Đài quan sát “mắt thần” (Kỳ 1)

Nhân kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất Nước, tôi xin trích đăng một phần trong Hồi Ký MỘT THỜI LÀ LÍNH.

Vào chiến dịch

Sáng ngày mùng Ba Tết Tân Hợi (29/01/1971) – sau một ngày (Mùng hai Tết) vừa cùng anh em đơn vị lao động tăng gia trồng sắn nhằm xây dựng kế hoạch đảm bảo lương thực tại chỗ; chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị đi “công tác”.

Đơn vị phân công một phân đội do đại đội trưởng Nguyễn Văn Tiết - quê Quảng Trị trực tiếp chỉ huy, anh Phùng Bá Sáu phân đội phó, cùng các anh Hồ Trọng Thực, Hoàng Văn Tạo, Cao Thanh Huy, Nguyễn Văn Oanh, Nguyễn Đăng Thành, Võ Minh Lam, , Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Văn Tuận, Tôi cùng mấy anh em nữa...; biên chế cùng phân đội có tổ đài thông tin 2w (oát) do anh Nguyễn Văn Quang - quê Thanh Hóa - là đài trưởng, anh Nguyễn Ngọc Tình – quê Hà Tĩnh - là báo vụ; anh Ngô Quang Trung - quê Nghệ An - là y tá. Sau một ngày chuẩn bị gấp gồm quân tư trang, túi thuốc cá nhân, gạo, cơ số đạn, lựu đạn, dao găm, súng AK báng gấp và lương khô. Phân đội còn mang theo xẻng gấp, cưa tay, cuốc chim để đào hầm trú ẩn; ống nhòm (loại ống nhòm bội số 8x15 và ống nhòm bội số 8x8), bản đồ và địa bàn để làm nhiệm vụ.

chien-dich-1650584335.png
Ảnh 1: Tác giả (Chụp tại chiến dịch), còn lại ảnh sưu tầm

 

Lúc này trên dây lưng to (loại dây lưng chúng tôi đeo thường lấy của thám báo Mỹ để dùng) gồm dao găm, 2 băng đạn AK, 2 quả lựu đạn, túi thuốc cá nhân, túi đựng 2 bánh lương khô và bi đông nước, mỗi người đeo ước chừng năm đến bảy ki lô gam ở thắt lưng, chưa kể ba lô có tư trang cá nhân, võng, tăng bạt, gạo, thực phẩm, người đeo xoong nồi, người thì cuốc xẻng, cưa tay. Riêng tôi hay phải đi đầu còn phải mang thêm bản đồ, địa bàn và ống nhòm trước ngực. Tối hôm đó phân đội chúng tôi được thủ trưởng chính trị viên đại đội Nguyễn Văn Thành quán triệt tầm quan trọng của nhiệm vụ. Chúng tôi cũng được thông báo Mặt trận đã thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận lấy gọi là: Mặt trận B70, lấy tên Chiến dịch Đường Chín - Nam Lào gọi tắt là chiến D72 và báo “mật khẩu” quy định để cần bắt liên lạc với đơn vị bạn hoặc kiểm tra khi gặp người của đơn vị khác trong địa bàn hoạt động. Sáng sớm hôm sau 30/01/1971 (mồng 4 Tết Tân Hợi) chúng tôi xuất phát từ hậu cứ ở đội 8 nông trường Quyết Thắng- Vĩnh Linh theo hướng Đông Nam, vượt qua sông Bến Hải, qua Động Long (điểm cao 624). Sau mấy ngày đạp rừng, cắt góc phương vị, Đến nơi có thể đặt đài quan sát được phải hành quân mất mấy ngày. Đường hành quân rất gian nan vất vả, trời mưa lạnh, muỗi, vắt bấu từ đầu đến chân, vắt bấu cả chùm hàng chục con một chỗ, vắt xanh bấu vào người nó cắn đau nhói còn biết để gỡ chứ vắt nâu nó cắn êm không biết, phải đến khi nó hút máu no căng như đầu đũa, nó tự rơi ra mới biết, lúc ấy máu đã chảy ướt quần áo rồi. Theo chỉ đạo của Phòng 2 chúng tôi đến Sa Pa (điểm cao 635 ở phía Tây khu vực Sa Mưu, phía Bắc đường 9). Lúc này trời đã xẩm tối chúng tôi tìm nơi gần khe suối nhỏ nghỉ lại. Vì đã vào sâu trong lòng địch nên hoạt động phải rất bí mật (đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không mạnh) riêng tôi là khó chịu nhất vì tôi bị viêm họng hạt mãn, trời lạnh là bị tái phát (thời gian này ở Quảng Trị trời mưa dầm và rất lạnh). Mỗi lúc ho tôi phải bịt miệng, có khi phải cúi ấp mặt xuống đất để ho, lúc ấy ước gì được ho một tiếng thật mạnh để khạc bỏ đờm trong cổ họng ra ngoài.Thật thấm thía ý nghĩa câu nói của Bác Hồ: “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO”.

