Đã có vợ chưa

Năm 1990 tôi được điều lên làm Trợ lý Tác chiến Sư đoàn. Cũng chút lo lắng trên cương vị mới, và vui vì Sư đoàn phó là người lính rất nổi tiếng trong Kháng chiến Chống Mỹ.
da-co-vo-chua-1659341358.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Năm ấy mùa mưa Lũ sông Hồng rất to. Sư đoàn đưa 1000 quân xuống vùng Gia Lương- Thuận Thành hộ đê. Sư phó và Phòng Tham mưu đi trước lập Sở chỉ huy. Tôi vinh dự ngồi trên xe Uoat cùng Thủ trưởng, ôm mảnh Bản đồ địa hình to bằng chiếc chiếu đôi. 
Lúc đó khoảng 10 giờ đêm, Sư phó quay sang bảo tôi: "Chọn nhà dân làm Sở chỉ huy, ông nhìn kiểu gì"? Chắc Thủ trưởng kiểm tra năng lực của trợ lý mới đây, suy nghĩ mấy giây tôi bình tĩnh trả lời: "Báo cáo Sư phó, đặt Sở chỉ huy nơi cao ráo, bao quát được đội hình đóng quân, tiện giao thông"... một hồi như sách dạy. Thủ trưởng xua tay ngắt lời. Ông ấy bảo: 
- Thôi, bài bản... cần đếch gì những thứ ấy. Đi với tôi chú mày nghe đây ,Sở chỉ huy của anh chú cứ chọn nhà nào có dây phơi đẹp, đống rơm to là được. Còn lại nhà to hay nhỏ, thái độ chính trị, đường sá không cần biết. 
Thấy ông vui, tôi hỏi lại:
 - Anh à, hơn 10 giờ đêm rồi lấy đèn pha đâu mà soi dây phơi với đống rơm. Vả lại dây phơi đẹp là thế nào em chẳng hiểu?
Ông ấy nổi cáu:
 - Đống rơm to thì mày biết rồi. Còn cái dây phơi sao mày đụt thế hở? mày có vợ chưa?
 - Thế có vợ mới tìm được Sở chỉ huy à Thủ trưởng? 
Ông ấy nổi cáu hơn:
 - Trời ơi mày cứ nhìn vào cái dây phơi quần áo, có hoa hòe, có "phụ tùng xích líp" là được. 
Tôi vẫn cố:
 - Dạ đèn pin thì em có, nhưng có ai phơi quần áo ban đêm đâu?
 - Tao đuổi mày về đơn vị bây giờ...
Sau năm năm ông mới "đuổi". Tôi được điều xuống một đơn vị cấp dưới làm Chỉ huy trưởng. Đơn vị đóng quân trên một vùng đồi rộng 45ha, gần 700 cán bộ chiến sỹ. 
Những năm 90 của Thế kỉ trước trước đời sống của Bộ đội còn khổ lắm. Ngoài chế độ nhà nước cấp ra không có khoản gì thêm để thăm hỏi anh em lúc ốm đau, phúng viếng lúc thân nhân cán bộ, chiến sỹ qua đời. Vợ con anh em lên chơi không có nổi một bữa cơm tử tế để khoản đãi.
Tôi muốn tìm cách cải thiện đời sống cho đơn vị nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Cứ theo quy định, điều lệnh, điều lệ thì chẳng làm được gì. Xây dựng một kế hoạch tăng gia, cải thiện đời sống xong. Họp trình ra Đảng ủy ông Bí thư hoảng quá, vì chưa thấy đơn vị nào làm bao giờ. Tôi bảo: "Anh sợ thì anh coi như không biết, để tôi làm, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có gì sai".
Thế là chia nhau đi vay vốn từ nhiều kênh, tìm tài liệu cây trồng, vật nuôi. Quy hoạch lại Thao trường để lấy đất... 
"Nịnh" ông giám đốc nông trường Tam Đảo mượn Cán bộ Kỹ thuật . Đưa xe Tăng ủi đập làm hồ cá kết hợp với luyện lái. Liên kết với Nông trường trồng 3ha chè, 10ha mía. Nuôi một đàn Dê 50 con. Nhận các công trình nhỏ của Xã, của Nông trường cho anh em Công binh thi công ngày thứ bảy.
Cũng có những thất bại ban đầu do nôn nóng và thiếu kinh nghiệm. Thế là thứ bảy, chủ nhật nào tôi cũng lên Thư viện vùi đầu vào sách quản lý, hạch toán kinh tế. Anh em thì đi nhờ vả, hỏi han khắp nơi. Cán bộ Sỹ quan ở gần nhà còn đưa cả vợ con vào hướng dẫn Bộ đội ươm cây giống. 
Nói cho đúng thì cũng bớt một số quân huấn luyện để làm việc trong ngày thường nhưng hợp lòng anh em, chất lượng Huấn luyện không giảm, hội thi, hội thao vẫn có giải cao. 
Tôi chỉ đạo kế toán mở thêm một tài khoản gọi là quỹ phúc lợi, tạm gọi là TK36. Chia ra 70% lợi nhuận dùng vào việc nâng cao chất lượng bữa ăn, chăm sóc bồi dưỡng anh em lúc ốm đau. 20% dùng vào viêc hiếu hỷ. 10% dùng tiếp khách thân nhân cho các cấp.
