Cuộc quyết đấu lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” 1972 (Kỳ 4): VIỆT NAM CHỦ ĐỘNG VÀ SẴN SÀNG TRẬN QUYẾT ĐẤU!

Đặng Vương Hưng

11/12/2021 12:05

Theo dõi trên

Muốn chiến thắng một kẻ địch được trang bị vũ khí hết sức hiện đại trong Cuộc chiến tranh điện tử, chỉ có tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm thôi thì chưa đủ, mà quan trọng hơn là chúng ta đã có được một đường lối quân sự sáng suốt, đã phát huy được Trí tuệ Việt Nam!

chuy1qc-1639198674.jpg
Các đồng chí Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội vẫn bám trụ ở lại Thủ đô Hà Nội, để trực tiếp chỉ đạo trận quyết đấu "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, kịp thời khích lệ và động viên đồng bào và chiến sĩ. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Sự thật là chúng ta đã chủ động từ nhiều năm trước đó và luôn sẵn sàng trong mọi tình huống. Gần bốn năm trước khi xảy ra cuộc tập kích chiến lược của B-52 vào Thủ đô Hà Nội, vào một buổi tối mùa xuân năm 1968, tại ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã nói với đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng những lời tiên tri: Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội, rồi mới chịu thua. Chú nên nhớ: Trước khi đến Bàn Môn Điếm ký Hiệp định Đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân huỷ diệt Bình Nhưỡng. Còn ở Việt Nam, Mỹ nhất định sẽ thua, nhưng chúng chỉ chịu thua sau khi đã bại trên bầu trời Hà Nội.

Đấy không phải là lần đầu tiên Bác Hồ thay mặt Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cho bộ đội Phòng không - Không quân. Ngay từ tháng 6 năm 1965, (chỉ hơn một tháng sau khi Mỹ đưa B-52 vào chiến trường Việt Nam), Bác đã khẳng định: Dù đế quốc Mỹ lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “Bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng! Tháng 4 năm 1966, khi B-52 Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc ngày càng ác liệt, Bác cho mời đồng chí Đặng Tính, Chính uỷ Quân chủng Phòng không - Không quân lên gặp và chỉ thị: Máy bay B-52 Mỹ đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B-52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân.

chuy-1ab-1639198854.jpg
Nhân dân Hà Nội được lệnh sơ tán khỏi thành phố. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cuối tháng 2 năm 1968 một bản kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B-52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng” của Quân chủng Phòng không - Không quân đã ra đời. Từ những kinh nghiệm thực tế chiến đấu sôi động, phương án nói trên đã liên tục được bổ sung, hoàn chỉnh và thay thế bằng “Phương án tháng 5”, “Phương án tháng 7”, “Phương án tháng 9”... và cho tới “Phương án tháng 11”.

Cùng với bản phương án hoàn chỉnh tháng 11 năm 1972, các tài liệu rất quan trọng và cần thiết cho bộ đội Phòng không - Không quân ta như “Cách chống nhiễu thông tin”, “Quy trình bắt B-52 trong nhiễu”... Và đặc biệt là tập tài liệu dày 30 trang đánh máy “Cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa” (còn được gọi là cuốn “Cẩm nang bìa đỏ”) đã được hoàn thành và chuyển tới từng đơn vị chiến đấu, để bộ đội ta luyện tập kỹ càng...

chuy-1ac-1639199026.jpg

Các loại vũ khí, đặc biệt là đạn tên lửa, được ưu tiên tập kết cho Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng cho trận quyết đấu "Điện Biên Phủ trên không" 1972. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Đầu tháng 12 năm 1972, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến thăm Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Tri trình bày kế hoạch đánh B-52.

Theo báo cáo từ các đơn vị địa phương, trước khi diễn ra “Cuộc quyết đấu” 12 ngày đêm, Bộ đội Tên lửa Việt Nam từng bốn lần bắn rơi pháo đài bay B-52 của Mỹ:

- Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Trung đoàn H38 bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên ở đất thép Vĩnh Linh;

- Ngày 18 tháng 3 năm 1971, Trung đoàn H37 bắn rơi một B-52 trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào;

- Ngày 2 tháng 4 năm 1972, Trung đoàn H36 bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên trong chiến dịch Quảng Trị.

Nhưng cả ba lần nói trên, phía Mỹ đều im lặng và không dám công nhận, vì sợ bị “mất mặt thần tượng” của không quân chiến lược. Trước mỗi phi vụ B-52 bay vào vùng trời miền Bắc Việt Nam, các Phi công đều được căn dặn: Nếu bị trúng đạn hãy cố đưa máy bay ra biển, hoặc về phía những rừng già phía Tây để... vừa dễ cứu hộ, vừa giấu được bằng chứng, giữ bí mật cho những thiết bị tối tân có trong máy bay không lọt vào tay đối phương...

- Phải đợi cho tới đêm 22 tháng 11 năm 1972 (trước cuộc tập kích chiến lược chưa đầy một tháng), Trung đoàn H63 đã thực hiện thành công “Quy trình bắt B-52 trong nhiễu” bắn cháy một B-52 khi chúng đến gây tội ác ở Nghệ An. Chiếc pháo đài bay bị trọng thương này đã cố bay về Thái Lan, khi còn cách sân bay Utapao 640 km thì rơi xuống đất. Còn may là mấy Phi công đều nhảy dù thoát chết. Nhưng đống xác pháo đài bay B-52 đã phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật... Rất nhiều nhà báo quốc tế đã có mặt để chứng kiến. Hãng UPI đã nhanh chóng loan tin này. Không còn bưng bít được nữa, lần đầu tiên phía Mỹ đã cay đắng thừa nhận B-52 của họ đã bị tên lửa SAM-2 của Việt Nam bắn rơi!

