Đại tiệc " bốc mả "

Hôm trước họp xong cùng mấy anh chị em ra nhà hàng ở phố Tăng Bạt Hổ liên hoan. Bàn bên cạnh thấy có món xương thủ lợn được hầm dừ, nhà hàng đặt tên món rất mỹ miều là Mãnh long quá giang hay Sư tử hý cầu gì đấy.
dai-tiec-boc-ma-1637655669.jpg
Ảnh do tác giả lựa chọn

 

Bàn bên mình nhiều những bậc khả kính nên mình ngại gọi món này nhưng quyết chí lần sau sẽ gọi. Thực chất, nó là món “Bốc mả”, “đi” với mình những ngày bao cấp.

Hồi sang Nam Ninh – Trung Quốc, bãi gầm cầu Nam Ninh cũng có lẩu xương cừu. Khách vớt xương cừu ra bát to rồi cầm tay gặm. Ngọt và thơm nhức răng.

Sáng nay trong lúc chờ bà xã về đi ăn - Bả làm osin cho các cháu học online đến trưa mới về - mình phóng xe ra chợ Linh Quang. Ở đấy có người chuyên bổ thủ lợn lọc lấy óc và đoạn sụn hàm trên con lợn.

Rón rén hỏi mua một bộ xương thủ lợn. Ông chủ cửa hàng nhặt ra ba bộ. Mình thấy nhưng không tiện thắc mắc vì sợ mua một bộ họ không bán.

Ông ta dùng dao rựa, tề đoạn xương hàm và hai bên cạnh thủ, nơi chỉ toàn xương, để giữ lại phần còn bám nhiều thịt và gân của ba bộ thủ.

Cầm chiếc túi đựng xương thủ, mình hỏi hết bao nhiêu tiền thì bà vợ ông chủ ngồi cạnh đỡ lời : Chỗ này nhà chúng em biếu bác ạ !

Không quen biết gì hai vợ chồng nhà này nhưng “Cung kính không bằng tuân mệnh”. Mình cảm ơn rồi sang hàng bên cạnh mua 1 lạng lạc giá 6 nghìn và 1 lạng đậu co ve giá 5 nghìn, mang về rửa sạch rồi hầm trong nước hầm xương cô đặc của Hàn Quốc.

Xương hầm trong nước cốt xương, thịt ăn mềm và ngọt chứ không bã như hầm trong nước không gia giảm.

Lạc ăn sần sật. Đậu bở tơi. Nước dùng ngọt lịm cùng 10 nghìn xôi xéo mua trong ngõ Văn Hương, nơi cô hàng xôi chính gốc Phú Thượng hàng ngày đến bán.

Thêm cút rượu Đông trùng Hạ thảo, bữa đại tiệc của 2 vợ chồng đầu Đông tổn phí hết 21 nghìn mà cực chất và cực khoái khẩu.

Sực nhớ năm 1976 được cậu em Dũng “mập”, chủ nhà hàng Sao Biển ở đường Bạch Đằng – Đà Nẵng chiêu đãi con tôm hùm nặng hơn 5 ký.

Tôm hùm cắt tiết rồi chế biến các món, trong đó có bát miến tôm hùm do đầu bếp xịn của nhà hàng kỳ công nấu.

Một cậu em là lãnh đạo thành phố ngồi cạnh mình thốt lên : “Anh ơi. Em vẫn nhớ bát miến mẹ em nấu ở quê”.

Bát miến ở vùng quê hồi đó phải chờ mâm cỗ cúng cháy hết hương mới được mang ra ăn, nguội ngắt và chỏng chơ chỉ nước luộc gà cùng bộ lòng bé teo cắt phủ cho cả cái nồi miến to.

Thế đấy. Ăn gì không quan trọng mà phải là ăn món mình thích, mình muốn ăn thì nó mới ngon, bất kể đắt rẻ !

Theo Chuyện làng quê