Cuộc chiến chống dịch Covid- 19 đang hết sức căng thẳng. Mặc dù cả hệ thống Chính trị đã hết sức cố gắng, quyết liệt, linh hoạt...; tuy nhiên dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Hôm nay, ngày 2/8, cả nước tiếp tục có có 7.455 ca Covid-19. Tính chung cả nước, đến nay Việt Nam ghi nhận tổng cộng 161.761 ca nhiễm trong đó có 2.272 ca nhập cảnh và 159.489 ca nhiễm trong nước. Riêng đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, 62 tỉnh ghi nhận 157.919, trong đó có 44.191 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Về tình hình tiêm chủng, Việt Nam đã thực hiện 6.415.219 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.756.155 liều, tiêm mũi 2 là 659.064 liều.
Tính đến nay, Bộ Y tế đã vận động, huy động gần 10.000 người tham gia hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía nam chống dịch Covid-19. Trong đó TP.HCM được chi viện 8.293 người, Bình Dương 1.134 người và các tỉnh thuộc khu vực phía Nam. Trong đó lực lượng của Bộ Y tế với gần 8.000 người; các tỉnh, thành phố khác khoảng gần 2.000 người.
Dù được tăng cường nhưng như “điểm nóng” TP. Hồ Chí Minh, “nhân viên y tế đã kiệt sức”. Theo nhận định của Tổ điều phối nhân lực tham gia phòng, chống Covid-19, trong hơn 2 tháng qua, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, lực lượng nhân viên y tế thành phố tham gia chống dịch đang trong tình trạng quá tải về sức khỏe. Do đó, lực lượng này cần được sự quan tâm, động viên kịp thời và cần có những hoạt động thiết thực để khích lệ tinh thần. Với việc số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng đang gia tăng, TPHCM đang rất cần lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đủ trình độ khám, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Theo thống kê, TPHCM hiện nay có tổng cộng 43.844 người đang công tác trong ngành y tế. Trong đó, 16.606 người tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thành phố cũng nhận được sự hỗ trợ từ 4.253 nhân sự thuộc 44 bệnh viện trực thuộc bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, 5.049 tình nguyện viên đăng ký tham gia chống dịch.
Hiện tại, thành phố cần bổ sung hơn 12.000 nhân viên y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, khối quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần thêm hơn 2.600 người; khối điều trị cần thêm hơn 8.400 người; khối cấp cứu cần thêm 1.000 người, 100 xe cấp cứu và 200 taxi vận chuyển bệnh nhân.
Trong khi cả nước đang tập trung chống “kẻ thù giấu mặt” là Covid-19, chăm lo đời sống cho dân vùng cách ly xã hội; đại đa số nhân dân, chấp hành luật pháp về phòng chống dịch; nhiều bộ phận lao động, công nhân đời sống khó khăn do mất việc làm; nhiều trường hợp đã phải bỏ mạng do tai nạn trên đường về quê bằng xe máy thì đáng tiếc, nhiều hành vi thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng đã và đang xảy ra.
Xin lấy dẫn chứng:
1. Đêm đêm 1/8, rất nhiều người dân tại khu vực phong tỏa P.Chương Dương (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trèo hàng rào dây thép gai để đi ra ngoài khu phong tỏa. Đáng chú ý, trong số này không chỉ có thanh niên, mà còn có cả người già và trẻ em. Đến nay, quận Hoàn Kiếm, đang vất vả truy tìm và sẽ xử lý hành vi trèo khỏi khu phong tỏa tại phường Chương Dương.
2. Khoảng 0h30 ngày 2/8, Công an phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) làm nhiệm vụ tại khu vực Bến xe Mỹ Đình phát hiện xe cứu thương có dấu hiệu nghi vấn đã yêu cầu tài xế dừng lại kiểm tra. Bước đầu, lái xe ở huyện Nam Đàn, Nghệ An) khai nhận, chiều 1/8, có nhận chở đôi nam từ thành phố Vinh (Nghệ An) ra Hà Nội với giá 3 triệu đồng. Danh tính đôi nam nữ đi trên xe cũng được làm rõ: 01 người ở huyện Can Lộc, (Hà Tĩnh) và 1 người ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Cả hai khai nhận, biết Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nên đã thuê xe cứu thương để qua các chốt kiểm soát vào Hà Nội kịp làm thủ tục đi du học tại Hàn Quốc. Với vi phạm của mình lái xe đối diện với mức phạt từ 30 - 40 triệu đồng.
3, Chiều tối 2/8, tại cuộc giao ban trực tuyến giữa Bộ GTVT với 63 tỉnh, thành phố; cho thấy qua xét nghiệm tại các chốt kiểm soát phát hiện ra nhiều trường hợp lái xe dương tính với SARS-CoV-2. Nhiều lái xe lợi dụng được cấp giấy thông hành đã tổ chức chở người trái phép như đã phát hiện tại Hải Phòng, Sóc Trăng….Các trường hợp lây nhiễm Covid-19 tại Bình Thuận cũng được xác định phần lớn là do nguồn lây từ đội ngũ lái xe vận tải.
Những hành vi như 3 ví dụ trên, có thể gây ra hiểm họa khôn lường cho cộng đồng. Xin nhắc lại, chiều 2/8 tại cuộc họp giao ban của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo TPHCM, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương khác được cảnh báo “Các tỉnh thành phải sẵn sàng tình huống dịch nặng như TP. HCM". Do vậy không thể chấp nhận, một số người vô trách nhiệm phá hoại nỗ lực của đất nước, mang đến nguy cơ cho cộng đồng/.