Hai năm sau Đơn vị đã có một cơ ngơi như môt đơn vị kinh tế sản xuất kinh doanh đa nghành nghề.
Đời sống Cán bộ chiến sỹ bớt khó khăn. Bề nổi Đơn vị cũng được chỉnh trang, cổng chào, khẩu hiệu sáng sủa. Chất lượng học tập, công tác có tiến bộ rõ rệt. 
Sóng gió đến với tôi. Trên kiểm tra, thanh tra liên miên. Tại sao bớt quân số huấn luyện đi chăn dê? Đất Quốc phòng sao trồng chè, trồng mía? Đắp cái hồ nuôi cá to vậy sao không xin phép? Sao đưa xe Tăng đi ủi đường cho nông trường? Tại sao dám mở thêm tài khoản?...
Tôi tự bào chữa. Có ai chịu trách nhiệm với mình đâu.
- Trước hết có 90% Cán bộ, chiến sỹ ủng hộ đồng tình.
- Tôi làm những gì mà pháp luật không cấm. Không quy định không có nghĩa là cấm.
- Những việc làm kinh tế củng là kết hợp huấn luyện thực tế, có khi lại tốt hơn huấn luyện trên thao trường.
- Quan trọng nhất là cải thiện được đời sống anh em, chăm lo hậu phương Chiến sỹ. 
- Và cuối cùng là tôi làm cho tập thể, không tư túi đồng nào. Sổ sách rõ ràng.
Cả một tháng Họp hành bao phiên. Bao ý kiến trái nhau của các sếp. 
Năm sau Sư đoàn nhân rộng mô hình của Đơn vị tôi ra các đơn vị khác. Tôi mang tên "xé rào".
Cái cơ ngơi nhỏ bé hồi tôi "xé rào" ấy nằm bên bờ hồ Đại Lải. Có mấy ông nhà văn Quân đội vào đơn vị đi thực tế bảo tay này có máu liều, ngang nhưng được việc, hắn biết dựa vào anh em và hắn không tư túi nên mới sống được. 
Rồi tôi nhận lệnh "biệt phái". Xếp ân cần: "Cá nhân mình thì rất tiếc, đơn vị vắng đi một Chỉ huy bản lĩnh như cậu, thôi cố gắng nhé..." 
Để chuẩn bị làm Giảng viên Quân sự một trường Đại học, tôi về trường Sỹ quan Lục quân học Sư phạm một năm. Bàn giao đơn vị cho Chỉ huy mới, chia tay cũng lưu luyến lắm.
Học là sở trường của tôi, thêm cái chứng chỉ đạt Giỏi là tôi có đủ bộ bằng cấp: bằng Sỹ quan Tham mưu, bằng Chính Trị, bằng Sỹ quan Xe Tăng bây giờ thêm em Sư phạm nữa. Nghĩ cũng vui vui. 
Về trường nhận công tác, mất một tuần làm quen với Đồng nghiệp. Buổi đầu tiên đứng lớp. Thủ tục chào hỏi xong.
 - Hôm nay tôi cùng các bạn nghiên cứu bài: Đánh địch Phòng ngự trong Công sự vững chắc.
Cả lớp nhao nhao:
 - Thầy ơi, có phải nắm chắc hai phần trên, đi sâu phần dưới không Thầy?
Sinh viên Sư Phạm nghịch có tiếng bây giờ mới chạm trán. Mất mấy giây choáng. Chưa biết xử lý thế nào, dưới lớp  đã râm ran:
  - Thầy ơi! Đừng nói là thầy đã có vợ rồi nha. Nếu thầy có vợ rồi bọn em không cho dạy đâu.
Ôi Trời đất... Rồi tôi cũng nghĩ ra.
  - Thôi... lập lại trật tự, bài giảng tạm dừng tại đây. Chúng ta trao đổi, làm quen, nói chuyện phiếm cho đến hết giờ. 
Cả lớp mừng vui khen thầy Bộ đội tâm lý.  
Thế là chuyện trường, chuyện lớp, chuyện đánh nhau với Pôn Pốt, với Tàu khựa, chuyện Ký túc xá cho đến cuối giờ. Mình chốt lại:
 - Buổi học hôm nay đã thành công. Cảm ơn các bạn. Mai kia thi hết môn tôi ra đề đúng bài hôm nay, các bạn nhớ nhé.
Cả lớp ồ lên: Ơ... thầy. 
Tôi, lúc đầu nghĩ phải cố gắng học hỏi dạy tốt để có cái trêu tức các sếp đẩy mình rời xa Đơn vị. Nhưng khi đã quen trường, thương trò rồi thì khỏi phải nói 3 năm dạy học có biết bao kỷ niệm đẹp. Sức trẻ, hồn nhiên của Sinh viên các em đã gắn bó, truyền cho tôi cảm hứng và sức lực làm việc.
Khi ngấp nghé lên được cái chức Trưởng khoa Quốc phòng thì Đơn vị lại gọi về. "Đơn vị chuẩn bị diễn tập lớn toàn Quân nên cần những chỉ huy bản lĩnh như Đồng chí"... lại lưu luyến chia tay.
Về đến nơi người còn, người đã ra quân. Anh em gặp nhau mừng vui khôn tả...
Cứ nhận nhiệm vụ mới lại bị hỏi "đã lấy vợ chưa". Từ nay chắc tôi không bị hỏi nữa rồi.

(Chuyện kể CCB)

Chuyện làng quê