“Đại đoàn kết toàn dân tộc” – Nét đẹp văn hóa truyền thống về sức mạnh Việt Nam

Ngày 18/11 năm nay kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) cũng là Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. MTTQVN đã chỉ đạo tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết tại các khu dân cư trên cả nước. Các cuộc gặp gỡ sôi nổi, ấm áp tại các tổ dân phố ở đô thị và tại các làng quê nông thôn để ôn lại lịch sử chặng đường 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

 Ngày hội không chỉ đem lại giá trị tinh thần, là nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam mà còn làm giàu ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhân dân ta ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ :“ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

dai-dk-10-1668672041.jpg
Tranh cổ động. Nguồn: Internet.

 

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định cội nguồn sức mạnh Việt Nam là “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Điều đó được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đất nước Việt Nam hình chữ S với hơn 3.260 Km bên bờ biển Đông phải thường xuyên đương đầu chống chọi với thiên tai khắc nghiệt và giặc ngoại xâm hùng mạnh, tàn bạo, nhân dân ta đã đoàn kết trên dưới một lòng, tạo thành sức mạnh tổng hợp đủ sức đương đầu, vượt qua mọi thách thức để chiến thắng mới trường tồn và phát triển.

Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. “Đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, tạo thành sức mạnh, là động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu đó cũng chính là đích đến quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy sự hòa quyện giữa Ý Đảng - Lòng Dân; giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Đảng ta luôn chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân gắn với việc phát huy dân chủ trong đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; thực hiện dân chủ trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở tất cả các cấp, các ngành. Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Trong đó, tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận  và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Ðó là các phong trào, cuộc vận động “ Toàn dân  xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở’’; “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh’’; “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’; hoạt động bảo vệ biên giới, chủ quyền, biển đảo, phòng chống thiên tai, bão lũ và đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng xây dựng quê hương, đất nước.

Đại đoàn kết toàn dân tộc - Sức mạnh Việt Nam đã và đang được thể hiện đậm nét trong “cuộc chiến” phòng chống đại dịch CoVid 19 trong 3 năm qua, là thử thách chưa từng có đối với Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Qua cuộc chiến cam go này, truyền thống  đoàn kết, nhân ái của người Việt Nam "lá lành đùm lá rách", “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” tiếp tục lan toả.

Nhờ huy động được sức mạnh tổng hợp của Đại đoàn kết toàn dân tộc, đến nay Việt Nam đã cơ bản khống chế được đại dịch CoVid 19, cả nước chuyển sang trạng thái bình thương mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa hồi phục, phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, trở thành điểm sáng, là nước kiềm chế được lạm phát, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2022, tạo đà phát triển kinh tế xã hội trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Đất nước đang đứng trước thách thức và vận hội mới, toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ nét đẹp văn hóa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Chúng ta không được chủ quan trước bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường; tiếp tục khống chế, đẩy lùi dịch CoVid 19 và các loại dịch bệnh phát sinh; đẩy mạnh hồi phục phát triển  kinh tế, tiếp tục đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Ðảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’’ trong bối cảnh chủ động hội nhập và thời đại công nghệ 4.0.

V.X.B