Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và cuộc "đấu tố" giữa những người đồng đội

Ngay sau đêm văn nghệ đầy "bão táp” ấy, trước khi "hành quân" đến nhà tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Hoàng Cầm đã phải động viên các liền anh liền chị: "Chiều nay, chúng ta phải chiến thắng. Mình hãy coi đây là một trận đánh quyết định.

Nghệ thuật dân tộc phải thắng cái giáo điều, cái kiêu căng và cái tệ thiếu văn hóa của một số người có ngọc trong tay mà đập nát. Chúng mình chắc chắn có "pháo" lớn Nguyễn Chí Thanh yểm trợ". Và rồi những người đồng đội vừa kết thúc trận mạc trên chiến trường lại bắt đầu một cuộc "chiến đấu tư tưởng" mới.

"Chúng tôi đến hẹn rất đúng giờ. Trong sân lúc ấy có ba bốn dãy bàn phủ vải trắng, làm nền cho những lọ hoa rừng đủ màu. Trên bàn thì có cả bánh kẹo, thuốc lá, lạc rang. Ngoài thềm, với vẻ mặt rạng rỡ, ông Nguyễn Chí Thanh đứng đón văn công và phát cho đoàn hơn chục cái quạt nan. Tôi nghĩ bụng: "Ông tướng này thật văn minh”.

Một lúc sau, gần trăm người đã có mặt. Hàng ghế đầu là ông Thái Dũng.

dvh2b2-1663154038.jpg
 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự hội nghị Chi bộ 8, Đoàn Hồng Hà năm 1960. Ảnh tư liệu

 

Trao đổi qua vài ý kiến với tôi, vẫn một giọng đanh thép, ông Nguyễn Chí Thanh nói với cả đội quan họ:

- Đừng ngại gì nhá! Bình tĩnh, hát thật hay vào!

Nói rồi ông đi ra, ngồi xuống cạnh ông Lê Quang Đạo, ông Võ Hồng Cương. Còn tôi cho người treo một lá cờ hội đình, để diễn viên phục trang rồi môi son má phấn. Sau 10 phút, sáu liền anh, sáu liền chị, với ba chục nhạc cụ dân tộc đàn tranh, sáo nhị cùng sóng đôi nam nữ bước ra sân. Các diễn viên xếp hàng dài chào khán giả. Tiếng vỗ tay hoan nghênh hình như có một nửa.

Ông Thanh đứng tại chỗ dõng dạc:

- Đấy nhé. Mời các đồng chí xem lại cho thật kỹ cái mà hôm qua, khá đông các đồng chí đả đảo. Còn thì chúng ta cứ kẹo bánh, thuốc lá và cứ tranh luận, phê bình. Hoàn toàn tự do. Rồi văn công được phép diễn hay không, sẽ tuỳ kết quả của cuộc tranh luận này.

Thế rồi, dưới lá cờ dân tộc, các cặp liền anh liền chị bắt đầu diễn, vượt xa cả yêu cầu. Hết 25 phút tình ca lưu luyến, "Người ơi người ở đừng về", các diễn viên lại dàn hàng chữ nhất, e ấp chào các vị tướng tá đầy kiêu hãnh. Gần một trăm khán giả đứng dậy, vỗ tay đến vài ba phút trong tiếng "hoan hô"! "Tuyệt vời"!.

Trong làn sấm vỗ tay ấy, tôi vẫn chăm chú nhìn ông Thái Dũng. Ông ấy cũng vỗ tay nhưng có vẻ không mặn mà.

Liền sau đấy, ông Thanh chạy lên bắt tay, khoác tay tôi cùng các diễn viên khác, đến một bàn dành riêng cho văn công. Một đồng chí cần vụ rót cà phê nóng đang bốc hơi, và ông cao giọng:

- Tôi yêu cầu tất cả... thẳng thắn phê bình và tranh luận. Đề nghị anh Hoàng Cầm, người đặt ra tiết mục này, phát biểu trước.

Tôi đứng lên, thấy anh Thanh tủm tỉm cười, nhìn tôi rất yêu mến, nên tôi càng vững tâm. Còn các diễn viên thì đầy thấp thỏm.

Nhà thơ cũng "bắn tỉa"

Tôi cứ thế nói, nhằm vào tư tưởng của anh chỉ huy quân sự có tài nhưng thấp về văn hoá mà lại kiêu căng: "Nếu đúng như ý nghĩ đồng chí Thái Dũng, các cụ ta ngày xưa và toàn thể loài người này không "chim chuột" nhau, thì chắc hẳn loài người sẽ không sinh sôi nảy nở và bây giờ đã không có chúng ta.

