Đại đội 16 và trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn (Hồi ký)

Nguyễn Văn Á

03/05/2022 07:04

Theo dõi trên

“ Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng trận đánh của Đại đội 16, Trung đoàn 27, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 ở trung tâm quận lỵ Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương trước cửa ngõ Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, mãi mãi còn khắc sâu trong tâm trí của tôi, mãi mãi là niềm vinh dự tự hào của người lính Trung đoàn 27, Đoàn Triệu Hải anh hùng trong mùa Xuân đại thắng”.

Cuộc hành quân thần tốc

cua-ngo-sai-gon-1651536148.png
Ảnh do tác giả sưu tầm, cung cấp.

 

Sau chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, đầu năm 1975, thời cơ chiến lược của cuộc chiến tranh chống Mỹ ở nước ta xuất hiện. Tại Hà Nội, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã họp và hạ quyết tâm:

-“Khẩn trương chuyển hẳn sang phương án thời cơ, chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch 2 năm (1975 - 1976) ngay trong năm 1975”.

Đây là một quyết tâm rất lớn, rất kịp thời, phát hiện thời cơ chiến lược và nắm bắt thời cơ để chuyển biến cục diện chiến tranh. Vào thời điểm này, Đại đội 16 và Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390) , Quân đoàn 1 đang làm nhiệm vụ đắp đê sông Đáy ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Sáng ngày 16/3/1975, Trung đoàn 27 nhận được lệnh của Sư đoàn 320B:

-“Tổ chức hành quân cơ động gấp từ vị trí đắp đê để nhận nhiệm vụ chiến đấu”.

Theo mệnh lệnh được giao, Trung đoàn 27 là đơn vị đi đầu đội hình hành quân của Sư đoàn 320B và Quân đoàn 1 để kịp tham gia giải phóng tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đội hình hành quân chia thành 2 khối. Khối thứ nhất xuất phát lúc 12 giờ ngày 12/3/1975; Khối thứ hai xuất phát lúc 16 giờ ngày 19/3/1975 từ Binh trạm 1 của Đoàn 559 ở ga Cầu Yên, tỉnh Ninh Bình.

Tại khu vực tạm dừng ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 27 làm công tác ổn định tổ chức, bổ sung vũ khí, trang bị sẵn sàng bước vào chiến đấu; Tổ chức hợp đồng với Trung đoàn 990, Sư đoàn 1, Đoàn 559 về phương án cơ động lực lượng.

Đúng 9 giờ ngày 30 tháng 3 năm 1975, đoàn cán bộ đi trinh sát địa hình của Trung đoàn 27 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu dẫn đầu đã vượt qua đèo Hải Vân đến quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng thì nhận được điện của trên thông báo:

-“Đà Nẵng đã hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn 27 tạm dừng ở Phú Lộc làm công tác chuẩn bị chờ đội hình sư đoàn đang hành quân theo quốc lộ 1 vào Quảng Trị để nhận nhiệm vụ mới”.

Tại vị trí tạm dừng, ngày 2/4/1975, Trung đoàn27 lại nhận lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài - Phó Tổng Tham mưu trưởng với nội dung:

-“Gửi Trung đoàn 27 và Sư đoàn 320B, nhận được điện này, các đồng chí tổ chức cho đơn vị hành quân ra Đông Hà cùng đội hình sư đoàn đi nhận nhiệm vụ mới. Đúng 1 giờ ngày 3/4 phải có mặt. Trung đoàn 990, Sư đoàn 1 sẽ tiếp tục đưa Trung đoàn 27 quay lại thị xã Đông Hà”.

Chấp hành mệnh lệnh của  trên, vào 14 giờ ngày 4/4/1975, từ thị xã Đông Hà, Quảng Trị, Trung đoàn 27 được lệnh hành quân theo quốc lộ 9 lên đường Tây Trường Sơn qua tỉnh An-ta-pư ở Nam Lào về ngã ba Đông Dương theo quốc lộ 14 qua tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai để vào tập kết ở vị trí tạm dừng tại rừng cao su Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Lần đầu tiên hành quân trong đội hình binh chủng hợp thành trên đường Tây Trường Sơn núi cao, vực sâu, đường quanh co hiểm trở lại vào đầu mùa khô trời nắng như đổ lửa và bụi đỏ ngập đường. Bộ đội ngồi trên xe chỉ còn nhìn thấy hai con mắt, từ đầu đến chân, ba lô, súng đạn tất cả đều nhuộm đầy bụi đỏ. Mỗi ngày chúng tôi phải hành quân gần 20 tiếng đồng hồ, mệt mỏi và căng thẳng. Ở mỗi chặng đường dừng chân bộ đội chỉ có hơn 1 tiếng đồng hồ nấu cơm, ăn cơm rồi đi tiếp. Ban đêm ngủ dã ngoại dọc đường thời gian tuy ngắn nhưng vẫn phải tổ chức thay ca canh gác. Vất vả nhất là bộ phận nuôi quân, hàng ngày hành quân như bộ đội nhiều đồng chí không chụi được mùi xăng bị say xe nôn thốc nôn tháo, nhưng khi đến vị trí tạm dừng vẫn phải đào bếp Hoàng Cầm nấu cơm cho bộ đội. Khi hành quân đến khu vực Bắc Tây Nguyên, Đoàn 559 chuyển cho Trung đoàn 27 lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