Đại đội trưởng Tiết chỉ huy rất nghiêm túc, chỉ khi nhá nhem tối và tờ mờ sáng lợi dụng lúc trời có sương mù, mới cho nấu ăn, buổi tối nếu hơi muộn có ánh lửa là phải dập bỏ ngay, buổi sáng nếu có khói tỏa cũng phải rút từng thanh củi dúi xuống đất cho tắt hẳn dù cơm chưa chín kỹ. Quá căng thẳng! Đêm đêm chúng tôi phải thay nhau cảnh giới, chỉ tiếng chuột chạy hay chiếc lá rụng cũng đã giật mình tỉnh giấc vì có địch ở ngay trên đồi mà chúng tôi ở dưới khe suối nhỏ. Lúc này địch đã hành quân ồ ạt theo đường số 9 lên biên giới Việt - Lào nên chúng cho thám báo hoạt động ở tuyến ngoài rất mạnh. Nhiệm vụ chúng tôi phải áp sát Đường 9 (xen kẽ giữa lòng địch) mới theo dõi được cuộc hành quân của chúng. Mưa lạnh cũng là điều đáng kể, nhớ có lần chúng tôi đi công tác một tổ lẻ do yêu cầu nhiệm vụ luồn sâu đi phải gọn nhẹ không mang được ba lô tư trang, chỉ có vũ khí và một bộ quần áo mặc trên người, đi đường không được mặc áo mưa, tối đến phải cởi quần áo dài ướt treo vào cành cây, chỉ mặc quần áo lót trong gùi còn khô, đắp mảnh dù để ngủ.(thường lấy áo bạt đi mưa của Mỹ cắt đôi, may thành gùi, cắt quai ba lô rách của ta, buộc làm quai đeo). Sáng dậy đi tiếp lại cởi quần áo lót khô cất vào gùi mặc lại quần áo ướt để đi. Trời lạnh cái khăn ướt đưa lên rửa mặt cũng đã lạnh cóng tay, huống chi phải khoác vào người cả bộ áo quần ướt sũng, cái lạnh nó ngấm thấu vào tận xương tủy. Đi đường có lúc tôi phải lấy tay nâng áo phía trước cho khỏi dính áo ướt vào da thịt cho bớt lạnh. Nhớ lúc ở nhà đi làm ruộng gặp mưa ướt quần áo chỉ lúc sau về nhà là được mặc ấm rồi, còn lúc đó chúng tôi phải chịu ướt lạnh như thế mấy ngày đêm liền, bây giờ nghĩ lại mới thấm!

Hôm sau đại đội trưởng cử tôi cùng đồng chí Quang - thông tin - ra tuyến sau lấy gạo. Chúng tôi chỉ mang tăng, võng, quần áo lót (mang ít tư trang cho nhẹ để còn đeo được nhiều gạo) và chiếc ăng gô để thay xoong nấu cơm. Hôm ấy hai chúng tôi đi trong mưa rét, mù mịt nên trời ập tối lúc nào không biết, phải nghỉ lại giữa rừng cây lúp súp, chúng tôi bẻ cành cây làm cọc chéo, một cành ngang luồn vào quai treo ăng gô làm bếp, kiếm được mấy cành củi ướt sũng, nhóm lửa mãi mới cháy, củi nhỏ, không có than nên cơm chỉ chín được “tám rưỡi” cũng phải ăn, ăn xong không tìm được cây để mắc võng, chúng tôi chải ni lông ra đất rừng nằm ôm nhau chập chờn ngủ.

Anh em ở lại đi tìm đặt đài quan sát, gặp địch xảy ra trận “tao ngộ chiến” diệt được 5 tên lính Mỹ, anh Nguyễn Văn Điển thu chiến lợi phẩm được khẩu súng Cacbin còn anh Hồ Trọng Thực hy sinh (vừa rồi anh Ngô Quang Trung đưa gia đình vào tìm hài cốt nhưng không thấy)