Chúng ta được có mặt trên cõi đời này, chính là nhờ tình yêu nam nữ mà tạo hoá đã ban cho. Tiếng hát quan họ là nghệ thuật của yêu thương. Thế mà các đồng chí tối qua cho là "chim chuột”.

Các đồng chí không biết rằng nghệ thuật hát ấy đã thành tục lệ chữa một nghịch lý rất khó hiểu: là trai gái hát ví nhau thì đưa tình trao duyên thế, nhưng theo luật của phong tục, lại phải tuyệt đối vâng lệ làng quan họ: là không được vượt quá ranh giới giữa tiếng hát và tình chăn gối. Ai, bất kể trai hay gái, mà bị phát hiện ra những trò trên thì lập tức bị khai trừ ra khỏi phường, hội. Cùng một phường, hội không được lấy nhau đã đành, có nơi còn nghiêm ngặt hơn là ngay cùng làng cũng không được lấy nhau. Có thể lấy người ở làng khác, và nếu thế, vợ hát một nơi, chồng ca một nẻo, mà đã hát thì phải diễn ra sắc thái, đa tình đằm thắm hơn cả đêm tân hôn, nhưng phải cấm kỵ ghen tuông. Hễ ghen mà sinh sự thì cũng bị khai trừ.

Ấy thế, quan họ nó rắc rối về mặt tình cảm như vậy, ai lấy tiếng hát làm lý tưởng say mê suốt đời thì mới trở thành người hát được nể phục”.

Tôi nói hết thì ông Thái Dũng cũng đứng dậy. Lúc đầu, ông nói nhỏ thôi:

“Trước hết, tôi thành thực xin lỗi các đồng chí, xin lỗi đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nhất là xin lỗi anh Hoàng Cầm và đoàn văn công vì thái độ của anh em chúng tôi tối qua. Chúng tôi quá nóng nảy và hấp tấp. Nhất là tôi, từ 15 tuổi đã theo cách mạng, 17 tuổi đi đánh trận, cứ liên miên trận mạc, rồi kiểm điểm, rồi tập luyện, rồi chỉnh huấn, chỉnh quân, tôi chưa thấy một đoàn văn công nào hát những lời như thế bao giờ. Vả lại tôi chỉ quân sự đơn thuần, thấy công tác chính trị nó khó khăn, rắc rối lắm lên rất ngại. Quanh năm, tôi chỉ lo sao cho trận nào mình chỉ huy cũng phải thắng. Cấp dưới mà có anh nào lơ là, nhớ nhà, nhớ vợ con là tôi "chỉnh" ngay, có khi đuổi ra khỏi đơn vị. Vì thế, cái tính thẳng thắn, cứng nhắc ấy nó quen đi, nên tôi mới quát to lên lúc tối qua, thành ra có lỗi”.

Đến đây, anh Thái Dũng trở lại cách phát ngôn cao giọng, lấn át:

“Nhưng, còn về tư tưởng, tôi vẫn giữ nguyên những ý nghĩ của mình tối qua. Đúng nó là dân ca từ xưa, nhưng anh Hoàng Cầm cố tình đưa ra lúc này, khi mà Bác Hồ vừa nhắc nhở toàn quân, toàn dân rằng chiến thắng Điện Biên mới chỉ là bước đầu, chúng ta còn phải gian khổ chiến đấu cho đến khi thống nhất đất nước, thì cái màn hát đó chỉ làm giảm ý chí chiến đấu của quân đội.

Rõ ràng đây là sự tỏ tình thô lỗ, “yêu nhau cởi áo cho nhau” rồi con gái chờ con giai về đêm, nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai. Thật là như xúi giục chuyện trai gái nhảm nhí, có phải là giảm ý chí chiến đấu của bộ đội không?

Tôi không dám quy lỗi này cho anh Hoàng Cầm, vì người đã viết thơ cổ vũ chiến đấu hay như thế thì không thể nào lại muốn làm cho bộ đội ta sa sút tinh thần. Nhưng hiện nay, kể cả sau Hội nghị Giơnevơ mà nếu ta có thắng về ngoại giao, thì màn ca cảnh này vẫn chưa dùng được. Báo cáo, hết ý kiến!”

