Đại gia đình cầu thủ bóng đá Từ Như Hiển

Hôm rồi cựu cầu thủ kiêm phóng viên Đặng Gia Mẫn viết về một người bạn học, rằng anh ấy là Việt kiều nên đá bóng giỏi.
tu-nhu-hien-1636850822.jpg
Ông Từ Như Hiển trên sân Hàng Đẫy

 

Lập tức có bình luận phản bác rằng đâu cứ Việt kiều là biết đá bóng.

Thực ra ở xứ Annam xưa, bóng đá chỉ có ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Cần Thơ hay Nam Định.

Ở thôn quê, dân chúng không hề biết quả bóng da nó tròn hay méo đến mức có trận bóng đá trên phố huyện, quan phụ mẫu phải sức cho lý dịch bắt người đi xem. Quan phụ mẫu còn kiêm nhân viên quảng cáo, khoe “các chiến tướng đá hay mọi nhẽ” để đám lực điền có động lực đi xem, dù họ vướng bận buổi cày mong kiếm thêm chút gạo cho đám con đang đói rã họng hoặc món tiền sưu, tiền thuế thân vẫn chưa biết kiếm đâu ra.

Lúc đó, ở nước ngoài về, biết võ vẽ về môn bóng đá cũng là bậc tài giỏi.

Tuy vậy, bóng đá lại cần tài năng trời phú. Ai đá cũng được nhưng không phải ai cũng đá hay.

Hàng vạn gia đình Việt kiều về Việt Nam xây dựng đất nước sau năm 1954, hình như chỉ có các con của ông Từ Như Anh ở Tân đảo về mới là những người có tố chất bẩm sinh dành cho môn bóng đá.

Năm 1963, khi chuyến tàu hồi hương Việt kiều từ New Caledonia (Tân đảo) vừa cập bến Hải Phòng, ông Hoàng Nghĩa Đường vốn là cựu võ sỹ boxing vô địch Đông Dương, phụ trách đội bóng đá CAHN, đã nhận được tin báo về những người con đá bóng giỏi của ông Từ Như Anh.

tu-nhu-hien1-1636850822.jpg
Ông Từ Như Hiển ngồi thứ 2 từ trái sang

Lập tức ông Hoàng Nghĩa Đường xuống Hải Phòng, thuyết phục họ về đá cho đội bóng đá CAHN. Chỉ chậm một chút, những người con ông Từ Như Anh sẽ là thành viên đội bóng đất Cảng.

Năm 1963, ông con trưởng của cụ Anh là Từ Như Thành đã gần 20 tuổi, ông thứ là Từ Như Hiển mới tuổi 17 nhưng đã được cụ Lê Nghĩa, Phó giám đốc Sở Công an Hà Nội, duyệt vào biên chế chính thức của đội CAHN.

Đội lúc đó có ông Thành A, hay khoác băng thủ quân. Thành B là ông Lai Thành, khi giải nghệ về làm công an Hai Bà Trưng. Vì vậy ông Từ Như Thành được gọi là Thành C.

Đậm người, cao 1m70, có kinh nghiệm thi đấu, ông Thành C là lựa chọn số 1 ở vị trí trung vệ đội bóng CAHN suốt những thời vàng son của mình.

Ông có lối đá giống Rio Ferdinand của MU hay  như Đình Trọng ở FC Hà Nội bây giờ. Lối đá hợp lý và hiệu quả. Không động tác thừa và lấy bóng trong chân các tiền đạo cực khéo.

Lối đá ít dùng sức khiến ông dồi dào thể lực vào những phút cuối trận, rất khác với các cầu thủ hiện đại ngày nay.

Hồi trước giáo án thể lực của ông Bùi Nghẽn, HLV đội CAHN là “nặng” nhất trong số các đội bóng ở miền Bắc, nhưng ông thực hiện “ngon ơ” nhờ đã được tích lũy từ những ngày thi đấu bóng đá ở New Caledonia.

Ông Từ Như Thành trầm tính, ít nói như cách thể hiện của ông trên sân cỏ.

Khi giải nghệ, ông ra nước ngoài sinh sống nhưng hễ có dịp, ông lại về Việt Nam để cùng ông Thọ “gáo”, Sơn “min”, Du “cò” chăm chút cho đội bóng cựu cầu thủ CAHN khi đó vừa mới thành lập.

Ông Từ Như Hiển lại khác. Ông cao 1m71, chiều cao lý tưởng cho các tiền đạo hồi bấy giờ.

Khuôn mặt ông đậm nét Tây, lại từ Tân đảo về nên được biệt danh là Hiển “coóc”- Một tên gọi đã Annam hóa của đảo New Caledonia.