“BÃO LỬA” TRÊN BẦU TRỜI THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Cần phải nói ngay là trong những ngày đêm đầy thử thách và nguy nan, liên quan đến vận mệnh, sự sống còn của đất nước ấy, tất cả các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đều có mặt ngay tại Hà Nội, để trực tiếp chỉ đạo động viên toàn quân và toàn dân đánh giặc. Ban ngày, bất chấp mọi hiểm nguy, khi Hà Nội đang còn ngổn ngang đổ nát vì những trận bom rải thảm, các đồng chí Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng... đã tới tận trận địa, tận khu dân cư vừa bị bom Mỹ để thăm hỏi bộ đội và nhân dân.

Tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng cũng không sơ tán như một số người lầm tưởng, mà vẫn được đặt ngay tại “Nhà Con Rồng” trong thành cổ Hà Nội. Những “đường dây nóng” được thiết lập xuống tận đơn vị tên lửa chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Từ Tổng hành dinh này, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu có thể trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các mặt trận và các quân binh chủng trên toàn quốc...

“Cuộc quyết đấu” chính thức bắt đầu từ đêm 18 tháng 12 năm 1972. Chúng ta không hề bất ngờ, bởi mọi hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á những ngày trước đó đều được các lực lượng tình báo kỹ thuật của Việt Nam giám sát chặt chẽ. Đầu tháng 12, một nguồn tin rất đáng lưu ý cho biết: Mỹ đã điều động tăng cường thêm 2 hàng không mẫu hạm ở Biển Đông. Trong đó, hàng không mẫu hạm Saratoga từ Philippines, từ Nhật Bản đã áp sát bờ biển Thanh Hóa... Số máy bay chiến lược B-52 tại sân bay Utapao tăng đột ngột, chật chỗ. Các xe chở bom đi lại liên tục. Thêm 2 chiếc KC-135 tiếp dầu đã đến sân bay Udon. 5 chiếc KC-135 khác ở các căn cứ Subic cũng sẵn sàng... Một Bộ chỉ huy quân sự về Không quân chiến lược của Mỹ mới được thành lập để điều hành hai căn cứ Utapao và Guam...

Riêng ngày 18 tháng 12, “nhật ký” cho thấy:

- Lúc 5 giờ: Tàu sân bay America neo đậu ở đông Đà Nẵng đã điện hỏi cấp trên: “Trực thăng hôm nay làm nhiệm vụ cứu hộ ở đâu?”;

- Từ 10 giờ đến 11 giờ 30: Hai lần máy bay không người lái bay rất thấp để trinh sát Hà Nội và Hải Phòng;

- Cũng thời gian trên, một máy bay trinh sát kiểu RF4C khi bay qua bầu trời Hà Nội đã điện về căn cứ: “Thời tiết đảm bảo cho không quân hoạt động”;

- Lúc 14 giờ 30, có tin khẩn: Các máy bay B-52 ở 2 căn cứ Utapao và Guam đều đã được tiếp đầy nhiên liệu và đã lắp bom theo cơ số. Các máy bay chiến thuật cường kích, tiêm kích cũng đã khởi động chuẩn bị...

Tổng hợp và nhận định: Trong ngày hoạt động của không quân địch giảm đột ngột, không phận bắc vĩ tuyến 20 hoàn toàn yên tĩnh... Có thể khẳng định: Trong đêm 18-12 địch sẽ đánh lớn vào Hà Nội. Có khả năng B-52 sẽ đánh từ chập tối.

Điều khẳng định của ta đã hoàn toàn chính xác: Sau một ngày yên tĩnh lạ thường, đúng 18 giờ các đài ra-đa cảnh giới của ta bỗng đồng loạt thông báo hiện tượng nhiễu với cường độ ngày càng tăng. Đúng 18 giờ 15 phút: phát hiện một tốp F-111 trên vùng trời Sầm Nưa của nước bạn. 18 giờ 30 phút: phát hiệu thêm nhiễu ngoài đội hình của máy bay EB-66... 18 giờ 50 phút: Các lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam được lệnh báo động cấp Một, sẵn sàng chiến đấu cao nhất...

Còi báo động hú từng hồi hối hả vang khắp các phố phường Hà Nội. Hệ thống loa phóng thanh truyền đi tiếng nói dõng dạc và bình tĩnh của nữ phát thanh viên: Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 100 cây số. Các lực lượng vũ trang vào vị trí chiến đấu. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn...

19 giờ 00: Đại đội 16 ra-đa phát hiện có nhiều B-52 đang bay lên phía Thượng Lào. 19 giờ 15 phút: Đại đội 45 ra-đa khẳng định có nhiều máy bay B-52 đang bay ở độ cao hơn 9.000 mét vào vùng trời Hà Nội. 19 giờ 44 phút: Quả đạn tên lửa SAM-2 đầu tiên của Tiểu đoàn 78, thuộc Trung đoàn H57 rời bệ phóng, bay vút lên trời đêm, mở đầu những “Cuộc nghênh tiếp dữ dội”.

Từ các trận địa khác, những “con rồng lửa” cũng đua nhau bay lên sáng rực trời đêm... Rồi các cỡ pháo cao xạ, súng bắn máy bay tầm thấp đồng loạt nhả đạn, trong tiếng máy bay gầm rú và bom rơi ầm ầm rung chuyển mặt đất... Cả Hà Nội bỗng sáng lòa trong bão lửa. Thủ đô thiêng liêng của cả nước lại hóa thành “Thăng Long chiến địa”.

(Còn nữa)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM của nhà văn Đặng Vương Hưng - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...