Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Nhà quân sự xuất chúng của dân tộc

Tiểu Vũ (tổng hợp)

26/08/2021 04:53

Theo dõi trên

25/8 là ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng tài ba, nhà quân sự xuất chúng của dân tộc.

vo-nguyen-giap-1629902429.png
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên cán bộ chiến sĩ Bộ tư lệnh 559 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU (Báo Tuổi trẻ) chụp lại

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết, Võ Nguyên Giáp (25 tháng 8 năm 1911 – 4 tháng 10 năm 2013), tên khai sinh là Võ Giáp, còn được gọi là tướng Giáp hoặc anh Văn, là một nhà lãnh đạo quân sự và chính trị gia người Việt Nam. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những người thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chính phủ Việt Nam đánh giá là "người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh", là chỉ huy trưởng của các chiến dịch trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954) đánh đuổi Thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam (1960–1975), thống nhất đất nước và Chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979) chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc.

Xuất thân là một giáo viên dạy lịch sử, ông trở thành người được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam. Ông được nhiều tờ báo ca ngợi là anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và cho tới nay là người duy nhất 2 lần được tặng thưởng Huân chương này (lần thứ nhất năm 1950 và lần thứ hai năm 1979).

Trong bài viết “Võ Nguyên Giáp - vị đại tướng của nhân dân” (Báo Đắk Lắk), tác giả Đinh Duy Linh viết: “Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những mốc son chói lọi lịch sử của dân tộc. Báo chí nước ngoài ca ngợi ông là thiên tài quân sự lớn của thế kỉ XX, chuyên gia vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân. Đối với mỗi người dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một biểu tượng tài đức vẹn toàn, gắn liền với chiến công đánh bại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.

Nhìn lại lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, có thể nói, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao lớn nhất trong sự nghiệp xây dựng, trui rèn cho đất nước Việt Nam một quân đội nhân dân anh hùng - từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Từ một đội quân chủ lực đầu tiên chỉ có 34 chiến sĩ, trang bị thô sơ, hoạt động du kích, dưới sự dẫn dắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đội quân đó đã đánh bại những kẻ thù xâm lược hung bạo nhất trong suốt 30 năm đất nước tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Đinh Duy Linh cũng nhận định: Thế giới cũng rất nể phục nhân cách, đức độ của Đại tướng, tôn vinh Đại tướng là Anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam, “một trong những thống soái lớn nhất của mọi thời đại” (nhà sử học người Anh Peter Mac Donald), “Người chuyển dịch dòng chảy lịch sử" trong thế kỷ XX và “một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại” (nhà sử học người Mỹ Cecil Curry). Các bộ sách lớn của nhiều nước xếp ông vào hàng các danh tướng tài ba của thế giới, từ thời cổ đại tới hiện đại ngày nay.

Các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự trên thế giới từng đặt ra vô vàn câu hỏi: Vì sao Tướng Giáp giành thắng lợi trước hàng chục sĩ quan, tướng lĩnh cao cấp của phương Tây được đào tạo bài bản, giúp Việt Nam khuất phục những đối thủ nắm tiềm lực vượt trội? Vì sao Võ Nguyên Giáp có thể lãnh đạo đội quân khởi đầu bằng chân đất, áo vải, vũ khí thô sơ đánh bại những đội quân hùng mạnh nhất thế giới?... Có lẽ, vì sao thầy giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp trở thành Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi vẫn mãi là câu hỏi khó có lời đáp thỏa đáng cho giới quân sự, tướng lĩnh nước ngoài và cả chính những đối thủ của ông. Nhưng với đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam, điều đó chỉ đơn giản bởi Võ Nguyên Giáp là người Việt Nam. Đúng như câu đối của một cựu chiến binh kính dâng lên Đại tướng: “Văn lo vận nước văn thành Võ. Võ thấu lòng dân võ hóa Văn”.