Sau ngày xảy ra trận tao ngộ chiến, đại đội trưởng cử tôi làm tổ trưởng cùng anh Nguyễn Đăng Thành - quê Yên Thành, anh Nguyễn Văn Oanh - quê Nam Đàn - Nghệ An đi tìm đặt đài ở hướng khác. Tôi đi đầu đến lưng chừng đồi cỏ tranh, vừa tới mép hố bom nhỏ trong tư thế ngồi chân chống, chân quỳ quan sát, tôi phát hiện một tên lính Mỹ cao to, đầu trọc, tay xách khẩu AR 15 (tiểu liên cực nhanh) đang đứng ở bên kia hố bom quan sát, cách tôi chỉ hơn chục mét. Tôi vội vẫy tay cho anh Thành đi sau lùi lại. Tôi đã kịp gạt báng gấp của AK để sẵn sàng nổ súng nếu địch phát hiện, tôi tưởng sẽ có loạt đạn bắn theo, nhưng không! Chắc nó đứng cảnh giới và quan sát phía xa, không ngờ có “Vi si” (Việt cộng) bộ đội Giải phóng gần sát ngay nó. Còn tôi không nổ súng trước vì nhiệm vụ của chúng tôi là hoàn thành nhiệm vụ trinh sát là chính, chỉ khi địch phát hiện bị lộ (tao ngộ chiến) mới phải nổ súng chiến đấu. Như vậy khu vực này bất lợi về địa hình nên trên Phòng chỉ đạo chúng tôi chuyển hướng đến khu vực trung tâm gần Tà Cơn cho dễ nắm được mọi hoạt động của địch (như trong bài thơ “KỂ CHUYỆN KHE SANH” tôi viết ngay sau chiến dịch kết thúc)

Di chuyển địa bàn hoạt động từ phía Đông lên phía Tây huyện Hướng Hóa quả là chặng đường dài gian nan, nguy hiểm. Chúng tôi phải đi vòng tránh những điểm chốt của địch, nhưng với thám báo thì không biết đâu mà tránh, rất căng thẳng, ác liệt. Chúng tôi cắt rừng theo góc phương vị, hướng theo bản đồ, địa bàn để xác định hướng đi. Vì đi trong rừng, trời mưa suốt ngày không có ánh mặt trời để biết hướng, nếu không giỏi “binh địa”, xác định tốt vị trí đứng trên bản đồ thì rất dễ bị lạc, sẽ bị đi loanh quanh trong rừng hoặc đi vào cứ điểm của địch. Chúng tôi chọn đường đi những chỗ cheo leo hiểm trở, vì những “yên ngựa” (chỗ võng giữa hai đỉnh đồi) dễ đi thường hay gặp thám báo. Chúng tôi cắt đường qua khu rừng già, đang qua sườn dốc thì nghe tiếng nước chảy, xác định vị trí đứng trên bản đồ chúng tôi biết chỗ này dốc lắm vì đường “bình độ” rất mau và có suối. Để đi đúng hướng (tránh địch) chúng tôi buộc phải cắt rừng qua đó, xuống được một đoạn thì chúng tôi nhìn thấy một thác nước cao hàng chục mét, nước đổ xuống trắng xóa rất đẹp (chắc đó bây giờ đã là khu du lịch).

Cảnh đẹp nhưng dốc đứng, chúng tôi phải đu người trên vách đá, tay bám vào những rễ cây, lưng vẫn đeo ba lô nặng, không may mà tuột tay chắc đã gieo mình xuống thác nước. Có chỗ dốc quá người đi thứ hai phải ngồi xuống cho người đi trước đứng trên vai trèo lên bám vào rễ cây mới lên được, sau phải quay người lại, một tay nắm vào rễ cây, một tay nắm tay người đi sau kéo lên. Cứ thế người đi đầu vẫn phải căng mắt quan sát phía trước, lắng nghe từng động tĩnh hai bên, chú ý mùi thuốc lá của thám báo (chúng hút thuốc lá điếu thì còn phát hiện được mùi thơm lạ, còn chúng dùng thuốc lá ngậm để tránh mùi thì cũng chịu). Hướng di chuyển của cánh trinh sát chúng tôi cứ đan xen với khu vực hoạt động của bọn thám báo Mỹ, nhất là sau trận đụng độ mà phân đội chúng tôi đã diệt 5 tên địch trước đó mấy ngày, chúng càng tăng cường hoạt động. Đường chúng tôi hành quân thường giẫm lên dấu vết của địch mới đi qua; quá căng thẳng và nguy hiểm. Người đi đầu là căng thẳng và nguy hiểm nhất, dễ vấp phải bẫy mìn của địch, phải đi trước cách đội hình hàng chục mét vì nếu giẫm phải mìn thì đội hình đi sau cách xa sẽ tránh được thương vong, chỉ người đi trước hứng chịu, không may gặp địch mà chúng phát hiện cũng dễ bị “ăn đạn” trước nhất. Một điều không quên trong những ngày này là chúng tôi hành quân liên tục từ hậu cứ đến Sa Pa rồi từ Sa Pa đến Khe Sanh vừa gấp gáp, vừa căng thẳng nên không được tắm giặt. Ngoài việc muỗi, vắt ở bên ngoài xâm nhập, bệnh nấm ngoài da hoành hành, bệnh viêm da làm đỏ nẫng đùi non, đi đường quần áo sát vào đau rát như xát muối. Hai bên nách cũng vậy, vừa mép tay áo, vừa quai ba lô sát vào càng đau. Đau lắm! Lúc ấy chỉ ước được thả mình trong dòng nước suối. Trên đường luồn rừng thỉnh thoảng chúng tôi phát hiện những cứ điểm của Mỹ đóng chốt hàng ngày đều có máy bay trực thăng thả hàng tiếp tế hoặc chúng đổi quân. Ngoài những chiếc thả hàng tiếp tế, có chiếc chở cả những téc nước. Đến điểm chúng đóng quân máy bay dừng ở độ cao vừa phải là chúng mở vòi từ téc nước ra làm mưa cho bọn lính tắm, chúng tôi thường gọi chúng là bọn “lính công tử” còn chúng tôi gian nan vậy đó.

