Lối đá Công an Hà Nội sản sinh nhiều cầu thủ lừng danh của bóng đá Hà Nội và Việt Nam như các ông Nghẽn, Luyến, Thưởng, Tòng “cháy”, Phú “tí”… rồi đến các ông Tô Hiền, Sơn “min”, Đức “khựa”, Thành C, Hiển “Coóc”, Hai “voi”… và các lứa kế tiếp như Quang B, Điệp “lùn”, Đặng “cóc”, Chi “tơ”, Văn Hùng, Nhã “tròn”, Xuân Hảo, Quốc Hương, Minh Hiếu, Thắng “chíp”, Thành “gà tre”, Trung Phong, Minh “bạc”… nhưng khâu đào tạo thủ môn lại yếu kém nên toàn phải chiêu dụ thủ môn từ nơi khác về như các ông Xuân, Lễ, Nghị “chớp”, Thành “sport”…
Chính Chủ tịch Trần Duy Hưng khi xem giò cẳng của ông Lễ, đã chỉ thị đội trưởng Tô Hiền phải chiêu dụ thủ môn tài ba này về với đội.
Ông Nguyễn Duy Lễ chơi thân từ ông con trưởng của cụ Hưng là ông Trần Quốc Ân đến cậu con út là Trần Chiến Thắng, và được cụ Chủ tịch coi như con cháu trong nhà.
Năm 1973, sau trận đấu giữa tuyển Việt Nam gặp đội bóng Sác chi ô của Liên Xô trên sân Hàng Đẫy, ông treo găng và về công tác tại Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội. Ông làm chiến sỹ, rồi làm đội trưởng một đội chủ công của phòng đến ngày về hưu.
Chuyển cả gia đình vào Nam sinh sống, ông được Chủ tịch Trần Duy Hưng thu xếp cho công việc làm của vợ, và cả chỗ học cho các con.
Chủ tịch Trần Duy Hưng là ân nhân, và cũng là người thày của ông trong cuộc sống.
Cụ Hưng ( ông hay gọi như vậy ) thích tự mình lái xe ô tô khi công tác trong nội thành. Hồi cụ ốm nằm bệnh viện, ông Lễ đến thăm. Biết ông Lễ mới sắm được cái xe máy, cụ Hưng đòi đi thử. Cụ Hưng cầm lái chở ông Lễ dạo quanh các phố gần bệnh viện để giải tỏa nỗi tù túng khi phải nằm lâu trên giường bệnh. Chợt cụ Hưng phanh xe khi thấy một chiến sỹ cảnh sát đang quát nạt và hất mẹt hàng của một bà bán hàng rong trên đường.
Ông Lễ chứng kiến cụ Hưng hỏi cậu chiến sỹ trẻ : “Nếu bà cụ là mẹ của anh thì sao?”. Chỉ một câu hỏi nhẹ nhàng mà cậu chiến sỹ trẻ phải đỏ mặt sượng sùng, xin lỗi và nhặt lại mẹt hàng cho bà cụ.
Hồi Chiến dịch ném bom của Mỹ xuống Hà Nội năm 1972, nghe báo cáo Tòa đại sứ Pháp vừa bị ném bom, Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng (có Phó giám đốc CA Hà Nội Cáp Xuân Diệm tháp tùng) đã có mặt tại sứ quán từ khi thành phố chưa phát còi báo an, các nhân viên sứ quán vẫn còn nấp trong hầm trú ẩn, còn lực lượng ứng cứu chưa có lệnh vào trong sứ quán để cứu nạn. Đội bóng đá CAHN được lệnh tới giữ trật tự ở địa bàn, Chủ tịch Trần Duy Hưng nhìn thấy ông Lễ đang mặc sắc phục công an, và là người ông quen biết nên tin tưởng gọi vào khu vực sứ quán để đưa thi thể một cô gái trẻ, là người yêu của con trai ngài Lãnh sự đến Bệnh viện Xanh Pôn. Cô gái được bọc trong chăn, ông Duy Lễ trẻ khỏe xung phong bê phần thân trên, Chủ tịch Trần Duy Hưng và Phó giám đốc Cáp Xuân Diệm bê phần chân đặt lên băng ca, đưa ra ngoài cho lực lượng ứng cứu đang túc trực ngoài cửa sứ quán.
Hoàn thành nhiệm vụ, hai ông lại quay về sứ quán Pháp để tìm cái chân bị bom Mỹ cắt rời của cô gái trẻ. Chủ tịch Trần Duy Hưng nhắc nhở ông Lễ và ông Quang B : “Các cậu cố tìm nhé. Tội nghiệp cô bé lắm”.
Những bài học làm người và cả những ký ức khốc liệt của chiến tranh ông luôn ghi nhớ. Giờ hễ có dịp gặp những người có khó khăn, ông đồng cảm, và nếu có thể, ông lại tìm cách giúp họ, như nghĩa cử trả ơn với đời.
Ông hiện là người chép sử bằng hình ảnh của đội bóng đá CAHN khi theo đuổi đam mê chụp ảnh từ những ngày là thanh niên mới lớn của đất Hà thành.
Theo Chuyện làng quê