Liền khi ông Thái Dũng ngồi xuống, một tràng pháo tay lại nổi lên tán thưởng. Thêm hàng chục cánh tay giơ lên.

Đa số đánh bại thiểu số?

Anh Nguyễn Chí Thanh chỉ định, thế là liên tục gần chục người phát biểu, mở rộng, nhấn mạnh ý kiến của Thái Dũng. Tôi thấy anh Thanh mặt vẫn tươi như hoa.

Khi những ý kiến phản đối đã vãn, anh Thanh hỏi:

- Có ai có ý kiến gì khác không, chứ mấy ông cứ nhắc đi nhắc lại ý ông Thái Dũng, nghe cũng không bổ ích gì?

Một lát im lặng. Tôi điểm các bộ mặt, mới nhận ra rằng số người ủng hộ mình chỉ bằng nửa số buộc tội.

Anh Thanh lại hỏi:

- Vậy, mời anh Lê Quang Đạo, Cục Tuyên huấn.

Anh Đạo đứng lên, từ tốn:

- Nói như các anh vừa rồi, bắt đầu từ ý kiến anh Thái Dũng, cũng có phần quá đáng. Bộ đội ta không dễ sa sút tinh thần ngay sau màn tình ca này đâu. Nhưng anh Hoàng Cầm chưa thông qua tôi, đã cho đem diễn, kể cũng sai nguyên tắc. Nhưng tôi nghĩ trong ngày vui mà Đại tướng và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị đã cho phép rồi thì có thể coi tối qua như một buổi tổng duyệt nội bộ trước khi ra mắt đông đảo cán bộ, chiến sĩ.

Dẫu sao thì ý kiến các đồng chí vừa phê bình, về căn bản tôi cho là đúng. Mới chiến thắng bước đầu, từ nay đến hoà bình thực sự, thời gian không ngắn. Biết đâu còn phải vài ba cái Điện Biên nữa, ta mới hoàn toàn thắng lợi. Bộ đội vẫn phải chắc tay súng, không nên để những tình cảm lãng mạn làm lơi lỏng ý chí và tinh thần đánh giặc của quân dân. Nên vui với cái vốn cũ của dân tộc một chút thế thôi, còn diễn đại trà thì không nên.

Anh Thanh hỏi lại ngay:

- Đấy là ý kiến cá nhân anh Đạo hay là quyết định của Tuyên huấn ấy?

Ông Đạo dè dặt đáp:

- Cũng mới là ý kiến của cá nhân tôi thôi ạ.

Ông Thanh lập tức:

- Nào, thế có ai ủng hộ màn hát này không? Cứ nói thoải mái, không sợ ai kiểm điểm lập trường lập triếc gì đâu. Cả tôi đây, nếu tí nữa có nói gì, cũng chỉ là nhân danh cá nhân thôi, đừng ai nghĩ là ý Chủ nhiệm Tổng cục vội. Cá nhân với cá nhân, bình đẳng, bình quyền. Kìa, ăn bánh kẹo đi chứ. Mới có 3 rưỡi, sớm chán. Ta có thể nói chuyện với nhau đến 5 rưỡi.

Không khí trầm xuống. Bên phải đối rõ ràng đã cạn ý, nhưng bên ủng hộ vẫn còn đo đắn. Thiểu số đứt đuôi rồi. Không kể khối anh cầm sẵn phiếu trắng. Họ chỉ đến xem diễn, nghe tranh luận cho vui thôi. Tôi chơm chớm lo.

Bài học cho người lính thắng trận: thế nào là Tổ Quốc?

Lo là vậy, nhưng kể cũng lạ, cứ nhìn mặt anh Thanh là tôi lại vững dạ. Một lát, anh Thanh lại khuấy bầu không khí:

- Này, tôi hỏi mấy ông chính uỷ và chính trị viên nhé. Trước mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh lớn nhỏ, các ông thường động viên anh binh nhì thế nào nhỉ?

Một anh, như là chính uỷ trung đoàn, cứ ngồi tại chỗ, đáp lại ngang bướng:

- Báo cáo anh, cứ tuân theo tất cả chỉ thị của Tổng cục và các Cục trực thuộc mà động viên.

Chí Thanh: - Các ông thử nói: nội dung chính xác tài liệu của trên gửi xuống?

Đáp: - Căn bản vẫn là vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Chí Thanh: - Các ông không có sáng kiến riêng à?