Tác giả Vũ Dương Thuý Ngà (Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL), cho biết: Nhà Sử học Hoa Kỳ Tiến sĩ John Prados, người đã viết hàng chục cuốn sách về thời kỳ chiến tranh Việt Nam, trong đó phần lớn đề cập tới Đại tướng khi được phỏng vấn "Ông nhìn nhận như thế nào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Việt Nam?" đã trả lời: "Dù là người lãnh đạo của Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng Tướng Giáp không xuất thân từ một chuyên gia quân sự cũng như chưa từng trải qua trường lớp quân sự chính quy nào. Ông tự học tất cả mọi điều qua thực tiễn và thử nghiệm."

Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, Đại tướng đã được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách công tác phát triển khoa học kỹ thuật. Ông luôn tâm huyết với vấn đề học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Vị tướng năm xưa thường xuyên có trong các cơ quan nghiên cứu, mặc áo trắng xuống các phòng thí nghiệm, cầm ô che mưa, xắn quần lội vào ruộng lúa, vườn cà, luống rau. Để ra được những quyết sách đúng đắn trong công tác khoa học, một lần nữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại lao vào tự học và tự tìm hiểu. Ông tìm đến các bách khoa toàn thư của Pháp, Anh về khoa học và khoa học kỹ thuật, ông gửi thư cho các nhà khoa học trong và ngoài nước để hỏi mượn và nhờ đặt mua tài liệu.

Những cuốn sách Des sciences et des techniques, Encyclopedie International, Encyclopedia Britanica, La science au 20e siècle... hiện vẫn được lưu giữ trong phòng làm việc của các thư ký tại nhà ông. Trong thời gian phụ trách công tác khoa học, ông luôn quan tâm đến các xu hướng trên thế giới, nắm bắt thực trạng của Việt Nam. Trong chỉ đạo và xây dựng định hướng phát triển khoa học Việt Nam, ông luôn quan tâm, lắng nghe các nhà khoa học và học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài.

Vũ Dương Thuý Ngà cũng viết: “Đại tá Trịnh Nguyên Huân, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vô cùng tự hào về những năm tháng được giúp việc cho Đại tướng. Nói về phong cách làm việc của Đại tướng, ông chia sẻ: "Cả cuộc đời Đại tướng luôn luôn tự học, tự nghiên cứu, nghe ý kiến rất nhiều chiều từ một vấn đề, trước khi đi đến một quyết định. Cách làm việc rất dân chủ và khoa học và luôn luôn giải quyết vấn đề xuất phát từ thực tiễn".

Riêng đối với thế hệ trẻ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn lưu ý là phải thường xuyên học tập bằng nhiều hình thức để không ngừng vươn tới đỉnh cao của văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Có như vậy mới chiến thắng được nghèo nàn và lạc hậu. Ông nhấn mạnh: "Vận mệnh và tiền đồ của đất nước phụ thuộc một phần quan trọng vào thế hệ trẻ... Để đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thanh niên và sinh viên phải có hoài bão và lý tưởng, có tri thức và kỹ năng. Phải "học, học nữa, học mãi, học suốt đời, học đến hơi thở cuối cùng".

Đại tướng đã đi xa, nhưng sự nghiệp của ông sẽ mãi trường tồn với đất nước. Thế hệ trẻ Việt Nam hãy cùng nhau gắng sức để đem hết tài trí và tâm lực của mình lập nên một Điện Biên Phủ trong khoa học công nghệ trong thời đại mới như Đại tướng hằng mong ước. Để làm được điều ấy, mỗi người cần nâng cao hơn nữa tinh thần tự học và ham đọc sách theo tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Nguồn tin từ Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTD cho biết, sáng 25/8, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: "Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam" theo hình thức trực tuyến tới 15 điểm cầu, với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Cuộc đời hơn 80 năm hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những mốc son lịch sử trọng đại đánh dấu quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Với tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao, đóng góp xuất sắc vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Cùng với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, Đại tướng là tấm gương mẫu mực về đạo đức, nhân cách của người chiến sĩ cộng sản, cống hiến hết mình vì nước, vì dân.

Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định, trải qua nhiều vị trí, hoạt động trên nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, một tài năng quân sự xuất chúng, có nhiều công lao to lớn đối với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với những thắng lợi oanh liệt của Quân đội, dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần làm thay đổi dòng chảy lịch sử của đất nước và thế giới.

 

 

 

 

 

                           

Bạn đang đọc bài viết "Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Nhà quân sự xuất chúng của dân tộc" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn