Cuộc gặp gỡ xúc động

Từ trên đồi cao nhìn xuống, chúng tôi chỉ thấy dòng sông mềm mại, uốn lượn như mái tóc người con gái và những kỷ niệm năm nào vẫn vẹn nguyên và cứ ùa về trong ký ức…

                     

gap-go-1657205364.jpg
Cuộc gặp gỡ sau 44 năm

                              

Đầu năm 1978, tôi và Nguyễn Hữu Cầu cùng 7 anh em của Trung đoàn pháo cao xạ Sông Gianh được đơn vị cử đi ôn luyện thi đại học mở tại  trường Văn hóa quân khu 4 đóng ở thị xã  Đồng Hới, tỉnh  Quảng Bình.

   Mùa hè năm ấy, trong lớp của chúng tôi được đón 5 em gái xinh đẹp quê ở Đồng Hới vừa mới tốt nghiệp phổ thông cùng vào học ôn thi đại học.

   Sau khi thi đỗ đại học, tôi ra Hà Nội học ngành sư phạm, còn  Nguyễn Hữu Cầu vào trường Đại học Giao thông đường thủy ở Hải Phòng. Cả hai chúng tôi là bộ đội gửi học ở trường ngoài nên khi ra trường đều trở về quân đội công tác. Còn các cô nữ sinh xinh đẹp cùng lớp học ôn thi ngày ấy cũng mỗi người theo học một trường. Hoàng Thị Mỹ Lý thi đỗ vào khoa sinh trường Đại học sư phạm Huế, Bùi Thị Thu Hiền vào học khoa Ngoại Ngữ tiếng Nga, Đại học sư phạm Vinh, Hoàng Thị Thủy học khoa Sinh của Trường Đại học sư phạm Vinh, Nguyễn Thái Hòa học khoa Toán trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình. Riêng Cái Thị Xuân Hường nhập ngũ quân đội. Với dáng người cao da trắng hồng nên cô được chọn vào phục vụ chuyên gia ở tỉnh Bắc Thái (nay là Bắc Kạn và Thái  Nguyên).

Đã hẹn từ trước, tôi và Nguyễn Hữu cầu cùng đơn vị và cùng ôn thi năm ấy ghé thăm Thành phố Đồng Hới nơi Trường Văn hóa quân khu 4 đóng. Đến thành phố Đồng Hới vào một buổi trưa hè, trời nắng như đổ lửa, kèm theo những cơn gió Lào khô rang táp vào da mặt bỏng rát…Đang nắng ban trưa, mồ hôi nhễ nhãi, chúng tôi dừng xe lại bên đường để gọi điện cho hai người bạn nữ là Hoàng Thị Mỹ Lý và Bùi ThịThu Hiền, cùng lớp ôn thi đại học chỉ đường để chúng tôi tới thăm nhà. Bùi Thị Thu Hiền ra tận ngã ba cầu Dài, thành phố đồng Hới đón chúng tôi.Từ xa tôi thoáng nhìn thấy một cô gái dáng vẻ rất quen đi chiếc xe Hon da màu đỏ đang vừa tới, nhưng tôi không nhìn rõ khuôn mặt, bởi từ đầu tới chân của em được “bảo hộ” bởi các “thiết bị” chống nắng… duy chỉ có hàm răng trắng và nụ cười đôn hậu của Hiền thì không nhầm lẫn vào đâu…

     Hiền đưa chúng tôi vòng vèo qua một vài con phố, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được nhà của Lý, một ngôi nhà bốn tầng được kiến trúc khá bắt mắt bởi những dàn cây chè vằng và hoa thiên lý uốn lượn như điểm tô cho những nét tao nhã của ngôi nhà nằm ở mặt phố. Ra tận xe đón chúng tôi là anh Hùng chồng của Lý một người đồng hương với chúng tôi nhưng ở khác huyện. Anh Hùng đon đả mời chúng tôi vào nhà và nói:

- Được vợ thông báo hôm nay có mấy anh bạn trước cùng học ôn thi ở trường văn hóa quân khu đến chơi nhà, chúng tôi phấn khởi lắm…