Đi được ba ngày thì chúng tôi nhận được thông báo của trên, ta bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ của địch. Chúng tôi rất phấn khởi, càng cố gắng vượt qua chặng đường đã định. Chúng tôi đến sát sân bay Tà Cơn thì dừng lại, nơi sát nách địch không có hốc đá nào rộng có thể làm được hậu cứ, vì quá gần địch chúng tôi không thể dùng dao đẵn cây để làm hầm trú ẩn, cưa tay cắt cây đỡ phát ra tiếng động thì rơi mất trên đường di chuyến trước đó rồi. Chúng tôi phải chờ gần tối lợi dụng lúc có gió mới dùng dao găm đẵn cây chuối rừng, xếp chắn làm nơi ở tạm. Chúng tôi đi tìm đặt đài quan sát, khu vực này địch rải thảm đốt cháy hết cây xanh nên rất khó tìm được ví trí an toàn thuận lợi. Mấy ngày đầu mới đến chưa tìm được nơi trú ẩn an toàn,“đi đài” là cả phân đội cùng đi, hôm ấy chiều muộn anh em quay về nơi nghỉ thì chỗ ở đã bị thám báo lùng sục lấy hết ba lô, mất hết cả quân tư trang, tôi mất cả lá thư của bạn thân ở quê gửi vào, mới nhận được hôm Tết. Hôm sau chúng tôi tìm được mỏm đá nhô ra ở sườn núi ở điểm cao 525 vị trí này đặt đài thích hợp, có thể quan sát rất rõ Đường 9, cứ điểm Ku Pôk, sân bay Tà Cơn và khu vực Khe Sanh. Tìm về phía bên kia sau sườn núi gặp con khe nhỏ có nước nên chúng tôi chọn làm hậu cứ. Chúng tôi tìm những hòn đá tảng có hờm, dùng xẻng đào ghé thêm được hai hoặc ba người nằm.Tìm được vị trí đặt được đài quan sát tương đối tốt, rất bất ngờ. Mọi hoạt động của chúng tôi rất bí mật và giữ nghiêm kỷ luật, mặc dù thám báo Mỹ vẫn thường xuyên lùng sục xung quanh nhưng chúng không phát hiện được vị trí đặt đài và hậu cứ của chúng tôi vì mọi sinh hoạt chúng tôi rất hạn chế phát ra tiếng động. Mọi hành động thường chỉ trao đổi với nhau bằng tín hiệu, vẫn đảm bảo nguyên tắc “đi không dấu (người đi sau phải ngụy trang xóa dấu vết), nấu không khói, nói không to, ho không mạnh” Chúng tôi ở sát nách với địch nên bom pháo địch thường bay réo qua đầu thỉnh thoảng chỉ có từng tốp máy bay trực thăng chiến đấu bắn đại liên quanh khu vực chúng tôi hoạt động.

Hàng ngày chúng tôi thay nhau đi đài quan sát còn lại ở nhà lo kiếm củi, kiếm rau rừng nấu ăn, cảnh giới và sẵn sàng chi viện cho tổ đài. Tổ đài ít nhất cũng phải có ba người, một người dùng ống nhòm quan sát, một người ghi chép tổng hợp số lượng hoạt động của địch, một người cảnh giới. Khi địch mở rộng quy mô hành quân, máy bay trực thăng vận tải CH 47 (Si nuc) (loại máy bay có hai trục cánh quạt to ở đầu và ở đuôi) chở các thùng hàng nối đuôi nhau thả xuống sân bay Tà Cơn và các điểm cao của địch, chúng chở cả ô tô và xe tăng hạng nhẹ trong bụng máy bay, đến sân bay nó hạ phần dưới phía sau làm cầu trượt là ô tô hoặc xe tăng bò được ra ngoài