-“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam quyết chiến và toàn thắng”.

Trên đường đi chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi ý thức rằng, mệnh lệnh của đại tướng là lời hiệu triệu của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân mà người lính như chúng tôi phải thực thi bằng mọi giá.

Trận đánh của đơn vị luồn sâu

Ngày 27/4/1975, sau 1 tháng hành quân bằng cơ giới từ thị xã Đông Hà, Quảng Trị đến bờ Nam Sông Bé, Đại đội 16 Súng máy Cao xạ 12,7 ly của tôi được tăng cường cho Tiểu đoàn 5 làm nhiệm vụ luồn sâu đánh chiếm các mục tiêu trong quận lỵ Lái Thiêu và Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương của Sư đoàn 5 Ngụy ở tỉnh Bình Dương.

Đúng 7 giờ sáng ngày 28/4/1975, Tiểu đoàn 5, Đại đội 16 và các đơn vị tăng cường hành quân đến suối Ông Đông thì gặp một chốt bảo an của địch đóng ở đây nên đã bí mật luồn tránh qua chốt bảo an này mà địch không hề biết. Sáng ngày 29/4/1975, khi Tiểu đoàn 5 đến ngã ba Tân Hiệp, bộ phận trinh sát dẫn đường gặp một toán thám báo địch liền tổ chức bao vây bắt sống được hai tên. Khai thác tù binh ta được biết:

-“Chúng được giao nhiệm vụ thăm dò lực lượng ta, nếu phát hiện thấy ta thì báo cho cấp trên rồi chỉ điểm cho pháo binh dùng hỏa lực tiêu diệt”.

Lúc 3 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, bộ phận đi đầu của Tiểu đoàn 5 gặp địch ở phía Bắc quận lỵ Lái Thiêu. Trước tình huống bất ngờ này, mặc dù chưa bắt được liên lạc với Tiểu đoàn 6 làm nhiệm vụ thọc sâu của Trung đoàn 27, nhưng Tiểu đoàn 5 vẫn quyết tâm nổ súng đánh địch trước khi trời sáng. Theo phương án chiến đấu đã dự kiến, Tiểu đoàn 5 hình thành thế bao vây chia cắt địch ở quận lỵ Lái Thiêu. Tại đây, được cô Mỹ, cô Hương là cán bộ cơ sở dẫn đường, Tiểu đoàn 5 đã tổ chức đánh chiếm các mục tiêu trong quận lỵ Lái Thiêu. Theo đó, Đại đội 5 do Đại đội trưởng Vương Văn Vinh chỉ huy, đã đánh thẳng vào Chi khu quân sự Lái Thiêu, lực lượng địch ở đây dựa vào công sự và lô cốt dùng hỏa lực ngoan cố chống cự ta quyết liệt nhưng đã bị Đại đội 5 tiêu diệt và làm tan rã.

Đại đội 6 do Đại đội trưởng Nguyễn Quang Khởi chỉ huy, lúc này đang tổ chức đánh địch ở ngã tư Lái Thiêu và phát triển đánh chiếm Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương của Sư đoàn 5 Nguỵ. Rất may trong quá trình phát triển chiến đấu, Đại đội 6 đã bắt được liên lạc với Tiểu đoàn 6 đơn vị làm nhiệm vụ thọc sâu của Trung đoàn 27.

Tại Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương, khi bị ta đánh chiếm tháp canh cùng một số điểm chốt bên ngoài và vây chặt căn cứ. Tên Trung tá chỉ huy trưởng của trung tâm huấn luyện này đã chủ trương “án binh bất động”, rồi cởi bỏ quân phục mặc quần áo lót chạy trốn khỏi trung tâm nhưng đã bị Đại đội 9 bắt sống. Sau khi được quân ta giải thích về chính sách khoan hồng của chính quyền cách mạng, tên Trung tá đã quay lại Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương đưa 1.800 sỹ quan, binh lính của trung tâm này ra đầu hàng.