Đáp: - Chả cần. Vì các tài liệu Tổng cục gửi xuống rất tỉ mỉ và đầy đủ rồi.

Chí Thanh: - Này. Đảng cần những đảng viên có sáng kiến, có cách thức riêng để động viên chính trị ở các đơn vị khác nhau chứ Đảng không cần đến những con người máy, bản sao làm vậy đâu!

Không khí bỗng trở nên nghiêm trọng hơn. Bị đánh một đòn khá nặng, mấy anh ngồi im re. Anh Thanh bỗng cười vui.

- Các ông ơi! Cứ giả dụ như tôi đang là học trò cấp 1. Vậy “em” xin các thầy chính uỷ giảng cho “em” Tổ quốc là gì ạ?

Tiếng cười lan nhanh, xì xào rồi ồn ào. Không khí trở lại thân tình. Có một giọng hơi đùa:

- Thế thì khác gì học trò đòi thầy giảng cho tại sao một cộng một lại thành hai.

Nguyễn Chí Thanh (vẫn cười): - Ấy thế mà giảng được Tổ quốc là khó lắm đấy các ông ạ. Nào, ông nào nói trước đi. Em sẵn sàng nghe các thầy đây.

Vẫn có tiếng cười - Một lời đáp:

- Sách giáo khoa cấp 1 giảng rồi ạ.

Bỗng có một dáng mập và thấp đứng bật lên nói luôn. Đó là anh Quyết Thắng, tham mưu trưởng quân khu Việt Bắc (Tên Quyết Thắng là do Hồ Chủ tịch đặt cho anh, khi anh làm công tác bảo vệ Bác ở Bắc Bộ Phủ). Anh nói, giọng ồm ồm:

- Các đồng chí nhớ cho: Tên tôi được thêu vào lá cờ quân đội đánh vào Điện Biên Phủ đấy nhá (có tiếng cười vui, vỗ tay). Tên Bác đặt cho. Cờ Quyết chiến Quyết Thắng - tôi mang tên một nửa cho cả một đời làm lính Bác Hồ, nên tôi mạn phép các đồng chí giảng hai chữ Tổ Quốc. Có cho phép tôi không nào?

Ở mỗi chiễn sĩ của ta là một ý niệm khác nhau. Người miền xuôi, miền ngược, người thành thị, nông thôn - chỗ giống nhau là cùng một đất mẹ, chỗ khác nhau là hoàn cảnh. Bộ đội thì hơn 80% là nông dân. Làng quan họ vừa rồi bắt nguồn từ nông dân tỉnh Bắc Ninh. Màn hát chỉ có hơn 20 phút mà tôi thấy cả một vùng quê cổ kính có văn hoá vào bậc nhất hiện lên, qua tất cả các diễn viên có mặt tại đây. Đấy, màn quan họ vừa rồi là Tổ quốc đấy! Dân tộc ở trong ấy… hạnh phúc ở trong ấy. Yêu nhau mà được cởi áo cho nhau thì còn gì hạnh phúc bằng.

Có tiếng cười đồng tình. Một anh khác bật dậy, cướp lời anh Quyết Thắng.

- Đúng thế, Tổ quốc ta có quan họ thì đẹp biết chừng nào! Hát có hơn 20 phút giữa những sùng sục chiến đấu, giữa những tưng bừng chiến thắng thì tôi thấy nó đúng là viên kim cương xanh biếc xếp bên viên hồng ngọc. Chả hiểu các đồng chí nghĩ sao mà lại cho rằng nó làm nhụt ý chí chiến đấu.

Không khí rộn rã lên hẳn. Gương mặt Nguyễn Chi Thanh như càng sáng hơn. Một anh khác đứng lên tiếp:

- Tôi nghĩ rằng ngược lại đấy, anh Thái Dũng hạ màn quan họ dĩ nhiên sẽ đẩy chiến sĩ đến chỗ nhớ nhà, nhớ bố mẹ, vợ con hoặc người yêu vụng trộm. Càng nhớ họ càng căm thù thằng giặc chỉ lăm le cướp giết những gì thân yêu nhất của họ. Căm thù càng sâu, tinh thần chiến đấu càng cao. Nếu chỉ mới thế này mà họ đã mất tinh thần thì xin lỗi anh Thái Dũng, anh khinh quần chúng quá đấy.