Khi quân ta đánh mạnh ở Nam Lào địch tăng cường vận tải đủ các phương tiện xe tăng và xe bọc thép cày xới nát đất Khe Sanh. Xe GMC vận tải cỡ lớn suốt ngày đêm chở quân và chở hàng lên miền Tây, cuốn theo bụi mù mịt khắp vùng. Máy bay trực thăng vận tải cẩu lơ lửng những khẩu pháo, những thùng hàng và đổ quân nống ra phòng thủ tuyến ngoài. Bộ tư lệnh Mặt trận yêu cầu chúng tôi quan sát suốt từ mờ sáng đến xẩm tối (khi có và còn ánh sáng có thể nhìn được) và phải thông báo về trung tâm ngay từng giờ một trong ngày. Lúc này tổ đài tăng cường cả thông tin, báo vụ viên đem theo máy 2W (2oát), và đại đội trưởng trực tiếp lên đài để kịp tổng hợp được mức độ và mật độ hành quân của địch. Một cú điện báo của trung tâm thông báo ý của Đại tướng Tổng tư lệnh: “Các đồng chí quan sát kỹ xem máy bay C.130 có hạ xuống sân bay Tà Cơn không?”)

Suốt những ngày căng thẳng nắm địch chúng tôi luôn bám địa bàn hoạt động, chúng tôi báo cáo về cấp trên là: “Không thấy máy bay C.130 hạ cánh xuống Tà Cơn” vì nếu có máy bay C130 vận tải hạng nặng của Mỹ hạ xuống thì quy mô hành quân của địch sẽ khác. Mặt trận sẽ phải có phương án tác chiến phù hợp. Tổng hợp tin của chúng tôi báo cáo về Phòng, Bộ chỉ huy Mặt trận đánh giá cao, duy nhất chỉ có phân đội Trinh sát của chúng tôi là thọc sâu và nắm được nhiều tin chính xác và có giá trị chiến lược như thế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện biểu dương và phân đội chúng tôi được Bộ tư lệnh Mặt trận tặng Huân chương CHIẾN CÔNG GIẢI PHÓNG hạng Nhất ngay tại trận.

Nhờ phân đội trinh sát hoạt động sâu trong lòng địch, đơn vị bộ đội đặc công của Bộ tăng cường, do đại đội trưởng Đoàn Giỏi chỉ huy cùng hai mươi chiến sĩ tập kết ở hậu cứ chúng tôi. Đại đội trưởng đặc công cùng lên đài quan sát của chúng tôi, xác định lại hướng tiếp cận sân bay rồi cho đơn vị nghỉ ngơi một ngày chuẩn bị. Chúng tôi có dịp hỏi thăm quê hương, tên tuổi của nhau, được biết đại đội trưởng quê miền Nam còn hầu hết là người ngoài Bắc tuổi đời còn trẻ, rất trẻ và lần đầu ra trận! Có em hỏi tôi: “Các anh vào chiến trường ác liệt thế này, lâu thế mà vẫn không sao?” – Câu hỏi có ý khâm phục sự từng trải của chúng tôi vì các em hiểu nhiệm vụ của lính Trinh sát và Đặc công là rất nguy hiểm và … tâm trạng của người lần đầu ra trận thường vậy! Để đảm bảo bí mật của trận đánh, gần tối bộ đội đặc công mới xuất phát, lúc này các anh chỉ mặc chiếc quần đùi, đi chân đất, người ở trần lúc đến gần đồn địch còn phải lấy nhọ nồi và bùn đất xoa khắp người để ngụy trang. Cũng như chúng tôi khi “tiềm nhập” trinh sát cứ điểm không được đi giày dép, không mặc quần áo dài cho khỏi vướng hàng rào dây thép gai, chỉ khác là chúng tôi vào trinh sát mang nhẹ hơn các anh. Chúng tôi chỉ mang súng, dao găm và băng đạn gọn nhẹ cùng mấy cái cọc bằng cành cây có choạng để chống giãn dây thép gai cho người vừa chui lọt, lúc rút ra gỡ bỏ cọc chống, ngụy trang cho hàng rào như cũ để khỏi bị lộ. Các anh đi đánh phải mang đủ súng đạn, bộc phá và thủ pháo bó quanh người. Chúng tôi lặng lẽ bắt tay từng người một, các lính trẻ đưa ánh mắt nhìn chúng tôi lưu luyến. Ôi! Không ngờ ánh mắt cuối cùng, cái bắt tay cuối cùng của đồng đội chúng tôi. Trận ấy các anh đánh hay quá, nhưng tổn thất cũng lớn quá, chỉ có một người giữ cửa mở bị thương mấy ngày sau mới về được đơn vị còn đã hy sinh tất cả! Đêm ấy chúng tôi cũng không ngủ, một tổ lên đài quan sát theo dõi các mục tiêu các anh tấn công, những người ở hậu cứ nghe tiếng thủ pháo nổ giòn giã (loại lựu đạn chày chỉ có thuốc nổ công phá chứ không có mảnh sát thương), tiếng súng AK nổ điểm xạ từng loạt tằng tằng liên tục. Khoảng một tiếng đồng hồ chúng tôi không nghe tiếng thủ pháo, và đạn AK nữa, chắc các anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi chờ nghe tiếng bộc phá, phá cửa mở để bộ đội rút ra thì…, bất ngờ tiếng súng lại rộ lên, không phải tiếng súng AK mà là tiếng súng AR 15, tiếng đạn M 79 và cối 61 của địch. Gần sáng chúng tôi không thấy ai trở về (…) thì ra các anh đánh ham quá, các mục tiêu liên tiếp ngon quá, dễ đánh quá, các anh cho địch “xơi” hết cơ số đạn, còn người phá cửa mở bị thương nên không thể “mở cửa” khác rút ra. Các anh không còn bộc phá để phá hàng chục lớp hàng rào của sân bay. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại giữa những lớp hàng rào dây thép gai của địch.. Mấy ngày sau chúng tôi được trung tâm báo tin (từ nguồn tin kỹ thuật thu được từ phía địch) biết các anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Chiến công của các anh đã tiêu diệt và phá hủy được 16 máy bay các loại, diệt hàng chục tên lính Mỹ và phá hủy nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh của địch đóng góp rất lớn vào thắng lợi của chiến dịch.