Chớp thời cơ thuận lợi trong quá trình chiến đấu, Đại đội 7 là lực lượng dự bị của Tiểu đoàn 5 do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Tý chỉ huy, đã nhanh chóng đưa lực lượng lên chốt giữ cầu Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình, cầu Vĩnh Phước làm bàn đạp cho Tiểu đoàn 6 và lực lượng thọc sâu của Sư đoàn 320B phát triển đánh chiếm các mục tiêu trong nội đô thành phố Sài Gòn.

 Đánh địch rút chạy trên đường phố Lái Thiêu

Sau khi đánh chiếm được quận lỵ Lái Thiêu và Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương, Tiểu đoàn 5 và Đại đội 16 đang xốc lại đội hình để cơ động vào trung tâm thành phố Sài Gòn, thì được báo có một đoàn xe gồm 3 chiếc xe tăng M-48, 1 chiếc xe thiết giáp M-113 và khoảng 20 chiếc xe GMC chở đầy lính từ huyện Bến Cát, đang tháo chạy qua trung tâm quận lỵ Lái Thiêu về hướng Sài Gòn. Vừa chạy, chúng vừa bắn như vãi đạn ra hai bên đường phố để trấn áp quân ta. Lúc này Trung đội 3 do tôi ( Nguyễn Văn Á ) làm Trung đội trưởng đi sau đội hình hành quân của Đại đội 16, đang dừng chân ở khúc cua tay áo trên đường phố Lái Thiêu thì đoàn xe của địch bất ngờ lao tới. Chiếc xe tăng M-48 dẫn đầu đội hình do tháo chạy với tốc độ cao đã đâm thẳng vào cột điện bên đường làm cột điện đổ xuống đè lên chiếc xe tăng. Thấy xe tăng chết máy không thể điều khiển được, bốn tên địch vội vàng bật nắp buồng lái nhảy ra khỏi xe định chạy trốn vào nhà dân bên đường liền bị tôi và các chiến sĩ Trung đội 3 bắt sống.

Trong lúc hai chiến sĩ Trung đội 3 đang dẫn tù binh lên bàn giao cho đồng chí Nguyễn Quang Cần - Đại đội trưởng Đại đội 16 nằm ở đầu đội hình hành quân, thì một đoàn 3 chiếc xe GMC chở đầy lính chạy thục mạng lại bất ngờ lao tới. Tận dụng chiếc xe tăng M-48 của địch làm lá chắn, tôi xả một băng AK vào chiếc xe đi đầu nhưng nó vẫn cố chạy thoát thân về hướng Sài Gòn. Khi 3 chiếc xe GMC đã chạy qua đội hình chiến đấu củaTrung đội 3, tôi nhanh chóng vượt qua đường nhựa nằm giữa hai dãy phố Lái Thiêu để bắt sống ba tên địch vừa nhảy xuống khỏi xe GMC đang chạy trốn vào nhà dân đối diện. Đúng lúc ấy, một đoàn xe GMC khác lại lao tới. Một tên lính Nguỵ đầu quấn băng trắng toát, một tay bám chặt vào thành xe, tay còn lại giơ khẩu súng AR-15 hướng vào tôi nhả đạn. Thật may mắn cho tôi do tên địch chỉ bắn súng một tay trong khi chiếc GMC đang chạy nên loạt đạn chỉ cày trên mặt đất cách tôi chừng nửa mét! Nếu không chắc tôi đã hy sinh hoặc ít nhất cũng bị thương rất nặng?

Bàn giao xong 3 tên tù binh vừa bị tôi bắt sống cho Đại đội trưởng Nguyễn Quang Cần, tôi trở lại Trung đội 3 để tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu. Trên đường đi tôi phát hiện thấy 5 tên địch bị thương rất nặng nằm ở bên đường đang vẫy tôi cầu cứu. Thấy thế tôi liền chạy đến chỗ 5 tên địch. Vừa chạy, tôi vừa móc cuộn băng cá nhân đeo bên hông để băng bó vết thương cho chúng. Nhưng chưa kịp đến nơi thì một tiếng nổ đinh tai nhức óc bỗng vang lên khói bụi bay mù mịt làm cho tôi xây xẩm cả mặt mày. Thì ra trong lúc tôi chạy đến băng vết thương cho chúng, một tên lính Nguỵ đã ném lựu đạn mỏ vịt để giết hại tôi!  Một lần nữa tôi lại thoát khỏi nanh vuốt tử thần mặc dù quả lựu đạn nổ cách tôi chưa đầy 3 mét.