Năm 1963 là năm ông theo nghiệp bóng đá ở đội CAHN, và năm sau khi tròn 18 tuổi, ông đã được tuyển vào đội tuyển quốc gia đi thi đấu tại Cam-pu-chia. Đội tuyển quốc gia năm đấy sừng sững những tượng đài như Lê Thế Thọ, Trần Duy Long, Hoàng Tiến Nghị, Lê Đình Chính…, vậy mà trận ra quân, ông đã được xếp ngay vào đội hình xuất phát.

 Ông thuận chân trái, thân trên rất dẻo và kỹ thuật qua người rất khéo khéo. Ông lại là người có tốc độ nên khi đã qua được người thì không ai đua kịp với ông.

Năm 1973 ông cùng đội tuyển sang Cu-ba. Trận cuối cùng đá với đội tuyển quốc gia của bạn. Cu-ba lúc đó là cường quốc bóng đá vùng Caribe, có cặp trung vệ da đen cao to lừng lững.

Đội Việt Nam bị dẫn một bàn và luôn ở trong tình trạng chống đỡ. Khán giả Cu-ba quý các cầu thủ đến từ đất nước đang có chiến tranh và họ cũng cảm phục tinh thần thi đấu ngoan cường của các cầu thủ Việt Nam.

Trận đấu dần về phút cuối. Ông Phúc ‘vổ” ở tuyến dưới có bóng, nhìn thấy ông Hiển ‘coóc” đang ở khoảng trống giữa hai trung vệ của đội bạn liền phất quả dài. Bóng qua đầu trung vệ, được ông Hiển “coóc” khống chế gọn gàng rồi dắt sát cầu môn mới tung cú sút. Bàn gỡ hòa cuối trận đấu của tuyển Việt Nam với tuyển Cu-ba khiến Chủ tịch Phiden Castro (Dù trước trận đấu đã xuống tặng hoa 2 đội), cũng phải bật dậy xuống sân ôm hôn và biểu dương tinh thần quả cảm của các cấu thủ Việt Nam.

Kế ông Hiển “coóc” là Từ Như Quang. Ông này đá trung vệ cho đội Đường sắt cùng một phong cách như ông cả Thành C. Giải vô địch lần đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất năm 1980, đội Đường sắt đã lên ngôi vô địch.

Đáng nhớ nhất, ngày 7/11/1976, ông Từ Như Quang đã cùng đội Đường sắt đại diện bóng đá miền Bắc vào thi đấu với đội Cảng Sài Gòn trên sân vận động Thống nhất. Trận cầu đoàn tụ, trận cầu lịch sử của bóng đá Việt Nam kết thúc bằng chiến thắng 2-0 của các chàng trai đến từ Thủ đô Hà Nội.

Con cụ Từ Như Anh còn có Từ Như Sơn, gọi là Sơn “nghé”, đá trong đội hình CAHN.

Sơn “nghé” đá tiền vệ, hội đủ sự trầm tính của ông Thành C và sự khéo léo của ông Hiển “coóc”.

Đến giờ Sơn “nghé” vẫn đá cho lão tướng CAHN. Lối đá khoan thai giàu chất kỹ thuật khiến những đồng đội xung quanh vững tâm và cùng triển khai tấn công với nhịp độ rất riêng của Sơn “nghé”.

Từ Minh Hải, con trưởng ông Hiển “coóc” cũng là tiền đạo mũi nhọn của CAHN xưa. Lối đá giống cha nhưng thuận chân phải. Tuyến dưới đá bổng vào trung lộ là thấy anh chàng này đột nhiên xuất hiện, lì lợm tranh bóng với hậu vệ đối phương rồi dứt điểm. Từ Minh Hải nổi tiếng với những pha sút chéo góc cầu môn. Có thể hình, có lực sút. Nhiều trận thủ môn bắt bài mà vẫn không kịp rướn người phá bóng.

Đại gia đình thể thao này còn có ông Từ Như Hà là tuyển thủ quốc gia môn bóng chuyền, khoác áo đội Thể công.

Thật tiếc với người em út là Từ Như Vinh chẳng may mất sớm, nếu không người này cũng sẽ đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như những người anh.

Trong đại gia đình bóng đá này, ông Từ Như Hiển được đánh giá là tiền đạo hay nhất Việt Nam thập kỷ 1960 và 1970 của thế kỷ trước. Tuy vậy, ông vẫn luôn nói : “Đúng là tôi có chút ít năng khiếu nhưng may mắn là được sinh ra trong một gia đình thể thao, có môi trường văn hoá tốt, lại được những người thầy nghiêm khắc chỉ bảo nên mới có điều kiện cống hiến hết khả năng của mình”.

Theo Chuyện làng quê