Sự hy sinh anh dũng của bộ đội Đặc công vào đánh sân bay ở chiến trường Miền Nam (ảnh bên trái, sưu tầm từ phía quân đội Mỹ). Có thể các anh đánh sân bay Tà Cơn cũng hy sinh giống cảnh này, ĐỜI ĐỜI GHI NHỚ CÔNG ƠN CÁC ANH!

Sau trận đánh của đơn vị đặc công, thám báo địch tăng cường lùng sục, máy bay, bom pháo oanh tạc dữ dội, ở một quả đồi độc lập cách chúng tôi không xa, máy bay phản lực của địch bổ nhào ném bom, cành cây và đất đá văng xa.

Chúng tôi tưởng có đơn nào của ta bị lộ, lúc sau khi ngớt tiếng bom thì có mấy chiếc trực thăng bay đến đổ quân, thì ra chúng ném bom dọn bãi cho thám báo đóng chốt. Máy bay trực thăng hạ thấp độ cao, chúng thả thang dây cho từng tên lính tiếp đất, chúng tôi nhìn rất rõ bọn thám báo Mỹ mới xuống quấn bộc phá dây quanh gốc cây to rồi cho nổ, cây đổ, mặt đồi gần như bị san phẳng để chúng làm sân bay cho máy bay trực thăng hạ cánh tiếp tế.

Các cứ điểm của địch ở khu vực Tà Cơn – Khe Sanh

Chúng cẩu lên những thùng hàng, những két nước, cả những bao cát để chúng làm công sự. Hôm sau chúng đổ thêm quân, chừng một trung đội thám báo Mỹ đóng chốt ở đó, hàng ngày chúng tỏa ra lùng sục, chúng tôi hoạt động khó khăn, căng thẳng và ác liệt hơn nhiều. Chúng tôi vào chiến dịch đã dài hơi, lương khô, gạo muối đã cạn kiệt, hoa chuối, rau rừng cũng rất khó kiếm. Chúng tôi nếm trải cái đói, cái rét (tư trang đã bị địch lấy mất lúc mới vào đây rồi). Tôi cùng mấy anh em được cử ra ngoài lấy gạo, đi lấy gạo cũng phải rất tỉnh táo mới lọt ra ngoài qua được phòng tuyến của địch. Trung tâm biết được khó khăn của chúng tôi đã điều động bộ phận vận tải đưa gạo vào kho trung chuyển (gọi là kho nhưng cũng chỉ có vài bao tải gạo đã cũ, có bao đã mốc, cho vào xoong vo gạo những hạt mốc đã nổi trên mặt nước, chúng tôi cũng phải nhận). Chúng tôi ra đến kho gặp ba đồng chí trong đó có đồng chí Phó ban hậu cần. Đến nơi có gạo chúng tôi mừng quá, thấy nắp xoong có ít cơm nguội đã mốc chúng tôi xin và bốc ăn luôn, các anh ở kho nhìn chúng tôi có vẻ thương cảm lắm. Chúng tôi đem ba lô và tư trang của các đồng chí Đặc công đi đánh trận không về, nhờ anh em ở kho đem ra gửi về Mặt trận trả lại cho đơn vị đặc công. Lần sau tôi lại cùng anh em ra lấy gạo (mỗi lần đi lấy gạo là rất gian nan nguy hiểm, phải là người nhớ phương hướng để vạch rừng mới được tin giao), ra đến chỗ kho hôm trước thì không thấy anh Phó ban hậu cần đâu nữa, hỏi ra mới biết anh ấy đã hy sinh rồi (một quả đạn pháo vu vơ không may rơi trúng vào anh) và lần này gạo cũ, gạo mốc cũng không còn, chúng tôi nhận những bao gạo đồ (gạo sấy) của Trung Quốc, (loại gạo này ăn rất khô, nấu không nở) mỗi bao đựng hai lăm ki lô gam, đóng trong bao tráng nhựa, không ngấm nước, có thể thả xuống sông hoặc suối lớn cho trôi theo dòng nước về xuôi, bộ đội vận tải không phải cùi trên lưng, chỉ vài người đi theo dòng nước đến những chỗ có cành cây hoặc mỏm đá bao gạo vướng vào đó thì họ lấy gậy đẩy ra cho trôi tiếp.