Lại thêm một anh khác cướp lời:

- Đơn vị nào cũng có đôi ba anh em vì nhớ nhà, nhớ vợ con mà nới lỏng tinh thần đôi chút. Còn 99% thì càng nhớ nhà, càng căng thẳng hăng hái. Tôi đã tự mình tổng kết công tác chính trị hàng năm. Trăm cậu bạo cũng có vài ba cậu nhát, có vậy ta mới cần công tác chính trị, mà trong công tác này thì văn nghệ là loại vũ khí sắc bén nhất. Nói anh Hoàng Cầm bỏ quá cho, chứ những đơn vị chiến đấu đã thừa khói lửa, suốt ngày nghe ùng oàng, tạch tạch, rồi được lúc xem văn công trên sân khấu lại cũng toàn cảnh bắn nhau, nghe hô “tiến lên! xung phong!” thì anh có ngấy lên không? Đêm qua chúng tôi phải cảm ơn đoàn văn công đã cho chúng tôi vài chục phút thanh cao đấy, làm gì có chuyện nhảm nhí mà anh Thái Dũng cứ át giọng người ta?

Nếu không có những đêm nửa chăn, nửa chiếu thì chắc gì dân tộc ta có được những người con ưu tú như anh Văn, anh Thanh cho đến anh binh nhì? Đấy, Tổ quốc đẹp nồng hậu, thế mà giặc định cướp đi à? Đừng hòng! Hết ý kiến!

"Phải cho văn công vào tù"

Đến lúc ấy tiếng vỗ tay mạnh mẽ hơn khi kết thúc màn quan họ. Rồi lại có một giọng lanh lảnh cất lên. Hoá ra là chị Tý - tổ trưởng nuôi quân ở văn phòng tổng cục, người đã sắp đặt bữa tiệc bánh kẹo, trà thuốc hôm nay.

Chị mới trên 30 tuổi mà đã là vợ liệt sỹ: “Em đề nghị anh Thanh cho văn công vào trại tù, diễn cho cả thằng Đờ-Cát-tơ-ri xem để nó biết, đấy, người của đất nước tao xinh đẹp thế, hát hay thế, đánh vỡ mặt chúng mày như thế, liệu bảo nhau cút đi ngay thôi”.

Vừa nghe đến vậy, anh Thanh liền chạy đến bắt tay chị Tý, trong khi tất cả, kể cả anh Thái Dũng, đồng loạt vỗ tay rào rạt. Anh Thái Dũng còn vỗ bàn tay phải nhè nhẹ lên ngực mình.

Xem chừng đã đến lúc có thể kết luận, anh Nguyễn Chí Thanh mới đứng hẳn lên bậc thềm nói: "Tôi nghĩ các ông tranh luận thế là rất thẳng thắn mà vẫn đầy tình đoàn kết với nhau, phải không ông Thái Dũng?

Tối qua, năm bẩy ông hô đả đảo cái quan họ này chắc vì các ông chưa nghĩ rằng mình đã giơ quả đấm của cánh tay phải thụi ngay vào giữa ngực mình, cái mồm vừa ăn lại vừa đi mắng mỏ cái dạ dày. Các ông nhiều gân cốt quá. Vô tình để trái tim sổng ra khổi lồng ngực, hay là mấy ông cố làm thế cho oai để ra cái điều ta là anh hùng, là khí phách? Có cô gái đẹp dịu hiền lướt qua trước mắt lại quay ngoắt đi. Đã không biết cô gái xinh đẹp ấy là ai, có xấu tính xấu nết hay không, chưa chi đã gọi người ta là con đĩ? Ừ thì không mê mẩn cô ta, nhưng tại sao lại không nhìn, không thưởng thức cái nhan sắc mà trời phú cho cô ấy. Các ông sợ cái đẹp nó quyến rũ mình à? Ồ, nếu thế thì đâu phải là khí phách?

Người có gan vẫn có thể kết bạn với một cô gái đẹp, miễn là mình giữ lòng mình không sa ngã thôi, chứ cớ sao lại xua đuổi cái đẹp màn quan họ này, khi mà nó có đủ 3 phẩm chất cơ bản của văn nghệ là chân, thiện, mỹ? Đó là cái vốn đã lâu năm của dân tộc, cụ thể là của tỉnh Bắc Ninh, chứ đoàn văn công cũng chưa đủ tài năng để sáng tác hay như vậy đâu. Như cái tranh dân gian làng Hồ quê anh Hoàng Cầm, cái đánh ghen ấy mà tôi đã được xem, tôi rất thích cái anh đàn ông ôm khư khư hai quả dừa của cô vợ bé có tiếng cười ran ran, không để cho bà vợ cả xâm phạm vào. Thật là hay, ai dám đảm bảo là thô tục nào?

