đường từ cơ quan về nhà, anh cũng ghé qua Hiên trà Trường Xuân của tôi ở gần Văn Miếu mấy buổi. Chúng tôi thưởng trà cùng nhau, chia sẻ chuyện đời, chuyện đạo. A Sáng là người rất thích thiền, say mê nghiên cứu đạo Phật, đặc biệt là mê Ohso. Đó là lý do giải thích tại sao tranh của anh luôn tràn ngập sen, hoa sen, trở đầy năng lượng an lành, trong sáng, yêu thương, chuyển tải nhiều triết lý sâu sa của Đạo Phật.
Cũng cần phải nói thêm rằng, ước mơ ban đầu của Hoàng A Sáng là trở thành họa sĩ chứ không phải trở thành nhà báo, nhà văn. Vì thế, anh đã tốt nghiệp trường Đại học sư phạm nghệ thuật trung ương. Song do nhân duyên đưa đẩy mà anh trở thành một nhà báo, hơn thế, trở thành một nhà báo tài ba. Anh chính là người tổ chức nội dung bài vở cho tờ Tuổi trẻ và đời sống. Bằng uy tín của mình, anh đã mời những được những cây viết nổi tiếng hàng đầu cả nước cộng tác viết bài, biến tờ Tuổi trẻ và đời sống trở thành tờ báo ăn khách nhất trên thị trường.
Thành công rực rỡ với nghề báo nhưng tự sâu thẳm tâm hồn, giấc mơ trở thành họa sĩ vẫn luôn thôi thúc anh, ám ảnh anh. Vì thế, có một điều ít ai biết rằng, ban ngày, A Sáng căng thẳng, bận rộn với việc tổ chức nội dung bài vở cho tờ Tuổi trẻ đời sống. Ban đêm, trong căn phòng tĩnh lặng, một mình anh thức với cây cọ, các hộp sơn màu và khung giấy toan. Anh vẽ say mê trong trạng thái của thiền định: không lo lắng, không sợ hãi, không muộn phiền, không căng thẳng… Từng đường nét, màu sắc được vẽ nên bởi cái tâm an tịnh. Vì thế, với A Sáng, vẽ tranh không chỉ đơn giản là sáng tác mà còn là cách hành thiền. Nó giúp anh giải tỏa những căng thẳng, bức bối của công việc làm báo, làm cho tâm thanh an tịnh.
Và rồi, cuối tháng 10 năm 2016, Hoàng A Sáng quyết định mở cuộc triển lãm tranh đầu tiên với tên "Miền A Sáng 1” tại 19 Hàng Bài, Hà Nội với hơn 40 tác phẩm. Trước buổi khai mạc triển lãm, tôi đã đến thăm A Sáng và xem toàn bộ những tác phẩm của anh. Tôi bảo: “Chắc chắn cuộc triển lãm sẽ thành công và em sẽ bán được rất nhiều tranh. Bởi tranh của em đẹp, có phong cách riêng, ai cũng có thể cảm nhận được. Và vì thế, tranh của em dành cho đại chúng. Đặc biệt, bức nào của em cũng đậm chất thiền, toát lên năng lượng bình an. Điều đó, rất cần thiết cho mọi người trong cuộc sống đầy căng thẳng, ngột ngạt, bức bối này. Và vì thế, người ta sẽ nồng nhiệt đón nhận”.
Quả như dự báo của tôi, cuộc triển lãm của Hoàng A Sáng thành công rực rỡ. 3/4 số tranh đã bán hết veo ngay trong thời gian triển lãm. Đó thực sự là một hiện tượng hiếm hoi trong giới mỹ thuật Việt Nam đương đại, nhất là đối với một họa sĩ trẻ, lần đầu tiên triển lãm như anh.
Nối tiếp những đam mê, tháng 9 năm 2019, Hoàng A Sáng tổ chức cuộc triển lãm “Miền A Sáng 2” cũng thành công ngoài mong đợi. Tranh của anh càng ngày càng được giới mộ điệu yêu thích và sưu tầm. Tranh vẽ đến đâu, giới sưu tầm mua đến đó. Thậm chí hiện nay, nhiều người đã đặt tiền trước để được sở hữu những tác phẩm mới của anh.
Họ bảo: tranh của Họa sĩ Hoàng A Sáng không chỉ đẹp mà còn đầy ắp năng lượng của bình an và đậm chất thiền. Vì thế, treo tranh của A Sáng cũng chính là cách rước năng lượng của bình an, hạnh phúc vào ngôi nhà của mình. Trong cuộc sống đương đại đầy những lo âu, căng thẳng, hớt hải, sợ hãi, đặc biệt là trong cơn đại dịch Covid 19, biết bao người bị stress, trầm cảm, ngắm tranh của A Sáng cũng là một cách để trị liệu, chuyển hóa.
Được biết, những ngày giãn cách xã hội vừa rồi, Hoàng A Sáng vẫn an nhiên, tự tại với thiền định mỗi ngày. Hàng đêm, anh vẫn say mê vẽ trong trạng thái của thiền định. Từng đường nét, màu sắc vẫn được vẽ nên bởi cái tâm an tịnh. Bởi anh đang ấp ủ giấc mơ cho cuộc triển lãm “Miền A Sáng 3”.