Những ngày này địch hoạt động vòng ngoài hành lang rất mạnh. Một toán trinh sát của đơn vị hoạt động ở phía Đông Hướng Hóa cũng bị bật vì thám báo Mỹ phong tỏa rất rộng. Các phân đội hoạt động trong địch hậu cũng phải ở nguyên cơ sở bí mật. Bộ tư lệnh Mặt trận giao nhiệm vụ cho chúng tôi vừa theo dõi hoạt động của địch, vừa quan sát chỉnh tọa độ cho đơn vị pháo bắn trúng mục tiêu, tình hình ác liệt quá nên trinh sát của pháo binh không thể luồn sâu để xác định được tọa độ cho trận địa nổ súng. Rất may có anh Tiết (nguyên là đại đội trưởng của trinh sát pháo binh) rất giỏi xác định tọa độ nên hàng ngày anh Tiết và tổ đài thông tin

phải trực tiếp lên đài quan sát. Anh em trinh sát nắm tình hình hoạt động của địch, khi có điện của trung tâm báo “pháo ta bắn - x - viên vào mục tiêu…” là chúng tôi tập trung theo dõi từng loạt đạn pháo, đại đội trưởng Tiết chỉnh lý tọa độ, sang phải, sang trái, tiến lên, lùi xuống chẳng hạn! Thông tin dùng mật mã “lóng” đàm thoại trực tiếp báo về trung tâm cho pháo binh kịp nổ súng, đúng và trúng mục tiêu. Mục tiêu bị pháo binh ta đánh nhiều nhất là sân bay Tà Cơn và cứ điểm Ku Pôc (sở chỉ huy của Quân đoàn Ngụy, có tin Đại tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa Cao Văn Viên ra thị sát mặt trận ở đây) Mấy ngày đầu tháng Tư chúng tôi không thấy địch đưa quân và vận tải hàng hóa lên nhiều như trước, thỉnh thoảng lại thấy máy bay trực thăng vận tải hạng nặng CH 47 cẩu những khẩu pháo và những máy bay trực thăng gãy đuôi, gãy cánh từ phía Lào về xuôi. Ở cứ điểm Ku Pôk và một vài cứ điểm quanh sân bay Tà Cơn, nơi tàn quân tập trung trong các hầm trú ẩn và trong lô cốt bằng bao cát xếp lên những tấm thép cuốn vòm. Thỉnh thoảng lại có những đụn khói mầu bốc lên làm tín hiệu cho máy bay hạ xuống bốc quân tháo chạy. Đạn pháo của ta được thể có chúng tôi báo tọa độ những điểm đó càng bắn mạnh hơn, có những lúc máy bay lượn quanh nhưng không dám hạ cánh phải quay đầu tháo chạy. Đài quan sát của chúng tôi đã nhàn hơn không phải căng mắt quan sát như mấy hôm trước, ban ngày pháo của ta bắn dữ dội nên xe vận tải chúng chạy nhiều về ban đêm để tránh sự bắn đuổi của pháo binh ta. Máy bay trực thăng không còn thả những thùng hàng xuống các cứ điểm nữa mà bay lên bốc về những phương tiện khác như xe, pháo và tàn quân. Đến một ngày không còn máy bay vận tải bay lên, chỉ có từng tốp máy bay trực thăng vũ trang bắn từng tràng đại liên xuống quanh các cứ điểm bên đường số 9. Chúng tôi điện báo về trung tâm ta đã giải phóng hoàn toàn khu vực Khe Sanh. Thủ trưởng Tiết phân công một tổ trinh sát do anh Phùng Bá Sáu làm tổ trưởng vào kiểm tra sân bay Tà Cơn và đem theo lá cờ Giải phóng vào cắm ở giữa sân bay, cùng đi có tổ chụp ảnh trinh sát của D74 tăng cường. Anh Đinh Đình Phong chụp ảnh còn chúng tôi vẽ sơ đồ, cảnh đồ toàn bộ khu vực sân bay và các cứ điểm của địch toàn tuyến Khe Sanh (anh Đinh Đình Phong chụp cho tôi tấm ảnh tại sở chỉ huy Quân đoàn Ngụy ở cứ điểm Ku Pôk).