Vậy nên cái vốn văn hoá của dân tộc, chỗ nào là thô kệch, là nhố nhăng, tôi chắc các cụ ta hàng trăm năm nay đã gạn nó đi hết rồi, chỉ còn lại sự trong sáng cao quý mà thôi. Cụ Nguyễn Du tả nàng Kiều tắm mà “tắm trong trướng rủ màn che” thì là khoả thân chứ gì? Có thô tục đâu? (cười).

Cô Kiều tắm trần mà nhà thơ vẽ tranh - một bức tranh thanh tao, đẹp lồng lộng cho ta được thưởng thức, vậy chắc ông Thái Dũng cũng không nỡ mắng cô Kiều là chim chuột anh chàng Thúc Sinh chứ? (cười to).

Ông cũng không nỡ giằng lấy quyển Kiều trong tay con trai ông lúc nó đang học đến chỗ ấy chứ? (lại càng cười to). Đấy là ý kiến cá nhân Nguyễn Chí Thanh, chưa phải ý kiến của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đồng chí nào phản đối mấy lời tôi vừa nói xin cứ tự do, tôi càng hoan ngênh… Mà sở dĩ tôi có được mấy ý kiến ấy là nhờ công giúp đỡ để hiểu sâu về văn nghệ của các anh Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận, Mai Văn Hiền, Thanh Tịnh và nhiều anh chị em, chứ hồi mới chỉ là một anh huỵện uỷ viên loàng xoàng ở Bình Trị Thiên, tôi chưa có đủ hiểu biết mà nói như vừa rồi. Nào ai có ý kiến gì xin mời".

Vỗ tay... nhiều người đứng cả lên vỗ tay. Tôi thì chỉ muốn ôm hôn ngay vị tướng vừa đanh thép lại vừa hoa lá ấy.

Một lúc lâu sau mới có tiếng nói: “Đủ rồi đấy ạ. Xin được nghe kết luận của Chủ nhiệm Tổng cục”.

Anh Thanh nhìn đồng hồ: “Thế mà cũng 5 giờ rồi, vậy anh Hoàng Cầm và các anh có muốn nói gì nữa không?”. Tôi đáp: “Thưa đồng chí Chủ nhiệm, chúng tôi thấy rất yên tâm và chỉ còn chờ lệnh công tác, cả đoàn văn công xin hết sức cố gắng, trau dồi nghệ thuật dân tộc để phục vụ bộ đội tốt hơn nữa”.

Anh Thanh cười, “này các liền anh liền chị, cả Hoàng Cầm nữa , nghe chừng đói rồi đấy. Mình cũng đang kiến bò bụng đây, hay là để đến chiều mai cậu lên danh sách các tiết mục sẽ diễn trong thời gian từ nay đến cuối năm, có cả lời dẫn vắn tắt mà đầy đủ về nội dung chính trị và nghệ thuật đưa lên chỗ anh Lê Quang Đạo. Tôi sẽ ký duyệt sau. Nhưng thế này nhé - anh cao giọng nói vói gần trăm khán giả - xin mời các đồng chí giải tán về nhà suy nghĩ thêm, ai có ý kiến gì thật mới về màn quan họ này thì từ mai đến thẳng chỗ tôi báo cáo. Riêng các diễn viên và anh Hoàng Cầm ở lại ăn chiều với tôi. Tôi đã báo cơm ở chỗ nhà chị vừa lúc nãy muốn nói cho Đờ Cát nghe quan họ ấy”.

Có tiếng cười trong đám đông.

Mọi người ra về. Gió chiều nồm nam thổi mạnh hơn, trời rất xanh. Mây rất trắng, bay tới tấp. Lá cờ hội càng gặp gió càng lay động nhịp nhàng với những niềm rung cảm mới mẻ trong lòng tôi.

Lúc bấy giờ, anh Thái Dũng cũng đã xuống chân đồi. Tôi nhìn theo, thấy hình như anh bước đi ung dung thư thái mà vẫn dũng mãnh. Cái tay áo thõng thượt bên tay trái anh cũng cứ như xoắn bay theo chiều gió…".

Trái tim người lính