Lý từ trong nhà bước ra chào chúng tôi, hơn bốn mươi năm trôi qua mà cô vẫn vậy, vẫn dáng người cao thon có mái tóc dài gần chấm gót…và nụ cười tươi với chiếc răng khểnh, chỉ có mấy nếp nhăn trên mi mắt là khác xưa…    

Trong lớp học ôn thi ngày ấy, cô gái có mái tóc dài chấm gót ngồi trước tôi một bàn chính là Lý…thú thực em là ‘thủ phạm” làm cho tôi không được tập trung trong các môn học… Ngày đó bọn chúng tôi còn trẻ lắm mới chỉ mười chín đôi mươi hễ gặp nhau còn thẹn thùng đỏ mặt, nhưng ngày nào không có các cô đến lớp cũng làm khối anh cảm thấy bồi hồi… Sau giờ học mấy chú bộ đội thường trao đổi bài vở với mấy cô nữ sinh và tình cảm “quân dân” càng thêm gắn bó… Nhưng thật tiếc thời gian chóng vánh chỉ khoảng chừng một tháng được ôn tập cùng nhau nên cũng chưa có chú nào kịp ngỏ lời với các cô gái xinh đẹp.

   Cuộc gặp gỡ sau hơn bốn mươi năm của chúng tôi cũng thật tình cờ, cách đây gần hai năm, trong một lần tôi bị bệnh phải nằm viện. Trong phòng điều trị tôi quen chị người thành phố Đồng Hới. Qua chị tôi được biết địa chỉ của Hiền và từ đó chúng tôi đã lần ra điện thoại của cả năm cô gái. Qua điện thoại chúng tôi nhiều lần định tổ chức gặp mặt, nhưng vì đại dịch covid 19 kéo dài nên đành tạm gác lại…

    Hôm nay trong căn nhà ấm cúng của vợ chồng Lý, chúng tôi đã được gặp lại nhau hàn huyên ôn lại một thuở “tuy khổ nhưng mà vui”…Ngày ấy chúng tôi bắt đầu bước vào nghề vậy mà giờ đây tất cả đã nghỉ hưu. Điểm chung nhất của chúng tôi đó là đều mang hình ảnh những anh bộ đội và các cô giáo…Tôi ở quân ngũ ngót 20 năm chuyển ngành với quân hàm đại úy, Nguyễn Hữu Cầu về hưu với quân hàm đại tá…còn  năm “ bóng hồng” ngày ấy tất cả đều làm nghề giáo viên.

   Gặp nhau chúng tôi quây quần bên mâm cơm tại gia đình Lý thật ấm cúng và ý nghĩa, Lý xúc động kể lại:

- Ngày ấy, sau khi thi đại học xong, chúng em đều đi học cả và cũng không nghĩ rằng lại có cuộc gặp gỡ hôm nay. Ra trường em về quê dạy học và gặp ông xã là anh Hùng đây ( Lý nhìn sang phía Hùng) làm việc ở Z- 71, ban đầu  mới cưới nhau, bọn em cũng nghèo lắm, chạy từng bữa ăn để nuôi hai cháu trai. Vậy mà bây giờ hai cháu đều đã trưởng thành, cháu lớn học công nghệ thông tin hiện làm việc ở Dầu khí Vũng Tàu. Cháu thứ hai tốt nghiệp đại học về truyền thông nay làm việc ở thành phố Đồng Hới. Em không những “lo chồng” cho mình mà còn lo cho cả bạn Hiền đấy ( Lý cười hóm hỉnh và chỉ tay sang phía Hiền), ông xã của Hiền làm cùng phân xưởng của chồng em.

    Hiền đỏ mặt thú nhận:

- Bái phục, bái phục bà mối siêu đẳng… Nhờ Lý mà tớ cũng đã có hai con trai giống bố… nay cũng đã có công ăn việc làm.

Thấy Hiền nói vậy, Hường cũng xác nhận:

- Không phải Lý chỉ lo chồng cho Hiền mà còn lo cho cả em nữa đấy. Sau khi em giải ngũ, về học khoa Lý của Đại học Huế, được Lý giới thiệu ông giáo của Lý ngày trước nên em cũng “cân luôn”. Đến giờ bọn em cũng đã có hai cô con gái đã tốt nghiệp đại học ra trường đi làm rồi…

Nói rồi, Hường với nét mặt đượm buồn hỏi chúng tôi:

- Hai anh còn nhớ cái Hòa không? Hồi đó nó học cùng chúng em đấy?

Tôi mường tượng nhớ ra bạn Hòa người nhỏ nhắn nhưng học giỏi môn Toán nên trả lời:

- Có, anh nhớ rồi, mà Hòa giờ ở đâu em?

- Bạn ấy bị bệnh tiểu đường biến chứng và mất rồi

- Tội nghiệp quá. Nó mất chưa kịp nhận sổ hưu.

Không khí cuộc vui bị chùng xuống…khi Nguyễn Hữu Cầu hỏi xen vào:

- Thế còn bạn Thủy sao không thấy đến cuộc gặp mặt hôm nay?

Hiền vội hỏi lại:

- Anh Cầu vẫn còn nhớ Thủy à?

- Có, mình vẫn còn nhớ chứ, Thủy trước điệu lắm làm thằng Lê Hồng Vinh bạn mình học bên K5 luôn mất ăn mất ngủ. Sau này hắn ra học khoa Sinh của Trường Đại học Tổng hợp rồi mà vẫn thư đi từ về…hồi đấy mình cứ tưởng ra trường  bọn hắn sẽ cưới nhau…

- Chà anh Cầu nắm vững ghê, hay là hồi đấy anh cũng “có tý” với em Thủy, Lý nói chen vào.

- Không có đâu, nếu có thì cũng của ông Vinh, ông Tuấn đâu đến lượt mình…

Thấy Cầu nói vậy, tôi vội nói:

- Ông Cầu nói vậy, thì biết vậy: “ai biết  được ma ăn cỗ”…

Cầu vội phân bua:

- Đến bây giờ mình có biết Thủy ở đâu?

- Thủy sau khi ra trường kết hôn với thầy giáo dạy cùng trường trong Huế và đến nay gia đình họ vẫn ở trong đó. Thủy có một con gái đã lấy chồng. Lý cho biết và nói thêm:

- Bọn em có gọi cho Thủy nhưng bạn ấy bận không về được. Bạn ấy cũng lấy làm tiếc lắm…

- Chắc ông Vinh sau khi nghỉ hưu đi làm ăn ở Tây Nguyên không về được nên Thủy không về chứ gì? Cầu đùa lại…

- Không bạn ấy bận thật mà, Lý trả lời.

    Mặc dù ngoài trời vẫn nóng hầm hập, nhưng trong nhà có điều hòa, lại được vợ chồng Lý đãi bữa ăn thịnh soạn rất đặc trưng của vùng biển Quảng Bình mà trước đây chúng tôi vẫn thích và thường nhảy xe lam xuống chợ Hải Thành để mua như mực nhảy, cá nục, cá thu…nên cả hội chúng tôi đã “ uống hết mình” gần lít rượu thuốc và hơn chục lon bia Huế…

    Chiều đến, khi gió từ biển thổi vào, làm dịu đi cái nóng oi bức, Hiền  dẫn anh em chúng tôi về thăm lại “ Mái trường xưa”. Sau hơn bốn mươi năm quay lại giờ đây cảnh vật đã hoàn toàn khác. Thị trấn Cộn nơi trường Văn hóa ngày xưa, giờ đã đổi thay khá nhiều. Đặc biệt, doanh trại chúng tôi không còn vết tích. Một màu xanh đã phủ quanh chân đồi…Từ trên đồi cao nhìn xuống, chúng tôi chỉ thấy dòng sông mềm mại, uốn lượn như mái tóc người con gái và những kỷ niệm năm nào vẫn vẹn nguyên và cứ ùa về trong ký ức …Trong làn gió mơn man đó, bất chợt tôi nhớ đến mấy câu thơ:“Nắng say chiều Nhật Lệ/ Gió khơi thổi cánh buồm/ Em như thời còn trẻ/ Không lẫn vào ai hơn…”.

 

Mùa hè năm 2022 – TAT