Hôm sau tôi cùng một tổ đi kiểm tra khu vực Làng Vây, đi dọc trên đường 9 giữa ban ngày, chúng tôi thấy mấy chiếc máy bay trực thăng trúng đạn, hợp chất từ thân và bên cánh bị cháy, chảy loang rộng ra gần chục mét vuông như cả thùng phuy nhựa mầu thiếc đổ chảy ra ngoài, có chiếc cháy phần thân và đuôi, buồng lái vẫn còn, chúng tôi vào tháo được những linh kiện về làm kỷ niệm. Chúng tôi vào trinh sát các cứ điểm của địch thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, tôi thu được một hộp cafe hạt nhỏ loại một ki lô gam, loại này rất thơm ngon nên rất hiếm, chỉ các căn cứ lớn mới có. Anh em đi cùng thu được rất nhiều lương thực, thịt hộp, đồ uống …, quân tư trang và nhiều thiết bị khác. Những bánh lương khô của chúng tôi mang theo dự trữ giờ thì bỏ, trước đó lương khô bị chuột khoét, dập vỡ vụn, lúc đói không dám ăn vẫn phải để phòng khi không may bị thương, bị lạc trong rừng còn có cái mà ăn như trường hợp của anh Biện D74: Phân đội anh gặp địch đánh nhau anh bị thương rồi bị lạc. Anh tự băng bó vết thương ở đùi, lê tìm được đến suối khi không đi được nữa, đơn vị đi tìm đến ngày thứ 12 mới phát hiện được anh. Anh nằm đó trong khi chỉ có mấy miếng lương khô và nước suối cầm hơi. Khi nghe thấy có tiếng động anh bắn ba phát súng AK (bộ đội đã có quy định nếu bị thương sẽ bắn ba phát từng viên một là báo cần cấp cứu, nếu nổ súng một hoặc hai viên cách quãng là báo hiệu cần giúp trường hợp khác). Anh em nhận đúng tiếng súng ám hiệu mới tìm đến cứu, khi ấy vết thương hở của anh đã nhung nhúc những con ròi.

Chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về, ba lô căng đầy chiến lợi phẩm. Nghe tin phân đội tôi hoàn thành nhiệm vụ trở về, các thủ trưởng và đồng đội ở nhà phấn khởi chờ đón. Chúng tôi về đến hậu cứ mọi người chạy ra reo lên, ôm chầm lấy chúng tôi khi ba lô, súng ống vẫn nặng trĩu bên mình. Thật cảm động! Như những lần chúng tôi ở nhà cũng ùa ra đón đồng đội như thế. Mỗi lần đi, mỗi lần về không mấy khi số người đi và về trọn vẹn, người thì giữa đợt ốm đau hoặc bị thương đi viện, người thì hy sinh. Và… lần này chúng tôi về còn anh Hồ Trọng Thực nằm lại chiến trường khi diễn ra trận tao ngộ chiến. Hôm sau đơn vị tập trung làm lễ truy điệu và đọc quyết định của Mặt trận truy tặng Huân chương Chiến Công Giải Phóng cho Anh. Đồng thời biểu dương tập thể phân đội và ba cá nhân khác đã đóng góp vào thành tích của đơn vị bốn Huân chương CHIẾN CÔNG GIẢI PHÓNG và hàng chục Bằng khen, Giấy khen các loại.

Như vậy chiến dịch Đường 9- Nam Lào phân đội chúng tôi thực hiện đủ ba bước Trinh sát: TRƯỚC - TRONG VÀ SAU CHIẾN ĐẤU! Thực hiện những yếu lĩnh cơ bản đã được học và áp dụng kinh nghiệm thực tế qua những năm hoạt động mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề khi diễn biến thực tế nằm ngoài sự tưởng tượng, vượt xa tình huống những khoa mục trong sách Giáo khoa đã được huấn luyện. Thực tế là bài học kinh nghiệm quý báu cho nhiệm vụ tiếp theo. Và Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh Xuân 1968 và chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 nơi Quân và dân Quảng Trị đã trải qua những năm tháng đầy cam go thử thách. Đơn vị trinh sát chúng tôi cùng các đơn vị chiến đấu đã giáng cho địch những đòn chí tử, làm cho địch thất bại nặng nề, kẻ địch thật sự kinh hoàng, chúng phải thốt lên: “Đường 9 là Đại lộ Kinh Hoàng, là Đại lộ Tử Thần”. Nơi ấy đã tạo nguồn cho những cảm xúc thơ ca thật “bi tráng”, phần nào đã nói lên ý nghĩa của thắng lợi to lớn của Quân ta song đến ngày toàn thắng không ít bộ đội ta đã hy sinh trên mặt trận ấy.

(còn nữa)

Trái tim người lính