Ở đầu đội hình chiến đấu của Đại đội 16 khi chiến sự xảy ra, đồng chí Phạm Bá Ruần - Khẩu đội trưởng Khẩu đội 3, Trung đội 2 đã kịp thời ra lệnh cho Xạ thủ số 1 Vũ Duy Cương và kíp chiến đấu giá súng bắn mục tiêu mặt đất để tiêu diệt chiếc xe GMC chở đầy lính đang lao thẳng vào Khẩu đội 3.Trước loạt đạn thẳng căng của khẩu Súng máy  12 ly7, chiếc xe GMC bị trúng đạn đâm sầm vào nhà dân bên đường và bốc cháy sau khi đè gãy càng khẩu 12ly7. Những tên lính trên xe vội vàng nhảy xuống đất để không bị thiêu cháy lập tức bị các chiến sĩ Trung đội 2 bắt sống 20 tên.

Trận chiến đấu đánh địch rút chạy trên đường phố Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương ngày 30/4/1975 chỉ diễn ra khoảng nửa tiếng đồng hồ. Đại đội 16 bắt sống được 1 chiếc xe tăng M-48 và 4 tên địch gồm trưởng xe, lái xe và pháo thủ; bắn cháy 1 xe GMC; tiêu diệt 30 tên địch; bắt sống 23 tên tù binh, trong đó tôi ( Nguyễn Văn Á ) bắt sống 3 tên; Tiểu đoàn 5 bắn cháy 1 xe thiết giáp M-113, 1 chiếc xe jeep, tiêu diệt 60 tên địch, bắt sống 250 tù binh, thu nhiều phương tiện chiến tranh và đồ dùng quân sự.

Sau khi trận đánh địch rút chạy trên đường phố Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương kết thúc thắng lợi. Thừa thắng xốc tới, Đại đội 16 và Tiểu đoàn 5 trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 27, lại tiếp tục đánh chiếm khu Lục quân Công xưởng; Căn cứ 60 Tiếp vận Truyền tin; Cục Quân y và nhiều mục tiêu khác của địch ở quận Gò Vấp, thành phố Sài Gòn.

    Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cũng là lúc Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390), đã hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu cuối cùng của địch ở nội đô thành phố Sài Gòn trong niềm vui đất nước đã hoàn toàn giải phóng.

Vĩ Thanh sau cuộc chiến

Có lẽ chưa bao giờ sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc lại được phát huy cao độ như Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử? Chưa bao giờ thế và lực của ta trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975 lại ở thế thượng phong và mạnh mẽ đến thế? Và cũng chưa bao giờ lòng nhân đạo của Bộ đội Cụ Hồ đối với tù binh địch lại cao thượng đến thế. Ngày ấy đánh đến đâu, bắt được tù binh địch đến đâu chúng tôi đều tuyên truyền chính sách khoan hồng của cách mạng đối với tù binh địch rồi thả cho họ về với gia đình với quê hương. Chính điều này đã chứng minh ngược lại những gì mà Chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã mất rất nhiều thời gian, công sức nhồi nhét vào đầu nhân dân miền Nam cái viễn cảnh Việt Cộng sẽ tắm máu nhân dân miền Nam sau cuộc chiến!

Tất cả những gì đã diễn ra trong chặng đường hành quân đi chiến dịch “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” của đại quân ta nói chung, của Đại đội 16 nói riêng, có lẽ còn tốn nhiều giấy mực của những người viết sử chiến tranh để cắt nghĩa một cách rạch ròi rằng: Sức mạnh nào đã giúp Việt Nam - một đất nước nghèo nàn lạc hậu đất không rộng, người không đông đã chiến thắng kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 trong thế kỷ 20?

Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng kỷ niệm về trận đánh cuối cùng trước cửa ngõ sài Gòn của Đại đội 16 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức tôi chẳng thể phai mờ. Đối với tôi, trận đánh ấy còn giúp tôi thấu hiểu một điều: Nhờ hồng phúc tổ tiên che chở, tôi hai lần thoát chết chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ chién đấu ở đường phố Lái Thiêu. Sự may mắn ấy rất hiếm gặp đối với người lính trong chiến tranh, vì thế trong suốt cuộc đời mình tôi luôn trồng quả phúc để báo đáp và tri ân tiên tổ.

-“Người trồng quả Hạnh người chơi/ Tôi trồng quả Phúc đời đời báo ân”.

Hà Nội, ngày 29/4/2022.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Đại đội 16 và trận đánh trước cửa ngõ Sài Gòn (Hồi ký)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn