Cúng Tất niên -  Nét văn hóa truyền thống của người Việt

Vũ Xuân Bân

09/02/2024 07:15

Theo dõi trên

Tết luôn được xem là thiêng liêng, là một nét sinh hoạt tinh thần không thể thiếu trong văn hoá Việt Nam. Trong đó, cúng Tất niên, một truyền thống lâu đời, mang ý nghĩa kết thúc năm cũ và mừng đón năm mới. Tuy nhiên cúng tất niên Quý Mão (2023), đón năm Giáp Thìn (2024) vào ngày nào, giờ nào tốt, chuẩn bị mâm cơm cúng Tất niên, văn khấn Tất niên như thế nào cho đúng, thích hợp cho lễ cúng, cần sự hiểu biết nhất định.

dt1ahgd-1707407619.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cúng Tất niên có ý nghĩa đoàn viên rất lớn đối với người Việt, được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, tức là ngày 30 Tết (Tháng thiếu vào ngày 29 Tết). Các thành viên trong gia đình sum vầy, đoàn tụ sau một năm làm việc hoặc bôn ba, giờ được trở về nhà, quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn ngon truyền thống, cùng trò chuyện, “tổng kết” về một năm sắp qua. Đồng thời, để mọi người cùng thể hiện tình cảm, sự yêu thương, gắn bó ruột thịt. Đây là dịp để các thế hệ trong gia đình có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhau những câu chuyện, tâm tư, tình cảm trong năm qua. Cúng Tất niên thể hiện giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc. Nó không chỉ là một nghi lễ mà còn là dịp để người Việt thể hiện tình yêu thương, gắn bó với gia đình, cầu mong cho một năm mới an lành, may mắn.

Giờ cúng Tất niên 

Năm nay, ngày 30 Tết trùng vào thứ 6, tức là ngày 9 tháng 2 năm 2024 theo lịch dương. Cúng Tất niên năm nay vào chiều tối thì tốt hơn buổi trưa.

Mâm cơm cúng Tất niên

Mâm cơm cúng Tất Niên thường được chuẩn bị rất cầu kỳ, phong cách hơn những ngày thường. Tùy thuộc vào từng vùng miền, mâm cúng có thể mang những đặc trưng riêng biệt như sau:

Ở Miền Bắc, người ta thường chuẩn bị canh giò hầm măng, miến xào lòng gà, xôi, bánh chưng, giò, nem,...

Ở Miền Trung và Miền Nam, mâm cúng thường có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, giò xào, nem và những món ăn đặc trưng khác. 

Mâm cơm cúng được bày biện một cách gọn gàng, được dâng lên bàn thờ tổ tiên. Gia chủ sẽ thắp hương và đọc các bài văn khấn ngày 30 Tết. Sau khi hương đã tàn, cả gia đình sẽ quây quần bên nhau để thưởng thức bữa cơm cúng.

Mẫu bài cúng Tất niên theo “Văn khấn Nôm truyền thống dành cho các gia chủ:

Nam mô A di Đà Phật

Nam mô A di Đà Phật

Nam mô A di Đà Phật

Kính lạy:

– Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

– Ngài Kim niên đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần.

– Ngài bản cảnh Hoàng Thành chư vị Đại vương.

– Các ngài Ngũ Phương, Ngũ thổ long mạch Tài thần. Bản gia Táo quân cùng tất cả các vị thần linh cai quản ở trong xứ này.

– Chư gia Cao Tằng tổ khảo tỷ tiên linh nội ngoại.

Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm……………………… tín chủ chúng con là:……………….

Ngụ tại:…………… (địa chỉ nơi ở)

Trước án tọa kính cẩn thưa trình:

Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới. Nay là ngày 30 Tết, chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh vật phẩm hương hoa, cơm canh cụ soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên địa Tôn thần, phụng hiến tổ tiên, truy niệm chư linh. Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị Tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chủ hương linh giáng lâm án tọa, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng.

Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám !

Bạn đang đọc bài viết "Cúng Tất niên -  Nét văn hóa truyền thống của người Việt" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn